Một số vấn đề pháp lý về thực hiện thay nghĩa vụ cho người khác

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự hiện nay phát sinh nhiều trường hợp một bên thực hiện thay nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ, tuy nhiên về quan điểm giải quyết còn có một số vấn đề về nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất, nhầm lẫn.

1. Trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện nghĩa vụ

Điều 283 của BLDS 2015 quy định: “Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thưc hiện nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.

Đây cũng là một giao dịch dân sự phát sinh giữa ba bên, bao gồm bên có nghĩa vụ, bên có quyền, bên được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ. Điều kiện để đảm bảo giao dịch có hiệu lực đó là phải đảm bảo sự tự do giao kết và định đoạt của tất cả các bên. Giá trị pháp lý của thỏa thuận này khác với trường hợp chuyển giao nghĩa vụ, cụ thể là bên có nghĩa vụ không chấm dứt nghĩa vụ, bên có quyền có thể yêu cầu bên được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ, tuy nhiên bên được ủy quyền không có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện và khi bên được ủy quyền không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ thì bên có quyền phải yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện.

2. Trường hợp chuyển giao nghĩa vụ

Điều 370 của BLDS năm 2015 quy định: 

“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ;

2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.”

Đây là trường hợp ba bên tham gia vào thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ, bao gồm bên có nghĩa vụ, bên có quyền và bên thế nghĩa vụ, trong đó bên có nghĩa vụ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ mà mình phải thực hiện đối với bên có quyền cho bên thế nghĩa vụ. Bản chất pháp lý đây là một giao dịch dân sự, điều kiện để giao dịch chuyển giao nghĩa vụ có hiệu lực đó là phải được bên có quyền đồng ý và nghĩa vụ đó không được gắn liền với nhân thân hoặc pháp luật không cho phép chuyển giao. Pháp luật dân sự không quy định về hình thức của giao dịch nên có thể xác lập bằng lời nói hoặc bằng hợp đồng. Trong trường hợp này thì bên có nghĩa vụ chấm dứt nghĩa vụ đối với bên có quyền và bên thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ phải thực hiện khi giao dịch phát sinh hiệu lực.

Có quan điểm cho rằng việc chuyển giao nghĩa vụ chỉ cần bên thế nghĩa vụ và có quyền đồng ý, không cần sự đồng ý chuyển giao của bên có nghĩa vụ. Theo chúng tôi điều này là không chính xác. Điều luật quy định về việc chuyển giao nghĩa vụ nhằm điều chỉnh việc chuyển giao nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ để bên thế nghĩa vụ thực hiện thay cho mình vì lý do không thể thực hiện. Do đó, trong quan hệ pháp luật này, trước hết phải phát sinh nhu cầu chuyển giao nghĩa vụ và ý chí định đoạt của bên có nghĩa vụ, sau đó mới đến sự chấp thuận của bên có quyền và bên thế nghĩa vụ.

Trong thực tiễn, có thể phát sinh trường hợp xác lập thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ giữa người có nghĩa vụ và người thế nghĩa vụ, chưa có sự đồng ý của bên có quyền, sau đó bên có quyền biết và đồng ý với việc chuyển giao nghĩa vụ này thì theo chúng tôi việc chuyển giao nghĩa vụ vẫn có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp thực hiện nghĩa vụ liên đới

Điều 288 của BLDS 2015 quy định:

“1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.”

Là trường hợp nhiều người cùng phải thực hiện nghĩa vụ, là nghĩa vụ chung của nhiều người, có thể chia theo phần nhưng không được chia thành các phần riêng lẻ. Một hoặc nhiều người có nghĩa vụ có thể thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Bên có quyền có thể yêu cầu một trong những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ và người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ có quyền yêu cầu những người khác phải thực hiện lại phần nghĩa vụ của họ đối với mình. Việc chia theo phần dựa trên mức độ lỗi khi gây thiệt hại hoặc mức độ thụ hưởng…

Trong thực tiễn giải quyết giải quyết tranh chấp, có trường hợp khi bản án xác định nghĩa vụ liên đới của nhiều người và chia theo phần để thực hiện, có trường hợp bản án chỉ xác định nghĩa vụ liên đới nhưng không chia theo phần để từng người phải thực hiện. Việc không chia theo phần có thể dẫn đến những người có nghĩa vụ liên đới tranh chấp với nhau đối với phần nghĩa vụ.

