Chống tai nạn đuối nước cho trẻ em- Vấn đề chung của xã hội

Mùa hè đã khép lại, trẻ em bắt đầu trở lại trường học, nhưng vấn đề dạy bơi cùng với các kỹ năng thoát hiểm cho trẻ là vấn đề cần được các cấp chính quyền, xã hội, nhà trường và các gia đình quan tâm thường xuyên.

Những con số đau lòng

Theo báo cáo của Quỹ cộng đồng phòng, chống thiên tai, tai nạn đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở  trẻ em từ 5-14 tuổi. Tại Việt Nam, mặc dù có xu hướng giảm, nhưng trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước. Hiện nay, việc tổ chức phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều trường chưa được xây dựng bể bơi. Tỷ lệ học sinh biết bơi mới chỉ chiếm khoảng 30% học sinh phổ thông trên toàn quốc.

Mỗi khi mùa hè đến, học sinh được nghỉ học cộng với thời tiết nắng nóng nên biển, ao, hồ, sông, suối trở thành địa điểm lý tưởng để các em vui chơi, đặc biệt là hoạt động bơi lội. Cũng từ đây, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra và thực tế cũng cho thấy tình trạng đuối nước xảy ra nhiều ở các vùng nông thôn nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối... vắng người qua lại.

Cuối tháng 2/2023, tại thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông xảy ra vụ đuối nước khiến 4 trẻ (từ 4-6 tuổi) tử vong khi rủ nhau tắm tại hồ chứa nước dùng để tưới cà phê gần nhà.

Chiều 29/4, có 3 cháu nhỏ (là anh chị em ruột và họ hàng), đều trú ở thôn Tây Phước, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được bà đưa tới khu vực hồ chứa nước Phước Hòa thuộc thôn Tây Phước để chơi. Trong lúc vui đùa cùng diều, không may cả 3 em bị trượt chân ngã xuống hồ chứa nước Phước Hòa. Khi phát hiện các cháu bị đuối nước, người bà đã tri hô người dân cứu vớt nhưng khi được đưa lên bờ thì cả 3 em đều đã tử vong.

Ngày 23/5, một đoàn khách khoảng 50 người gồm phụ huynh và học sinh của trường tư thục ở Tây Mỗ (Hà Nội) về tham quan, trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Do là bãi cát non nên khi nước dâng lên, thay đổi dòng chảy, nhiều học sinh bị sụt và nước cuốn khiến 2 người tử vong (1 học sinh và 1 phụ huynh).

Ngày 3/6, lãnh đạo UBND xã Đặng Cương (huyện An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn xảy ra vụ đuối nước khiến bé trai 12 tuổi tử vong.

Chiều 5/6, tại khu vực hạ lưu sông Đà, thuộc địa bàn phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ đuối nước làm 2 bé gái tử vong. Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, Công an tỉnh Hòa Bình, khu vực xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm là nơi lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời, lực lượng chức năng đã thường xuyên sử dụng loa, phương tiện thủy để cảnh báo, yêu cầu người dân không được tắm sông vì có nhiều vực xoáy, nước chảy xiết rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vào các buổi chiều vẫn có nhiều người dân đến khu vực này để bơi lội, bất chấp sự cảnh báo của chính quyền địa phương.

Ở tỉnh Thanh Hóa, trong 4 tháng đầu năm đã xảy ra 20 vụ tai nạn thương tích khiến 23 trẻ em tử vong, trong đó có 12 vụ đuối nước làm 13 trẻ em tử vong.

Có thể thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, các vụ đuối nước trẻ em có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phong trào dạy trẻ bơi lội

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu là do trẻ không biết bơi hoặc thiếu kỹ năng, kiến thức để phòng tránh. Bên cạnh đó là do thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Các em cũng chưa thực sự ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, sông, suối, ao, hồ... khi không có người lớn giám sát, trong khi phần lớn các em thiếu kỹ năng và xử lý tình huống khi bơi lội. Ngoài ra, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. 

Trước hiểm họa này, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức dạy bơi cho trẻ em với các quy mô khác nhau. Có thể điểm qua một số địa phương để thấy những tín hiệu tích cực.

