Các chuyên gia bình luận về các tội phạm trong BLHS năm 2015

Cuốn “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 – Phần các tội phạm – Quyển 2” của nhóm tác giả là các chuyên gia về pháp luật hình sự: GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội (chủ biên), GS.TS Lê Thị Sơn, PGS.TS Nguyễn Văn Hương, TS Trần Văn Dũng, TS Mai Bộ và TS Đào Lệ Thu vừa được Nhà xuất bản Tư pháp ra mắt bạn đọc. Đây cũng là công trình liên kết giữa Nhà xuất bản Tư pháp và Nhà sách Dân Hiền, chuyên về sách luật tại Hà Nội.

GS.TS Lê Thị Sơn (nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội) bình luận Chương XX Các tội phạm về ma túy. Tác giả cho biết, BLHS đầu tiên năm 1985 sau ba lần sửa đổi, bổ sung mới có hai điều luật quy định các tội phạm về ma túy.  Đó là Điều 96a quy định tội sản xuất tàng trữ mua bán vận chuyển trái phép các chất ma túy và Điều 203 quy định tội tổ chức dùng chất ma túy. Trong lần sửa đổi bổ sung lần thứ tư, năm 1997, Bộ luật này đã được bổ sung một chương quy định các tội phạm về ma túy để thay thế cho Điều 96 a và Điều 203. Đó là Chương VIIA trong Phần các tội phạm của BLHS. Chương này gồm 14 điều quy định 13 tội danh.

Trong BLHS năm 1999, các tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XVIII. Khi ban hành, Bộ luật có 10 điều luật (từ Điều 192 đến Điều 203) quy định 10 tội danh khác nhau. Sau khi được sửa đổi bổ sung tháng 6 /2009. Bộ luật còn 9 điều luật quy định cho 9 tội danh ( Điều 199 quy định “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” đã được bãi bỏ).

 

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa

 

BLHS năm 2015 vẫn tiếp tục giành một chương quy định các tội phạm về ma túy. Đó là Chương XX “ Các tội phạm về ma túy”, bao gồm 13 điều luật (từ Điều 247 đến Điều 259) quy định 13 tội danh, tương ứng với 9 tội danh đã được quy định trong BLHS năm 1999. Trong đó, “tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” ( Điều 194 BLHS năm 1999) được tách thành 4 tội danh (Điều 249 đến điều 252 BLHS năm 2015);  “tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” Điều 200 BLHS năm 1999 được tách thành 2 tội danh (Điều 257, Điều 258 của BLHS 2015).

Với việc tách tội danh như trên, BLHS 2015 có điều kiện mô tả cụ thể hơn các hành vi phạm tội, thể hiện rõ hơn sự phân hóa trách nhiệm hình sự, cũng như giảm bớt một số tội phạm về ma túy có hình phạt tử hình được quy định. Theo BLHS năm 1999 hình phạt tử hình được quy định đối với 4 loại hành vi phạm tội (Điều 194) còn theo BLHS năm 2015 hình phạt này chỉ được quy định đối với hai loại hành vi phạm tội, tương ứng với hai tội danh là tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) và tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).

Các điều luật được tác giả bình luận rất kỹ càng, sâu sắc, có tội danh được bình luận trong 5 trang như một sự hướng dẫn vận dụng cụ thể và chi tiết. Trong những ngày gần đây, liên tục có những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do ô tô gây ra, vì lái xe dương tính với ma túy. Điều đó cho thấy ma túy thật sự là một hiểm họa đối với xã hội, những quy định chặt chẽ của BLHS năm 2015 là một công cụ cực kỳ quan trọng để đấu tranh, ngăn ngừa và trừng trị những kẻ tội phạm về ma túy hiện nay.

Chương XXI về Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng do GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa bình luận. Theo tác giả, an toàn công cộng và trật tự công cộng là hai yêu cầu cần thiết không tách rời nhau của các hoạt động chung trong xã hội. Trong cuộc sống chung xã hội, mọi người không chỉ đòi hỏi được an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản khi tham gia các hoạt động chung mà còn đòi hỏi cuộc sống phải được bình yên về mọi mặt. Do vậy an toàn công cộng và trật tự công cộng cần được pháp luật nói chung cũng như pháp luật hình sự nói riêng bảo vệ.

Theo đó, các BLHS của Việt Nam đều có chương riêng quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. So với BLHS năm 1999, Chương Các tội phạm phạm an toàn công cộngm trật tự công cộng trong BLHS năm 2015 có một số thay đổi. Về cấu trúc,  chương này được xây dựng thành 4 mục, 3 mục về các tội xâm phạm an toàn công cộng và một mục về các tội xâm phạm trật tự công cộng. Về nội dung, BLHS năm 2015 bổ sung một số tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng như tội cướp biển, tội bắt cóc con tin; sửa nội dung quy định hoặc cụ thể hóa dấu hiệu định tội, dấu hiệu định định khung hình phạt ở một số tội danh… Theo đó BLHS năm 2015 có 70 điều luật quy định về các tội xâm phạm an toàn công cộng trật tự công cộng, gồm 58 điều về các tội xâm phạm an toàn công cộng và 12 điều về các tội xâm phạm trật tự công cộng.

Đây là Chương chứa đến 208 điều luật, từ Điều 122, tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ đến Điều 329 tội mua dâm người dưới 18 tuổi, được tác giả bình luận rất sâu sắc. GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa còn bình luận Chương XXIV Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp và Điều 246 về hiệu lực thi hành.

 

TS Mai Bộ, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh  của Quốc hội – Ảnh QH

 

Chương XXII, Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính do PGS.TS Nguyễn Văn Hương bình luận. Trong BLHS năm 2015, các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính được quy định tại Chương XXII với 22 điều luật. Về các tội danh khác nhau so với BLHS năm 1999 được bổ sung 2 tội danh mới là tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật Điều 336 và tội tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép Điều 348.

Bình luận về Điều 330, tội chống người thi hành công vụ, về hành vi khách quan của tội phạm, tác giả bình luận rằng “điều luật chỉ đòi hỏi người phạm tội thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ, cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật bằng một hoặc các thủ đoạn mà không đòi hỏi phải cản trở được việc thi hành công vụ hoặc đã ép buộc được người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc người thi hành công vụ thực hiện được nhiệm vụ hay không thực hiện được nhiệm vụ, không ảnh hưởng đến việc định tội.”

Chương XIII, Các tội phạm về chức vụ, do TS Trần Văn Dũng bình luận. Bình luận về Điều 352, khái niệm tội phạm về chức vụ, tác giả cho rằng các tội phạm về chức vụ được xác định bởi 3 dấu hiệu đặc trưng. Đó là chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ; hành vi phạm tội phải được thực hiện trong khi họ đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; và hành vi phạm tội xâm phạm sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Trong các dấu hiệu trên, dấu hiệu thứ hai có sự thay đổi cơ bản so với quy định trong BLHS 1999, BLHS năm 2015 bổ sung cụm từ “nhiệm vụ” vào sau cụm từ “công vụ” để thực hiện chủ trương mở rộng nhóm tội phạm tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Như vậy chủ thể của nhóm tội phạm này là người có chức vụ không chỉ trong khu vực công mà cả trong khu vực ngoài nhà nước.

Dấu hiệu thứ hai của nhóm tội phạm này là hành vi phạm tội được thực hiện trong khi họ thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Theo đó hành vi phạm tội phải được thực hiện gắn với công vụ, nhiệm vụ được giao. Dấu hiệu thứ ba, khách thể của tội phạm là hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, điều lệ, quy chế, nội quy của cơ quan tổ chức để xác định người có chức vụ có làm trái công vụ hay không và qua đó có xác định khách thể có bị xâm hại hay không.

Cơ quan, tổ chức theo quy định của điều luật được hiểu theo khái niệm tương đối rộng bao gồm các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, các cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực tư nhân như công ty cổ phần, ngân hàng thương mại, công ty đại chúng…

Chương XXV, Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, do TS Mai Bộ, Thiếu tướng, Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bình luận. TS Mai Bộ là Thiếu tướng, từng giữ cương vị Phó Chánh án TAQSTW nên nội dung bình luận rất đặc sắc.

Chương XXV quy định các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, có 29 điều luật. Trong đó có một điều luật có nội dung liệt kê những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân, 28 điều luật quy định các tội phạm cụ thể so với BLHS năm 1999. BLHS năm 2015 đã thay đổi tên của nhóm tội phạm với cụm từ bổ sung “và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”. Tuy nhiên tác giả cho rằng bổ sung này lại là một bất cập của BLHS năm 2015, làm cho tên Chương XXV “không rõ nghĩa và không bảo đảm tính lôgic với nội dung được đề cập trong chương. Mặt khác giới hạn, phạm vi thời gian phải chịu trách nhiệm hình sự của công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ và công dân được tập trung vào phục vụ trong quân đội được quy định ở tên chương không thống nhất với quy định tại Điều 32 BLHS. Để khắc phục bất cập này, có thể đặt lại tên Chương XXV  là Các tội xâm phạm hoạt động quân sự”.

Có thể nói, cuốn bình luận dày 864  trang khổ 16×24 này có hàm lượng khoa học và kinh nghiệm thực tiễn khá cao. Bên cạnh giới thiệu, phân tích để điều luật sáng rõ nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện, thì các tác giả luôn đề cao tinh thần phản biện khoa học, đưa ra những nhận xét, chỉ ra những điểm bất cập, không phù hợp của điều luật nhằm giúp cơ quan soạn thảo có thể tiếp thu để đề xuất sửa đổi bổ sung khi có điều kiện.

THÁI VŨ