Đồng thời, khi người có quyền chỉ yêu cầu một trong những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì vấn đề về việc có đưa người có nghĩa vụ liên đới tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn còn có nhiều quan điểm khác nhau. Có trường hợp cho rằng phải đưa những người cùng có nghĩa vụ liên đới tham gia tố tụng và buộc họ phải thực hiện, bởi lẽ họ là những người cùng phải thực hiện nghĩa vụ và việc xác định nghĩa vụ phải thực hiện có liên quan đến quyền lợi của họ. Có trường hợp không đưa những người cùng có nghĩa vụ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan và không buộc họ cùng phải thực hiện.

Theo quan điểm chúng tôi, khi đương sự chỉ yêu cầu một trong những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì không đưa những người khác tham gia tố tụng và buộc họ phải cùng thực hiện nghĩa vụ, bởi lẽ việc buộc họ cùng phải thực hiện nghĩa vụ là vượt quá yêu cầu và quyền của bên có quyền và người bị yêu cầu thực hiện toàn bộ nghĩa vụ có quyền chứng minh và tự định đoạt nghĩa vụ mà mình phải thực hiện với bên có quyền; khi họ yêu cầu người cùng có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình nếu phát sinh tranh chấp thì đây là tranh chấp giữa họ với nhau.

4. Trường hợp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ

Điều 335 của BLDS 2015 quy định:

“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”

Đây là trường hợp một hoặc nhiều người cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ. Nghĩa vụ bảo lãnh phải được xác định bằng giá trị là tiền hoặc công việc nhất định. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ thực hiện thay nghĩa vụ tùy thuộc vào nội dung hợp thỏa thuận, pháp luật dân sự có quy định 02 trường hợp cụ thể:

Thứ nhất, trường hợp các bên thỏa thuận nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh khi đến thời hạn nhưng người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện thay nghĩa vụ tại thời điểm quá hạn.

Thứ hai, trường hợp các bên thỏa thuận khi bên có nghĩa vụ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận bảo lãnh phải yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ và chỉ khi bên có nghĩa vụ hoàn toàn không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh mới mức hiện thay nghĩa vụ.

Nghĩa vụ của bên bảo lãnh bao gồm thực hiện thay nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ, ngoài ra còn có thể phải thực hiện nghĩa vụ do vi phạm hợp đồng bảo lãnh bằng việc thanh toán giá trị nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp thực hiện nghĩa vụ do vi phạm hợp đồng bảo lãnh thì giá trị của nghĩa vụ này không được ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo của bên bảo lãnh (nếu có). Việc phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh không làm chấm dứt nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền, điều này đồng nghĩa với việc bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ hoặc bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ với mình.

Bảo lãnh có biện pháp bảo đảm khác với trường hợp dùng tài sản của bên thứ ba để thế chấp, cầm cố đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Bảo lãnh là việc một người phải thực hiện thay nghĩa vụ cho người khác nếu xảy ra vi phạm, còn trường hợp dùng tài sản của bên thứ ba để cầm cố, thế chấp không phải là thực hiện thay nghĩa vụ mà là việc chỉ dùng chính tài sản đó để thực hiện nghĩa vụ.

Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp có một số trường hợp nhầm lẫn, sai sót như sau:

- Nhầm lẫn trong việc xác định người thực hiện nghĩa vụ: Mặc dù phát sinh quan hệ bảo lãnh giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh, tuy nhiên người có nghĩa vụ vẫn phải được xác định là người được bảo lãnh. Nghĩa vụ của bên bảo lãnh phải được hiểu là nghĩa vụ bảo lãnh và chỉ khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hoặc không có khả năng thực hiện thì bên bảo lãnh mới phải thực hiện thay nghĩa vụ đã bảo lãnh. Trên thực tiễn giải quyết có trường hợp xác định và buộc người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ mà lẽ ra phải xác định nghĩa vụ thuộc bên bên được bảo lãnh, bên bảo lãnh phải thực hiện thay nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ.

Ví dụ: Ông A vay tiền của ông B, ông C bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ông A khi đến hạn. Ông A vi phạm nghĩa vụ, ông C khởi kiện và bản án đã quyết định ông C phải trả cho ông B số tiền mà ông A đã vay.

Việc quyết định bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay là chưa chính xác. Theo chúng tôi nghĩa vụ trả số tiền vay phải thuộc về bên được bảo lãnh B, nghĩa vụ của bên bảo lãnh C là phải thực hiện thay nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh. Bởi lẽ, nếu xác định bên bảo lãnh C là người có nghĩa vụ trả tiền là không phù hợp với quan hệ vay tiền và quan hệ bảo lãnh, trong trường hợp ông C không đủ khả năng trả tiền thì lại gây thiệt hại cho bên cho vay và vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực nên ông B không có quyền khởi kiện lại.

- Nhầm lẫn, sai sót trong việc xác định phạm vi bảo lãnh, thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: Bên bảo lãnh có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ. Trên thực tiễn có trường hợp không xác định rõ phạm vi bảo lãnh dẫn đến xác định nghĩa vụ của người bảo lãnh vượt quá phạm vi bảo lãnh, không rõ ràng, không thể thực hiện[1].

Ví dụ: Ông A vay của Ngân hàng B số tiền 10.000.000.000đ, ông C bảo lãnh cho ông B để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ 7.000.000.000đ và tiền lãi phát sinh, có biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh bằng thế chấp 01 căn nhà. Ông A vi phạm nghĩa vụ, Ngân hàng B khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vay và bảo lãnh. Bản án đã quyết định ông A phải trả cho Ngân hàng số tiền gốc 10.000.000.000đ và tiền lãi, đồng thời tuyên kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng B mà ông A không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì Ngân hàng B được quyền xử lý tài sản theo hợp đồng thế chấp để thu hồi nợ.

Trong trường hợp này bên bảo lãnh chỉ nhận thực hiện thay nghĩa vụ đối với số tiền 7.000.000.000đ và tiền lãi đối với số tiền này, đồng thời không thể xác định được giá trị tài sản có thể bị xử lý là bao nhiêu nên quyết định như trên là chưa chính xác, đầy đủ. Trong trường hợp này lẽ ra phải xác định rõ số tiền mà bên bảo lãnh phải thực hiện thay nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh là 7.000.000.000đ và tiền lãi phát sinh khi bên được bảo lãnh không trả hoặc trả không đủ; Ngân hàng được quyền xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi số tiền mà mà bên bảo lãnh phải thực hiện thay, đồng thời bên bảo lãnh phải tiếp tục trả số tiền còn thiếu khi xử lý tài sản không đủ để trả nợ số tiền 7.000.000.000đ và tiền lãi. Một vấn đề nữa đó là thời điểm phát sinh quyền xử lý tài sản đảm bảo là thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực, bởi lẽ thời điểm vi phạm nghĩa vụ trả tiền vay và phát sinh nghĩa vụ thực hiện thay nghĩa vụ của bên bảo lãnh là tại thời điểm vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên thời điểm Ngân hàng được quyền xử lý tài sản thế chấp kể từ khi vi phạm nghĩa vụ theo như đã thỏa thuận, không phải là thời điểm có đơn yêu cầu thi hành án và bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

5. Trường hợp cam kết thực hiện thay nghĩa vụ

Đây là trường hợp một bên tự nguyện xác lập thỏa thuận sẽ thực hiện thay một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên có quyền mà không có sự chuyển giao nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Ví dụ: Ông A cho ông B vay tiền nhưng khi đến hạn ông B không trả tiền, ông C viết giấy nhận nợ và cam kết trả nợ thay cho ông B.

