Bổ sung 5 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Sáng 18/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024...

Các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thị Kim Oanh...

Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về việc đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tổng hợp, rút gọn về đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 04 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cụ thể: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Theo đó, đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua năm 2011, có hiệu lực thi hành năm 2021. Bên cạnh kết quả đạt được quá trình triển khai luật bộc lộ một số khó khăn, bất cập yêu cầu phải sửa đổi luật hiện hành. Theo đó, Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, với 03 nhóm chính sách: Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; Quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; Hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.

 

Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày báo cáo

Về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Luật Hóa chất đã được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực năm 2008 đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 15 năm thi hành pháp luật điều chỉnh hoạt động hóa chất đã phát sinh một số bất cập và khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi. Để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển công nghiệp hóa chất nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với sự phát triển của công nghiệp hóa chất, Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã được nghiên cứu hoàn thiện, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét,bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Theo đó, dự án được xây dựng với 04 nhóm chính sách: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại; Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm: Nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất trên cơ sở.

Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, Luật  Thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua năm 2008 và có hiệu lực thi thành năm 2009. Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, hồ sơ đề nghị xây dựng luật với 05 nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; Hoàn thiện quy định về cách tính thuế giá trị gia tăng; Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng. 

Đối với dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ xem xét thông qua tại Nghị quyết số 165, với 04 chính sách: Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu dao có tính sát thương cao; Cắt giảm, đơn giản hóa giấy tờ hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn trong giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng; Cho phép tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất trang bị, sử dụng; Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu sản xuất kinh doanh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thay mặt cơ quan thẩm tra về đề nghị bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo đó, Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi 04 Luật nêu trên để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành các luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc sửa đổi Luật Hóa chất, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Phòng, chống mua bán người cũng là kết quả thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15.

Hồ sơ đề nghị xây dựng các Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình. 

Các chính sách được đề xuất trong các dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đề nghị Chính phủ, trong quá trình soạn thảo các dự án Luật này sau khi được bổ sung vào Chương trình, cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, bảo đảm tính toàn diện của nội dung tổng kết, đánh giá tác động, tính khả thi và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật...

Căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trên cơ sở cân đối số lượng các dự án đã được đưa vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, kỳ họp thứ 8 và ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung Chương trình năm 2024 như sau:

(1) Đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 như đề nghị của Chính phủ. 

(2) Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi): Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (lùi một kỳ so với đề nghị của Chính phủ) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, đánh giá tác động, bảo đảm chất lượng dự án Luật. 

(3) Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi): đa số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp để sớm ban hành Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số ý kiến đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 hoặc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội, vì theo Chương trình đã được Quốc hội quyết định, tại kỳ họp thứ 7, Ủy ban Quốc phòng An ninh đã được giao chủ trì 05 dự án luật (bao gồm 04 dự án trình thông qua và 01 dự án trình cho ý kiến).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban nhận thấy, sau khi bổ sung 04 dự án Luật nêu trên, số lượng dự án trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 là rất lớn, trong khi số lượng dự án trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 còn hạn chế (03 dự án). Tuy nhiên, theo yêu cầu của Quốc hội, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất của Chính phủ thì thời gian tới còn nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết cần được các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình.

Vì vậy, đối với các dự án được đưa vào Chương trình năm 2024, nhất là các dự án mới được bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 7, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng các dự án luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đúng tiến độ quy định. Đối với đề xuất bổ sung mới các dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình thì đề nghị Chính phủ, các cơ quan, tổ chức chú trọng kiến nghị bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 8 để gối đầu sang năm sau và đưa vào Chương trình năm 2025, chỉ trong trường hợp thật cần thiết mới đề xuất bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 7. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc trình các nội dung phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Bộ ngành, trong đó Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ cần hạn chế các dự án trình UBTVQH xem xét quyết định bổ sung vào Chương trình. Mặc dù Luật có cho phép UBTVQH xem xét điều chỉnh chương trình nhưng chỉ bất đắc dĩ mới bổ sung, còn Chương trình xây dựng luât pháp lệnh hàng năm do Quốc hội quyết định. Dù Luật cho phép nhưng nên hạn chế, chỉ trình UBTVQH quyết định bổ sung điều chỉnh Chương trình những gì thực sự cấp bách đột xuất. Do đó, các cơ quan nên đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án để trình Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội cùng cho rằng trình các dự án Luật phải tính toán tổng thể như các luật về thuế không phải chỉ có riêng thuế VAT. Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu đã yêu cầu phải rà soát tổng thể với pháp luật về ưu đãi đầu tư, các luật về thuế…nên cần phải chủ động để tính toán tổng thể thuế gồm các luật về các loại thuế và Luật Quản lý thuế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng có gì làm nấy dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất. 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong các nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần quy định rõ trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện xây dựng luật đối với trường hợp phát sinh chính sách mới hoặc có sửa đổi bổ sung chính sách đã nêu cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với các nội dung cụ thể, đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án luật này liên quan chặt chẽ, tác động rất lớn đến sản xuất tiêu dùng, phòng chống tội phạm…nên có ngay từ đầu là phải xin ý kiến, đánh giá tác động rất kỹ, nhất là những ý kiến của các Hiệp hội người tiêu dùng, VCCI, những cơ quan đại diện cho người sản xuất và người tiêu dùng; không nên đặt ra những quy định làm khó cho doanh nghiệp và cho người dân trong quá trình này. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong phạm vi điều chỉnh của dự án luật này có những vấn đề giao thoa về quản lý nhà nước cần phải làm kỹ. Như đối với quản lý tiền chất ma túy, có những loại do Bộ Công Thương quản lý, có những loại do Bộ Y tế quản lý, liên quan đến xuất nhập khẩu thì liên quan trực tiếp đến Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, vấn đề tiêu chuẩn vấn đề quy chuẩn nhiều loại hóa chất này…Do đó, vấn đề phối hợp kiểm tra chuyên ngành phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều nội dung được quy định ở trong Nghị định để hướng dẫn Luật Hóa chất và các luật có liên quan. Vì vậy cần cố gắng mà Luật hóa được những nội dung lớn có trong các nghị định. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến vấn đề quy định về thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm linh hoạt. 

Về Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), Chủ tịch Quốc hội băn khoăn về phạm vi quy định mặt hàng chịu thuế VAT nhất là đối với nông sản. Trước đây làm rất kĩ lưỡng đối với vấn đề nông sản dù rất phức tạp nhưng sau này phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan đến hóa đơn VAT, cà phê, tôm, cá…thì vấn đề này lại không được tính toán đầu ra, đầu vào, mà lại loại trừ phạm vi rất lớn trong lĩnh vực này. Không thể vì gian lận ở 1 bộ phận mà hủy hết tất cả; nếu không sẽ không bảo đảm bản chất của thuế VAT; trường hợp có gian lận thì phải đấu tranh xử lý mạnh hơn nữa. Trong khi đó trong chính sách trong hồ sơ dự án luật cũng không đề cập đến vấn đề này.

Ngoài ra, về thuế VAT của thủy điện, nếu phân bổ thuế là không đúng bản chất. Thuế VAT đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư mở rộng, hiện còn nhiều nội dung được cử tri nêu ra cần được rà soát để sửa đổi. Vấn đề về phân bón đã tồn tại từ lâu đến nay chưa được giải quyết triệt để vấn đề thuế suất, đối tượng chịu thuế. Quy định về thuế VAT nằm ở nhiều nghị định khác nhau nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống nhất là đối với luật về thuế. Hoàn thuế VAT cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Sau khi thảo luận, với 100% biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

 

Toàn cảnh phiên họp- Ảnh: Qh.vn

BẢO THƯ