Các đối tượng B, T, H phạm tội gì?

Các đối tượng B, T và H có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?, hiện còn nhiều quan điểm khác nhau.

Phạm Hoàng B thường xuyên đánh đề qua điện thoại bằng hình thức nhắn tin cho V. Qua một thời gian, B thường xuyên thua tiền V nên đã nhờ T tìm cách lấy lại tiền đã thua. Lúc này, T có quen biết H là người có khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm trên máy vi tính. Vì vậy, H đã giúp T và B bằng cách sửa tin nhắn trên điện thoại đã mua các số đề từ trượt thành số đề trúng.

Ngày 07/7/2023, H sử dụng điện thoại của B nhắn tin vào số điện thoại của V để mua nhiều con số với số tiền là 3.000.000 đồng. Trong đó, có con 79 với giá 700.000 đồng, kết quả xổ số cho thấy các con số mà B chọn mua đều không trúng nhưng H đã sử dụng phần mềm trên mạng Internet để thu hồi hết những tin nhắn đã gửi cho V và H cũng viết các tin nhắn mới phù hợp với ngày giờ đã gửi cho V và sửa con số 79 thành con số 78 là số trúng đề để nhận 56.000.000 đồng. Khi B qua nhà V nhận tiền. V đã kiểm tra và bảo B không trúng nhưng B đã đưa tin nhắn gửi cho V trong đó con số 78 (thực chất khi mua là 79), V xem và kiểm tra tin nhắn trong điện thoại thì tin nhắn có các con số trong điện thoại của V không còn mà là tin trống (không có nội dung). V tưởng mình đã nhìn nhầm nên đồng ý trả cho B số tiền 56.000.000 đồng. Trong lúc giao nhận tiền đã bị Công an bắt quả tang.

Việc định tội danh của B, T và H còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: B, T và H có hành vi chiếm đoạt tài sản của V nhưng B, T và H có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của V nên cần truy tố B, T và H về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông thực hiện hành vì chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 290 BLHS 2015.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: B, T và H có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của V nên bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS 2015 bởi các lý do sau:

Thứ nhất, hành vi của B, T, H có đầy đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS. Đó là sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin giả không đúng sự thật và chiếm đoạt tài sản. Cụ thể: hành vi của H đã giúp T và B bằng cách sửa tin nhắn trên điện thoại đã mua số đề từ trượt thành số đề trúng. Nhằm tạo lòng tin của V tin đó là thật, thể hiện qua việc V tưởng mình đã nhìn nhầm nên đồng ý trả cho B 56.000.000 đồng.

Thứ hai, hành vi của B, T, H không phạm vào tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông thực hiện hành vì chiếm đoạt tài sản” bởi lẽ, theo quy định tại Điều 290 BLHS, hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các công cụ phạm tội như sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số thể hiện ở một số dạng sau:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Do đó, hành vi của B, T và H không nằm trong các hành vi trên nên không thể truy tố, xét xử về tội sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 BLHS 2015.

Ngoài ra, B, T và H và V có hành vi đánh bạc nhưng số tiền dùng đánh bạc chưa đủ định lượng nên B, T và H không xem xét về tội đánh bạc theo Điều 321 BLHS 2015.

Quan điểm thứ ba cho rằng: B, T và H có hành vi gian lận trong việc đánh bạc nên không thể truy tố B, T và H về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” cũng như tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. B, T và H và V có hành vi đánh bạc nhưng số tiền dùng đánh bạc chưa đủ định lượng nên B, T và H không phạm tội.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc.

PHẠM MINH ĐÔ (Tòa án quân sự Quân khu 7)

TAND tỉnh Quảng Nam xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Thy Anh.