Bàn về việc giải quyết vấn đề dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong vụ án xâm phạm an toàn giao thông đường bộ

Việc giải quyết vấn đề dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong vụ án hình sự xâm phạm an toàn giao thông đường bộ còn nhiều bất cập do pháp luật chưa quy định cụ thể về: Xác định trách nhiệm bồi thường khi thiệt hại xảy ra do lỗi vô ý hoặc một phần lỗi cố ý của người bị thiệt hại; nguồn nguy hiểm cao độ bị người thứ ba tác động; phân định trách nhiệm bồi thường giữa chủ sở hữu và người chiếm hữu, sử dụng...

1. Bất cập trong quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong vụ án hình sự xâm phạm an toàn giao thông đường bộ

Thứ nhất, về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra do lỗi vô ý hoặc do một phần lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

Điểm a khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 loại trừ trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu khi “thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại”. Tuy nhiên, Điều 601 BLDS năm 2015 cũng như các quy định của pháp luật liên quan chưa dự tính trường hợp: Thiệt hại xảy ra do lỗi vô ý của người bị thiệt hại, hoặc người bị thiệt hại có một phần lỗi cố ý. Lúc này, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, những trường hợp không thuộc điểm a khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015 thì không loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Mặt khác, khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015 cũng khẳng định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi”. Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường khi thiệt hại xảy ra do lỗi vô ý hoặc do một phần lỗi cố ý của người bị thiệt hại là hợp lý.

Ví dụ: Khoảng 22 giờ 45 phút ngày 04/01/2019, sau khi sử dụng rượu bia, Nguyễn Đức A điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường Y để về nhà. Tuy nhiên, khi điều khiển xe đến trước số nhà 55 đường Y, do có nồng độ cồn trong khí thở là 0,703 mg/l và không chấp hành biển báo hiệu giao thông chỗ ngoặt nguy hiểm, không làm chủ được tốc độ, nên khi thấy xe mô tô do anh Phan Minh T điều khiển bị ngã ra đường, bị cáo không nhìn thấy anh T, Nguyễn Đức A đã để đầu xe ô tô của mình tông vào người anh T, gây ra tai nạn giao thông. Sau khi phát hiện tai nạn, do hoảng loạn và có người dân nói lên xe để lùi xe cứu nạn nhân, Nguyễn Đức A đã lên xe cài nhầm số làm cho xe chạy tới và kéo nạn nhân ra khoảng giữa đường, trước số nhà 67 đường Y. Hậu quả làm cho anh Phan Minh T bị thương, được đưa đi cấp cứu, sau đó tử vong tại bệnh viện.

Trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định bị cáo và bị hại đều có lỗi dẫn đến tai nạn giao thông. Tuy nhiên, bản án lại buộc bị cáo bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Quan điểm thứ hai cho rằng, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ và người bị thiệt hại cần liên đới chịu trách nhiệm khi thiệt hại xảy ra do lỗi vô ý hoặc một phần lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Bởi lẽ, điểm a khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015 chỉ khẳng định “thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại” thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường, nhưng không có nghĩa là các trường hợp khác họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015 cũng chỉ khẳng định chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi, mà không quy định họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Ví dụ: Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 12/7/2018, Đ điều khiển xe ô tô tải đi trên đường X. Khi đi qua khu vực ngã ba giao cắt giữa đường X với đường N, do không làm chủ tốc độ, xe ô tô do Đ điều khiển đã va chạm với xe mô tô do chị H điều khiển đi ngược chiều đang chuyển hướng rẽ trái vào đường N, hậu quả làm chị H bị tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 86%. Xét lỗi trong vụ án thì thấy: Anh Đ điều khiển xe không làm chủ tốc độ khi qua khu vực ngã ba, dẫn đến không xử lý kịp khi xe chị H chuyển hướng, gây tai nạn. Người bị hại là chị H khi tham gia giao thông tại đoạn đường giao nhau với đường không ưu tiên, giữa điểm va chạm là đoạn ngã ba đường thuộc khu vực đông dân cư, chị H điều khiển cho xe mô tô chuyển hướng rẽ trái đã không chú ý quan sát mặt đường, không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ cho phép để đảm bảo an toàn, không nhường đường cho xe ô tô đi trên đường chính. Chị H đã vi phạm khoản 3 Điều 24 Luật giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2018. Do vậy, xác định lỗi trong vụ án là lỗi hỗn hợp, người bị hại có một phần lỗi khi tham gia giao thông.

Đối với tổng số tiền người bị hại yêu cầu bồi thường, Hội đồng xét xử nhận định: Trong vụ án này, có một phần lỗi của người bị hại nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên yêu cầu bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền hơn một phần hai tổng số tiền người bị hại yêu cầu, tức là buộc bị cáo phải bồi thường 300 triệu đồng là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật. Do bị cáo đã bồi thường số tiền 45 triệu đồng nên cần buộc bị cáo tiếp tục bồi thường số tiền còn thiếu là 255 triệu đồng.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, khi thiệt hại xảy ra, việc xác định trách nhiệm bồi thường cần căn cứ vào Điều 601 BLDS năm 2015 và các điều luật liên quan khác để giải quyết, cụ thể là nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015: “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”.

Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015 là chưa rõ ràng và chưa bao quát hết các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn; dẫn đến không thống nhất khi xác định chính xác trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những trường hợp này.

Tác giả cho rằng, trước hết, cần áp dụng Điều 601 BLDS năm 2015 để loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có một phần lỗi cố ý hoặc có lỗi vô ý thì họ không được bồi thường tương ứng với phần lỗi của mình, để phù hợp với lẽ công bằng trong quan hệ dân sự. Trên cơ sở đó, cần bổ sung một khoản vào Điều 601 BLDS năm 2015 theo hướng: Trường hợp người bị thiệt hại có lỗi vô ý hoặc có một phần lỗi cố ý thì áp dụng nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 để giải quyết.

Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị người thứ ba tác động gây thiệt hại.

Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ và một số trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với họ, nhưng chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thứ ba tác động đến nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Ví dụ: Nguyễn Tuấn A làm nghề bơm vá xe đã có hành vi rải đinh trên đường cao tốc, Nguyễn Tiến C trong quá trình điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường đi đúng phần đường, đúng tốc độ thì xe cán phải đinh do A rải làm nổ lốp trước bên phụ, xe mất lái và lạm sang làn đường bên phải tông ngang thân của xe ô tô đi cùng chiều do Trần Hữu B điều khiển. Hậu quả B bị thương phải điều trị tại bệnh viện, 01 người ngồi trên xe tử vong tại chỗ, thiệt hại tài sản đối với Trần Hữu B là 200 triệu đồng.

Do pháp luật chưa quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này nên việc áp dụng pháp luật có sự khác nhau: Có trường hợp áp dụng Điều 601 BLDS năm 2015 buộc Nguyễn Tiến C là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại; hoặc áp dụng Điều 584 BLDS năm 2015 buộc Nguyễn Tuấn A là người rải đinh bồi thường thiệt hại; hoặc buộc chủ sở hữu và người thứ ba cùng liên đới bồi thường thiệt hại.

Theo tác giả, trong trường hợp này, lỗi gây thiệt hại hoàn toàn thuộc về người thứ ba, nên họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới đảm bảo lẽ công bằng. Nếu họ có lỗi hoàn toàn thì buộc phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu họ có một phần lỗi thì phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi của mình. Vì vậy, cần bổ sung một khoản vào Điều 601 BLDS năm 2015 theo hướng: Trường hợp người thứ ba tác động làm cho nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu hoặc người thứ ba và người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cùng có lỗi gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Thứ ba, về phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa chủ sở hữu và người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.

Đối với trường hợp chủ sở hữu giao tài sản cho người khác sử dụng nhưng chủ sở hữu vẫn đang trực tiếp quản lý tài sản đó, tác giả cho rằng, lúc này chủ sở hữu đang nắm giữ tài sản và thực hiện quyền chiếm hữu. Vì vậy, chủ sở hữu phải liên đới bồi thường thiệt hại cùng với người sử dụng tài sản. Tuy nhiên, pháp luật chưa điều chỉnh trường hợp này, dẫn đến việc nhận thức và áp dụng khác nhau.

Ví dụ: A là chủ xe chở B đi chơi. Trên đường đi thì A nói B cầm lái. B lái xe đi lấn làn đường ngược chiều, gây tai nạn làm chết 01 người, bị thương 01 người. Trường hợp này, B là người trực tiếp sử dụng tài sản và có lỗi gây tai nạn, còn A là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và đang chiếm hữu tài sản. Theo tác giả, A và B phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, cần sửa đổi khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015 theo hướng: Nếu chủ sở hữu trực tiếp chiếm hữu tài sản và chỉ giao quyền sử dụng cho người khác thì chủ sở hữu, người sử dụng tài sản phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Thứ tư, về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu và người sử dụng tài sản.

Khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015 quy định: Chủ sở hữu đã giao (nguồn nguy hiểm cao độ) cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, điều luật chỉ mới dự liệu trường hợp người chiếm hữu, người sử dụng là cùng một chủ thể. Tuy nhiên, nếu người chiếm hữu và người sử dụng là 02 chủ thể khác nhau thì sẽ phát sinh vướng mắc, vì quy định hiện hành chưa phân định trường hợp: Cần chuyển giao cả quyền chiếm hữu và quyền sử dụng hay chỉ cần chuyển giao một trong hai quyền thì được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Ví dụ: Ngày 15/5/2018, anh Trần Hoàng B giao xe mô tô của mình cho bạn là Nguyễn Quốc H (có giấy phép lái xe) mượn. Sau đó, anh H lại đưa xe cho Đặng Đình T điều khiển, còn anh H ngồi phía sau. Đến khoảng 18 giờ 15 phút cùng ngày, khi đi đến địa phận xóm 3, xã D, để vượt xe đi cùng chiều, Đặng Đình T đã điều khiển xe mô tô lấn sang phần đường bên trái và va chạm vào xe mô tô chạy ngược chiều do anh Hoàng Hải V điều khiển chở anh Phan Tuấn C ngồi phía sau. Tai nạn xảy ra làm anh Phan Tuấn C tử vong, hai xe mô tô bị hư hỏng nhẹ.

Trong vụ án này, chủ sở hữu là anh Trần Hoàng B, người chiếm hữu là Nguyễn Quốc H, người sử dụng là anh Đặng Đình T. Anh Trần Hoàng B giao xe cho anh Nguyễn Quốc H là thỏa thuận hợp pháp, không vi phạm điều cấm của pháp luật, nên anh B không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo tác giả, giữa H và T phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Vì thực tế, H đang chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ, nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; mặt khác, T là người trực tiếp điều khiển phương tiện và có lỗi dẫn đến tai nạn nên T cũng phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại là hợp lý.

Vì vậy, cần bổ sung vào khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015 quy định về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại giữa người chiếm hữu và người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ khi có thiệt hại xảy ra.

2. Đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở các căn cứ đã phân tích như trên, tác giả đề xuất sửa đổi khoản 2 và bổ sung thêm khoản 5, khoản 6 Điều 601 BLDS năm 2015 như sau:

“Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu đã giao (nguồn nguy hiểm cao độ) cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường; nếu chủ sở hữu trực tiếp chiếm hữu tài sản và chỉ giao quyền sử dụng thì chủ sở hữu, người sử dụng tài sản phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu người chiếm hữu, sử dụng tài sản là hai chủ thể khác nhau thì họ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác...

5. Trường hợp người bị thiệt hại có lỗi vô ý hoặc có một phần lỗi cố ý thì áp dụng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật này để giải quyết.

6. Trường hợp người thứ ba tác động làm cho nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu hoặc người thứ ba và người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cùng có lỗi gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.

Theo kiemsat.vn

CSGT đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông - Ảnh: TL

 

ThS. ĐINH CÔNG THÀNH - ThS. NGUYỄN THỊ TUYẾT LOAN