Cà Mau là tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Nhiều vùng nông thôn trong tỉnh việc đi lại bằng phương tiện thủy là chủ yếu. Do đó, khi có tai nạn chìm xuồng hoặc khi các em tắm sông, hồ, kênh, rạch đã xảy ra tình trạng đuối nước thương tâm. Do đó, việc dạy bơi, học bơi để phòng chống đuối nước, bảo vệ tính mạng cho trẻ em là việc làm rất cần quan trọng và cần thiết.

 

Cần mở nhiều lớp tập huấn về công tác phòng, tránh đuối nước cho trẻ em - Ảnh:Trọng Tuấn

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em cùng với việc tạo điều kiện cho trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích trong dịp hè, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh đã mở các lớp dạy bơi miễn phí giúp trẻ nâng cao kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp với nhà trường, gia đình quản lý, giám sát, giáo dục con em mình, giảm thiểu tai nạn trong môi trường nước.

Để khai thác tối đa hiệu quả công năng của bể bơi được trang sắm, nhiều năm qua trường Tiểu học Nguyễn Bình, phường Quảng Yên đã tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí và dạy bơi dịch vụ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó nâng cao tỉ lệ học sinh biết bơi ở nhà trường. Đây cũng là một trong những ngôi trường tiểu học có tỉ lệ học sinh biết bơi cao trên địa bàn thị xã với hơn 50% học sinh ở các khối lớp, riêng học sinh khối lớp 4 và khối lớp 5 biết bơi chiếm tỉ lệ trên 80%.

Nhiều bể bơi công cộng trên địa bàn thành phố Việt Trì, Phú Thọ thu hút rất đông các em thiếu nhi đến bơi và học bơi. Đây là tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với việc trang bị kỹ năng bơi lội cho con em mình, từ đó các em có thể tự phòng tránh tai nạn đuối nước. HLV bơi lội Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ: “Tập bơi sớm đối với trẻ nhỏ không chỉ bảo vệ sự an toàn cho chính bản thân, rèn luyện kỹ năng sinh tồn, mà còn là môn thể thao giúp trẻ phát triển toàn diện hơn cả về thể lực lẫn trí tuệ”.

Thông qua các lớp học bơi, các em không chỉ được trang bị kiến thức, lý thuyết cơ bản về các kỹ thuật bơi mà còn được học và tập luyện những kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước, các phương pháp cứu đuối, sơ cấp cứu người bị nạn, kiến thức an toàn dưới nước.

Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Bạc Liêu cũng tổ chức 2 lớp dạy bơi miễn phí cho 50 thiếu nhi là con, em cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhằm tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ trong mùa hè. Các em được các huấn luyện viên trang bị, hướng dẫn một số kiến thức quan trọng về bơi lội, thực hành bơi dưới nước với nhiều kiểu bơi thông dụng. Đồng thời, được tuyên truyền các kiến thức về phòng, chống đuối nước; kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ trước nguy cơ đuối nước khi tiếp xúc với ao, hồ, sông, rạch; cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước…

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em cùng với việc tạo điều kiện cho trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích trong dịp hè, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh đã mở các lớp dạy bơi miễn phí giúp trẻ nâng cao kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp với nhà trường, gia đình quản lý, giám sát, giáo dục con em mình, giảm thiểu tai nạn trong môi trường nước...

Vấn đề đặt ra hiện nay bên cạnh mở các điểm dạy bơi là nâng cao chất lượng các lớp dạy bơi. Học bơi, trước hết các em học kỹ thuật các kiểu bơi phổ thông để biết cách phối hợp nhịp nhàng động tác của chân, tay với việc hít thở và tạo ra tư thế thân người di chuyển thuận lợi, hiệu quả nhất trong môi trường nước. Thông qua việc thực hiện đúng kỹ thuật các kiểu bơi ếch, trườn sấp hoặc bơi ngửa sẽ giúp các em phát huy tốt nhất các tố chất thể lực của bản thân để bơi được nhanh, bơi được xa, thực hành được các kỹ năng an toàn và có khả năng linh hoạt, sáng tạo nhiều kiểu sinh tồn khác.

