Cần huỷ bỏ quyết định ra quân đối với H và A

Sau khi nghiên cứu bài viết “Vụ án có thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự không?” của tác giả Ngô Anh Dũng đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử ngày 28/4/2025. Tôi cho rằng vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự nhưng cần phải đề nghị cấp có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định ra quân đối với các bị can.

Trong bài viết, tác giả có đưa ra tình huống khi các bị can thực hiện hành vi phạm tội trước khi nhập ngũ, sau đó đến giai đoạn chuẩn bị xét xử thì các bị can được giải quyết xuất ngũ. Vậy vụ án còn thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự không hiện nay còn 02 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, các bị can phạm tội trước khi nhập ngũ, tức là không thuộc trường hợp phạm tội khi đang phục vụ trong quân đội nên khi các bị can được giải quyết xuất ngũ sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, tức là họ không còn phục vụ trong quân đội nữa nên không thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự mà Tòa án quân sự phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát chuyển vụ án sang Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Quan điểm thứ hai cho rằng, vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Bởi lẽ, quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và đến giai đoạn chuẩn bị xét xử các bị can vẫn là quân nhân tại ngũ và Tòa án quân sự vẫn có thẩm quyền giải quyết.

Tác giả cho rằng, trường hợp này Toà án quân sự vẫn tiếp tục xét xử vụ án mà không cần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhưng đề nghị cấp có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định ra quân đối với bị can, bởi lẽ:

Theo quy định tại Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử “vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ…” và để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, ngày 28/12/2023, TANDTC đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 3 thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo đối tượng thì: “Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự mà người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, không phụ thuộc vào việc họ phạm tội gì và phạm tội ở đâu: a) “Quân nhân tại ngũ” bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự”.

Tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này quy định: Đối với người đang phục vụ trong quân đội thì Tòa án quân sự xét xử tất cả các vụ án mà người đó phạm tội, không phân biệt loại tội và thời điểm họ thực hiện tội phạm.

Đối với người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm do họ thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử những tội phạm mà hành vi của người phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ; những tội phạm khác do Tòa án nhân dân xét xử.

Ngoài ra, theo khoản 10 Điều 4 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27/12/2023 của Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam thì: “Không chuyển công tác đối với người bị phát hiện có hành vi vi phạm chưa được xử lý theo quy định. Người thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, đơn vị không giảm quân số quản lý mà chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra trong Quân đội để xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp bị tòa án xét xử và tuyên phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì chỉ giải quyết chế độ, chính sách sau khi bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật và đã xử lý hình thức kỷ luật tương ứng quy định tại Thông tư này”.

Như vậy, trong trường hợp này các bị can H, A đã bị Viện kiểm sát quân sự truy tố và Tòa án quân sự đang thụ lý, giải quyết thì đơn vị không được quyết định cho ra quân mà chờ có kết quả giải quyết của Toà án có hiệu lực pháp luật thì đơn vị mới giải quyết ra quân đối với bị can và vụ án trên vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Nhưng để bảo đảm xét xử vụ án đúng quy định của pháp luật thì cần kiến nghị cấp có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định ra quân đối với H, A.

TUẤN HAI (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 3)

Ảnh HĐXX Tòa án quân sự Quân khu 9 - Nguồn: Internet.