Các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật phá sản – Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Thực tiễn thi hành liên quan đến các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật phá sản còn có những bất cập, cần hoàn thiện.

1. Các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật phá sản
1.1. Các chủ thể tham gia thủ tục phá sản

– Chủ nợ: Chủ nợ có quyền nộp đơn không ưu tiên lựa chọn việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trên thực tế. Luật Phá sản năm 2014 vẫn chỉ trao quyền chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho chủ nợ không có bảo đảm hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần. Việc các chủ nợ có bảo đảm không được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ đề bàn luận trên nhiều diễn đàn nghiên cứu khoa học với các quan điểm trái chiều khác nhau. Tuy nhiên, có một thực trạng cần ghi nhận là: Đối với nhóm chủ nợ có quyền nộp đơn (chủ yếu là chủ nợ không có bảo đảm), họ thường không ưu tiên sử dụng quyền này trên thực tế. Đến giai đoạn thi hành quyết định tuyên bố phá sản, tài sản còn lại (tài sản không dùng để bảo đảm) được thanh lý theo thứ tự thanh toán được luật quy định. Thực tế, chủ nợ không có bảo đảm gần như không được phân chia hoặc nhận được với số tiền không đáng kể[1]. Do vậy, họ sẽ ưu tiên lựa chọn hướng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Và như vậy, ý nghĩa của việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không còn mang tính thực tế.

+ Việc đảm bảo quyền lợi chủ nợ có bảo đảm khi khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã được bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba chưa được quy định: Mặc dù pháp luật có quy định để công nhận tư cách “chủ nợ có bảo đảm” khi khoản nợ của một chủ nợ được đảm bảo bởi bên thứ ba, nhưng Luật Phá sản năm 2014 chưa có quy định cụ thể về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này. Quyền lợi các chủ nợ có bảo đảm nói trên có nhiều ảnh hưởng. Đây là vấn đề mà nhiều ngân hàng với tư cách là chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản có thể gặp phải. Theo quy định, sau khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ đề xuất thẩm phán về việc xử lý các khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ xử lý vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc phá sản. Tuy nhiên, việc tạm đình chỉ xử lý tài sản bảo đảm (quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Phá sản năm 2014) không áp dụng cho cả tài sản bảo đảm của một bên thứ ba. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản không đương nhiên có nghĩa vụ đề xuất xử lý tài sản bảo đảm của một bên thứ ba. Trong khi đó, khoản 3 Điều 55 Luật Phá sản năm 2014 quy định về nghĩa vụ bên bảo lãnh thực hiện thay cho bên được bảo lãnh (khi bên được bảo lãnh mất khả năng thanh toán) mà không hề đề cập đến việc xử lý tài sản được bảo đảm như thế nào. Thực tế rất nhiều trường hợp Tòa án chỉ giải quyết các nội dung liên quan đến tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản mà không xem xét đến việc xử lý các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba cho doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

+ Luật Phá sản năm 2014 và Luật Thi hành án dân sự  năm 2014 chưa thống nhất trong quy định về quyền yêu cầu định giá lại tài sản của chủ nợ: Theo quy định của pháp luật phá sản, chủ thể có thẩm quyền yêu cầu định giá lại là chấp hành viên. Khoản 1 Điều 123 Luật Phá sản năm 2014 có quy định về việc định giá lại tài sản, cụ thể: “Việc định giá lại tài sản được thực hiện khi có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 122 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản”; khoản 2 Điều 17 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định: “Nếu phát hiện quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phá sản, pháp luật về định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản, chấp hành viên yêu cầu quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá lại tài sản, trừ trường hợp quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đó bị thay đổi theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định này”.

Như vậy, Luật Phá sản năm 2014 đã thu hẹp các trường hợp định giá lại so với Luật Thi hành án dân sự, đồng nghĩa với nó là những chủ nợ (người được thi hành án) không có quyền yêu cầu việc định giá lại như quy định tại Điều 99 Luật Thi hành án dân sự năm 2014, điều này có khả năng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án[2].

– Người lao động: Khoản 2 Điều 77 Luật Phá sản năm 2014 quy định đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền tham gia hội nghị chủ nợ. Tuy nhiên, nếu như Luật Phá sản năm 2004 có quy định cụ thể về cơ chế cử đại diện cho người lao động (tại khoản 1 Điều 14) thì Luật Phá sản năm 2014 hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này. Do đó, người lao động khó có định hướng cụ thể trong việc ủy quyền cho chủ thể tham gia hội nghị chủ nợ.

