Công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
Ngày 3/2, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh, được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 2 ngày 9/1/2023.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đại diện cơ quan soạn thảo, giới thiệu nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 Chương, 121 Điều, được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đại biểu tán thành là 78%. Với 12 chương, 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra.
Đó là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định bao quát toàn bộ hoạt động khám chữa bệnh
Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; sai sót chuyên môn kỹ thuật; điều kiện bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp.
Luật quy định về nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh gồm: Tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề, người khác đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện kịp thời và tuân thủ đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật. Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là: Xâm phạm quyền của người bệnh; Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 của Luật này. Khám bệnh, chữa bệnh mà không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật này; Không thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật; áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Có hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh. Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi. Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh hoặc lập hồ sơ bệnh án giả hoặc lập hồ sơ bệnh án và các giấy tờ khống khác về kết quả khám bệnh, chữa bệnh...
Về điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh, luật quy định: Cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực; đã đăng ký hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này; đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 21 của Luật này; có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Lần đầu luật hóa Hội đồng Y khoa quốc gia
Luật khám chữa bệnh lần đầu luật hóa Hội đồng Y khoa quốc gia. Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng, ban hành bộ công cụ và tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giới thiệu nội dung của Luật
Hội đồng Y khoa là mô hình lần đầu có tại Việt Nam, còn mới, chưa rõ, nên Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động.
Liên quan tới tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, phát triển các hoạt động chuyên môn và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp do Nhà nước định giá.
Viện cũng được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám chữa bệnh; được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không vượt quá giá do Bộ trưởng Y tế quy định, trừ giá dịch vụ theo yêu cầu và giá hình thành từ hoạt động hợp tác công tư.
Về giá dịch vụ khám bệnh, Bộ trưởng Y tế phối hợp Bộ trưởng Tài chính quy định phương pháp định giá với dịch vụ khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế quy định giá dịch vụ thuộc danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, giá dịch vụ do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ không phải do BHYT thanh toán cũng không phải dịch vụ theo yêu cầu.
HĐND cấp tỉnh quy định giá khám chữa bệnh với các bệnh viện trên địa bàn, nhưng không vượt khung giá tương ứng của Bộ Y tế. Bệnh viện công lập áp dụng giá với người không có thẻ BHYT dùng dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ BHYT chi trả mà không phải loại hình theo yêu cầu. Viện cũng được tự quyết định giá dịch vụ theo yêu cầu nhưng phải kê khai. Bệnh viện tư được quyết định và kê khai, niêm yết giá. Còn bệnh viện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được quyết định giá khám chữa bệnh theo pháp luật về PPP.
Xã hội hóa
Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi đã chỉ rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh như chi phí nhân công, thuốc, hóa chất, chi phí khấu hao thiết bị y tế, chi phí quản lý như duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế... Như vậy, quy định mới sẽ tính đủ 7 yếu tố cấu thành như các bệnh viện phản ánh.
Về xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh, Luật cho phép thu hút nguồn lực xã hội bao gồm đầu tư và đầu tư theo hình thức công tư để thành lập cơ sở y tế tư nhân; được vay vốn, thuê mượn thiết bị...
Thực tế, hơn 90% thiết bị y tế, chẩn đoán hình ảnh phục vụ khám chữa cho bệnh nhân tại các bệnh viện là máy mượn, máy đặt. Tuy nhiên, theo cơ quan BHYT, loại hình đó chưa được quy định trong các văn bản pháp luật nào, do đó bệnh viện không được phép dùng, bệnh nhân sử dụng dịch vụ chẩn đoán từ loại hình máy này không được Bảo hiểm y tế chi trả... Quy định mới đã khắc phục vướng mắc đó.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, hiệu lực từ 1/1/2024, trừ một số điều về đánh giá năng lực hành nghề y, Hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh... có hiệu lực muộn hơn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Bình luận