Chùa Lôi Âm - Cực Lạc

“Nhớ ngày mùng Sáu tháng Ba / Ăn cơm với cà, đi hội chùa Tây”. Kế bên chùa Tây Phương cổ kính là ngôi chùa Cực Lạc, vốn là chùa Lôi Âm.

Mùng Sáu tháng Ba là lễ hội chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cổ kính. Quả đồi thấp bên tay phải Chùa Tây Phương có ngôi chùa mới được phục dựng, gọi là chùa Cực Lạc, nhưng ngôi chùa này vốn tên là chùa Lôi Âm, thuộc xã Cần Kiệm. Kinh sách nói Lôi Âm tự là ngôi chùa ở thế giới Cực lạc. Đức Phật Di Đà ngự ở ngôi chùa này. Trong Tây Du ký cũng có chùa Lôi Âm, nơi thầy trò Đường Tăng gặp yêu quái Hoàng Mi. 

Vì tên chùa mà hẻm núi mang tên là Kẽm Lôi Âm, núi cũng gọi là núi Lôi Âm.

Đọc Hương ước (năm 1939) làng Phú Đa, xã Cần Kiệm thì thấy ngôi chùa này được nhắc đến nhiều lần. Ví dụ: Điều 112 cho biết làng có ba chùa là chùa Xuân Lôi, chùa Vàng và chùa Lôi Âm.  Chùa Lôi Âm “giữa thổ núi Lôi Âm 6 mẫu 7 sào”; Điều 138: “Các lệ ở chùa Lôi Âm, hai lệ đám bản tự phải dâng lễ ở đình, mỗi lễ 15 quả oản”…

Ngôi chùa cũng có ba tòa tương tự chùa Tây Phương, nhưng tượng chủ yếu làm bằng đất luyện vỏ cây, trấu và phủ sơn. Một nhân chứng là ông giáo Khương Duy Anh, sống ở xóm Tây Phương gần chùa Lôi Âm cho biết ông đã từng thấy ngôi chùa này, rất to lớn. Do thời gian, chùa đổ nát nên năm 1967 địa phương cho hạ giải, một số tượng và đồ thờ gửi vào chùa Phú Lễ, chùa Miễu xã Cần Kiệm.

Năm 2024, các nhà khảo cổ đã tìm thấy mấy lò nung hình chum nung gạch ngói làm chùa và nhiều viên gạch ngói có từ thời Mạc và thời Lê – Trịnh, đặc biệt là còn tìm thấy một cây hương đá tạc hình hoa sen có ghi niên đại là “Chính Hòa thất niên” (1686). Các chuyên gia nhận định đây là ngôi chùa lớn, tầm quốc gia đầu tư chứ không phải chùa làng.

Ngôi chùa hiện nay mới được xây dựng lại trên nền cũ năm 2002, do sư Thích Đàm Tường chủ trì. Chùa mới kiến trúc kiểu chữ Công (I) với nét độc đáo là cột và tường làm bằng đá xanh. Vật liệu đá được sử dụng là bậc thềm, cột trụ, đèn, lan can. Chùa còn có tòa Cửu long bằng đá đặt ở tiền đường. Hậu điện có tượng Phật Đi Đà cỡ lớn ở chính giữa. Phía trong là bộ tam thế, cùng lư hương, hạc… đều được tạo tác từ đá xanh. Sau chùa có tháp cao năm tầng và nhà bia tám cạnh và rất nhiều tượng bằng đá xanh và đá cuội. Vì thế có người gọi Cực Lạc là ngôi chùa đá.

Một ông giáo quê ở xã Cần Kiệm nói là ni sư Thích Đàm Tường đi khắp nước mới gặp ngôi chùa mang tên Cực Lạc nên quyết tâm xây dựng lại chùa. Mấy ai biết đó chính là chùa Lôi Âm.

Vậy thì từ khi nào chùa đổi tên? Chuyện đơn giản thôi, ông Đỗ Văn Quí, người xã Trúc Động liền kề xã Cần Kiệm, trông coi ngôi chùa này giai đoạn sau Cải cách ruộng đất, khi đó chùa rất hoang vắng, đã tự đổi từ Lôi Âm sang Cực Lạc để gắn liền với chùa Tây Phương, Tây phương Cực lạc.

Sau mấy chục năm, người ta quên dần tên cũ, chùa Lôi Âm với mấy trăm năm lịch sử.

Một số hình ảnh về chùa Cực Lạc hiện nay - Ảnh: Hải Dương.

THÁI VŨ

Cổng chùa Cực Lạc