Trên thực tế, rất hiếm gặp trường hợp người lao động thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của mình. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi thủ tục phá sản được tiến hành, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán đứng trước hai khả năng: Một là, phục hồi thành công; hai là, bị tuyên bố phá sản. Điều đáng buồn trong thực tế là việc mở thủ tục phá sản thường đồng nghĩa với việc tìm ra cách thức tốt nhất để chia sẻ tổn thất tài chính chứ không phải là triển vọng phục hồi được hoạt động kinh doanh[3]. Vì vậy, việc thông qua thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi, người lao động tránh được tình trạng mất việc không được kỳ vọng lớn lao. Theo khoản 7 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012, khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, đương nhiên các hợp đồng lao động mà doanh nghiệp đã ký sẽ chấm dứt. Mặc dù, người lao động được ưu tiên thanh toán song nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản sau khi thanh toán hết cho chủ nợ có bảo đảm, chi phí phá sản thì nguy cơ người lao động không nhận được thanh toán là rất lớn. Chính vì vậy, sự quan tâm, hào hứng của người lao động về việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là không nhiều, còn chưa kể đến cơ chế người lao động cử đại diện không được quy định chi tiết.

– Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán: Với những người điều hành doanh nghiệp, việc mở thủ tục phá sản có vai trò nhất định như để doanh nghiệp có thể rút khỏi thị trường đồng thời giảm áp lực thanh toán nghĩa vụ tài sản hoặc doanh nghiệp có cơ hội được phục hồi. Vậy nhưng thực tế vẫn tồn tại các doanh nghiệp không muốn nộp đơn mở thủ tục phá sản. Sở dĩ như vậy là vì nhiều doanh nghiệp khi thành lập đã kê khai vốn điều lệ lớn nhưng chủ yếu là vốn ảo hoặc quá trình hoạt động có nhiều giao dịch chuyển tài sản không rõ ràng[4]… Nếu doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, khả năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra lại quá trình hoạt động và phát hiện ra nhiều sai phạm, thì người góp vốn hay người điều hành phải chịu trách nhiệm pháp lý hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này gây ra tâm lý e ngại cho phía doanh nghiệp hay đúng hơn là những người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thực thi quyền nộp đơn của mình.

Bên cạnh đó, các chủ nợ có bảo đảm cũng không muốn doanh nghiệp, hợp tác xã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với muôn vàn lý do: Sẽ bị phát lộ những việc sai phạm trong cho vay, định giá tài sản trước đây; tài sản bảo đảm bị tẩu tán không còn… Mặt khác, việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có thể làm cho việc xử lý tàn sản bảo đảm lại phụ thuộc vào quyền quyết định của các chủ nợ không có bảo đảm. Chính vì thế, các chủ nợ có bảo đảm như các tổ chức tín dụng, thường chọn cách xử lý trực tiếp tài sản bảo đảm trước khi doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện quyền nộp đơn.

1.2. Các chủ thể tiến hành thủ tục phá sản

– Chánh án Tòa án nhân dân, thẩm phán: Thực tế hiện nay được ghi nhận là thời gian giải quyết các vụ việc phá sản tại Tòa án nhân dân là chậm trễ[5]. Trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, có thể kể đến một số nguyên nhân xuất phát từ thực tiễn hoạt động tại Tòa án và thẩm phán: (i) Số lượng các vụ việc cần được giải quyết đang đặt ra cho thẩm phán vô vàn thử thách, áp lực; (ii) Năng lực về của thẩm phán giải quyết vụ việc phá sản còn nhiều tồn tại. Nếu thực sự các chủ thể có quyền nộp đơn cùng một lúc tiến hành nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thì quả thật khó Tòa án nào đủ năng lực để giải quyết tất cả các vụ việc[6]; (iii) Theo quy định mới, nếu trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, thẩm phán xử lý tranh chấp về tài sản (nếu có) trước khi ban hành quyết định tuyên bố phá sản. Hiện giờ vụ tranh chấp được tách riêng thành vụ việc dân sự và là điều kiện cần để hoàn tất thủ các bước tiếp theo trong thủ tục phá sản. Như vậy, thời gian giải quyết vụ việc phá sản lại kéo dài hơn.

Ngoài ra, thực tế cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp lợi dụng thủ tục phá sản để né tránh trách nhiệm hình sự. Trong khi đó thẩm phán rất khó có đủ điều kiện (bao gồm điều kiện khách quan và điều kiện chủ quan) để đánh giá báo cáo tài chính của doanh nghiệp một cách chính xác.

– Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản: Chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định cụ thể tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (Nghị định số 22/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên, Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về mức thù lao của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản đối với trường hợp doanh nghiệp phá sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có nghị quyết của hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản (Điều 107 Luật Phá sản năm 2014). Vì thế, việc tính chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ khó khăn trong thực tế áp dụng.
Các quy định pháp luật hiện hành cũng như thực tế hoạt động làm cho các quản tài viên chưa chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý, thanh lý tài sản. Trong khi điều kiện để trở thành quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hiện đang đơn giản quá. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về việc quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nhận thức quyền hạn của mình cũng như cơ sở thực thi của họ.

– Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên trong quá trình giải quyết phá sản: Tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên Nghị định trên mới chỉ quy định chi phí thực hiện phá sản trong trường hợp quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện còn trong trường hợp chấp hành viên thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản (theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản năm 2014) và thực hiện việc thanh lý tài sản (theo quy định khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014) thì chưa quy định rõ ai là người phải chi trả những chi phí trên. Mặt khác, theo quy định tại Điều 73 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định về chi phí cưỡng chế đã quy định rõ trường hợp nào người phải thi hành án chịu, trường hợp nào người được thi hành án chịu và trường hợp nào thì ngân sách nhà nước chịu. Tuy nhiên, đối với trường hợp thi hành quyết định tuyên bố phá sản thì không có người phải thi hành án, do đó, các chi phí khi chấp hành viên thực hiện các công việc trên có được được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán hay không?

2. Kinh nghiệm một số nước về các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật phá sản

– Chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Ở hầu hết các nước, các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp trước hết là các chủ nợ của doanh nghiệp mắc nợ và doanh nghiệp mắc nợ (con nợ); đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải làm bằng văn bản. Thông thường thì các chủ nợ có bảo đảm một phần và các chủ nợ có bảo đảm khác đều có quyền yêu cầu Tòa án xem xét, quyết định mở thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của con nợ phải được gửi kèm theo danh sách các chủ nợ và yêu cầu của các chủ nợ. Tùy theo pháp luật phá sản ở các nước mà trong trường hợp con nợ là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh còn phải cung cấp thêm các thông tin cần thiết khác[7].

Trong khi đó, theo Luật Phá sản Việt Nam năm 2014 thì các chủ nợ không có bảo đảm và các chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản; còn các chủ nợ khác có bảo đảm thì không có quyền này.

Đại diện cho doanh nghiệp mắc nợ có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu Tòa án xem xét, quyết định mở thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp. Đồng thời, pháp luật phá sản ở một số nước còn quy định chế tài rất nặng (có thể phạt tù, phạt tiền, bồi thường) đối với người đại diện cho doanh nghiệp không nộp đơn kịp thời hoặc nộp đơn không đúng… Ví dụ như Luật Phá sản hiện hành của Cộng hòa liên bang Đức quy định trường hợp một pháp nhân mất khả năng thanh toán hoặc tài sản của pháp nhân thấp hơn các khoản nợ hiện có của pháp nhân đó thì các thành viên của cơ quan đại diện của pháp nhân nhìn chung không được chậm trễ, chậm nhất là trong vòng ba tuần sau khi xuất hiện tình trạng mất khả năng thanh toán hoặc khi tài sản của pháp nhân thấp hơn các khoản nợ hiện có của pháp nhân đó, phải có nghĩa vụ đệ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Người nào phải thực hiện nghĩa vụ này mà không đệ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, đệ đơn không kịp thời hoặc đệ đơn không đúng thì có thể bị phạt tù đến ba năm hoặc phạt tiền; trường hợp vô ý mà vi phạm thì bị phạt tù đến một năm hoặc bị phạt tiền[8].

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật Phá sản năm 2014 thì khi nhận thấy doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 đã không quy định chế tài cụ thể đối với việc thực hiện nghĩa vụ này và doanh nghiệp mắc nợ không nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ nộp đơn. Điều đó đã ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật Phá sản.

– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu phá sản
Ở hầu hết các nước hiện nay, thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp được tiến hành thông qua Tòa án. Luật phá sản ở các nước thường quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết phá sản.
Điều 2 Luật Phá sản năm 1999 của Cộng hòa liên bang Đức quy định chỉ có Tòa sơ thẩm nơi mà một Tòa án bang có trụ sở, là Tòa phá sản có thẩm quyền đối với khu vực của Tòa án bang đó. Thẩm quyền về mặt lãnh thổ chỉ thuộc Tòa phá sản ở khu vực nơi mà con nợ có Tòa án có thẩm quyền chung của mình. Nếu hoạt động kinh doanh của con nợ tập trung ở một địa điểm khác, thì chỉ có Tòa phá sản ở khu vực của nơi đó có thẩm quyền. Trường hợp nhiều Tòa án có thẩm quyền thì Tòa án đầu tiên nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là Tòa án có thẩm quyền trong trường hợp này.

Theo Điều 3 Hiến pháp Hoa Kỳ, phá sản là một trong những lĩnh vực  thuộc thẩm quyền xét xử đặc quyền của hệ thống Toà án liên bang. Cụ thể hóa nội dung này, Luật Phá sản liên bang Hoa Kỳ năm 1978 thiết lập một hệ thống Tòa án phá sản mới do Tòa án tối cao liên bang của Hoa Kỳ quản lý. Luật Phá sản liên bang Hoa Kỳ năm 1984 tiếp tục tái cấu trúc hệ thống Tòa án phá sản, đã trao cho các Tòa án cấp sơ thẩm liên bang của Hoa Kỳ quyền xét xử ban đầu và duy nhất đối với các vụ phá sản. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm liên bang không có thẩm quyền tài phán duy nhất đối với các vụ án dân sự phái sinh từ các vụ phá sản đó. Tòa án cấp sơ thẩm liên bang nơi mà vụ phá sản được xem xét có toàn quyền quyết định đối với tài sản của con nợ. Để xét xử một vụ phá sản, một phân Toà phụ trách phá sản được thiết lập như là một đơn vị của mỗi Toà án cấp sơ thẩm liên bang hoặc đơn giản chỉ thành lập một Hội đồng gồm 03 thẩm phán xử lý vụ phá sản đó (Panel). Khi giải quyết phá sản, các đơn vị này được trao thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm liên bang được quy định cụ thể bởi luật. Tòa án phúc thẩm có quyền xét xử đối với các kháng nghị từ phân Tòa phụ trách phá sản hoặc Panel. Đối với các vấn đề khác có liên quan đến vụ phá sản, trừ khi các bên đồng ý, chỉ có Toà án cấp sơ thẩm mới có thể đưa ra một phán xét cuối cùng dựa trên những chứng cứ được đệ trình và những kết luận pháp lý của các Thẩm phán phụ trách việc giải quyết phá sản[9].

– Người quản lý tài sản, thanh lý tài sản
Nhìn chung, trong pháp luật phá sản của các nước thì thiết chế này thường được gọi là nhân viên quản lý tài sản hay người tiếp nhận tài sản của doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán. Đa số các nước có nền kinh tế phát triển như Đức, Úc, Pháp, Nhật Bản… đều yêu cầu phải có một nhân viên do Tòa án chỉ định để thực hiện chức năng quản lý tài sản của con nợ lâm vào tình trạng phá sản và giao cho nhân viên này thẩm quyền khá rộng rãi trong việc giải quyết phá sản[10].

Pháp luật phá sản ở nhiều nước trên thế giới (Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Hoa Kỳ…) đều đề cao vai trò của người quản lý tài sản (quản tài viên). Mặc dù có tên gọi thường không giống nhau, nhưng người quản lý tài sản ở các nước này nhìn chung đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ và có vai trò gần giống như quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản quy định tại Luật Phá sản năm 2014. Tại Hoa Kỳ, tín thác viên là người được ủy thác quản lý tài sản, là người đại diện hợp pháp thay mặt chủ sở hữu thực hiện các quyền năng đối với tài sản được ủy thác và tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập và vì vậy có thể trở thành nguyên đơn hoặc bị đơn trong các quan hệ pháp luật cụ thể. Tùy theo thủ tục tố tụng, tín thác viên có thể do các chủ nợ bầu ra hoặc do Tòa án chỉ định theo quy định của pháp luật phá sản Hoa Kỳ. Tín thác viên có trách nhiệm thu thập, phát mại và phân chia tiền thu được của con nợ cho các chủ nợ[11].

3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật phá sản

Thứ nhất, pháp luật cần bổ sung quy định để bảo đảm quyền lợi cho chủ nợ có bảo đảm trong giao dịch bảo đảm với bên thứ ba. Hiện nay, Luật Phá sản năm 2014 mới chỉ quy định về việc xử lý tài sản có bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã dùng tài sản của mình đảm bảo với chủ nợ. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã được bên thứ ba dùng tài sản để đảm bảo với chủ nợ thì chưa có quy định về việc xử lý tài sản đó. Trong khi Luật công nhận tư cách chủ nợ có đảm bảo khi khoản nợ của một chủ nợ được bảo đảm với bên thứ ba. Rõ ràng, Luật Phá sản năm 2014 hiện nay đang thiếu quy định cụ thể về việc giải quyết các nội dung liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã được bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba.

