Chưa rõ ràng trong việc định tội đối với Nguyễn Văn B

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn B có phạm tội tàng trữ trái phép súng săn không?” của tác giả Nguyễn Thị Thùy Giang đăng ngày 01/11/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

TAND huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án về “Tàng trữ, sử dụng trái phép súng săn” - Ảnh: Lê Lợi - Trọng Duy.


1. Việc xác định Nguyễn Văn B hành vi có phạm tội hay không và thuộc điều khoản nào của Điều 306 BLHS 2015 còn chưa rõ ràng
Theo khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, “súng săn” được định nghĩa là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp và được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này. Từ quy định này, “súng săn” là một loại vũ khí bao gồm hai thành tố là “súng”“đạn” dùng cho mục đích săn bắn. Do vậy, không thể coi đạn sử dụng cho súng kíp hoặc súng hơi là một “đơn vị súng săn”.
Đạn được xem là một phần bổ trợ của vũ khí, không thể gây sát thương nếu không có súng. Trong trường hợp chỉ tàng trữ đạn (ở đây là đạn súng hơi), bản thân đạn không thể gây nguy hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của con người một cách trực tiếp.
Điều 306 BLHS 2015, không có quy định yêu cầu cụ thể rằng hành vi “tàng trữ trái phép súng săn” phải bao gồm cả việc tàng trữ súng và đạn thì mới cấu thành tội phạm. 
Khoản 7, 8 Điều 4 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC chỉ hướng dẫn về các trường hợp “số lượng lớn, số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn” của vật phạm pháp liên quan đến tội danh này, nhưng không hướng dẫn rằng cần có cả súng và đạn hay cần số lượng bao nhiêu đạn thì mới cấu thành tội tàng trữ trái phép súng săn.
Xét về tính chất nguy hiểm hành vi của B, đã xử phạt 15.000.000 đồng về hành vi “chế tạo, trang bị, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn”, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Tiếp tục có hành vi vi phạm trong việc tàng trữ số lượng lớn đạn, cụ thể là 54.676 viên. Tuy không có quy định cụ thể về số lượng đạn tối thiểu để cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”, nhưng với số lượng lớn đạn bị tàng trữ, hành vi này hoàn toàn được coi là có tính nguy hiểm cao và cần được xem xét xử lý hình sự.
Đối với hành vi của B dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại Điều 13 BLTTHS 2015, khi pháp luật không có quy định rõ ràng về mức độ và số lượng đạn cần thiết để cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”, cần phải giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội. Việc Nguyễn Văn B chỉ tàng trữ đạn mà không có súng, không đủ yếu tố để cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn” theo Điều 306 BLHS 2015.
Từ những phân tích nêu trên, hoàn toàn có thể khẳng định Nguyễn Văn B hành vi có phạm tội hay không và thuộc khoản nào của Điều 306 BLHS 2015 còn chưa rõ ràng.
2. Hạn chế, bất cập khi xác định hành vi có tính chất nguy hiểm cao nhưng không có đủ căn cứ định tội danh tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Điều 306 BLHS 2015 chưa quy định rõ ràng về việc chỉ tàng trữ đạn có cấu thành tội hay không, dẫn đến hạn chế trong việc áp dụng pháp luật. Các cơ quan tố tụng khó có thể dựa vào điều luật này để xử lý nếu không có căn cứ vững chắc chứng minh hành vi tàng trữ đạn có thể cấu thành tội.
Chưa có hướng dẫn cụ thể về mức độ và số lượng đạn tối thiểu để xác định hành vi tàng trữ đạn có thể cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”. Điều này gây ra khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định trách nhiệm hình sự khi đối tượng chỉ tàng trữ đạn mà không có súng, dù số lượng đạn rất lớn và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa trật tự công cộng.
Về phạm vi định nghĩa “súng săn” tại khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, bao gồm súng cả đạn sử dụng cho súng này. Từ quy định này không thể khẳng định một cách chắc chắn rằng chỉ tàng trữ đạn thì có đủ căn cứ xác định là tàng trữ trái phép súng săn. Việc thiếu sự rõ ràng trong định nghĩa và quy định về thành tố cấu thành tội phạm dẫn đến khó khăn trong việc xử lý nghiêm các hành vi nguy hiểm liên quan đến vũ khí và đạn dược.
Vấn đề về tính chất nguy hiểm của hành vi trên thực tế, việc tàng trữ số lượng lớn đạn có thể gây nguy cơ cho xã hội vì dễ bị lạm dụng cho các hành vi phạm tội khác. Khi quy định pháp luật chưa rõ ràng về mức độ nguy hiểm của hành vi, việc định tội danh gặp khó khăn, dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Trường hợp như của Nguyễn Văn B tàng trữ 54.676 viên đạn mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể tạo ra lỗ hổng pháp lý, giảm tính răn đe và có thể khuyến khích hành vi vi phạm tương tự.
Vì vậy, cần có những sửa đổi, bổ sung cụ thể trong quy định của pháp luật nhằm làm rõ các điều kiện cấu thành tội phạm. Bảo đảm các hành vi tàng trữ đạn với số lượng lớn, có nguy cơ gây nguy hiểm cao cho xã hội được xử lý nghiêm minh, tăng cường tính hiệu quả và răn đe của pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

NGÔ THỊ HUỆ (Tòa án quân sự Quân khu 3)