
Bảo vệ người không có khả năng lao động bền vững ở một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
(TCTA) - Các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật Bản đã triển khai nhiều chính sách bảo vệ nhóm người không có khả năng lao động bền vững, với các mô hình trợ cấp xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ y tế hiệu quả và phù hợp để Việt Nam học hỏi,tiếp thu. Bài viết phân tích các mô hình, chính sách bảo vệ tại các quốc gia này, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội và giúp cải thiện đời sống cho những người không có khả năng lao động bền vững.
Đặt vấn đề
Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, vấn đề bảo vệ người không có khả năng lao động bền vững đang là một thách thức quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới. Những người không có khả năng lao động bền vững bao gồm người khuyết tật, trẻ em và lao động cơ nhỡ, cần được bảo đảm quyền lợi về an sinh xã hội, y tế và đời sống kinh tế để có thể hòa nhập cộng đồng và chăm lo đời sống cá nhân một cách bền vững. Theo đó, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Đức đã triển khai các chính sách và mô hình bảo vệ các đối tượng này, từ hệ thống bảo hiểm xã hội, trợ cấp, hỗ trợ đào tạo nghề đến các chương trình khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi cho họ.
1. Những vấn đề lý luận về người không có khả năng lao động bền vững
Tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 có quy định nghĩa: “Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này”.
Người lao động (NLĐ) không có khả năng lao động bền vững là một bộ phận của NLĐ, là những người có thể làm việc, nhưng do những hạn chế nhất định về khả năng lao động hoặc điều kiện sống, họ không thể duy trì được một công việc bền vững và ổn định. Điều này có thể do nhiều yếu tố khác nhau tác động, cả từ phía cá nhân và môi trường làm việc.
Theo Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 của Liên hợp quốc thì quy định của Công ước này bắt buộc các quốc gia thành viên phải tạo điều kiện, giúp đỡ và bảo hộ đối với các bà mẹ trước và sau khi sinh con, mọi trẻ em và thanh thiếu niên không phụ thuộc vào xuất thân hoặc các điều kiện khác.
Vì vậy, việc xác định nhóm lao động này đồng thời nghiên cứu thực trạng và các quy định của pháp luật về bảo vệ NLĐ không có khả năng lao động bền vững tại nơi công cộng giúp xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, bảo đảm quyền lợi lao động và an sinh xã hội.
2. Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam về người không có khả năng lao động bền vững
2.1. Đối với người lao động là người chưa thành niên
Để giảm thiểu tình trạng lao động người chưa thành niên khi chưa đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động, đồng thời căn cứ vào thực tiễn và đánh giá các điều kiện thể chất, tinh thần của người chưa thành niên, BLLĐ 2019 đã điều chỉnh phạm vi về lao động chưa thành niên, cụ thể là trường hợp lao động chưa thành niên là người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi và người dưới 13 tuổi. Quy định này nhằm bảo vệ sự phát triển toàn diện của trẻ em, đồng thời bảo đảm tính phù hợp với các công ước quốc tế về quyền trẻ em, tránh để trẻ em phải tham gia lao động khi chưa đủ khả năng và điều kiện. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam vẫn chưa thực hiện hoàn toàn đầy đủ mục tiêu của quy định này khi vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ trẻ em tham gia lao động trái quy định mặc dù tỷ lệ lao động trẻ em đã giảm “thấp hơn 4,2% so với toàn cầu”[1]. Cụ thể:
Mặc dù Việt Nam đã quy định rất chặt chẽ và cụ thể về những trường hợp sử dụng lao động trẻ em (Điều 145 BLLĐ 2019) cũng như đề ra các nguyên tắc khi sử dụng lao động là người chưa thành niên (Điều 144 BLLĐ 2019), nhưng trên thực tế, việc áp dụng các quy định này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, việc bảo vệ lao động trẻ em tại các khu vực công cộng như vỉa hè, bến xe buýt vẫn chưa có quy định cụ thể. Tuy tình trạng lao động trẻ em làm các công việc như bán vé số hoặc làm việc tại các khu vực công cộng dễ dàng nhận thấy, nhưng lại khó được thống kê chính thức vì những công việc này không có hợp đồng lao động rõ ràng. Một trong những công việc phổ biến mà chúng ta dễ dàng bắt gặp là bán vé số, khi nhiều trẻ em phải vất vả đứng ở các ngã tư, vỉa hè hay bến xe buýt, tiếp xúc với môi trường không an toàn và tiềm ẩn nguy cơ bị lạm dụng
2.2. Đối với người lao động là người khuyết tật
Theo Điều tra người khuyết tật năm 2023 thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/02/2023 cho thấy “tỷ lệ người khuyết tật tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ người khuyết tật trong độ tuổi lao động đang làm việc trong nền kinh tế thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung”[2]. Theo số liệu thống kê, hiện nay có sự chênh lệch rõ rệt (khoảng 53,5%) giữa tỷ lệ người khuyết tật tham gia lực lượng lao động và tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế so với người không khuyết tật. Điều này phản ánh những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt khi tham gia vào thị trường lao động, mặc dù pháp luật Việt Nam đã có các quy định bảo vệ quyền lợi lao động của họ.
Bên cạnh đó, hằng năm đã có sự chuyển biến tích cực trong việc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận cơ hội nghề nghiệp theo các quy định của Việt Nam, khi “giới thiệu việc làm cho khoảng trên 20 nghìn lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%[3]”. Nếu so với tổng số hơn 7 triệu người khuyết tật, tỷ lệ này vẫn còn khá thấp, song tỷ lệ thành công trên 50% có thể được xem là một bước tiến quan trọng và chuyển biến tích cực, đặc biệt là khi các chương trình hỗ trợ vẫn đang trong quá trình mở rộng và cải thiện.
2.3. Đối với người lao động cơ nhỡ
Trong toàn bộ nền kinh tế, tỷ trọng lao động tự làm và lao động gia đình chiếm tới 45,8% (22,5 triệu người), thấp hơn tỷ trọng người làm công ăn lương (51,9%)[4].
Năm 2021, Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm. Lao động phi chính thức của Việt Nam không chỉ làm việc trong khu vực phi chính thức mà còn làm việc khá đông trong khu vực chính thức. Việt Nam có gần 6 triệu lao động phi chính thức trong khu vực chính thức, trong đó 47,8% nằm trong hộ sản xuất kinh doanh cá thể và 36,9% là trong các doanh nghiệp tư nhân[5].
Lao động chính thức có hợp đồng từ 01 năm đến 03 năm chiếm 43,5%, trong khi lao động phi chính thức chỉ chiếm 7,6%. Đối với hợp đồng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, lao động chính thức chiếm 4,4%, trong khi lao động phi chính thức chiếm 2,8%. Tỷ lệ lao động chính thức có hợp đồng dưới 03 tháng rất thấp, chỉ chiếm 0,2%, trong khi lao động phi chính thức có hợp đồng ngắn hạn lại chiếm 1,4%[6].
Lao động cơ nhỡ thường tập trung trong các ngành nghề dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng, cụ thể khoảng “25,7% (tương đương 9,3 triệu người, chiếm 19% tổng số lao động)[7]” làm việc trong lĩnh vực này.
3. Kinh nghiệm tại một số quốc gia
3.1. Kinh nghiệm tại Mỹ
Đối với vấn đề bảo vệ người không có khả năng lao động bền vững tại nơi công cộng, Chính phủ Mỹ đã tập trung vào hai mục tiêu chính: bảo đảm tài chính và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho nhóm đối tượng này thông qua các chương trình xã hội hay các văn bản pháp luật hiện hành.
Thứ nhất, Đạo luật Đổi mới và Cơ hội Lực lượng lao động (Workforce Innovation and Opportunities Act - WIOA) là một chương trình quan trọng của Mỹ nhằm hỗ trợ NLĐ, bao gồm cả những người không có khả năng lao động bền vững, tìm được việc làm phù hợp và bảo đảm được nguồn thu nhập tài chính, hỗ trợ sự phát triển của các nền kinh tế khu vực mạnh mẽ, năng động, nơi các doanh nghiệp phát triển mạnh và mọi người muốn sống và làm việc. Theo đó, Chính phủ đã có những chính sách về đào tạo và phát triển kỹ năng được quy định tại Tiêu đề I; hỗ trợ tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp được quy định tại Tiêu đề III; chương trình Hỗ trợ Đặc biệt cho Người khuyết tật thông qua Vocational Rehabilitation Services (đánh giá khả năng lao động, điều chỉnh công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe, cung cấp công nghệ hỗ trợ như thiết bị trợ thính, …) tại Tiêu đề IV và ưu tiên những nhóm dễ tổn thương bao gồm Job Corps, YouthBuild, Chương trình Người Mỹ bản địa và người da đỏ, chương trình Cơ hội việc làm tái nhập cảnh (REO) và chương trình Người lao động nông trại di cư và theo mùa[8].
Thứ hai, Luật Người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA). ADA là một bộ luật sâu rộng cấm phân biệt đối xử dựa trên tình trạng khuyết tật trong việc làm, nhà ở công cộng, dịch vụ công cộng, giao thông vận tải và viễn thông. Bộ luật này đã mang lại cho người khuyết tật sự bảo vệ, cũng giống như Đạo luật Civil Rights Act năm 1964 đã bảo vệ mọi người không bị phân biệt đối xử dựa trên cơ sở chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính và nguồn gốc quốc gia. Mặc dù có hạn chế nhất định, song Đạo luật ADA vẫn bảo đảm một số quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ khuyết tật. Cụ thể, nếu doanh nghiệp từ chối người khuyết tật (vì kỳ thị), thì người khuyết tật có quyền khởi kiện lên EEOC.
Đây là quy tắc cơ bản mà theo đó các chủ thuê lao động phải bảo mật mọi thông tin y tế mà họ nắm được từ người xin ứng tuyển công việc hoặc của một nhân viên. Có thể thấy, ADA đã có những tác động quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của những người không có khả năng lao động bền vững.
Thứ ba, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em. Với đối tượng là trẻ em, ngoài Đạo luật Phúc lợi Trẻ em (Child Welfare Act) đề cập tới việc bảo vệ trẻ khỏi lạm dụng, bỏ rơi và bóc lột hay Luật Lao động Trẻ em (Child Labor Laws) có quy định giới hạn độ tuổi, điều kiện làm việc an toàn, Mỹ cũng đã ban hành các đạo luật song song để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bỏ rơi cũng như phải lao động bất hợp pháp tại nơi công cộng. Đạo luật Phòng chống và Điều trị Lạm dụng Trẻ em (CAPTA - Child Abuse Prevention and Treatment Act) được ban hành vào năm 1974 quy định rằng các tiểu bang phải cung cấp sự bảo vệ đầy đủ cho trẻ em bị lạm dụng hoặc bỏ bê.
Trong các chính sách được đề cập trong dự thảo Luật Lưỡng đảng - đại diện cho công việc của nhiều thành viên của Ủy ban Phương tiện và Cách thức được ra đời nhằm cung cấp hỗ trợ quan trọng cho trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương đã được ký thành luật[9]. Chính phủ bảo đảm trẻ em và gia đình có những phúc lợi cần thiết nhằm tránh tình trạng trẻ bị đưa khỏi nhà và tách khỏi cha mẹ chỉ vì gia đình đang gặp khó khăn thông qua việc: giảm gánh nặng hành chính; cải thiện khả năng tiếp cận của các bộ tộc người da đỏ bằng cách hợp lý hóa nguồn tài trợ cũng như giám sát sự tham gia của nhà nước; hỗ trợ mở rộng các dịch vụ dựa trên bằng chứng để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng và bỏ bê trẻ em; hỗ trợ dịch vụ sau khi nhận con nuôi,...[10]. Giải pháp này mang tính lịch sử cho chương trình Phúc lợi trẻ em và chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người Mỹ, giúp trẻ em được phát triển một cách toàn diện để tiếp cận lao động một cách bền vững.
Thứ tư, Chương trình an sinh xã hội. Hệ thống an sinh xã hội tại Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi và phúc lợi cho người dân, từ trợ cấp hưu trí đến bảo hiểm y tế và hỗ trợ thất nghiệp. Với mục tiêu bảo vệ thu nhập và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, đặc biệt là người không có khả năng lao động bền vững, hệ thống này mang đến sự hỗ trợ cần thiết trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống. Hệ thống an sinh xã hội ở Mỹ là một chương trình liên bang cung cấp các khoản trợ cấp tài chính cho NLĐ và gia đình họ trong những thời điểm đặc biệt như khi nghỉ hưu, mất việc hoặc gặp phải tình trạng không còn khả năng lao động như khuyết tật... Xét về tổng quan, chương trình này bảo đảm cho người mất khả năng lao động hoặc không có khả năng lao động bền vững có thể nhận trợ cấp thông qua Social Security Disability Insurance (SSDI) hoặc Supplemental Security Income (SSI)[11]. Theo đó, các đối tượng không có khả năng lao động bền vững được hưởng những phúc lợi bao gồm: phúc lợi hưu trí và phúc lợi cho người khuyết tật.
3.2. Kinh nghiệm tại Nhật Bản
Thứ nhất, Đạo luật về Hỗ trợ toàn diện cho người khuyết tật. Đạo luật về hỗ trợ toàn diện cho người khuyết tật (Đạo luật số 123 năm 2005) là một trong những phúc lợi của Nhật Bản. Nó được viết tắt là Đạo luật hỗ trợ toàn diện cho người khuyết tật. Theo đó, Đạo luật này cung cấp toàn diện các phúc lợi liên quan đến các dịch vụ phúc lợi khuyết tật cần thiết, các dự án hỗ trợ cuộc sống cộng đồng và các hỗ trợ khác để người khuyết tật và trẻ em khuyết tật có thể sống cuộc sống hàng ngày và được hưởng các quyền cơ bản của con người. Mục đích của việc xây dựng Đạo luật này là nhằm 02 mục đích lớn là tập trung các dịch vụ phúc lợi cho người khuyết tật và xây dựng một xã hội nơi người khuyết tật có thể làm việc nhiều hơn. Bên cạnh đó, Đạo luật hỗ trợ từ phía phúc lợi để người khuyết tật có mong muốn và khả năng làm việc có thể làm việc tại các công ty… chẳng hạn như thành lập doanh nghiệp với mục đích chuyển sang làm việc thường xuyên (hỗ trợ chuyển đổi việc làm).
Thứ hai, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em. Nhật Bản có một hệ thống bảo vệ trẻ em khá toàn diện, với sự kết hợp giữa chính sách của Chính phủ, sự hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức phi lợi nhuận. Những văn bản như Luật Phúc lợi trẻ em (Đạo luật số 164, 1974 được sửa đổi và ban hành vào tháng 6/2022), Luật Ngăn chặn ngược đãi trẻ em hay Luật Lao động trẻ em đều quy định trách nhiệm của nhà nước và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành, bỏ rơi, đồng thời cho phép chính quyền can thiệp khẩn cấp khi cần thiết. Ngoài ra, các Đạo luật này cũng có những quy định hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn[12] để giảm thiểu tình trạng bỏ rơi trẻ em hoặc để trẻ em làm những công việc nguy hiểm hoặc quá sức. Ngoài ra, Nhật Bản cũng chú trọng đến sự phát triển toàn diện ở trẻ thông qua thúc đẩy sử dụng các dịch vụ phát triển lành mạnh cho trẻ em sau giờ học, tổ chức chương trình thăm nhà đối với các hộ gia đình có trẻ em sơ sinh (Mục 6 “Dịch vụ hỗ trợ trẻ em”, Đạo luật 164).
3.3. Kinh nghiệm tại Đức
Đức, một quốc gia nổi bật với nền kinh tế mạnh mẽ và phát triển bền vững, đã xây dựng một hệ thống pháp lý lao động đầy phức tạp và đa dạng để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và thúc đẩy sự công bằng trong xã hội.
Thứ nhất, về vấn đề an sinh xã hội. Đạo luật Trợ cấp công dân (Bürgergeldgesetz), có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, đã thay thế hệ thống Hartz IV và mở ra một cơ hội mới cho những công dân có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập. Đạo luật này nhằm mục đích hỗ trợ những người nhận trợ cấp có thể tái hòa nhập vào thị trường lao động thông qua các chương trình đào tạo nghề và tư vấn việc làm. Bên cạnh đó, nó còn giảm bớt sự nghiêm ngặt trong các yêu cầu tìm kiếm việc làm, bảo vệ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và bảo đảm rằng mọi công dân đều có thể duy trì mức sống tối thiểu. Đây là một bước tiến lớn trong việc xây dựng một xã hội không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời tạo cơ hội cho những NLĐ có thể phục hồi và tái hòa nhập với cộng đồng.
Ngoài ra, Đạo luật Chống phân biệt đối xử (AGG) tại Đức cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ, mục đích của luật là ngăn ngừa hoặc xóa bỏ sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc hoặc nguồn gốc dân tộc, giới tính, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, khuyết tật, tuổi tác hoặc bản dạng tình dục. Đạo luật này quy định rõ về việc phân biệt giữa đối xử trực tiếp, phân biệt đối xử gián tiếp, quấy rối và quấy rối tình dục.
Thứ hai, về mặt hợp đồng lao động, hợp đồng lao động không xác định thời hạn (Unbefristeter Arbeitsvertrag) tại Đức được xem là một sự bảo vệ tối ưu cho NLĐ, mang lại sự ổn định và an tâm trong công việc lâu dài. Với hình thức hợp đồng này, NLĐ không phải lo lắng về việc kết thúc hợp đồng trong tương lai, từ đó có thể tập trung vào công việc mà không phải chịu sự bất ổn. Những NLĐ này được bảo vệ một cách đầy đủ, từ bảo hiểm xã hội đến quyền lợi khi bị sa thải trái pháp luật, và họ còn được hưởng những quyền lợi khác theo luật định. Đặc biệt, các quy định về việc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cũng rất chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi cho cả NLĐ và người sử dụng lao động, bảo đảm tính công bằng trong mọi quyết định về việc làm.
Thứ ba, về việc bảo vệ lao động là lao động trẻ em trong quá trình tham gia lao động Đức cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em và thanh thiếu niên trong môi trường lao động. Đạo luật Bảo vệ Việc làm cho thanh niên (JArbSchG) đã đưa ra những quy định chặt chẽ để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi những công việc quá mức, nguy hiểm hoặc không phù hợp với độ tuổi của họ. Sắc lệnh về Bảo vệ trẻ em tại nơi làm việc (KindArbSchV) quy định rằng: “Trẻ em trên 13 tuổi và những người trẻ tuổi được yêu cầu đi học toàn thời gian không được phép làm việc, trừ khi Đạo luật Bảo vệ Việc làm cho Thanh niên và Mục 2 của Sắc lệnh này có quy định ngoại lệ”[13].
Tất cả các đạo luật và quy định này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của NLĐ mà còn thể hiện cam kết của Đức trong việc xây dựng một xã hội công bằng, nơi mỗi công dân đều có cơ hội phát triển và không bị bỏ lại phía sau.