Thứ hai, cần có sự đồng bộ giữa Luật Phá sản năm 2014 và Luật Thi hành án dân sự năm 2014 về quyền yêu cầu định giá lại của chủ nợ. Theo Luật Phá sản năm 2014, chỉ có chấp hành viên mới có quyền yêu cầu định giá lại, chủ nợ không có quyền yêu cầu định giá lại tài sản. Tuy nhiên, theo Luật Thi hành án dân sự năm 2014, chủ nợ (với tư cách là người được thi hành án) có quyền yêu cầu việc định giá lại tài sản. Để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, tác giả thiết nghĩ, Luật Phá sản năm 2014 cần bổ sung quyền được yêu cầu định giá lại tài sản của chủ nợ.

Thứ ba, Luật Phá sản năm 2014 cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế người lao động cử đại diện. Luật Phá sản năm 2014 hoàn toàn không đề cập đến cơ chế cụ thể rõ ràng về việc người lao động cử đại diện, điều đó làm người lao động khó định hướng trong việc ủy quyền cho chủ thể tham gia hội nghị chủ nợ. Trong khi đó, khoản 1 Điều 14 Luật Phá sản năm 2004 có quy định cụ thể về việc người lao động cử đại diện: “Đại diện cho người lao động được cử hợp pháp sau khi được quá nửa số người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký; đối với doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô lớn, có nhiều đơn vị trực thuộc thì đại diên cho người lao động được cử hợp pháp phải được quá nửa số người được cử làm đại diện từ các đơn vị trực thuộc tán thành”.

Thứ tư, cần có hướng dẫn cụ thể về mức thù lao cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cũng như chấp hành viên khi họ tham gia vào thủ tục phá sản.

Thứ năm, việc giải quyết các vụ việc phá sản có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều khía cạnh pháp lý khác nhau, nhiều chủ thể khác nhau, do đó, để hiểu và áp dụng đúng, thống nhất pháp luật phá sản thì cần nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật phá sản như: Các thẩm phán, quản tài viên… Tòa án nhân dân tối cao cần định kỳ tổ chức các hội thảo chuyên đề, khóa đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ của thẩm phán, thư ký Tòa án trong việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản; cần có kế hoạch đào tạo thẩm phán chuyên trách về án kinh tế nói chung và giải quyết các vụ việc phá sản nói riêng. Cần xây dựng chương trình đạo tạo và cấp chứng chỉ quản tài viên. Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật phá sản rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã trong cả nước./.

Theo tcdcpl.moj.gov.vn

 


[1] Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, “Nghịch lý chủ nợ sợ con nợ” (http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/nghich-ly-chu-no-so-con-no-171570.html), truy cập ngày 09/4/2018.
[2] Http://thads.moj.gov.vn/kontum/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=19.
[3] Http://bankprovn.blogspot.com/2014/12/tac-ong-cua-thu-tuc-pha-san-toi-nguoi.html.
[4] Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, “Nghịch lý chủ nợ sợ con nợ” (http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/nghich-ly-chu-no-so-con-no-171570.html), truy cập ngày 9/4/2018.
[5] Đại học Luật Hà Nội, Bộ môn Luật Thương mại, Tọa đàm Luật Phá sản năm 2014 – Nhìn từ góc độ thực tiễn thi hành, Hà Nội, 16/8/2017.
[6] Đại học Luật Hà Nội, Bộ môn Luật Thương mại, Tọa đàm Luật Phá sản năm 2014 – Nhìn từ góc độ thực tiễn thi hành, Hà Nội, 16/8/2017.
[7] Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Trung tâm nghiên cứu khoa học, Chuyên đề nghiên cứu: Kinh nghiệm nước ngoài về phá sản doanh nghiệp, Hà Nội, tháng 10/2013, tr. 11.
[8] Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Trung tâm nghiên cứu khoa học, Chuyên đề nghiên cứu: Kinh nghiệm nước ngoài về phá sản doanh nghiệp, Hà Nội, tháng 10/2013, tr. 11.
[9] Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Trung tâm nghiên cứu khoa học, Chuyên đề nghiên cứu: Kinh nghiệm nước ngoài về phá sản doanh nghiệp, Hà Nội, tháng 10/2013, tr. 10.
[10] Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Đặc san tuyên truyền pháp luật, số 9/2014, Chủ đề: Pháp luật phá sản tại Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Hà Nội, 2014, tr. 44
[11] Xem Luật phá sản Liên bang Hoa Kỳ năm 1978, có hiệu lực năm 1979.

ThS. NGUYỄN NGỌC ANH (Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội)