CẦN CÓ CÁCH HIỂU THỐNG NHẤT QUY ĐỊNH VỀ THỜI HIỆU THỪA KẾ ĐỐI VỚI DI SẢN LÀ BẤT ĐỘNG SẢN

Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đều có những quy định mới về thời hiệu. Tuy nhiên, đối với vấn đề này, hiện nay văn bản hướng dẫn chưa nhiều, nên trong thực tiễn xét xử nhiều Thẩm phán còn khá lúng túng khi giải quyết các vụ án dân sự, đặt biệt là các vụ án chia thừa kế mà di sản thừa kế là bất động sản.

1.Thời hiệu thừa kế theo quy định của BLDS 2015

Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được quy định tại các điều 184, 185 BLTTDS 2015, theo đó, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của BLDS và Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc[1]. Đồng thời, BLDS 2015 cũng quy định rõ việc áp dụng quy định của BLDS 2015 về thời hiệu, theo đó các quy định của BLDS 2015 về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự[2].

BLDS năm 2015 quy định về thời hiệu thừa kế đối với bất động sản tại Điều 623[3], theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau: (1) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236[4] của BLDS 2015; (2) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 (không có người người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 30 năm, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác). Đây là quy định mới về thời hiệu thừa kế so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây (Pháp lệnh Thừa kế, BLDS 1995, BLDS 2005 đều quy định thời hạn thừa kế đối với bất động sản là 10 năm).

 Và theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 517 của BLTTDS năm 2015 thì quy định liên quan đến áp dụng thời hiệu tại khoản 2 Điều 184 của BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

Tại Tiểu mục 1 Mục III Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 25-7-2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự giải đáp câu hỏi : Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này có áp dụng đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017 (ngày BLDS năm 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành) hay không?[5], theo Giải đáp này thì: Kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017 và không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.

2.Những trường hợp được khởi kiện lại

Theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC) thì từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng quy định của BLTTDS số 92/2015/QH13, BLDS số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết[6].

Khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05-5-2017 của HĐTP TANDTC hướng dẫn “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” được khởi kiện lại[7] theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS. Theo hướng dẫn này thì:

(1) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết”, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

(2) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó.

(3) Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015. Trong trường hợp này, Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

(4) Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó. 

3.Một số lưu ý cách tính thời hiệu khởi kiện

Đối với những tranh chấp thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 (ngày Pháp lệnh Thừa kế có hiệu lực thi hành) cần phải lưu ý các quy định sau:

– Khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau: Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này.”

Điểm b mục 10 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế đã hướng dẫn: “Đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10-9-1990, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990”.

– Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết ngày 28/10/1995 của Quốc hội khóa IX về thi hành BLDS năm 1995 thì Pháp lệnh Thừa kế ngày 30 tháng 8 năm 1990 hết hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1996. Tuy nhiên, Điều 6 Nghị quyết về thi hành BLDS năm 1995 quy định:

“6- Việc áp dụng quy định pháp luật về thời hiệu được quy định như sau:

a) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định về thời hiệu của các văn bản pháp luật đó;

b) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây không quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu và thời điểm bắt đầu thời hiệu được tính từ ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực.”

– Khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 quy định:

“2. Thời gian từ ngày 1 tháng 7 năm 1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991.”

Theo quy định tại Điều 18 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH thì Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/01/1999.

Tuy nhiên cần lưu ý, Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH không áp dụng đối với giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia (khoản 2 Điều 2).

Tại tiểu mục 2.2 Nghị quyết số 02/2004/HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình hướng dẫn:

“2.2. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

a) Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 1/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế”.

Khi xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 1/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 1/7/1996 đến ngày 1/1/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện.

b) Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 1/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 648 của Bộ luật Dân sự.”

– Khoản 2 Điều 39 Nghị quyết số 1037/2006/UBTVQH11 ngày 21/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI (Về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 07 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia) quy định: “2. Thời gian từ ngày 01 tháng 07 năm 1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 07 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.”

Theo quy định tại Điều 41 Nghị quyết số 1037/2006/UBTVQH11 thì Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 09 năm 2006.

– Điều 2 Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2006 về việc thi hành Bộ luật Bân sự 2005 quy định:

“2. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:

a) Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự;

b) Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức khác với quy định của Bộ luật dân sự hoặc giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà có tranh chấp xảy ra thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và các văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng Bộ luật dân sự năm 1995 để giải quyết;

c) Thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.”

Như vậy, theo các quy định và hướng dẫn nêu trên thì:

– Từ ngày 01/01/2017, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ ngày mở thừa kế.

– Đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 mà di sản là bất động sản thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm, tính từ ngày 10/9/1990 (Pháp lệnh thừa kế).

– Đối với những trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/7/1991 di sản là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được kéo dài, cần phân biệt:

(1) Trường hợp không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện (Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH).

(2) Trường hợp có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện (Nghị quyết số 1037/2006/UBTVQH11).

[1] Xem Điều 184 BLDS 2015.

[2] Xem Điều 185 BLDS 2015.

[3] Xem Điều 623 BLDS 2015.

[4] Xem Điều 236 BLDS 2015.

[5] Xem Tiểu mục 1 Mục III Công văn số 01/GĐ-TANDTC.

[6] Xem khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP.

[7] Xem Khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP.

 

KIM QUỲNH