Cao Bằng – Bình an một dải biên cương

(TCTA) - Trong cảm hứng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, đi Cao Bằng - tỉnh có đường biên giới dài nhất và nhiều cột mốc nhất trong các tỉnh biên giới phía Bắc, chúng tôi muốn chạm vào các cột mốc biên cương và gặp gỡ bộ đội biên phòng, những người mang trọng trách giữ gìn và bảo vệ an ninh biên giới.

Địa đầu Tổ quốc

“Có ai trong chúng ta mỗi lần được dịp đi men theo con đường biên giới mà không xúc động khi dừng chân bên cột mốc và nhận thức rằng nơi đây là địa đầu của Tổ quốc? Dù cho phong cảnh bên này và bên kia không có gì thay đổi nhưng những lùm cây, ngọn cỏ bên này là “của” chúng ta và trái tim chúng ta đập lên rộn ràng vì chúng. Không nơi nào bằng ở đây, hai tiếng Tổ quốc lại cụ thể hóa và nhận thức sâu sắc đến như thế”- GS Lê Bá Thảo đã viết trong cuốn Thiên nhiên Việt Nam. Mỗi lần được lên biên giới đứng trước cột mốc chúng tôi bồi hồi lại nhớ đoạn văn này.

 Dòng sông biên giới đoạn chảy qua khu vực Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng - Cao Bằng (ảnh Khải Hoàn).

Anh em tôi xin được đến một cột mốc biên giới khó đi để hiểu hơn về thực trạng biên giới và công việc thường nhật của bộ đội biên phòng, Đại úy Bế Ích Toàn –Chính trị viên phó của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Đồn Biên phòng Trà Lĩnh) hội ý nhanh và thống nhất đưa chúng tôi lên thăm cột mốc 728/1 thuộc địa bàn xã Cô Mười, Trùng Khánh, còn những cột mốc khác cao hơn, đường đi khó hơn “các nhà báo chắc không quen leo núi, rất khó chinh phục”.

Đại úy Bế Ích Toàn cùng Trung tá Nguyễn Ngọc Nghĩa (đội kiểm soát hành chính) và Thiếu tá Nguyễn Duy Phóng (đội phòng chống tội phạm ma túy) chở ba nhà báo bằng xe máy chạy trên con đường nhỏ được trải xi măng chạy theo con đường ngoằn ngoèo lên núi. Tôi ngồi trên chiếc xe cà tàng, nổ phành phạch của Thiếu tá Phóng. Gió thổi ù ù, sàn sạt bên tai… Phóng là một sĩ quan vốn học chuyên ngành điều tra nên được giao chuyên đánh án ma túy. Xe chạy qua một hang đá, cây cối um tùm trước cửa hang, nhìn vào thấy tối đen, Phóng nói: Bọn nghiện hay tụ tập ở những hang như thế này. Lần trước, trong khi đi tuần tra đêm, phát hiện hai đối tượng sử dụng ma túy ở đây, bọn em kịp thời xử lý nên đã tóm được kẻ bán ma túy.

 Cột mốc 728/1 do Đồn Biên phòng CKQT Trà Lĩnh - Cao Bằng quản lý (ảnh Khải Hoàn).

Xe chạy đến một bãi chăn thả ngựa của đồng bào địa phương, có tấm biển “Vành đai biên giới” thì dừng lại, vì phải leo núi. Nắng tháng 4 gay gắt, cả nhóm men theo triền núi, bám vào cây rừng nhiều gai góc đi ngược lên phía trên. Nghỉ một chặng dưới một tán cây rồi đi tiếp một thôi nữa là đến cột mốc. Thật sự là mệt! Trung tá Nghĩa nói: Các anh đi thế cho biết thôi, đi tuần tra cột mốc là việc vất vả của biên phòng, không quen không đi nổi đâu.

-Ví dụ cột mốc 727 ở xóm Lũng Po xã Quang Hán, mỗi khi đi tuần tra đến chân núi rồi phải leo núi hơn một giờ mới đến nơi. Anh em đi thường xuyên cũng lắm khi thấy oải các anh ạ - Anh Phóng nói.

Với bộ đội biên phòng, có lẽ họ thuộc từng viên đá trên con đường tuần tra, vì đi thường xuyên, liên tục. Dấu chân các chiến sĩ tạo thành vết mòn trên con đường đến cột mốc, đến các điểm tuần tra.

Đường biên giới được phía Trung Quốc làm hàng rào ba lớp, có camera và loa nhắc nhở những trường hợp đến gần đường biên. Chúng tôi chụp ảnh với cột 728/1. Mốc được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 13/1/2008 tại điểm có độ cao 876m. Đứng bên cột mốc ngắm nhìn đàn ngựa thong thả gặm cỏ, cạnh đó là rừng thông vi vút gió, chúng tôi có một cảm giác đặc biệt, bình yên trong cảnh giác.

 Hàng rào biên giới do phía Trung Quốc xây dựng (ảnh Khải Hoàn). 

Những bước chân tuần tra

Ngồi nghỉ trong cánh rừng thông râm mát, các sĩ quan biên phòng cho chúng tôi thêm nhiều kiến thức, thông tin về biên giới. Cao Bằng giáp Quảng Tây - Trung Quốc, đường biên giới dài trên 333 km, có 161 cột mốc, trong đó có 117 mốc chính, 44 mốc phụ. Lúc này chúng tôi mới biết Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới chung dài nhất và nhiều cột mốc nhất so với các tỉnh biên giới phía Bắc khác.

-Cột mốc chính, cột mốc phụ là thế nào? Một phóng viên hỏi.

Chính trị viên phó Bế Ích Toàn giải thích: Có nhiều loại cột mốc các anh ạ. Mốc lớn hay mốc đại, được cắm ở những nơi mật độ qua lại biên giới lớn như cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, các anh sẽ thấy cột mốc này ở cửa khẩu Trà Lĩnh, cửa khẩu Tà Lùng. Mốc trung hay mốc chính, được cắm ở những vị trí đường biên giới đổi hướng, thay đổi địa hình, dễ xảy ra tranh chấp. Mốc nhỏ hay mốc phụ, được cắm trong khoảng cách giữa hai mốc chính để làm rõ đường biên giới trên thực địa. Ở đây, cột mốc ghi 728/1 tức là cột phụ thứ nhất của cột chính 728. Có nơi chỉ có cột chính, không có cột phụ, có nơi có nhiều cột phụ tùy theo địa hình.

-Các anh để ý hình thức cột mốc, nếu đỉnh bằng là cột do phía Trung Quốc lập, cột mốc của ta thì đỉnh tạo chóp nhọn. Ở các cột mốc phụ thì ta sẽ dựng cột chẵn, Trung Quốc dựng các cột lẻ.

 Cột mốc 943/2 đặt tại Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng - Cao Bằng (ảnh Khải Hoàn).

Ngoài ra còn có mốc đơn, được sử dụng ở những vị trí chỉ cần cắm một cột mốc và mốc đôi, được cắm trên những đoạn biên giới theo sông suối, trên đường giao thông có phương tiện đi lại. Khi cắm mốc đôi, vị trí mỗi mốc thường được bố trí sao cho đối xứng nhau qua một điểm cần đánh dấu trên đường biên giới. Các anh đến khu vực thác Bản Giốc, đi trên đường dọc sông Quây Sơn sẽ thấy loại mốc này. Mốc ba, được sử dụng để đánh dấu chính xác vị trí đường biên giới ở những nơi sông suối hợp lưu, chuyển hướng chảy dòng và mốc đặc biệt, được cắm ở vị trí ngã ba biên giới của ba đường biên giới quốc gia hoặc ở những vùng ngập lụt, cửa sông, bờ biển, hồ.

Mỗi tuần, bộ đội biên phòng phải vượt hàng chục km đường đồi núi để tuần tra đấy là chưa nói đi tuần đột xuất và kiểm tra trong đêm, nếu không có sức khỏe thì khó hoàn thành nhiệm vụ. Khi đến cột mốc phải lập tức chụp ảnh gửi về báo cáo lãnh đạo và ghi biên bản. Khi đi kiểm tra cột mốc, đường biên thường có cán bộ, nhân dân địa phương phối hợp.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, quản lý đoạn biên giới dài 27,783 km, với 63 cột mốc từ mốc 724  đến mốc giới 760. Địa bàn Đồn quản lý có 3 xã, 1 thị trấn biên giới với bốn thành phần dân tộc chính là Tày, Nùng, Mông, Kinh, dân số 13.084 người.

Riêng về tuần tra, kiểm soát, năm 2024, Đồn đã tiến hành 59 lần/192 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia, phối hợp với các xã, thị trấn biên giới tổ chức phát quang /18,5 km đường tuần tra 5 buổi/235 người tham gia. Phối hợp với Đồn Tổng Cọt, Đồn Ngọc Chung và UBND các xã Quang Hán, Tổng Cọt, Tri Phương, Lăng Hiếu tổ chức tuần tra điểm tiếp giáp được 9 lần/157 lượt cán bộ và nhân dân tham gia; phối hợp với Đại đội Quản lý biên giới Tịnh Tây, Trung Quốc tổ chức tuần tra song phương 2 lần/20 người  tại khu vực M728-728/, 738-739; 737-742. Nhờ những hoạt động tích cực đó nên hệ thống mốc giới đảm bảo nguyên trạng, đường biên giới ổn định.

 Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh - Cao Bằng (ảnh Khải Hoàn).

Nâng cao cảnh giác

Tuy thế, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, tội phạm ma túy vẫn thường xuyên diễn ra với các mức độ khác nhau tùy từng giai đoạn, khiến lực lượng biên phòng luôn phải căng mình phòng chống, ngăn chặn.

-Mặc dù không ngừng tuần tra, kiểm soát và hàng rào phía Trung Quốc dày ba lớp nhưng vẫn có những đối tượng xấu dùng thủ đoạn tinh vi để cắt phá. Mới đây, Đồn biên phòng Trà Lĩnh đã phải gia cố lỗ thủng, tu sửa hàng rào ngăn chặn tại khu vực mốc 727 – 728, 743/2, 752, 755+270m, 755+300, 755,757. Trung tá Nghĩa chia sẻ.

Giữ gìn an ninh biên giới, nói gọn như thế nhưng nội hàm của nó là rất nhiều biện pháp, giải pháp đòi hỏi phải tốn nhiều tâm huyết, trí tuệ và sức lực. Trung tá Phạm Văn Chiêu, Đồn trưởng Đồn Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh trao đổi với chúng tôi cho biết: Khu vực biên giới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn cơ bản ổn định; cấp ủy, chính quyền địa phương hoạt động nền nếp; Nhân dân yên tâm lao động sản xuất, chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực tham gia các phong trào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, đấu tranh ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên, hoạt động của các loại tội phạm nhất là tội phạm ma túy, trộm cắp, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Vì thế đơn vị luôn có 70% lực lượng ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

 Khẩu hiệu "Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" tại một số đồn biên phòng (ảnh Khải Hoàn).

Đại úy Bế Ích Toàn kể ngày 22/3/2025 vừa qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh đã bắt quả tang đối tượng Phần Láo Tả (sinh năm 2004, trú tại xóm Nà Rạ, xã Thượng Hà, Bảo Lạc) có hành vi tổ chức cho hai công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép. Lực lượng đánh án đã vận động đối tượng Phủng Láo Ú (sinh năm 1998, cùng xóm với Láo Tả) đến đồn đầu thú và khai nhận là người chủ mưu trong đường dây này. Những vụ việc như thế vẫn diễn ra, trách nhiệm ngăn chặn trước hết là bộ đội biên phòng.

Đại tá Đinh Đức Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng từng chia sẻ: Địa hình khu vực biên giới hiểm trở, có nhiều khe sâu, núi cao, rừng rậm, nhiều đường mòn qua lại. Khu vực biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế cơ bản còn khó khăn, nhận thức về pháp luật hạn chế và không đồng đều; một bộ phận nhân dân có mối quan hệ thân tộc giữa hai bên biên giới từ lâu đời. Tội phạm đã triệt để lợi dụng những đặc điểm này, hoạt động tinh vi để đối phó với các lực lượng chức năng, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép... Các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi, hoạt động không theo quy luật, triệt để lợi dụng địa hình rừng núi, sông suối hiểm trở, chia cắt để mang vác hàng lậu qua biên giới; sử dụng nhiều mánh khóe, thủ đoạn mới. Thậm chí, các đối tượng bố trí người theo dõi các lực lượng chức năng để đối phó. Hàng lậu được xé lẻ, tập kết lẫn với đồ dùng tại nhà dân ở khu vực sát biên giới rồi lén lút vận chuyển. Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng sẵn sàng bỏ lại hàng lậu hoặc phi tang. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới nói chung, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và địa phương, trong đó, bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt.

Nói như thế đủ thấy nỗi gian nan trong phòng chống tội phạm của bộ đội biên phòng Cao Bằng nói riêng, các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung.

 Cột mốc 944/1 tại vị trí ngã ba sông Bằng Giang gặp sông Bắc Vọng - Cao Bằng, để thành một dòng chảy sang Trung Quốc (ảnh Khải Hoàn).

Ở Đồn Trà Lĩnh, năm 2023 đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 7 vụ án hình sự/14 đối tượng/tang vật thu giữ gồm gồm: 0,47g Heroine, 44,5kg pháo nổ về các hành vi mua, bán trái phép chất ma túy, pháo nổ; tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; vận chuyển trái phép hàng cấm; mua bán người dưới 16 tuổi. Đơn vị cũng triệt phá một đường dây tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, bắt giữ 5 đối tượng và một  đường dây mua bán người dưới 16 tuổi, bắt giữ 4 đối tượng, bàn giao  nạn nhân bị mua bán cho Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Ngoài ra, Đồn còn xử lý 64 vụ/60 đối tượng vi phạm hành chính, tang vật gồm 4 con ngựa, 11 con trâu, 1450 kg lá cây thuốc lá, 16.347,5 kg thực phẩm. Xử phạt tại chỗ thu nộp ngân sách 195.200.000đ. Tịch thu tang vật bán sung quỹ nhà nước được 177.040.000đ; bán tang vật gửi tài khoản tạm gửi chờ xử lý được 88.950.000đ. Phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 12 vụ/39 đối tượng/ tang vật thu giữ 5.130.000đ tiền mặt, 3,25g Heroine; 36kg pháo nổ; 56 cây thuốc phiện; 04 xe máy...

Ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tính từ đầu năm 2013 đến nay lực lượng biên phòng đã xử lý hình sự 19 vụ/27 đối tượng là các tội phạm ma túy, xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển hàng cấm. Đồn cũng hoàn chỉnh thủ tục tiếp nhận 14 vụ/19 đối tượng (là người Việt Nam do Trung Quốc trao trả qua cửa khẩu) chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời đồn cũng xử lý hành vi vi  phạm hành chính 63 vụ/ 188 đối tượng. Trong đó xử phạt 63 vụ/188 cá nhân vi phạm/691.250.000đ. Đồn đã tiếp nhận 72 lần/ 3.154 công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Trung Quốc, do lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả;  Trao trả 2 lần/ 3 người quốc tịch Trung Quốc…

Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, từ năm 2023 đến nay đã xử lý tội phạm về ma túy 4 vụ/4 đối tượng, tang vật thu giữ 0,82g Heroin; Tội vi phạm quy định về nhập cảnh 5 vụ/5 đối tượng, trong đó có những đối tượng từ Bạc Liêu, Đồng Nai ra; Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép 3 vụ/7 đối tượng. Đơn vị đã xử phạt hành chính tại chỗ 1.516 trường hợp/4.655.000.000 VNĐ (về hành vi qua lại biên giới quốc gia không làm thủ tục xuất, nhập cảnh). Đồn đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 6 vụ/8 trường hợp về hành vi vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp.

 Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn - Cao Bằng (ảnh Khải Hoàn).

Biên giới là quê hương

Cửa khẩu Lý Vạn đặt ở xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, nhìn trên bản đồ, cửa khẩu đặt ở vị trí rất đặc biệt, là đỉnh một hình tam giác do hai cạnh đều là đường biên gặp nhau tạo thành mũi nhọn hướng về phía đông. Cửa khẩu này thông thương sang cửa khẩu Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc. Khi chúng tôi đến, cửa khẩu khá vắng vẻ, yên tĩnh, những cây gạo nở hoa đỏ rực in trên nền núi non xanh thẫm. Lý Vạn mới được hai bên công bố mở cửa khẩu song phương tháng 2 năm 2025. Cùng với Trà Lĩnh, Tà Lùng, cặp cửa khẩu Lý Vạn – Thạc Long đang đặt ra mục tiêu được hai bên công nhận là cửa khẩu quốc tế thứ ba trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn rợp màu xanh cây lá, phía trước đồn là những ngọn núi trồng thông xanh mướt, phía bên tay trái có ngọn núi đá mọc thẳng như một ngọn giáo vươn lên nền trời. Hôm đó các chiến sĩ tập điều lệnh, Trung tá Vũ Xuân Mạnh, Chính trị viên của đồn tiếp chúng tôi và giới thiệu về đồn. Cũng như đồn Trà Lĩnh, đồn Tà Lùng, đồn Lý Vạn cũng đề khẩu hiệu trang trọng: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”; “Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Trung tá Mạnh chia sẻ: Đây là những phương châm mà bộ đội biên phòng đã đúc kết, có tâm niệm sâu sắc như thế thì cán bộ, chiến sĩ mới yên tâm làm nhiệm vụ, mới gắn bó với đồng bào các dân tộc nơi đây để cùng nhau vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, để bám đất, bám dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Và là một biểu hiện cụ thể về thực hiện phương châm này, anh Mạnh đã gắn bó với biên giới Cao Bằng hơn 30 năm vì anh đã lấy vợ người dân tộc Tày, vợ con anh đang sống ở thành phố Cao Bằng, nên nơi đây là quê hương thứ hai, là nơi gia đình anh sinh sống hạnh phúc.

Thiếu tá Phóng cũng tâm sự, gia đình anh sống ở Hà Nội, vợ cũng trong ngành Công an và sắp sinh bé thứ ba, anh đang cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu thật sớm để xin nghỉ phép về nhà chăm vợ. “Sống xa nhà cũng vất vả nhưng em yêu công việc, yêu nơi mình công tác nên không muốn xin đi đâu nữa anh ạ”.

 Cảnh nhìn từ trên đèo Mã Phục - Cao Bằng (ảnh Khải Hoàn).

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng từng chỉ đạo: Thực hiện tốt các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại và quản lý, bảo vệ biên giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới trong tình hình mới. Đến các đồn biên phòng Cao Bằng chúng tôi thấy những biểu hiện sinh động của tinh thần ấy.

Lật giở các trang báo cáo của Đồn Biên phòng Trà Lĩnh, chúng tôi chú ý vào một nội dung cho biết thêm nhiều thông tin về một mảng nhiệm vụ của đơn vị. Đồn đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình, phong trào giúp đỡ nhân dân vùng biên giới. Đơn cử trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã giúp đỡ nhân dân 87 ngày công; hỗ trợ 12 triệu đồng và cử 64 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ; giúp đỡ hai hộ gia đình xóa nhà tạm, nhà dột nát, trị giá 20 triệu đồng và 16 ngày công lao động; giúp đỡ sáu hộ gia đình di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà được 8 ngày công và 24 triệu đồng. Thăm, tặng quà hai thân nhân liệt sĩ do đơn vị phụng dưỡng và 8 gia đình chính sách với tổng trị giá 5.000.000 đồng. Vận động kinh phí thăm, tặng quà tổng trị giá hơn 105 triệu đồng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn. Vận động quyên góp, ủng hộ 62 bộ quần áo mùa đông trao tặng cho “Tủ Quần áo tình thương” tại Trung tâm Y tế huyện Trùng Khánh.

Hỗ trợ 8 triệu đồng và 20 ngày công giúp nhân dân xóm Nà Pò, xã Quang Hán đổ bê tông hơn 300m2 sân nhà văn hóa và 50m đường bê tông. Tặng 4 con lợn giống và thức ăn chăn nuôi cho hai hộ gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá 7,6 triệu đồng. Triển khai thực hiện 2 Công trình “Thắp sáng vùng biên” tại xóm Nà Pò, xã Quang Hán và tại xóm Lũng Mười, xã Xuân Nội, lắp được 26 đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, tổng trị giá 46,5 triệu đồng...

Hỗ trợ nhóm thiện nguyện “Bước chân bình an” nhận đỡ đầu ba cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mua sắm các vật chất tặng hai con nuôi của đồn trị giá 2,4 triệu đồng. Rồi tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, tặng quà trị giá 170,5 triệu đồng; tổ chức hai “Gian hàng không đồng”, trị giá 20 triệu đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 170 lượt người trị giá 68 triệu đồng. Chương trình “Tay kéo Biên phòng”, tổ chức cắt tóc miễn phí cho cán bộ chiến sĩ đơn vị và nhân dân khu vực biên giới được hơn 280 lượt người. Phối hợp với trường THPT Trà Lĩnh tổ chức “Tiếp sức mùa thi” hỗ trợ 80 suất cơm, 240 chai nước uống, 300 suất bút chì, cục tẩy, tổng trị giá 4,2 triệu đồng. Ủng hộ gia đình một chiến sĩ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được 7,2 triệu đồng.

Vậy là bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bộ đội biên phòng còn dành rất nhiều công sức và tâm huyết để xây dựng “thế trận lòng dân”, giúp đỡ nhân dân trong tình quân dân cá nước một cách thiết thực, cụ thể như người thân đối với người thân.

 Đường từ Trà Lĩnh đi Trùng Khánh đẹp như một bức tranh (ảnh Phan Khiêm).

Đường từ Trà Lĩnh đi Trùng Khánh đẹp như một bức tranh, hai bên đường là những cánh đồng và sông suối lững lờ. Con đường có khi chạy sát vách núi, có lúc hai bên vách đá dựng đứng như bức tường thành, khi thì thoáng đãng giữa những thung lũng xanh tươi, đúng là vùng cao bằng phẳng, tạo cảm giác bình yên… Nhưng qua các cửa khẩu Trà Lĩnh, Tà Lùng, Lý Vạn và các đồn trạm gặp gỡ bộ đội biên phòng mới thấy để biên giới giữ được an ninh, thật sự mang lại bình yên thì những người lính biên phòng nơi phên giậu của Tổ quốc phải nỗ lực không ngừng, thậm chí hi sinh cả tính mạng…

Trên đường trở về xuôi, chúng tôi mang theo hình ảnh nhà bia ở cổng Đồn Biên phòng Trà Lĩnh, khắc họ tên, quê quán, ngày sinh và ngày hi sinh của 18 cán bộ chiến sĩ của đồn. Trong đó có 17 người hi sinh tháng 2 và tháng 3 năm 1979 và một người hi sinh vào tháng 11 năm 1989. Các đồn biên phòng ở đây đều có những nhà bia như thế, để tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, đồng thời nhắc nhở bài học xương máu về sự cảnh giác, không lúc nào được nguôi quên...

Ký sự của Nguyễn Bùi Đỗ