Chất vấn các lĩnh vực Tòa án, Kiểm sát, Thanh tra...
với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, nghiêm túc và sôi nổi
Sáng 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: Tư pháp; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát...
Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận; còn 11 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, nên sẽ gửi câu hỏi để các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành trả lời bằng văn bản theo quy định.
Làm sáng tỏ nhiều vấn đề
Mục đích của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lần này là đánh giá toàn diện việc thực hiện của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC đối với các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát; kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chính sách, pháp luật, xử lý những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: “Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tư pháp chủ động rà soát, dự kiến các nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện, làm cơ sở đề xuất xây dựng Định hướng Chương trình lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa 16. Khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giám định tư pháp, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp. Có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án hành chính; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
Đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Tăng cường đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ. Triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đề nghị Thanh tra Chính phủ rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài và không để phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.
Đề nghị TANDTC tập trung thực hiện tốt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử, chú trọng thực hiện tốt công tác hoà giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý, theo dõi việc tiếp công dân.
Đề nghị VKSNDTC thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Xây dựng các quy trình, kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Rà soát, hoàn thiện các quy định, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần đề cập đến vai trò quan trọng, yêu cầu cấp bách trong việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phiên chất vấn hôm nay cũng là góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu rất quan trọng đó”.
Giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử
Đối với nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực thứ hai, người trực tiếp trả lời chất vấn là Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Phó Thủ tướng –Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) về giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án đã triển khai 17 giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử như: thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; tăng cường đảm bảo áp dụng pháp luật trong xét xử; đổi mới các phiên tòa; nâng cao chất lượng bản án; công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử để nhân dân giám sát; tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến kịp thời; tăng cường hòa giải; phối hợp chặt chẽ các cơ quan tố tụng và các cơ quan liên quan để giải quyết vụ án; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó giao chỉ tiêu cho các thẩm phán mỗi năm có ít nhất 1 phiên tòa rút kinh nghiệm để luật sư, viện kiểm sát, điều tra viên cùng tham gia để nhận xét những mặt được, chưa được của các thẩm phán để nâng cao chất lượng xét xử của thẩm phán…
Trả lời chất vấn đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) liên quan đến việc Tòa án tỉnh xin ý kiến chỉ thị của Tòa án tối cao nhưng chậm trả lời ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết vụ án, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, nguyên tắc hoạt động của Tòa án là độc lập. Các cấp xét xử chịu trách nhiệm về việc đưa ra phán quyết của mình, việc xin ý kiến Tòa án tối cao chỉ là tham khảo, trả lời của Tòa án tối cao chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không phải định hướng xét xử vụ án. Việc tuân thủ thời hạn tố tụng thuộc các hội đồng xét xử.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) liên quan đến vụ việc cụ thể, theo đó đại biểu yêu cầu TANDTC sau khi xét xử giám đốc thẩm, có thông tin để Công an Đồng Nai khởi tố điều tra vụ án; và chuyển hồ sơ cho Công an Đồng Nai để điều tra truy tố, xét xử.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau khi xét xử giám đốc thẩm, TANDTC đã chuyển thông tin, tài liệu và bản án đến Viện kiểm sát và Công an tỉnh Đồng Nai để điều tra. Với thông tin như vậy, phát sinh một vụ án độc lập với bốn hành vi như đại biểu Quốc hội nêu, khi đó Công an tỉnh Đồng Nai hoàn toàn có thể mở cuộc điều tra về những hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với việc chuyển hồ sơ vụ án không thể chuyển được, bởi theo quy định của pháp luật, bản án có hiệu lực pháp luật phải lưu giữ hồ sơ đó tại Trung tâm lưu giữ hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao để đảm bảo thực hiện việc lưu trữ quốc gia. Nếu quá trình điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai thấy cần phải tham khảo tài liệu từ vụ án này hoàn toàn có thể đến Trung tâm lưu giữ để sao trích hồ sơ này phục vụ cho nhu cầu điều tra.
Trả hồ sơ điều tra bổ sung để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm
Trả lời câu hỏi đại biểu của Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí khẳng định, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng là một biện pháp được phép sử dụng để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, vấn đề là cần sử dụng đúng biện pháp này. Vì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tòa án hoặc kiểm sát phát sinh tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc thì vẫn phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung để không oan sai và không bỏ lọt tội phạm.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời chất vấn
Về mặt khách quan, tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, đặt ra thủ tục tố tụng không theo kịp tính chất phức tạp của nó như tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao…Vì vậy, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, vấn đề này đặt ra là có những vấn đề chưa tiên liệu được, trong khi chúng ta gặp nhiều khó khăn, phức tạp mới về tội phạm, đồng thời phải đảm bảo quyền con người, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Do đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhận thấy, việc điều tra bổ sung là việc cần phải làm nhưng không được lạm dụng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự có phát sinh một số vướng mắc chưa được cơ quan có thẩm quyền giải thích, dẫn đến sự khác nhau về nhận thức áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng, đặc biệt của cơ quan điều tra, kiểm sát viên…
Phiên chất vấn sáng 22/8- Ảnh: Qh.vn
Bài liên quan
-
Đại hội Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2024 - 2029
-
Ông Nguyễn Văn Thanh được bổ nhiệm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định
-
Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực hiệu quả thi hành Luật Đầu thầu trong hệ thống Tòa án nhân dân
-
Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung để yêu cầu Viện kiểm sát giám định hàm lượng chất ma túy là cần thiết
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận