Chuẩn bị xét xử sơ thẩm của BLTTHS 2015, vướng mắc và kiến nghị giải quyết

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, Thẩm phán phải thực hiện nhiều nhiều hoạt động và ra các quyết định tố tụng khác nhau như: Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; trả hồ sơ điều tra bổ sung; tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án; gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử; quyết định đưa vụ án ra xét xử và triệu tập những người cần xét hỏi tại phiên tòa. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ bàn về một số điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về các hoạt động tố tụng trong giai đoạn xét xử và vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, đề xuất, kiến nghị.

1.Một số điểm mới của BLTTHS năm 2015 về các hoạt động tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Về quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn: Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) thì sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải giải quyết ngay việc có áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hay không, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định (Điều 278).

Trước hết, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xác định: Trong hồ sơ vụ án, Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát đã áp dụng biện pháp ngăn chặn nào chưa; có cần áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị can hay không? Và việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn phải có căn cứ được quy định tại Điều 109 BLTTHS năm 2015 nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa bị can gây khó khăn cho việc xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội cũng như khi cần bảo đảm thi hành án.

So với quy định về biện pháp ngăn chặn tại Chương VI của BLTTHS năm 2003 sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTHS năm 2003) thì BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số điểm mới về biện pháp ngăn chặn như quy định cụ thể hơn về các biện pháp bắt (Điều 109): nhằm bảo đảm tính cụ thể trong cách thức quy định về biện pháp bắt người; đồng thời, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, BLTTHS năm 2015 đã quy định về các trường hợp bắt, bao gồm: (1) Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; (2) Bắt người phạm tội quả tang; (3) Bắt người đang bị truy nã; (4) Bắt bị can, bị cáo để tạm giam; (5) Bắt người bị yêu cầu dẫn độ. Quy định chặt chẽ căn cứ tạm giam và rút ngắn thời hạn tạm giam (Điều 119 và Điều 173).

Trong giai đoạn điều tra: Rút ngắn thời hạn tạm giam 1 tháng đối với tội ít nghiêm trọng; 2 tháng đối với tội rất nghiêm trọng. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, BLTTHS 2015 cho phép gia hạn tạm giam đến khi kết thúc điều tra nhưng để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng, thẩm quyền gia hạn tạm giam trong trường hợp này chỉ thuộc Viện trưởng VKSNDTC.

Trong giai đoạn truy tố: Thời hạn tạm giam tối đa đối với bị can về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng là 30 ngày; tội rất nghiêm trọng là 45 ngày; tội đặc biệt nghiêm trọng là 60 ngày (Không còn được tính thêm 3 ngày giao cáo trạng và các quyết định tố tụng như Điều 166 BLTTHS năm 2003).

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử: Theo quy định tại Điều 177 BLTTHS năm 2003 thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của BLTTHS năm 2003 và được hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC  hướng dẫn về một số quy định trong phần xét xử sơ thẩm của BLTTHS năm 2003. Theo đó, thời hạn tạm giam được tính kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và không được quá 45 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và ba tháng mười lăm ngày đối với phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Khoản 2 Điều 278 BLTTHS năm 2015 quy định: Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS năm 2015. Như vậy, theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì thời hạn tạm giam đối với tội phạm tít nghiêm trọng là 30 ngày, tội nghiêm trọng là 45 ngày, rất nghiêm trọng là 02 tháng và tội đặc biệt nghiêm trọng là 03 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án (Chứ không phải kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án như quy định của BLTTHS năm 2003). Đối với vụ án phức tạp thì Chánh án có thể quyết định gia hạn thêm 15 ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Quy định như vậy là nhằm hạn chế việc lạm dụng việc ra lệnh tạm giam kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo và lệnh chồng lệnh; trong khi tại phiên tòa Hội đồng xét xử còn ra Lệnh tiếp tục tạm giam 45 ngày để đảm bảo thi hành án.

BLTTHS năm 2015 còn sửa đổi các quy định về biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú (các điều 121, 122 và 123), quy định chế tài phạt tiền áp dụng đối với người bảo lĩnh nếu để cho bị can, bị cáo bỏ trốn; chỉ quy định đặt tiền, không quy định đặt tài sản; quy định cụ thể nghĩa vụ của người nhận bảo lĩnh và nghĩa vụ của bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú phải cam đoan; bổ sung thời hạn áp dụng đối với biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền. Theo đó, thời hạn áp dụng các biện pháp này không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; đối với người bị kết án phạt tù thì không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù. Bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh (Điều 124), để phúc đáp yêu cầu phát hiện và xử lý tội phạm, phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, BLTTHS năm 2015 bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh áp dụng đối với: a) Người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; b) Bị can, bị cáo. Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 còn bổ sung các biện pháp cưỡng chế (các điều 126, 127, 128, 129 và 130). Trong đó bổ sung thêm biện pháp phong tỏa tài khoản.

2.Những điểm vướng mắc

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS năm 2015 vẫn còn một số vướng mắc: Thứ nhất là biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, theo quy định tại Điều 123 BLTTHS năm 2015 đối với bị can đang tại ngoại, nếu xét thấy không cần áp dụng biện pháp tạm giam thì Thẩm phán có thể quyết định áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong trường hợp này Thẩm phán triệu tập bị can đến trụ sở Tòa án để giao Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; yêu cầu bị can làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình và phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Đồng thời với việc ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì Thẩm phán phải thông báo về việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú và giao bị can cho chính quyền xã, phường, thị trấn đó để quản lý, theo dõi bị can.

Hiện nay, do không có hướng dẫn thống nhất nên qua theo dõi thực tiễn giải quyết án tại các Tòa án địa phương thì thấy mỗi Thẩm phán thực hiện một cách khác nhau về việc viết giấy cam đoan. Có Thẩm phán yêu cầu bị can phải về Công an xã nơi bị can cư trú xác nhận vào giấy cam đoan rồi nộp lại cho Tòa án nhưng có Thẩm phán không yêu cầu (vì Luật không quy định nên không buộc phải làm).

Về thời hạn ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, theo quy định tại khoản 4 Điều 123 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không được quá thời hạn xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS năm 2015. Vấn đề vướng mắc phát sinh . Giả sử ở giai đoạn truy tố Viện kiểm sát ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can đến ngày 25/6/2018 nhưng ngày 20 /6 / 2018 Viện kiểm sát đã chuyển hồ sơ cho Tòa án để thụ lý. Vậy thì thời hạn ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của bị can tính từ ngày nào? Ngày Tòa án thụ lý vụ án là ngày 20/6/2018 hay ngày hết lệnh của Viện kiểm sát đã ra lệnh trước đó là ngày 25/6/2018? Thực tiễn, có Thẩm phán ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú tính từ ngày thụ lý vụ án nhưng cũng có Thẩm phán ra lệnh tính từ ngày hết lệnh của Viện kiểm sát đã ra trước đó.

Thấy rằng, đối với thời hạn tạm giam thì có thể áp dụng tinh thần hướng dẫn của Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để tính thời hạn tạm giam là kể từ ngày tiếp theo ngày tạm giam cuối cùng của lệnh tạm giam trước đó và không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của BLTTHS năm 2015 trừ đi thời hạn bị can bị tạm giam, kể từ ngày thụ lý vụ án (tức là trừ đi thời hạn tạm giam của Viện kiểm sát đang còn khi Tòa án thụ lý vụ án). Tuy nhiên, đối với Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì giải quyết thế nào? Có tính trừ đi thời hạn bị can đã bị áp dụng theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Viện kiểm sát kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án giống như Lệnh tạm giam hay không? Hay vẫn ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án? Nếu ra lệnh kể từ ngày thụ lý vụ án thì dẫn đến hệ lụy là lệnh chồng lệnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can; trong thời hạn nhất định bị can phải bị áp dụng hai lệnh cùng lúc.

Hiện nay chưa có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nên các Thẩm phán thường áp dụng không thống nhất, điều này phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, mặc dù về bản chất thì bị cáo vẫn được tại ngoại. Ví dụ: Bị can Nguyễn Văn K phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 đang bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của VKSND  huyện N đến ngày 25/6/ 2018 nhưng ngày 20 /6/ 2018, Viện kiểm sát đã chuyển hồ sơ qua Tòa án vào sổ thụ lý. Vậy, thời hạn ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Nguyễn Văn K của Tòa án nhân dân huyện N theo quy định tại khoản 4 Điều 123 BLTTHS năm 2015 là không quá thời hạn xét xử, tức là không quá 30 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS năm 2015. Như vậy, Tòa án khi thụ lý hồ sơ sẽ ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can A kể từ ngày tiếp theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Viện kiểm sát ngày 25/6/2018 hay ngày 20/6/2018?

