Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định nghiêm ngặt hơn việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung

Trong thực tiễn giải quyết án hình sự, có rất nhiều vụ án bị kéo dài do Viện kiểm sát hoặc Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần. Điều này dẫn đến việc bị can, bị cáo bị tạm giam kéo dài, ảnh hưởng đến quyền con người trong tố tụng, không phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013.

Nhằm bảo đảm việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được tiến hành chặt chẽ, tránh lạm dụng kéo dài thời gian tố tụng, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016) đã bổ sung điều luật để quy định cụ thể các căn cứ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát nêu trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đồng thời để bảo đảm việc giải quyết vụ án được khẩn trương, BLTTHS 2015 quy định trường hợp tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nếu xét thấy có thể bổ sung chứng cứ, tài liệu thì Viện kiểm sát trực tiếp bổ sung mà không nhất thiết phải trả cho Cơ quan điều tra.

Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong thời hạn quyết định truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS 2015. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 và Điều 280 BLTTHS 2015. Hội đồng xét xử ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 298 và khoản 6 Điều 326 BLTTHS 2015.

Thời hạn điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 174 BLTTHS 2015: Thời hạn do Viện kiểm sát trả hồ sơ không quá hai tháng; do Tòa án trả hồ sơ không quá một tháng tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đến khi Cơ quan điều tra có bản kết luận điều tra bổ sung. Đặc biệt, Viện kiểm sát chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.

Theo đó, BLTTHS 2015 đã có những quy định nghiêm ngặt trong các quy định về điều tra bổ sung, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Thứ nhất, trường hợp mà còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề như có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Ai là người thực hiện hành vi phạm tội? Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ? Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra… mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được thì sẽ phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Quy định này rõ ràng hơn rất nhiều so với quy định của BLTTHS 2003 chỉ quy định đơn thuần là “chứng cứ quan trọng của vụ án”.

Thứ hai, trường hợp có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác. Trong trường hợp này, khi có căn cứ cho rằng bị can phạm thêm một tội hay nhiều tội khác, Viện kiểm sát không được tiến hành truy tố luôn về tội mới này mà phải tiến hành trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành xác định tội phạm, thu thập đầy đủ chứng cứ gửi lại cho Viện kiểm sát thì mới có thể tiến hành truy tố về cả tội đã phạm và cả tội mới.

Thứ ba, trường hợp có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can. Khi phát hiện bị can có đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án thì Viện kiểm sát có thể tiến hành tách từng vụ án ra để truy tố nhưng nếu không tách được thì Viện kiểm sát buộc phải trả hồ sơ lại cho cơ quan điều tra để bổ sung đồng phạm hoặc người phạm tội khác có liên quan trực tiếp tới vụ án vào hồ sơ.

Thứ tư, trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được giải thích là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Về cụ thể những trường hợp này bao gồm những gì thì sau khi có văn bản hướng dẫn sẽ quy định rõ và chi tiết.

Ngoài ra tại khoản 3 Điều 245 quy định, sau khi Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung thì cơ quan điều tra phải thực hiện đầy đủ những yêu cầu theo như trong quyết định trả hồ sơ của Viện kiểm sát và nếu vì lý do bất khả kháng hoặc vì lý do khách quan mà không thể tiến hành điều tra được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản gửi cho Viện kiểm sát, có thể cơ quan điều tra này sẽ ủy quyền điều tra cho cơ quan điều tra khác để thực hiện thay nhiệm vụ này.

Đối với các trường hợp Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát được quy định tại Điều 280 BLTTHS 2015. Những trường hợp mà Tòa án ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung có tính chất tương tự so với việc Viện kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Tuy nhiên về hệ quả của việc trả hồ sơ lại có các trường hợp sau:

Thứ nhất, nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn đến việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định, căn cứ ra quyết định đình chỉ quy định tại Điều 248 BLTTHS 2015.

Thứ hai, nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó. Trường hợp Viện kiểm sát không thể bổ sung được thì vẫn giữ nguyên quyết định truy tố trước đó và Tòa án tiến hành xét xử.

Thứ ba, nếu xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát có thể tự mình tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ bị thiếu. Nếu không tự mình điều tra được thì Viện kiểm sát chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra. Điều này khác với quy định của BLTTHS 2003 vì bộ luật này không quy định rõ trình tự trả hồ sơ vụ án của Tòa án cho Viện kiểm sát và Viện kiểm sát có thể tiếp tục trả hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Thứ tư, nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án.

Theo Luật sư Phan Thị Thu Nga – Đoàn Luật sư Hà Nội, ngoài các quy định của BLTTHS 2015, để hạn chế tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố, xét xử, Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT – VKSNDTC – TANDTC – BCA – BQP ngày 22/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong đó có các quy định cụ thể về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong giai đoạn truy tố để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Như vậy, theo các quy định pháp luật, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành tố tụng phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ để phát hiện các trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đồng thời phải kịp thời ra quyết định, không được để hết thời hạn quyết định truy tố hoặc hết thời hạn chuẩn bị xét xử mới ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đặc biệt, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng ban hành quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát, trong đó quy định kiểm sát viên sẽ bị xử lý kỷ luật nếu để xảy ra trường hợp tòa án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung có lỗi của mình vượt quá chỉ tiêu theo quy chế, quy định của ngành. Hy vọng với quy định mới cùng sự chuẩn bị nghiêm túc của các cơ quan chức năng, tình trạng trả hồ sơ lặp đi lặp lại sẽ chấm dứt và địa vị pháp lý của bị can sẽ không còn tình trạng bị “treo lơ lửng” như trước đây.

THÀNH CHUNG