4. Bài học cho Việt Nam
Thứ nhất, cần nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng, Việt Nam cần giải quyết hai vấn đề chính: giảm tình trạng phân biệt đối xử và tăng khả năng tuyên truyền toàn diện. Trên thực tế, hành vi phân biệt đối xử vẫn diễn ra hàng ngày không chỉ nơi làm việc mà còn ở các nơi công cộng, nhất là với nhóm người yếu thế như người khuyết tật, trẻ em. Vì vậy, Nhà nước không chỉ nên ban hành những quy định pháp luật mà cần đề ra những biện pháp thi hành hữu hiệu hơn nữa để người không có khả năng lao động bền vững được bảo vệ khỏi những hình thức phân biệt đối xử và có những chế tài cụ thể hơn để giải quyết những trường hợp vi phạm pháp luật. Nhà nước có thể tổ chức những chiến dịch truyền thông trên nhiều nền tảng như báo chí, mạng xã hội hay các chương trình truyền hình, kết hợp với rà soát và hoàn thiện chính sách bảo trợ xã hội, trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm y tế để bảo đảm người yếu thế được hỗ trợ đầy đủ.
Thứ hai, cần tăng cường cơ chế giám sát và cải thiện cơ sở vật chất đối với các cơ sở, trung tâm bảo trợ xã hội và nơi công cộng. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế giám sát việc thực thi các chính sách bảo trợ xã hội để tránh tình trạng bất cập thông qua việc đưa ra các quy định nhằm giúp các trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện đúng chức năng của mình. Bên cạnh đó, Nhà nước và các tổ chức có thể dựa vào kinh nghiệm của Nhật và Đức trong việc mở các chương trình đào tạo nghề và việc làm phù hợp với người khuyết tật, giúp họ tham gia thị trường và tự chủ tài chính. Việt Nam có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng và tạo điều kiện làm việc linh hoạt cho NLĐ, nhất là NLĐ có hạn chế về sức khỏe.
Thứ ba, thắt chặt vấn đề sử dụng NLĐ và quy định rõ ràng về hợp đồng lao động. Tại Nhật Bản và Đức đã có những quy định yêu cầu về tỷ lệ số lượng lao động khuyết tật tối thiểu trong doanh nghiệp, theo đó, nếu không đạt tỷ lệ tối thiểu sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phải đóng một khoản tiền và Quỹ hỗ trợ người khuyết tật. Đây là chính sách vô cùng thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm phù hợp, không chỉ trong các ngành thủ công mà còn trong cả các ngành nghề hiện đại.
Thứ tư, Nhà nước cần phải cải thiện hệ thống bảo trợ xã hội, mở rộng đối tượng thụ hưởng các phúc lợi xã hội, bảo đảm họ được hỗ trợ tài chính đầy đủ để có thể duy trì cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế cho người yếu thế là vô cùng cần thiết, giúp họ tiếp cận được các dịch vụ y tế mà không phải lo lắng về chi phí, đặc biệt là khi họ không thể tự chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Kết luận
Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức và Nhật Bản cho thấy rằng, việc xây dựng hệ thống bảo vệ người không có khả năng lao động bền vững một cách hiệu quả không chỉ dựa vào các chính sách trợ cấp tài chính mà còn phải kết hợp với các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ y tế và phát triển các mô hình bảo hiểm xã hội linh hoạt. Qua đó, sẽ tạo ra một môi trường xã hội công bằng, giúp người không có khả năng lao động ổn định cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
[1] Gia Đoàn, Tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam thấp hơn 4% trung bình toàn cầu, https://dantri.com.vn/an-sinh/ty-le-lao-dong-tre-em-cua-viet-nam-thap-hon-4-trung-binh-toan-cau-20240611174635953.htm, ngày truy cập 17/01/2025.
[2] Trang thông tin điện tử tổng cục thống kê, Thông cáo báo chí về kết quả điều tra Người khuyết tật năm 2023, https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2024/11/thong-cao-bao-chi-ve-ket-qua-dieu-tra-nguoi-khuyet-tat-nam-2023/, truy cập ngày 19/01/2025.
[3] Hạnh An, Hàng chục nghìn người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm mỗi năm, https://laodong.vn/cong-doan/hang-chuc-nghin-nguoi-khuyet-tat-duoc-day-nghe-tao-viec-lam-moi-nam-1273499.ldo, truy cập ngày 08/02/2025.
[4] Tổng cục thống kê, Báo cáo điều tra lao động việc làm 2021, Nxb. Thống kê, 2022, tr.36.
[5] Tổng cục thống kê, Tổng quan về lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam, Nxb. Thanh niên, 2022, tr.IX,
[6] Tổng cục thống kê, Tổng quan về lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam, Nxb. Thanh niên, 2022, tr.20.
[7] Tổng cục thống kê, Báo cáo điều tra lao động việc làm 2021, Nxb. Thống kê, 2022, tr.229.
[8] Speaker of the House of Representatives, One Hundred Thirteenth Congress of the United States of America, https://www.congress.gov/113/bills/hr803/BILLS-113hr803enr.pdf, truy cập ngày 08/02/2025.
[9] United States House Committee on Ways & Means, Cải cách phúc lợi trẻ em và hỗ trợ gia đình mang tính lịch sử đã được ký thành luật,https://waysandmeans.house.gov/2025/01/05/historic-child-welfare-reforms-and-family-supports-signed-into-law/ , truy cập ngày 08/02/2025.
[10] United States House Committee on Ways & Means, Cải cách phúc lợi trẻ em và hỗ trợ gia đình mang tính lịch sử đã được ký thành luật, https://waysandmeans.house.gov/2025/01/05/historic-child-welfare-reforms-and-family-supports-signed-into-law/, truy cập ngày 08/02/2025.
[11] Vicky Nguyễn, Tổng quan về hệ thống an sinh xã hội ở nước Mỹ, https://dinhcucacnuoc.com/an-sinh-xa-hoi-o-my/, truy cập ngày 04/01/2025.
[12]Xem Điều 21-5-2 đến 21-5-25, 21-5-29 đến 21-7 Đạo luật Phúc lợi trẻ em năm 1974 của Nhật Bản.
[13] Điều 1 Sắc lệnh về Bảo vệ trẻ em tại nơi làm việc (KindArbSchV) năm 1998 của Đức.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Lao động năm 2019.
2. Sắc lệnh về Bảo vệ trẻ em tại nơi làm việc năm 1998 của Đức.
3. Công ước về Quyền của người khuyết tật năm 2007.
4. Đạo luật đối xử bình đẳng chung năm 2006 của Đức.
5. Đạo luật Phúc lợi trẻ em năm 1974 của Nhật Bản.
6. Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên.
7. Gia Đoàn, Tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam thấp hơn 4% trung bình toàn cầu, https://dantri.com.vn/an-sinh/ty-le-lao-dong-tre-em-cua-viet-nam-thap-hon-4-trung-binh-toan-cau-20240611174635953.htm.
8. Glorianne R, Safeguarding Unwanted Children: US Laws and Your Options (Sep 4, 2023), Law & Liberty Blog, https://lawandlibertyblog.com/safeguarding-unwanted-children/.
9. Hạnh An, Hàng chục nghìn người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm mỗi năm, https://laodong.vn/cong-doan/hang-chuc-nghin-nguoi-khuyet-tat-duoc-day-nghe-tao-viec-lam-moi-nam-1273499.ldo.
Ảnh minh họa - Văn Quân.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
Về người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định
-
Chuyển đổi số ngành Tòa án nhân dân năm 2025
-
Thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình
Bình luận