Theo chúng tôi, đối với giấy cam đoan thì không cần phải yêu cầu bị can về địa phương xác nhận; bởi vì cùng với việc ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì Thẩm phán đã ra thông báo về việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú để thông báo cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú và giao bị can cho chính quyền xã, phường, thị trấn đó để quản lý, theo dõi bị can. Về thời hạn ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của bị can, cần tính như thời hạn tạm giam, tức là trừ đi thời hạn bị can đã bị áp dụng theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Viện kiểm sát kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Như ví dụ nêu trên thì Tòa án ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Nguyễn Văn K là 30 ngày kể từ ngày 20/6/2018 (ngày thụ lý vụ án) trừ đi 05 ngày Viện kiểm sát đã ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trước đó. Nghĩa là, thực hiện như tinh thần của Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về tính thời hạn tạm giam là kể từ ngày tiếp theo ngày tạm giam cuối cùng của lệnh tạm giam trước đó và không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của BLTTHS năm 2015 trừ đi thời hạn bị can bị tạm giam, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Để phù hợp với quy định mới của BLTTHS năm 2015 liên quan đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú mà các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 chưa hướng dẫn đầy đủ nên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, chúng tôi mạnh dạn soạn thảo một số biểu mẫu để khắc phục thực trạng này và áp dụng thống nhất tại TAND huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đó là, biểu mẫu về lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can, bị cáo và thông báo về việc áp dụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú theo quy định tại Điều 123 của BLTTHS năm 2015.

* MẪU 1:

TÒA ÁN NHÂN DÂN…

Số:   /LCĐKNCT-TA.

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

             Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                  …, ngày…. tháng….năm……

LỆNH CẤM ĐI KHỎI NƠI CƯ TRÚ

TÒA ÁN NHÂN DÂN……..

Căn cứ các điều 44, 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Căn cứ hồ sơ vụ án hình sự thụ lý số:……/…./HSST ngày….tháng….năm…. của Tòa án nhân dân………………………….;

Xét thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn ngặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can…………………. để đảm bảo việc xét xử.

RA LỆNH:

Điều 1. Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can:…………………., sinh ngày…….tháng ……năm……….; tại:…………………………………………………………………………..

Giới tính:……;quốc tịch: Việt Nam; dân tộc:…..; tôn giáo:………; số CMND/Thẻ CCCD/Hộ chiếu:………………cấp ngày……..tháng……năm…………, nơi cấp:……………………

Nơi cư trú:…………………………………………………………………………………………………..

Bị Viện kiểm sát nhân dân…………………………………truy tố về tội: “………………………..” theo điểm…….khoản……..Điều………..Bộ luật hình sự……….

Điều 2. Bị can không được phép đi khỏi nơi cư trú tại:………………………………….., kể từ ngày………tháng……..năm………….cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm.

Giao bị can cho chính quyền xã (phường, thị trấn)……………………………………………

Nơi bị can cư trú để quản lý, theo dõi, giám sát.

Điều 3. Khi chưa được sự đồng ý của chính quyền xã (phường, thị trấn)………………………………………..và giấy cho phép của Tòa án nhân dân…………………..

thì bị can không được đi khỏi nơi cư trú quy định tại Điều 2 Lệnh này. Nếu bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan khi bị áp dụng Lệnh này thì sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam.

Nơi nhận:                                                                                             THẨM PHÁN         

– VKSND….;                                                                                                       (Ký, ghi rõ, họ tên, đóng dấu)

– Bị can.

– Lưu hồ sơ vụ án.                                                        

* MẪU 2:

 

TÒA ÁN NHÂN DÂN…

  Số:……/TB-TA.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM   

     Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
              ………, ngày….. tháng….. năm……

       

THÔNG BÁO VỀ VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CẤM ĐI KHỎI NƠI CƯ TRÚ

Kính gửi:  UBND xã…………………………………………………

Tòa án nhân dân………………thông báo cho Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn)…………. về việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can:……………, sinh ngày……tháng…….năm…….. tại:………………. Giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc:…….; tôn giáo:……….; số CMND/Thẻ CCCD/Hộ chiếu:……………cấp ngày……tháng……năm…., nơi cấp: Công an tỉnh Quảng Nam.

Nơi cư trú:………………………………………………………………………..

Bị truy tố về tội: “…………………..” theo điểm……khoản……Điều……..Bộ luật hình sự.

Tòa án nhân dân…………………đã ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số:……./…….ngày…..tháng……..năm…….đối với bị can……kể từ ngày……tháng ……năm………..cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Đề nghị Ủy ban nhân dân………………… có trách nhiệm quản lý, theo dõi, giám sát  bị can trong thời gian bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; nếu bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì Ủy ban nhân dân xã…………………báo ngay cho Tòa án nhân dân………………..để xử lý theo thẩm quyền./. 

Nơi nhận:                                                                                       THẨM PHÁN

– Như trên;                                                                                         (Ký, ghi rõ, họ tên, đóng dấu)

– Lưu: HSVA, VP.

