Cà Mau: Thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử
TAND tỉnh Cà Mau vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết, rút kinh nghiệm về thực hiện 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử của TAND hai cấp tỉnh Cà Mau.
Thực hiện Báo cáo số 38/BC-TA ngày 10/10/2017 của TANDTC về việc thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; trên cơ sở đặc điểm, tình hình tại đơn vị, TAND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-TA ngày 12/01/2018 (Kế hoạch 28) về thực hiện 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử; qua gần 05 tháng thực đã đạt được những kết quả nhất định về những nội dung giải pháp về: Tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân; Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải và công tác đối thoại; Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại án; Tăng cường công tác kiểm tra việc xét xử; Nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp; Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các Tòa án; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án; Làm tốt công tác thi đua khen thưởng.
Với 14 giải pháp đã thực hiện và đạt những kết quả nhất định nêu trên, thì có 4 giải pháp được đánh giá là nổi bậc nhất, với: Công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải và công tác đối thoại; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án.
Về công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật
Ngay từ đầu năm, ngoài việc làm tốt công tác triển khai liên tục, thường xuyên các văn bản, giải đáp, Nghị quyết của TANDTC, thì TAND tỉnh Cà Mau đã làm tốt công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho toàn thể Hội thẩm nhân dân hai cấp, cán bộ công chức Tòa án hai cấp, để không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ xét xử, giải quyết án; trong chương trình tập huấn, còn được lồng ghép với việc giới thiệu chuyên đề về giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, xây dựng tác phong người cán bộ Tòa án phải gần dân, học dân, hiểu dân… Các Thẩm phán cũng luôn nâng cao tinh thần tự nghiên cứu sâu, đề xuất xử lý những vướng mắc kịp thời khi giải quyết án. Điển hình là đơn vị TAND huyện U Minh đã đạt được đột phá quan trọng, nhờ vào sáng kiến sáng thường xuyên lựa chọn những điều luật còn chưa hiểu thống nhất để toàn thể đơn vị đưa ra ý kiến trao đổi, tranh luận, phản biện ý kiến, nhằm đi đến cách hiểu thống nhất, qua đó tăng cường nâng cao chất lượng giải quyết các loại án (06 tháng đầu năm đã giải quyết tăng 101 vụ việc so với cùng kỳ).
Về nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án
Công tác kiểm tra các bản án, quyết định của Tòa án hai cấp được tăng cường, qua công tác kiểm tra, phòng KTNV&THA đã ban hành văn bản rút kinh nghiệm trong việc viết bản án cả về nội dung và thể thức. Trong quá trình kiểm tra, có lưu ý đến việc xét xử cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền và án tạm đình chỉ. Bên cạnh đó, Phòng KTNV&THA còn thành lập đoàn kiểm tra kiểm tra hồ sơ án của Tòa án tỉnh và một số đơn vị Tòa án cấp huyện. Trong số đơn vị Tòa án cấp huyện, Tòa án Đầm Dơi có cách làm nổi bậc, thực hiện tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nâng cao chất lượng viết bản án, và hàng tháng tổ chức đánh giá các bản án, quyết định của Thẩm phán, từ đó rút ra nhiều bài học cho Thẩm phán từ hình thức cho đến nội dung của các bản án, quyết định (kể cả đúng đắn hoặc có sai sót). Các Thẩm phán, Thư ký mạnh dạn đóng góp với nhau những lỗi mắc phải theo mẫu tố tụng, cách hành văn, lập luận chưa hay, cách viết còn dài dòng… Qua đó mức độ sai lầm, thiếu sót từng bước được khắc phục.
Về nâng cao hiệu quả công tác hòa giải và công tác đối thoại
Qua 5 tháng, số vụ việc hòa giải thành là 1.046/2.753 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 38%), số vụ án hành chính đối thoại thành công là 02/16 vụ (tỷ lệ 12,5%). Phần lớn các Thẩm phán thực hiện nghiêm túc công tác hòa giải và đối thoại trong quá trình giải quyết các loại án dân sự và hành chính. Riêng Tòa án huyện Đầm Dơi thực hiện đổi mới việc tổ chức hòa giải ngoài trụ sở Tòa án đối với những vụ án xét thấy bị đơn không phản đối yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhưng lại không chấp nhận đến Tòa án để hòa giải, xét xử (trường hợp này nếu tiến hành các thủ tục xét xử vắng mặt theo quy định thì mất nhiều thời gian, kinh phí), hoặc các trường hợp khác thấy cần thiết tạo điều kiện cho nguyên đơn, bị đơn thỏa thuận với nhau.
Về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án
Tòa án hai cấp thực hiện tốt một số phần mềm ứng dụng mà Tòa án tối cao đã xây dựng; đã hoàn thành việc nối mạng trực tuyến từ phòng xét xử đến phòng làm việc của Chánh án Tòa án tỉnh. Khai thác tốt ứng dụng của hệ thống truyền hình trực tuyến của Tòa án tối cao để phục vụ tốt cho công tác hội, họp, tập huấn, rút kinh nghiệm… giữa Tòa án hai cấp đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Các đơn vị, cá nhân sử dụng khá tốt phần mềm quản lý công việc (VIC), và việc sử dụng còn mở rộng cho tất cả các Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án, nhằm cập nhật kịp thời các ý kiến chỉ đạo, phục vụ tốt hơn trong công tác. TAND tỉnh Cà Mau đã xây dựng và đưa vào sử dụng Phần mềm Quản lý nghiệp vụ TAND hai cấp tỉnh Cà Mau, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý của Tòa án hai cấp. Trang Thông tin điện tử của Tòa án luôn cập nhật thông tin thường xuyên và kịp thời về lịch xét xử, thông tin xét xử một số vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm nhằm thông tin kịp thời đến người dân về kết quả giải quyết án; kết quả tiếp công dân cũng được cập nhật thường xuyên.
**
Qua kết quả đạt được vẫn còn những mặt tồn tại, Hội nghị cũng nêu lên phương hướng tiếp tục thực hiện 14 giải pháp được nêu tại Kế hoạch 28 từ đây đến cuối năm, với sự quyết tâm cao của toàn thể cán bộ công chức, người lao động của đơn vị. Để tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng công tác xét xử, TAND tỉnh Cà Mau chọn giải pháp “Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án” là khâu đột phá trong năm 2018, bởi giải pháp này mang tính trực tiếp nhất, khả thi và liên quan đến tất cả giải pháp còn lại, tạo sự đồng bộ để nâng cao chất lượng xét xử.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Cà Mau Hà Thanh Hùng nhấn mạnh: Để thực hiện tốt giải pháp này, vai trò của các Tòa, Phòng, Văn phòng thuộc Tòa án tỉnh, các đơn vị Tòa án cấp huyện và từng cá nhân các đồng chí Lãnh đạo, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án đều rất quan trọng; ý thức cá nhân được nâng cao trong việc tự nghiên cứu, trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ công tác; chất lượng đội ngũ công chức có chức danh tư pháp ngày càng phải được nâng cao; công tác lãnh, chỉ đạo phải luôn được chú trọng; công tác kiểm tra được tăng cường; công tác thi đua khen thưởng phải được thực hiện kịp thời; sự phối hợp giữa các đơn vị ngày càng đồng bộ, hiệu quả. Từ đó, sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho việc thực hiện 14 giải pháp này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận