Nhận diện, sàng lọc “cán bộ uy tín giả”, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng
Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan giơ 1 ngón tay để gợi ý Nguyễn Văn Hậu đưa hối lộ 1 triệu đô-la Mỹ. Hành vi của bà Lan là một trong chín biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Do đó, nhận diện và đấu tranh, sàng lọc “cán bộ uy tín giả” sử dụng các chiêu thức để vòi tiền doanh nghiệp, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là vấn đề cấp bách hiện nay.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan sử dụng 1 ngón tay để gợi ý Nguyễn Văn Hậu đưa hối lộ cho bị can 1 triệu đô-la Mỹ
Nhận diện “cán bộ uy tín giả”
“Cán bộ uy tín giả” hay “cán bộ 100%” là cách nói ví von nhưng đầy chua xót về những cán bộ được bầu cử hay lấy phiếu tín nhiệm về một chức vụ hay chức danh lãnh đạo vốn giành được số phiếu 100% nhưng chính cán bộ đó, sau một thời gian (hoặc trước đó nhưng chưa bị phát hiện vì tinh vi che đậy bản chất thật của mình) đã suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực phải nhận các hình thức kỷ luật và bị xử lý hình sự.
Hoàng Thị Thúy Lan là “điển hình” đầy tai tiếng khi có hành vi nhận hối lộ trên 1 triệu đô-la Mỹ từ Nguyễn Văn Hậu (cựu Chủ tịch Hội đổng quản trị Tập đoàn Phúc Sơn).
Cựu chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu bị cáo buộc hối lộ 132 tỷ đồng nhằm thao túng hàng loạt lãnh đạo tỉnh thành rồi thực hiện chuỗi sai phạm, thu lợi số tiền khủng. Đồ họa: Hoàng Chương
Cựu Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan giơ 1 ngón tay với dụng ý buộc cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phúc Sơn đưa 1 triệu đô-la Mỹ. Theo tài liệu điều tra, vào sáng 19/3/2021, bà Lan gọi Hậu đến nhà riêng và nói: “Chị có việc, chuẩn bị ngay cho chị 1 triệu USD” và giơ 1 ngón trỏ bàn tay phải. Lúc đó, hiểu ý cựu bí thư, Hậu chỉ đạo chị gái mình chuẩn bị ngay 1 triệu USD để sau đó đưa cho bà Lan. Hành động giơ ngón tay của bà Lan khiến nhiều người mê chuyện chưởng nghĩ đến “Nhất dương chỉ”- môn võ công xuất hiện trong ba bộ truyện “Thiên long bát bộ”, “Anh hùng xạ điêu” và “Thần điêu đại hiệp” của nhà văn Kim Dung được sử dụng bởi các cao nhân của Thiên Long Tự thông qua chiêu thức “điểm huyệt” (dùng ngón tay xuất chỉ khí gây sát thương đối phương). Hành động giơ một ngón tay của bà Lan tuy moi được tiền của doanh nghiệp nhưng cũng đã dẫn đến kết quả "điểm huyệt" vào chính bản chất "cán bộ uy tin giả" của chính bị cáo.
Hiện tượng “cán bộ uy tín giả” Hoàng Thị Thúy Lan gây ảnh hưởng xấu trong dư luận và kéo theo hệ lụy một loạt cán bộ thuộc cấp của cựu Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan vào vòng lao lý. Điều này đặt ra việc tìm hiểu các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan; song, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu:
Một là, “cán bộ uy tín giả” dùng quyền uy của mình để ép buộc, mua chuộc, mặc cả nhằm “thâu tóm” quyền lợi cá nhân, hoặc tìm mọi chiêu trò, thủ đoạn thậm chí bè cánh, lợi ích nhóm.
Hai là, địa phương nơi người đứng đầu là “cán bộ uy tín giả” thì quy trình cán bộ chưa chặt chẽ. Biểu hiện rõ nhất là “đúng quy trình, sai cán bộ”, sai từ khâu lựa chọn cán bộ.
Ba là, do chủ nghĩa cá nhân sinh ra các cán bộ suy thoái, tha hóa. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân; vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”.
Đơn cử như bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan từng hứa “tiếp tục rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, đem hết tâm huyết và trí tuệ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạnh của Đảng, cho sự phát triển bền vững của tỉnh và hạnh phúc của nhân dân” khi nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014- 2018 vào ngày 29/12/2020 và dịp nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thanh tra" theo Quyết định 621/QĐ-TTCP ngày 10/11/2023 của Thanh tra Chính phủ. Thế nhưng, chính cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thúy Lan không những không nỗ lực phấn đấu như lời phát biểu mà "với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người đứng đầu Tỉnh ủy, chịu trách nhiệm cao nhất trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, trên cơ sở mối quan hệ cá nhân, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận 3 lần tiền với tổng số 25 tỷ đồng và 1 triệu USD từ bị cáo Nguyễn Văn Hậu" (theo Cáo trạng của Viện kiểm sát và các lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa xét xử bị cáo cùng các bị cáo khác).
Theo quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan đã thừa nhận hành vi phạm tội. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai các bị cáo và người có liên quan cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan - cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mức án từ 14-15 năm tù.
TAND TP Hà Nội tuyên án Cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan 14 năm tù về tội nhận hối lộ; các bị cáo khác: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành 12 năm tù; cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh 8 năm tù; cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước 7 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu - cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn bị tuyên 14 năm tù về tội đưa hối lộ, 9 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 7 năm tù về tội vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Tính nguy hại của “cán bộ uy tín giả” thoái hóa biến chất thật
Nghiêm trọng hơn là gây mất đoàn kết nội bộ, suy giảm sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp làm cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, của đất nước. Sự xuất hiện của loại “cán bộ uy tín giả” thường gây ra sự nghi kỵ trong nội bộ, thủ tiêu đấu tranh phê bình vì sợ để ý, trù dập từ loại cán bộ này. Cho nên, những sai phạm của cán bộ uy tín giả” sử dụng chiêu thức “nhất dương chỉ” được “đưa ra ánh sáng” thông qua kiểm tra, giám sát, điều tra của các ban, bộ, ngành ở Trung ương, chứ hiếm khi được phát hiện ở địa phương, nhất là cấp cơ sở.
Đặc biệt nghiêm trọng khi “cán bộ uy tín giả” là những kẻ cơ hội chính trị, đam mê chức vụ, cuồng vọng quyền lực lại được sự hà hơi, tiếp sức về tiền bạc, tài sản bởi các doanh nghiệp tư nhân; tự “đánh bóng tên tuổi” để chui sâu, leo từ thấp lên cao thậm chí cao nhất ở địa phương.
Đấu tranh, sàng lọc, loại trừ "cán bộ uy tín giả” ra sao?
Theo quy luật khách quan, muốn xóa bỏ một sự vật, hiện tượng hay quá trình thì loại bỏ nguyên nhân sinh ra nó, quá trình sàng lọc “cán bộ uy tín giả” cũng không phải là một ngoại lệ. Do đó, phải kiên quyết sàng lọc loại cán bộ hư hỏng, biến chất này với các giải pháp trước mắt và lâu dài, đó là:
Một là, phát hiện, nhận diện đúng “cán bộ uy tín giả” sử dụng chiêu thức “nhất dương chỉ”. Đây là điều kiện tiên quyết để sàng lọc đúng người. Thực tiễn đã chứng minh, đại đa số cán bộ có tỷ lệ phiếu tín nhiệm 100% là từ uy tín thật của họ. Do đó, không thể đánh đồng: “vàng thau lẫn lộn” giữa những cán bộ đạt 100% số phiếu tín nhiệm với nhau được. Quá trình nhận diện “cán bộ uy tín giả” phải đúng người, đúng việc, bảo đảm việc xem xét sự việc, phẩm chất của nhân sự một cách khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể để có kết luận chính xác, từ đó, có phương cách xử lý đúng đắn, kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, việc nhận diện không đơn giản, khi loại cán bộ này sử dụng mọi chiêu thức để che đậy hành vi tiêu cực, sai phạm của mình rất tinh vi. Do đó, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong nhận diện và đấu tranh, sàng lọc, dựa vào nhân dân để nhận diện; vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Kinh nghiệm các địa phương cho biết: nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi kha khá, là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc, nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng".
Hai là, để Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, Nhà nước ta thực sự là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân và vì nhân dân, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định, luật pháp để kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trên cơ sở tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ và thực chất các quy định của Đảng, trọng tâm là: Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Chỉ thị 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Đồng thời, nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, thể chế pháp luật và cơ chế, chính sách vượt trội để cán bộ “không còn, không thể, không dám, không muốn” tham nhũng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan - Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bị cáo Đỗ Thị Nhàn - Cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước (ảnh phải) bị truy tố với cáo buộc nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD. Đây là số tiền một người nhận hối lộ bị truy tố lớn nhất từ trước tới nay. Ảnh: Võ Tân
Ba là, kiên quyết đấu tranh tẩy trừ “chủ nghĩa cá nhân” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Đây là giải pháp suy đến cùng hiệu quả nhất, căn cơ nhất để đào thải “cán bộ 100%” tung chiêu thức “nhất dương chỉ”, vì: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”. Theo đó, chủ nghĩa cá nhân là hệ thống quan điểm, thái độ, hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu lợi ích của chủ thể trên cơ sở tuyệt đối hóa vai trò và lợi ích cá nhân, tách rời và đối lập, làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, xã hội; biểu biện rõ nhất trong “cán bộ uy tín giả” là bệnh tham lam: “bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”, bệnh này khi có tác nhân là những kẻ đưa hối lộ sẽ sinh ra tham ô, lãng phí, đây là “giặc nội xâm”, là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, “người cách mạng phải tiêu diệt nó” thông qua xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, nhất là xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; thông qua xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; thông qua tự ý thức rèn luyện của cán bộ, đảng viên.
Chủ động, tích cực thực hiện tốt chủ trương của Đảng về tinh gọn, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những nội dung trọng tâm của quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Bốn là, thực hiện tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Theo đó, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (Chỉ thị số 45) về công tác nhân sự đại hội là điều kiện tiên quyết để sàng lọc “cán bộ uy tín giả”.
Bắt đầu từ ngày 01/7/2025 toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) - “Đây không chỉ là sự kiện về mặt hành chính, mà là bước chuyển mình chiến lược, là đòi hỏi tất yếu khách quan của đất nước trong hành trình xây dựng những vùng động lực phát triển của quốc gia và khu vực, để xứng đáng với khát vọng "Việt Nam hùng cường vào năm 2045". Vì sự vững mạnh của dân tộc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định thành lập Ban Giám khảo, Tổ Thư ký Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu 80 năm ngày thành lập ngành Tòa án nhân dân"
-
Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp: Giữ vững ''phên dậu'' Tổ quốc!
-
Nhận diện, sàng lọc “cán bộ uy tín giả”, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
Bình luận