 * MẪU 3:

TÒA ÁN NHÂN DÂN…………

Số:……./LCĐKNCT-TA.

 

      CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                      Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                               …., ngày….. tháng…năm…….

LỆNH CẤM ĐI KHỎI NƠI CƯ TRÚ

 TÒA ÁN NHÂN DÂN…………………………………………………………………

Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:

Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà):…………………………………………………

Các Hội thẩm nhân dân: Ông (Bà):…………………………………………………………….

Căn cứ các Điều 109, 123 Bộ luật Tố tụng hình sự;

Căn cứ vào Biên bản nghị án ngày…..tháng……năm …….của Hội đồng xét xử sơ thẩm;

            Xét thấy cần thiết phải tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn ngặn: “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị cáo…………………………………….để đảm bảo cho việc thi hành án.

RA LỆNH:

Điều 1. Bị cáo:…………………, sinh ngày………tháng………năm……..; tại: xã (phường, thị trấn)……………………………….huyện……………….tỉnh………………………………….

Nơi cư trú:……………………………………………………………………………………………………………

Bị Tòa án nhân dân………………………………xử phạt:………………………..về tội “……………………….” theo điểm………khoản……..Điều………Bộ luật Hình sự năm…….

Điều 2. Bị cáo không được phép đi khỏi nơi cư trú tại:……………………………….; kể từ ngày………tháng……….năm…………cho đến khi bị cáo đi chấp hành án phạt tù.

Giao bị cáo cho…………………………………………………………………..để quản lý, theo dõi.

Điều 3. Khi chưa được sự đồng ý của chính quyền xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam và giấy cho phép của Tòa án nhân dân huyện Quế Sơn thì bị cáo không được đi khỏi nơi cư trú quy định tại Điều 2 Lệnh này. Nếu bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì Ủy ban nhân dân xã Quế Phong báo ngay cho Tòa án nhân dân huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam để xử lý theo thẩm quyền.

Nơi nhận:

– Viện KSND huyện Quế Sơn;

– Bị cáo;

– Lưu hồ sơ vụ án.

    TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM

  THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

           (Ký, ghi rõ, họ tên, đóng dấu)

 

              

* MẪU 4:

TÒA ÁN NHÂN DÂN  H. QUẾ SƠN- QUẢNG NAM

 Số:……/TB-TA.

 

      CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                   Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                ………, ngày……tháng……năm……..

       

THÔNG BÁO VỀ VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CẤM ĐI KHỎI NƠI CƯ TRÚ

 Kính gửi:…………………………………………………………………………..

Tòa án nhân dân……………thông báo cho Ủy ban nhân dân …………………………….về việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo:

……………….., sinh ngày…….tháng……năm……..; tại:…………………………………………………..

Nơi cư trú:…………………………………………………………………………………………………………..

Ngày…../……./………., Tòa án nhân dân…………………… xử phạt bị cáo…………..tù về tội “……………………..” theo điểm…… khoản……Điều……….Bộ luật Hình sự.

Tòa án nhân dân……………….đã ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số……/……..ngày…….tháng…..năm…….đối với bị cáo, kể từ ngày…..tháng….năm….cho đến khi bị cáo Pháp đi chấp hành án phạt tù.

Đề nghị Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn)…………………có trách nhiệm quản lý, theo dõi, giám sát  bị cáo trong thời gian bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; nếu bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn)……………..cho Tòa án nhân dân……………..để xử lý theo thẩm quyền./.   

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu: HSVA, VP.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

   (Ký, ghi rõ, họ tên, đóng dấu)

 

 

 

   3.Một số kiến nghị đề xuất

Một là, nhằm áp dụng được thống nhất tại các Tòa án địa phương, TANDTC cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp áp dụng Điều 123 BLTTHS năm 2015 để giải quyết các vướng mắc trên, đồng thời ban hành bổ sung các biểu mẫu quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại TAND, bởi hiện  nay các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 chỉ có biểu mẫu hướng dẫn về biện pháp tạm giam.

Hai là, về thời hạn ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của bị can thì  theo chúng tôi Tòa án tối cao cần hướng dẫn theo hướng: Cần tính như thời hạn tạm giam, tức là trừ đi thời hạn bị can đã bị áp dụng theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Viện kiểm sát kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can như tinh thần của Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn cách tính thời hạn tạm giam.

Trên đây là một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng một số quy định mới của BLTTHS năm 2015 về các hoạt động tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện. Rất mong nhận được sự sự quan tâm trao đổi của đồng nghiệp và độc giả.

 

VÕ VĂN THỂ (TAND huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam)