Chủ tịch nước Tô Lâm: Công tác thi đua - khen thưởng cần công khai minh bạch, có tính giáo dục, nêu gương

Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, công tác khen thưởng phải thực chất, đúng người, đúng việc, không quá máy móc và xứng đáng với đóng góp.

Chiều 31/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc làm việc với các cơ quan về công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua, cũng như phương hướng nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo một số đơn vị của Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, công tác thi đua, khen thưởng phải tạo được không khí thi đua sôi nổi, khơi dậy niềm tin và tự hào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao nhất, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, công tác khen thưởng phải thực chất, đúng người, đúng việc, không quá máy móc và xứng đáng với đóng góp.

 

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương phát biểu

Chủ tịch nước nêu rõ, năm 2025 sẽ có nhiều sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, đất nước, dân tộc như: 95 năm thành lập Đảng; 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; năm 2025 có ngày kỷ niệm tròn chẵn của hầu hết các bộ, ngành và nhiều địa phương trong cả nước… đặt ra nhiều nhiệm vụ với công tác thi đua, khen thưởng.

Chủ tịch nước khẳng định, đất nước ngày càng phát triển, thành tích ngày càng nhiều, cần tạo không khí phấn khởi, động viên thi đua, khen thưởng về những đóng góp của cán bộ, nhân dân và vì vậy, công tác thi đua, khen thưởng cần rà soát lại để sát với thực tế.

Mặt khác, nhiều cán bộ lão thành, có nhiều đóng góp cho cách mạng, nhiều cán bộ, chiến sĩ có nhiều đóng góp cho Tổ quốc, nhưng công tác khen thưởng còn vướng mắc, tồn đọng chưa được giải quyết. Chính vì vậy, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm biện pháp giải quyết một cách hợp lý các trường hợp khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong kháng chiến mà do khách quan chưa làm được. Cùng với đó, quá trình 40 năm Đổi mới cũng đặt ra nhiều vấn đề cho công tác thi đua, khen thưởng trong lao động sản xuất, đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch nước biểu dương Bộ Nội vụ đã có những thống kê, báo cáo đánh giá công tác thi đua, khen thưởng kịp thời; nhất trí với 4 nhiệm vụ về công tác thi đua, khen thưởng mà Bộ Nội vụ đề ra; đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và đóng góp tích cực của các thành viên Hội đồng; những kết quả mà phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng đã đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tích chung và việc triển khai thành công các nhiệm vụ trên tất cả lĩnh vực của đất nước.

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương phát biểu

Đối với các kiến nghị, đề xuất, Chủ tịch nước nhất trí việc thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; lưu ý khi tổng kết cần có đánh giá những đóng góp của công tác thi đua, khen thưởng trong gần 40 năm đổi mới đất nước.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tham mưu, đề xuất cho Bộ Chính trị ban hành chỉ thị mới cho công tác thi đua, khen thưởng, trong đó cần chú ý không chỉ thi đua, khen thưởng cho nhiệm kỳ đại hội tới mà cần hướng đến thi đua tiến tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; lưu ý công tác thi đua, khen thưởng hướng đến tôn vinh những công sức đóng góp của cán bộ, nhân dân.

Chủ tịch nước cũng lưu ý việc tháo gỡ vướng mắc khi triển khai Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 và các quy định pháp luật liên quan cần giữ nghiêm, thực hiện đúng quy định, khi có khó khăn trong vận dụng văn bản quy định, cần có đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ kịp thời.

Theo Chủ tịch nước, phải bảo đảm người có công với đất nước phải có chế độ, có khen thưởng kịp thời, trong đó trước mắt, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Bộ Nội vụ cần rà soát lại danh sách những cán bộ lão thành, có công với đất nước để có báo cáo cụ thể, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm khen thưởng kịp thời vào đợt kỷ niệm lớn của đất nước, thể hiện sự tri ân, vinh danh có ý nghĩa.

Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới, công tác thi đua khen, thưởng cần chú trọng thể chế hóa chủ trương của Đảng để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ kịp thời khó khăn liên quan công tác thi đua, khen thưởng. Công tác thi đua, khen thưởng gắn với cải cách thủ tục hành chính để làm sao bảo đảm kịp thời, chính xác hiệu quả, có tính chất động viên phong trào; đồng thời cần công khai minh bạch, có tính giáo dục, nêu gương; chú trọng người lao động trực tiếp, người sản xuất… trong thi đua khen thưởng; củng cố bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng và sớm giải quyết các bất cập trong công tác cấp - đổi hiện vật khen thưởng; đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội về công tác thi, đua khen thưởng.

Theo báo cáo tại cuộc họp, thời gian qua, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tập trung đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương tổ chức phát động, triển khai các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ khó khăn để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Từ năm 2021 đến nay, trên cả nước triển khai 7 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động. Hội đồng đã tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023). Các bộ, ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai tuyên truyền; tổ chức nhiều hoạt động để kịp thời động viên, khích lệ và nhân rộng các điển hình, thông qua nhiều hình thức.

Cùng với đó, công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi đua, khen thương được tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu qủa quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Cơ quan chuyên trách đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc để nâng cao chất lượng phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai đồng bộ, hiệu quả, là nòng cốt, định hướng cho các phong trào thi đua. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhiều điển hình tiên tiến được tôn vinh, khen thưởng tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Công tác tham mưu Kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, ngành, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW được thực hiện kịp thời, đúng tiến độ. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch công tác, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng.

 

BẢO THƯ

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VPCTN