Dạy các em học thêm các kiểu bơi chó, bơi nghiêng, bơi ngửa sinh tồn để các em vận dụng linh hoạt phù hợp với mọi địa hình như sông, suối, ao hồ, hố nước sâu,…miễn sao giúp các em giữ được tư thế thân người nổi được trong nước, di chuyển được trong nước và giữ được hơi thở ở mức gắng sức thấp nhất để không bị chìm, tự cứu mình hoặc chờ người đến cứu.

Trẻ em học biết bơi chưa đủ mà cần học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước để biết bơi an toàn, biết tự cứu mình khi bị rơi xuống nước, biết thoát hiểm khi đang bơi bị đuối sức hoặc gặp các tình huống xấu. Trong trường hợp chưa biết bơi, các em được học kỹ năng nổi, kỹ năng sinh tồn sẽ phần nào giúp các em biết phòng, tránh đuối nước.

Cấp cứu đúng cách

Trong phòng chống đuối nước, cho trẻ đi học để biết bơi thôi chưa đủ, trẻ cần biết bơi an toàn, biết tự cứu mình khi bị rơi xuống nước, biết thoát hiểm khi đang bơi bị đuối sức, biết cứu đuối...

 

Một trường hợp trẻ đuối nước không được cấp cứu đúng cách

TS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Chúng ta cần tổ chức tuyên truyền cho mọi người dân cùng tham gia phòng tránh đuối nước trẻ em; Giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn cùng với đó tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi; Loại bỏ nguy cơ đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học. Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ. Ao, hồ, dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy; Có các biển cảnh báo tại các sông ngòi, hồ nước… nơi công cộng. Cha mẹ và nhà trường giáo dục, hướng dẫn cho trẻ nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước; Tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa và cấp cứu ban đầu đúng cho người dân; Tổ chức các lớp cấp cứu cơ bản cho cộng đồng.

Theo TS. BS Lê Ngọc Duy, trong các ca đuối nước, nếu được cấp cứu kịp thời trẻ có thể qua cơn nguy kịch nhưng cũng có thể dẫn tới biến chứng nặng nề như: Suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ô xy kéo dài hoặc thậm chí trẻ có thể tử vong. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước. Việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ.

Theo khuyến cáo của TS.BS Duy, khi gặp trẻ đuối nước đầu tiên chúng ta cần nhanh chóng gọi trợ giúp của những người xung quanh bằng cách gọi to, gọi cấp cứu 115. Ngay sau đó, người sơ cứu cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách. Đây là bước rất quan trọng, có hai phương pháp là cứu đuối gián tiếp và cứu đuối trực tiếp.

Cứu đuối gián tiếp là sử dụng các dụng cụ cứu đuối sẵn có (phao, dây, gậy, quần áo, các vật có thể nổi trên nước…) để cứu người đuối nước khi vẫn còn đang tỉnh. Tùy theo tình hình, tính chất của mỗi trường hợp cụ thể mà người cứu đuối lựa chọn phương án phù hợp, an toàn và hiệu quả.

Cứu đuối trực tiếp là xuống nước, bơi đến cứu nạn nhân. Cứu đuối trực tiếp nên dành cho đối tượng cứu hộ chuyên nghiệp, được đào tạo có đủ sức khỏe và năng lực ở thời điểm thực hiện hoặc đối tượng không chuyên có kỹ năng bơi và cứu đuối.

Vì thế, người lớn cũng cần có kỹ năng sơ cứu người đuối nước như kiểm tra xem trẻ có thở và có tỉnh không, thở ngáp được xem là không thở rồi kỹ năng hồi sức tim - phổi như thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực…

TS.BS Lê Ngọc Duy cũng đưa ra cảnh báo một số chú ý khi cấp cứu trẻ đuối nước và những sai lầm cần tránh như không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt) làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ; Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở; Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi; Người cứu không biết bơi nhưng lại cố gắng nhảy xuống nước sẽ gây nguy hiểm tính mạng; Phụ huynh cần đưa tất cả trẻ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.

 

Lớp dạy bơi cho trẻ em ở Cà Mau-  Ảnh: PV

LƯƠNG ĐỨC TRUNG (Trường Cao Đẳng Du lịch Hà Nội)