Cán bộ thừa phát lại có quyền nhận ủy quyền trong tố tụng dân sự không?

Một cán bộ của Văn phòng thừa phát lại, đã từng chuyển công văn của Tòa án huyện X, nay được ủy quyền tham gia tố tụng tại Tòa án huyện X. Tình huống này có được chấp nhận hay không?

Ngày 22/9/2018, TAND huyện X, tỉnh T đã thụ lý vụ án dân sự tranh chấp yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật giữa ông Trần Văn Trọng với bà Trần Thị Bơ.

Theo đó, nội dung đơn khởi kiện ông Trọng đã trình bày: Cha mẹ ông là ông Trần Văn Quan và bà Nguyễn Thị Hai có căn nhà gắn liền với thửa đất số 332, diện tích 8.235m2 đất vườn. Cha mẹ ông có tất cả năm người con gồm là Trần Văn Trọng, Trần Thị Bơ, Trần Thị Hải, Trần Văn Phúc và Trần Ngọc Thảo. Vào năm 2016, do bị bệnh nên cha và mẹ ông đã mất, để lại di sản nêu trên nhưng không có di chúc. Ông Trọng và các em đã họp gia đình để bàn việc chia thừa kế theo pháp luật nhưng bà Bơ không đồng ý và bà Bơ là người đang trực tiếp quản lý di sản nêu trên không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của ông Trọng. Từ đó phát sinh tranh chấp nên ông Trọng khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện X xử: 

1/ Yêu cầu xác định hàng thừa kế thứ nhất của ông Quan, bà Hai là: Trần Văn Trọng, Trần Thị Bơ, Trần Thị Hải, Trần Văn Phúc, Trần Ngọc Thảo. 

2/ Yêu cầu xác định căn nhà gắn liền với thửa số 332, diện tích 8.235m2 đất vườn là di sản thừa kế của ông Quan, bà Hai chết để lại không có di chúc. 

3/ Yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản là căn nhà gắn liền với thửa số 332, diện tích 8.235m2 đất vườn thành 5 kỷ phần bằng nhau và ông Trọng xin nhận bằng hiện vật là quyền sử dụng đất và căn nhà gắn liền với đất dùng để thờ cúng cha mẹ.

Trong quá trình khởi kiện và đã được Tòa án  huyện X thụ lý vụ án nêu trên thì ông Trọng có ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hưng tham gia tố tụng tại Tòa án. Ông Hưng là cán bộ của Văn phòng thừa phát lại X, mặc dù hiện nay ông Hưng chỉ phụ trách tống đạt văn bản tố tụng cho Tòa án huyện X ngoài tỉnh T.  Trước đây thì ông Hưng đã từng thực hiện công việc tống đạt cho Tòa án huyện X tại địa bàn huyện X.

Từ sự việc nhận ủy quyền của ông Hưng đã xuất hiện hai quan điểm khác nhau về việc ông Hưng có quyền nhận ủy quyền tham gia tố tụng hay không.

 Quan điểm thứ nhất: Những trường hợp không được làm người đại diện theo quy định tại Điều 87 của BLTTDS năm 2015 đã quy định thì trường hợp của ông Hưng không thuộc những trường hợp này nên ông Hưng hoàn toàn có quyền nhận ủy quyền tham gia tố tụng của ông Trọng.

 Quan điểm thứ hai và đây cũng là quan điểm của tác giả: Không đồng ý với quan điểm thứ nhất vì: Khi TAND huyện X và Văn phòng thừa phát lại X hợp đồng dịch vụ thuê Văn phòng thừa phát lại X thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng thì Văn phòng thừa phát lại X đã thực hiện một trong những nhiệm vụ của Tòa án, nó tương tự như trường hợp Tòa án ủy quyền cho Văn phòng thừa phát lại X thực hiện một công việc nhất định của TAND huyện X. Do đó, có thể khẳng định rằng khi thực hiện công việc tống đạt văn bản tố tụng cho huyện X thì Văn phòng thừa phát lại X đã thực hiện thay cho Tòa án. Hơn nữa, khoản 3, Điều 87 BLTTDS 2015 đã quy định: “Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật”.

Do xem công việc tống đạt của Văn phòng thừa phát lại huyện X là công việc làm theo hợp đồng, theo ủy quyền của Tòa án nên chúng ta cần xem cán bộ thừa phát lại là người như cán bộ, công chức trong cơ quan Tòa án. Do đó, trong trường hợp này, ông Hưng không được nhận ủy quyền tham gia tố tụng của đương sự và Tòa án cần có trao đổi với Văn phòng thừa phát lại X để yêu cầu ông Hưng tự rút việc nhận ủy quyền. Trong trường hợp ông Hưng không tự rút thì Tòa án có quyền quyết định tước đi tư cách nhận ủy quyền của ông Hưng để giải quyết vụ án đảm bảo đúng pháp luật.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và đọc giả!

HUỲNH MINH KHÁNH ( TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)