Chế định miễn trách nhiệm hình sự

Miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) là một trong những chế định thể hiện rõ chính sách hình sự nhân đạo cao nhất của Nhà nước ta về xử lý một người có hành vi vi phạm mà BLHS quy định là tội phạm. Có hai trường hợp được miễn TNHS cho người phạm tội đó là đương nhiên được miễn TNHS và có thể được miễn TNHS.

1.Những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự

1.1. Người phạm tội đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự

Đương nhiên được miễn TNHS là trường hợp, khi một người có hành vi phạm tội mà có các căn cứ thỏa mãn quy định này thì sẽ được xem xét miễn TNHS mà không cần có bất kỳ một điều kiện nào khác kèm theo. Theo quy định tại Điều 16, khoản 1 Điều 29 BLHS và khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015, phải miễn TNHS cho người phạm tội khi thuộc các căn cứ sau:

– Thứ nhất, người phạm tội tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội. Là trường hợp người phạm tội tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản.

– Thứ hai, khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

– Thứ ba, khi có quyết định đại xá.

– Thứ tư, miễn TNHS khi bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Quy định này không được thể hiện trong BLHS, và cũng không thể hiện rõ về việc miễn TNHS đối với trường hợp này trong BLTTHS. Tuy nhiên, xét về bản chất của quy phạm, thấy rõ khi vụ án được khởi tố và người thực hiện hành vi bị khởi tố, nghĩa là hành vi của họ đã cấu thành một tội phạm cụ thể; nhưng sau đó bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu thì không tiếp tục giải quyết vụ án mà phải đình chỉ ngay.

– Thứ năm, người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn TNHS (quy định khoản 4 Điều 110 BLHS).

1.2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự

Trường hợp này điều kiện để xem xét miễn TNHS cho người phạm tội khắc khe hơn trường hợp được nêu trên. Ngoài căn cứ được quy định cụ thể trong BLHS thì đòi hỏi phải có sự đánh giá một cách toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án của cơ quan, người tiến hành tố tụng về trường hợp nào được miễn, trường hợp nào không được miễn.

– Thứ nhất, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Căn cứ này hoàn toàn khác với căn cứ đương nhiên được miễn TNHS như phần trên.

– Thứ hai, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

– Thứ ba, trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

– Thứ tư, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS. Quy định này mở rộng căn cứ để xem xét miễn TNHS cho người phạm tội khi họ thỏa mãn các điều kiện: một là, phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng do vô ý hoặc ít nghiêm trọng; hai là, khách thể bị xâm hại là tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản; ba là, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; bốn là, người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS.

– Thứ năm, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp theo quy định[1] và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 BLHS, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 91 BLHS).

– Thứ sáu, người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 4 Điều 247 BLHS); người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 7 Điều 364 BLHS); người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 6 Điều 365 BLHS); người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 2 Điều 390 BLHS). Tất cả các quy định tại các tội phạm cụ thể này đều thể hiện rõ chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước ta đối với người phạm tội.

2.Thẩm quyền quyết định miễn trách nhiệm hình sự

BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cũng như thẩm quyền miễn TNHS cho người phạm tội. Tuy nhiên, tại Điều 230 BLTTHS về đình chỉ điều tra và Điều 248 BLTTHS về đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát, xác định Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 16, Điều 29, khoản 2 Điều 91 BLHS hoặc khoản 2 Điều 155 BLTTHS. Nếu căn cứ vào quy định này, có thể khẳng định việc miễn TNHS thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Nhưng theo quy định tại Điều 29 BLHS, với cách hành văn thể hiện rõ:

1. Người phạm tội được miễn TNHS khi có một trong những căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi có quyết định đại xá.

Người phạm tội có thể được miễn TNHS khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS, thì có thể được miễn TNHS.

Ngoài ra, tại Điều 16, khoản 2 Điều 91, khoản 4 Điều 110, khoản 4 Điều 247; khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS không thể hiện rõ thẩm quyền thuộc giai đoạn nào của quá trình tố tụng.

Rõ ràng tại điểm a khoản 1 và điểm a, b khoản 2 Điều 29 BLHS quy định rất rõ là “Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử” có nghĩa là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án miễn TNHS hoặc có thể miễn TNHS cho người phạm tội. Đối với Điều 16; điểm b khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 29; khoản 2 Điều 91; khoản 4 Điều 110; khoản 4 Điều 247; khoản 7 Điều 364; khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS không thể hiện rõ là các cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn nào thì có thẩm quyền miễn TNHS cho người phạm tội.

Như vậy, nếu khẳng định việc miễn TNHS được thực hiện ở các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án khi xuất hiện các tình tiết có thể miễn TNHS là không chính xác. Bởi lẽ, chỉ khi xuất hiện các căn cứ được quy định ở điểm a khoản 1 và điểm a, b khoản 2 Điều 29 BLHS thì giai đoạn điều tra và truy tố mới có thẩm quyền, nghĩa là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mới có thẩm quyền miễn TNHS cho người phạm tội, còn lại các quy định tại điểm b khoản 1, điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều 29, khoản 2 Điều 91 BLHS, khoản 4 Điều 110, khoản 4 Điều 247, khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS thì chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Việc khẳng định này được lý giải bởi hai lý do:

– Thứ nhất, tại Điều 16, Điều 29 và khoản 2 Điều 91 BLHS không quy định giai đoạn điều tra và truy tố có thẩm quyền miễn TNHS khi có các căn cứ tương ứng.

– Thứ hai, tại khoản 1 Điều 2 BLHS quy định “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu TNHS”. Và Điều 13 BLTTHS quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền xác định một người có tội hay không có tội bằng bản án hoặc quyết định. Theo Điều 2 BLHS thì một người khi đã phạm tội thì họ phải chịu TNHS. Theo đó, khi đã xác định người nào đó phải chịu TNHS thì mới xuất hiện khái niệm miễn TNHS. Do đó, về mặt lý luận thì có thể khẳng định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền quyết định miễn TNHS cho người phạm tội. Tuy nhiên, trong thực tế có một số trường hợp khi phát sinh căn cứ để miễn TNHS, ở giai đoạn điều tra, truy tố cũng có thể thực hiện được. Nhưng việc miễn TNHS ở giai đoạn điều tra, truy tố không được xác định bằng quyết định miễn TNHS mà được thể hiện bằng quyết định đình chỉ điều tra và đình chỉ vụ án.

Ngoài ra, đối với việc miễn TNHS đối với quy định tại khoản 4 Điều 110, khoản 4 Điều 247, khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì chỉ trong quá trình xét xử, Tòa án xem xét tất cả các tình tiết của vụ án nếu thuộc trường hợp có thể miễn TNHS cho người phạm tội thì Hội đồng xét xử sẽ tuyên miễn TNHS cho họ.

Từ các phân tích trên, cho thấy quy định tại Điều 29 BLHS, quy định tại Điều 230 và 248 BLTTHS còn có sự mâu thuẫn lẫn nhau, chưa thể hiện rõ thẩm quyền quyết định việc miễn TNHS cho người phạm tội.

3.Kiến nghị hoàn thiện chế định miễn trách hình sự

– Một là, để đảm bảo việc thực hiện chế định miễn TNHS đối với người phạm tội được thuận lợi và cụ thể, quy định tại Điều 29 BLHS cần phải thể hiện rõ theo hướng trường hợp nào việc miễn TNHS thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án; trường hợp nào chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Ngoài ra, quy định về miễn TNHS còn nằm rãi rác ở nhiều điều luật khác nhau, có cả trong BLHS và BLTTHS, như quy định về miễn TNHS khi người phạm tội tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội, miễn TNHS khi người yêu cầu rút yêu cầu khởi tố vụ án và quy định miễn TNHS tại các điều luật cụ thể về tội phạm. Để đảm bảo tính nhất quán trong quy phạm pháp luật, các quy định này phải được quy định thống nhất vào một điều luật cụ thể để làm căn cứ miễn TNHS cho người phạm tội.

Do vậy, Điều 29 BLHS được sửa đổi lại như sau:

1. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử có một trong các căn cứ sau đây, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự:

a) Do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá;

c) Người phạm tội tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội;

d) Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố.

Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử có một trong các căn cứ sau đây, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự:

a) Do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

3. Khi tiến hành xét xử có một trong các căn cứ sau đây, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự:

a) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận;

b) Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

c) Trong các tội phạm cụ thể có quy định về miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 91 BLHS cũng quy định cụ thể lại như sau:

“ 2. Khi tiến hành xét xử, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:……..”

– Hai là, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp nào được miễn, trường hợp nào không được miễn TNHS khi thuộc khoản 2, khoản 3 Điều 29[2] và khoản 2 Điều 91 BLHS tránh áp dụng một cách tùy tiện, thậm chí dẫn đến vi phạm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong khi giải quyết vụ án hình sự đối với những người phạm tội khác nhau. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 29 BLHS thì việc xác định có thể miễn TNHS cho người phạm tội hay không phụ thuộc phần lớn vào nhận thức chủ quan của con người, mà cụ thể là của người tiến hành tố tụng. Khi đã giao quyền quyết định cho cá nhân những người tiến hành tố tụng thì đương nhiên có sự nhận định khác nhau giữa những người này. Thực tế cho thấy, đối với vụ việc này, với các tình tiết cụ thể thì người tiến hành tố tụng trong vụ án này nhận định có thể miễn TNHS cho người phạm tội, nhưng đối với người tiến hành tố tụng khác thì nhận định không thể miễn TNHS cho người phạm tội. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí, để khi thuộc các tiêu chí đó thì phải miễn TNHS cho người phạm tội.

– Ba là, sửa đổi Điều 230 và 248 BLTTHS lại cho phụ hợp với quy định tại Điều 29 BLHS. Để đảm bảo thống nhất giữa quy định của BLHS và BLTTHS về thẩm quyền quyết định miễn TNHS cho người phạm tội, tại Điều 230 và 248 BLTTHS phải sửa đổi theo hướng khi thuộc khoản 1, khoản 2 Điều 29 thì đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án; đối với quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS thì không thuộc trường hợp đình chỉ ở giai đoạn điều tra và truy tố. Cụ thể như sau:

Điều 230. Đình chỉ điều tra

Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc khoản 1, khoản 2 Điều 29 của Bộ luật hình sự;

…………………………”

Điều 248. Đình chỉ vụ án

Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc khoản 1, khoản 2 Điều 29 của BLHS.

…………………………..”

– Bốn là, trong các tội phạm cụ thể mà BLHS quy định có năm tội danh khi người phạm tội thực hiện hành vi, nhưng có các tình tiết cụ thể thì được xem xét miễn TNHS, đó là quy định tại khoản 4 Điều 110, khoản 4 Điều 247, khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS. Quy định tại khoản 4 Điều 247, khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS, khi có tình tiết nhất định thì xem xét có thể miễn TNHS cho người phạm tội; nhưng khoản 4 Điều 110 BLHS thì quy định được miễn TNHS cho người phạm tội. Rõ ràng cùng tính chất là người thực hiện hành vi phạm tội, nhưng lại có sự quy định không thống nhất nhau về trường hợp xem xét miễn TNHS giữa các tội phạm khác nhau là chưa phù hợp. Do vậy, để đảm bảo thống nhất giữa các điều luật về tội phạm cụ thể và Điều 29 BLHS thì khoản 4 Điều 110 BLHS cần quy định lại khi người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì có thể được miễn TNHS.

Tóm lại, miễn TNHS là chế định rất quan trọng được quy định trong BLHS thể hiện được chính sách hình sự nhân đạo, khoan hồng rất cao của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Khi thực hiện đúng chế định này cũng đảm bảo được hiệu quả cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm kết hợp với việc giáo dục phòng ngừa chung. Tuy nhiên, để chế định này áp dụng trong thực tiễn có hiệu quả và đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật đối với người phạm tội, cũng như phù hợp giữa lý luận kết hợp với thực tiễn thì việc quy định phải phù hợp, thống nhất và rõ ràng. Theo đó, quy định về chế định này phải có sự thống nhất giữa pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để trong thực tiễn áp dụng không có sự trùng lắp, mâu thuẫn lẫn nhau./.

 

 

 

 

 

 

[1] Khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015.

[2] Theo hướng điều luật đề nghị sửa đổi, bổ sung.

ThS. NGUYỄN VĂN LAM (Tòa án quân sự Quân khu 9)