Đây là trường hợp phát sinh trên thực tiễn và có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng việc ông C cam kết trả nợ thay cho ông B là việc chuyển giao nghĩa vụ từ ông B cho ông C. Tuy nhiên, việc chuyển giao nghĩa vụ này chỉ được xác lập giữa bên có quyền và bên thế nghĩa vụ mà không có sự tham gia (ví dụ như ký xác nhận hoặc hình thức khác thể hiện ý chí đồng ý) của bên có nghĩa vụ nên không tuân thủ đúng quy định tại Điều 370 của BLDS, do đó thỏa thuận này không có hiệu lực pháp luật.

Theo chúng tôi, trường hợp này không được xem là chuyển giao nghĩa vụ theo quy định tại Điều 370 của BLDS vì lý do không có sự định đoạt của bên có nghĩa vụ. Về pháp lý thì việc xác lập cam kết trả nợ thay của một bên thực hiện thay nghĩa vụ và bên có quyền là một giao dịch dân sự, cụ thể hơn đó là hợp đồng đơn vụ, một bên chỉ có quyền và một bên chỉ có nghĩa vụ được quy định tại Điều 116, Điều 409 của BLDS.

Trong thực tế có thể có nhiều trường hợp thỏa thuận về thực hiện thay nghĩa vụ do bị nhầm lẫn, bị lừa đối, bị đe dọa, không đáp ứng được nguyên tắc tự do, tự nguyện giao kết nên sẽ bị vô hiệu. Ví dụ như đe dọa, cưỡng ép viết giấy nhận nợ, cam kết trả nợ thay.

Tuy nhiên, trường hợp đáp ứng nguyên tắc tự nguyện giao kết thì đây là sự thỏa thuận giữa hai bên về việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự, nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, đáp ứng đầy đủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nên có hiệu lực pháp luật. Bên có quyền có quyền yêu cầu người xác lập giao dịch thực hiện thay nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đã cam kết.

Có quan điểm cho rằng người xác lập giao dịch thực hiện thay nghĩa vụ là người không tham gia vào giao dịch giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền và họ không bị ràng buộc phải thực hiện thay nghĩa vụ, ví dụ trong giao dịch vay tiền thì họ không phải là người được thụ hưởng tiền vay nên không có nghĩa vụ trả tiền. Vì họ không phải là người phải thực hiện nghĩa vụ nên họ có quyền thay đổi ý kiến đã thỏa thuận về việc thực hiện thay nghĩa vụ cho người khác. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, khi tham gia xác lập giao dịch về thực hiện thay nghĩa vụ thì họ đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng hiểu rõ nội dung và tự nguyện xác lập giao dịch nên phải có nghĩa vụ thực hiện nội dung giao dịch đã xác lập. Việc công nhận hiệu lực của thỏa thuận trong trường hợp này cũng nhằm đảm bảo quyền lợi của bên có quyền, đồng thời cũng tránh những trường hợp có thể lợi dụng vấn đề này gây thiệt hại cho bên có quyền như bên có nghĩa vụ sẽ tẩu tán tài sản, văn bản xác lập nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ bị hủy bỏ khi xác lập văn bản thỏa thuận giữa người có quyền và người thực hiện thay nghĩa vụ.

Đây là vấn đề phát sinh trong thực tiễn, còn có nhiều quan điểm khác nhau trong vấn đề áp dụng pháp luật nên chúng tôi rất mong có ý kiến trao đổi để làm rõ thêm.

 

Tòa án huyện Phù Ninh, Phú Thọ  xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Trịnh Duy Phương

 

 

 

[1] Bản án số 18/KDTM-PT ngày 12/11/2018 của TANDCC tại Đà Nẵng

NGUYỄN VĂN HUY (TAND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai)