Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Cần tách vụ án có người chưa thành niên
Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật tư pháp người chưa thành niên, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho rằng, các chính sách dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội sẽ khó đảm bảo nếu để trong 1 vụ án chung có cả người thành niên.
Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7 vào tháng 5 và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.
Liên quan đến việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, vẫn có ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định phải tách vụ án với người chưa thành niên để giải quyết riêng.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án với người chưa thành niên để giải quyết, để tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định.
Quang cảnh phiên họp
Phân tích về nội dung này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho rằng “không tách không được”. Bởi, nếu để chung vào 1 vụ án (gồm cả người chưa thành niên và người trưởng thành) thì luật này không có nghĩa vì khó đảm bảo chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng, để giải quyết vụ án với người chưa thành niên thì điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được đào tạo về tư pháp người chưa thành niên, nếu để trong vụ án chung không thể phân đầy đủ thành viên HĐXX hay VKS, hoặc không hiểu tâm lý các cháu.
Liên quan bí mật, trong vụ án phải công khai thì phần liên quan người chưa thành niên không được giữ kín. “Điều này sẽ gây mặc cảm, con đường hoàn lương rất dài, luôn ám ảnh về tuổi thơ phạm tội” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Về thời hạn vụ án, luật hiện hành và cũng như dự thảo luật này phân ra 2 độ tuổi: 14 đến dưới 16, và từ 16 - 18 tuổi với chính sách khác nhau. Nếu không tách án thì thời hạn điều tra cho vụ án, với vụ đặc biệt nghiêm trọng như giết người thì có thể kéo dài tới 30 tháng từ điều tra, truy tố, xét xử. Như vậy, không thể áp dụng được chính sách giải quyết ngay với các chính sách ở độ tuổi của người chưa thành niên.
“Nhiều nước có luật này, quá trình soạn thảo chúng tôi có mời chuyên gia quốc tế và người ta nói không tách án không được” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Tại phiên họp, báo cáo thêm về vấn đề trại giam, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ban đầu TANDTC đề xuất trại giam riêng, nhưng sau đó Bộ Công an thông tin, với cơ sở, điều kiện hiện nay thì “sẽ chưa có" trại giam riêng ngay. Do đó dự Luật quy định cả 2 mô hình trại giam riêng hoặc phân trại riêng.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, người chưa thành niên rất cần một điều kiện rất quan trọng, kể cả trong trại giam là ảnh hưởng của gia đình, sự thăm nom của người thân, không phải chỉ tiếp tế mà còn tình cảm và lời khuyên - điều rất cần cho cải tạo.
“Nếu ở Cà Mau mà ra Thanh Hoá mới có trại giam riêng thì khó khăn. Nên có trại giam riêng thì rất tốt, nơi không có thì có phân trại riêng” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp
Bài liên quan
-
Tư pháp người chưa thành niên của một số quốc gia trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam
-
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các đạo Luật vừa được Quốc hội thông qua
Khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản -
Xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
-
Tọa đàm lấy ý kiến Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Huyện Ia Pa – Gia Lai: Chính quyền có “bật đèn xanh” để doanh nghiệp xúc đất rẫy đổ vào dự án?
Bình luận