Chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra là trách nhiệm chứ không phải là quyền hạn
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 25/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội, Quốc hội tiến hành hảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.
Các đại biểu nghiên cứu rất cụ thể, sâu sắc, bày tỏ rõ quan điểm
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua các ý kiến phát biểu của Quốc hội cho thấy, về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung cơ bản trong Báo cáo giải trình, tiếp thu Ủy ban thường vụ Quốc hội và dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội kỳ họp này.
Đồng thời, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cũng đã phân tích sâu sắc, góp ý làm rõ thêm nhiều nội dung cụ thể, thể hiện sự nghiên cứu rất cụ thể, sâu sắc, bày tỏ rõ quan điểm, góp ý cụ thể, trí tuệ, thẳng thắn vào nhiều nội dung cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, sự phù hợp của tổ chức, của hoạt động của hệ thống thanh tra với yêu cầu thực tiễn đổi mới và đáp ứng tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật, đồng bộ giữa hoạt động, các hoạt động thanh tra với nhau và hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán và các hoạt động quản lý nhà nước khác.
Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối kỳ họp này.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ đã trình bày tờ trình, dự thảo luật được thảo luận tại tổ và hội trường và cơ quan soạn thảo đã có tiếp thu giải trình gửi đại biểu Quốc hội. Thời gian qua cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.
Giải trình về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện để đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra”, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện. Do đó, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc kiện toàn, tổ chức nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.
Đoàn ĐBQH Tp Hồ Chí Minh
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành lĩnh vực tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định việc thành lập Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ với các tiêu chí cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Dự thảo Luật đã chỉnh lý việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ như Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Quản lý vốn, Ban Cơ yếu Chính phủ theo hướng quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể.
Về mối quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định rõ hơn trách nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động thanh tra và quy định rõ việc tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra; đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định đối với dự thảo kết luận các cuộc thanh tra liên quan đến an ninh quốc phòng, các cuộc thanh tra do Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo hoặc theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thì cơ quan thanh tra phải báo cáo bằng văn bản xin ý kiến của thủ trưởng cơ quan nhà quản lý nhà nước cung cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.
Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với Kiểm toán Nhà nước; tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra Dự thảo Luật quy định rõ, mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm. Dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.
Về Thanh tra Sở, việc phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân các tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn; đồng thời góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy, khắc phục tình trạng của các địa phương Sở nào cũng có thanh tra nhưng không đảm bảo biên chế cho tổ chức và hoạt động thanh tra. Do vậy dự thảo Luật quy định rõ các trường hợp được thành lập Thanh tra Sở.
Thanh tra ở cơ quan bảo hiểm xã hội
Trước đó, các Đại biểu đã phát biểu ý kiến sôi nổi.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, đề nghị bổ sung thêm thanh tra ở cơ quan bảo hiểm xã hội bởi vì Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có thanh tra chuyên ngành nhằm để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội lại đề nghị không mở rộng điều chỉnh đối với thanh tra chuyên ngành của BHXH. Đại biểu nêu rõ, Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định về thanh tra chuyên ngành về thanh tra bảo hiểm xã hội ở Điều 13, theo đó quy định thanh tra lao động thương binh và xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra; thanh tra tài chính thực hiện thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra; cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định của luật này và các pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, trên thực tế việc thực hiện thanh tra chuyên ngành của các cơ quan bảo hiểm xã hội đã được tổ chức và hoạt động ở cả cấp trung ương và cấp địa phương đã phát huy hiệu quả. Vì vậy trong trường hợp đưa phạm vi về thanh tra chuyên ngành của cơ quan bảo hiểm xã hội vào phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này thì cần phải cân nhắc, nếu quy định phải đảm bảo cụ thể rõ ràng, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan này.
Đại biểu đề xuất nên đưa nội dung này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra (sửa đổi) và đề nghị thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Có quá nhiều cuộc thanh tra
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, nhất trí với các đại biểu về xử chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra. Đại biểu cho rằng cụm từ không chồng chéo, trùng lặp được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương. Do đó, đại biểu đề nghị là nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với lại bộ, ngành, địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy
Tại Điều 76 về ban hành kết luận thanh tra, đại biểu cho rằng việc chậm ban hành kết luận thanh tra thì dự thảo luật còn bỏ trống, chưa được quy định rõ. Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với lại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm. Từ đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam trao đổi về vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra, đại biểu cho rằng, có những cuộc thanh tra từ năm 2015, 2016 mà đến giờ vẫn chưa có kết luận thanh tra. Đại biểu băn khoăn việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao, nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục thế nào và chế tài ra sao.
Đại biểu lưu ý cần nghiên cứu sao cho hợp lý. Vấn đề ở đây là ai chủ trì để tránh chồng chéo. Lúc triển khai kế hoạch phát hiện chồng chéo thì lại bỏ bổ sung kế hoạch đã được duyệt từ trước. Do đó, cần phải xem xét, quy định thật rõ, cụ thể. Thực tiễn những đơn vị sản xuất kinh doanh khi có đoàn thanh tra vào, thì các đối tác kỳ hợp đồng rất dè dặt và khó khăn. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào chất lượng của các đoàn thanh tra, các cấp thanh tra. Nếu quy định như vậy không khéo thì sẽ trở thành cấp bảo lãnh cho các đơn vị đó. Đại biểu nêu rõ, vấn đề ở đây về chất lượng là rất quan trọng
Quan tâm đến vấn đề kết luận thanh tra với kiểm toán nhà nước khác nhau, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, thực tế đã diễn ra tình trạng này. Đồng thời băn khoăn nếu trong trường hợp có độ trễ, Kiểm toán nhà nước có kết luận khác với kết luận thanh tra thì xử lý như thế nào? Đại biểu Tạ Văn Hạ nhận thấy, Luật phải quy định chế tài vấn đề này ra sao, trách nhiệm của Trưởng đoàn đưa ra kết luận. Như vậy, dự thảo Luật phải quy định rõ vấn đề này và khắc phục hậu quả như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ.
Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Văn Hạ còn chỉ ra thực tế người ký kết luận thanh tra lại không tham gia Đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ báo cáo với người quyết định thanh tra. Đại biểu băn khoăn, khi có mâu thuẫn trong quá trình thẩm định, thanh tra rồi mà không ban hành được kết luận thanh tra. Quy định vấn đề này như thế nào, chế tài ra sao, đại biểu đề nghị cần được quy định rõ. Thực tế hiện hữu đang xảy ra mà chúng ta chưa khắc phục được.
Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 53 cũng quy định việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở…Tuy nhiên, các quy định này cũng chưa thật sự tường minh. Do đó, cần quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo giữa thanh tra Bộ và thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và các cơ quan thanh tra.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho biết, thanh tra chuyên ngành đã được đề cập tới ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, có sự chồng chéo giữa pháp luật về thanh tra và pháp luật chuyên ngành. Phần lớn các luật chuyên ngành đều có phần đề cập đến thanh tra chuyên ngành, quy định rõ mục đích, khái niệm, nội dung thanh tra chuyên ngành.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ chế định thanh tra chuyên ngành trong luật thanh tra để thống nhất điều chỉnh hệ thống thanh tra chuyên ngành trên toàn quốc thuộc mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Thực tế hiện nay, có nhiều hoạt động thanh tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau, nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh, như kiểm tra chuyên ngành, giám sát an toàn, kiểm tra nhà nước, kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn khái niệm thanh tra chuyên ngành, như định nghĩa, giải thích từ ngữ, mục đích thanh tra chuyên ngành gắn với đặc điểm tính chất và yêu cầu quản lý nhà nước chuyên ngành, làm rõ tầm quan trọng để hoàn thiện chế định về thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra.
Xử lý thu hồi tài sản sau thanh tra, chuyển cơ quan điều tra
Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa góp ý về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, đề xuất phương án nên quy định xử lý chồng chéo giữa thanh tra hành chính với nhau thành một nội dung và một nội dung là quy định về xử lý chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành.
Về quy định công khai kết luận thanh tra theo quy định tại Điều 77, đại biểu nhấn mạnh đề nghị nên xem xét về quy định thời gian công khai đối với việc công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hay công khai theo hình thức niêm yết tại cơ quan của đối tượng thanh tra.
Về vấn đề thu hồi tài sản sau thanh tra, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần trao thêm quyền cho trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra để kịp thời xử lý tiền, tài sản vi phạm kể cả ngay trong quá trình thanh tra chứ không phải chờ sau khi kết luận thanh tra mới ban hành các quy định để xử lý.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề xuất chỉnh sửa, bổ sung một số từ ngữ dùng trong dự thảo Luật. Đại biểu Hà cho biết, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 78 quy định người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm. Theo đại biểu, quy định này còn 4 hạn chế sau:
Một là không thống nhất với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng. Vì cả hai văn bản luật này đều quy định phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra và cả hai văn bản luật này đều quy định việc chuyển ngay tài liệu, đồ vật, hồ sơ sang cơ quan điều tra là trách nhiệm chứ không phải là nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra.
Hai là không bảo đảm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phòng, chống tội phạm nói chung và các tội phạm tham nhũng nói riêng, đó là xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản cũng không bảo đảm nguyên tắc xử lý tội phạm trong Bộ luật Hình sự là mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật cũng như nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự là xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
Ba là không thể hiện thái độ kiên quyết, mạnh mẽ của Quốc hội và mệnh lệnh rõ ràng, dứt khoát của nhân dân đối với trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như trong xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra.
Bốn là không đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm về tham nhũng trong tình trạng hiện nay. Đại biểu nhấn mạnh, tình trạng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt để tiêu xài, hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.
Với bốn hạn chế nêu trên, đại đề nghị bổ sung từ “trách nhiệm” vào sau từ “quyền hạn” trong tên Điều 78 và mũ của Khoản 1 Điều 78. Đồng thời, bổ sung từ “phải” và từ “ngay” vào Điểm b, Khoản Một, Điều 78 của dự thảo luật thành “phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật, hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra”; bổ sung một cách hợp lý các từ “phải” và “ngay” nêu trên vào Điều 6, Điều 8, Điều 66…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp - Ảnh: Qh.vn
Bài liên quan
-
Nâng cao chất lượng công tác thanh tra Tòa án nhân dân
-
Tăng cường thanh tra về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng
-
Thanh tra Chính phủ công khai kết luận thanh tra tại Bộ Giao thông Vận tải
-
Thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận