Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Tính đúng, tính đủ nhưng không tăng chi phí cho người dân
Hôm nay, 24/10, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.
Dự thảo Luật có 12 chương và 121 điều
Báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung đầy đủ nội dung theo tên các chương, mục của dự thảo Luật và bỏ khoản 2 Điều 1 quy định về nội dung Luật không điều chỉnh.
Về bố cục của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại bảo đảm rõ ràng, hợp lý hơn bằng việc điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Về chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh “tâm lý trị liệu” tại điểm h, khoản 1 Điều 20; giữ quy định về cấp giấy phép hành nghề cho y sĩ gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng, lộ trình đào tạo y sỹ trình độ cao đẳng. Đồng thời. bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với từng chức danh chuyên môn.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại phiên thảo luận
Về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề (Điều 23) và Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 24), tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện; lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề, đồng thời, dự thảo bổ sung 01 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, về thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước như quy định tại Điều 29.
Ngoài ra, về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu theo hướng, quy định người hành nghề là người nước ngoài bắt buộc phải sử dụng thành thạo tiếng Việt nếu muốn khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam, có lộ trình thực hiện và quy định các trường hợp, điều kiện được sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt, đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn của người phiên dịch và việc việc sử dụng ngôn ngữ khi khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số không có khả năng sử dụng tiếng Việt, người khuyết tật về ngôn ngữ, người bệnh là người nước ngoài.
Cần chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ ngành y
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng khẳng định dự án luật ra đời đã đáp ứng và giải quyết được những yêu cầu phong phú, đa dạng của thực tiễn liên quan công tác khám bệnh, chữa bệnh của nước ta, nhằm hướng đến một nền y tế phục vụ chuyên sâu, chuyên nghiệp, hệ thống và hiện đại.
Về các nội dung chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, theo đó, khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề là chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế. đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đặt câu hỏi: Yếu tố đặc biệt được định tính ở mức độ nào để đủ sức trở thành một trong những động lực cơ bản cho đội ngũ, vì ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành khác. Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn.
Ngoài ra, với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch COVID -19 vừa qua cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần, như hưởng 100% phụ cấp đặc thù, nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm…
Bên cạnh đó, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời xem xét bổ sung quy định về nguồn kinh phí hỗ trợ chi phí khấu hao tài sản, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao ngoài danh mục chi trả của bảo hiểm y tế…
Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu về chi phí khám bệnh chữa bệnh, Dự án Luật vẫn chưa làm sáng tỏ, chưa đề ra được nguyên tắc tính đúng tính đủ. Sau khi tính đúng tính đủ thì phải thực hiện chi đúng chi đủ. Nếu không chi rõ ràng thì đội ngũ y tế vẫn không thể làm tốt được nhiệm vụ. Vì vậy, cần thiết kế các điều khoản chặt chẽ để quy định rõ vấn đề này. Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần rà soát toàn bộ Dự án Luật vì có nhiều chính sách đến tận năm 2027, 2032 mới thực hiện, hay rất nhiều chính sách mới, lớn cần phải đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Do đó, theo đại biểu cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thảo luận tiếp về Dự án Luật này tại Kỳ họp tiếp theo để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng.
Đại biểu Nguyễn Văn An bàn về chế độ, chính sách cho người làm nghề khám bệnh, chữa bệnh, cho rằng việc giải trình trong báo cáo chưa thuyết phục, chưa thể hiện được chính sách đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho ngành y. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia, trong Dự án Luật, có sự bất cập khi chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc quỹ những quy định liên quan đến nội dung này để đảm bảo khả thi; hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo thuận lợi trong thi hành, áp dụng, đảm bảo hiệu quả thực tế.
Các đại biểu tại phiên thảo luận
Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu, rà soát Điều 121 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để đảm bảo quy định rõ và đủ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; đồng thời rà soát toàn bộ các nội dung quy định trong Dự luật tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, đảm bảo tính khả thi của các chính sách.
Về Hội đồng y khoa quốc gia, đại biểu cho rằng không nên quy định Hội đồng này do Nhà nước thành lập, mà nên là một tổ chức độc lập, do Bộ Y tế thành lập và chủ trì để thực hiện đúng chức năng là đơn vị, cơ quan tham mưu cho Chính phủ.
Quyền của “người bệnh”
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, đề nghị nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh. Thực tiễn cho thấy Luật khám bệnh, khám bệnh 2009 hiện hành và dự thảo Luật hiện nay đều không điều chỉnh các dịch vụ y tế như chăm sóc sức khỏe sinh sản, phẫu thuật thẩm mỹ, y tế dịch phòng. Đây là các dịch vụ y tế không phải là khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, làm cơ sở cho việc quy định trách nhiệm và quyền lợi các bên liên quan cũng như bao quát được hết các hoạt động cung ứng dịch vụ y tế. Đồng thời khái niệm “người bệnh” cần được thay thế bằng khái niệm “người sử dụng dịch vụ y tế” để bao hàm được đầy đủ những người sử dụng dịch vụ.
Về quyền của người bệnh được quy định tại Điều 9 đến Điều 15 của dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh. Bệnh nhân có quyền lựa chọn bác sỹ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình. Bệnh nhân có quyền tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi thấy cần. Thực tế các dịch vụ phẫu thuật hiện nay đã sử dụng quyền này của người bệnh. Đồng thời cần bổ sung quyền than phiền, khiếu nại chứ không chỉ quyền kiến nghị của người bệnh như quy định tại Khoản 1, Khoản 2.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, việc giữ bí mật thông tin cho bệnh nhân rất khó thực hiện ở một số tình huống tại bệnh viện. Bởi vì nhiều bác sĩ chọn giải pháp là giải thích cho người nhà. Trong khi đó, người nhà lại là không tôn trọng quyền giữ bí mật thông tin cho bệnh nhân. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, các quy định pháp luật cần cụ hơn để áp dụng cho nhiều trường hợp giúp bệnh viện có cách ứng xử phù hợp. Bệnh nào thì cho bệnh nhân biết, bệnh nào thì chỉ cho người nhà biết.
Về quyền của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản toán các hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản tại khoảng 1 Điều 12, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, cần thiết sửa đổi quy định này theo hướng người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh hay người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có quyền được xem hồ sơ bệnh án và phải được cung cấp bản sao hồ sơ nếu có yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thảo luận về vấn đề mua bảo hiểm trách nhiệm đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu ủng hộ quy định này bởi đây là sự bảo đảm cho cả cơ sở và người bệnh. Theo đại biểu, Quy định Bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh là loại hình bảo hiểm nhằm chi trả chi phí bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại do sai sót chuyên môn của người hành nghề hoặc tai biến do sự cố y khoa phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh xảy ra trong thời hạn bảo hiểm và các chi phí khiếu kiện pháp lý liên quan tới khiếu nại đó.
Về việc tự chủ tài chính của các bệnh viện, theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, việc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện thể hiện có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện nhà nước, là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập cần thiết phải được luật hóa một cách minh bạch, vừa để nhân dân người bệnh rõ về cách thức vận hành của cơ sở khám, chữa bệnh, vừa để vừa để cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề yên tâm điều hành hoạt động cơ sở yên tâm và dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh.
Trên cơ sở đó, Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội nội dung quy định về vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh trong Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà thực tiễn đặt ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét thông qua Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi tại kỳ họp thứ năm.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ đề nghị là cần khẳng định Nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động khám bệnh và chữa bệnh tại các điểm a, b, c, d của khoản 1 Điều 4 thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta trong việc xác định các nhóm đối tượng, lĩnh vực cần được tập trung hỗ trợ; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Trong đó, quy định giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tùy theo nguồn lực của địa phương ban hành nghị quyết về chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là phù hợp nhằm đảm bảo chính sách thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về chính sách đầu tư phát triển y tế chuyên sâu để phát triển các kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung nhằm bảo đảm ngành y tế nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại.
Về nội dung quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi người bệnh là người chưa thành niên là người bệnh, không có thân nhân tại khoản 2 của Điều 14 dự thảo, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị quy định đối với trường hợp này thì Hội đồng giám sát y khoa của cơ Sở Y tế sẽ quyết định thì phù hợp hơn nhằm đảm bảo quyền được điều trị bệnh và quyền được cứu sống người bệnh. Đối với các trường hợp và điều kiện cấp giấy phép hành nghề, đai biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu các quy định, tiêu chí về sức khỏe cụ thể hơn đối với nội dung này.
Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em, đại biểu nhấn mạnh, đây là nguyên nhân gây tử vong cao trong trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, thường xảy đến với các trẻ em ở hộ nghèo, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… không có khả năng chi trả, điều trị. Căn bệnh này còn gây ảnh hưởng đến não bộ, khả năng học tập của các cháu sau này… Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này cần có quy định cụ thể cho vấn đề này.
Xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.
Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập. Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.
Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là họ thiết bị hiện đại hơn.
Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.
ĐB Hoàng Văn Cường hy vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này. Tuy nhiên những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu
Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định các nội dung liên quan đến giấy phép hành nghề khám chữa bệnh, Hội đồng y khoa, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hợp tác công tư trong khám chữa bệnh.
Tranh luận với ý kiến cho rằng cấp giấy phép hành nghề thời hạn chỉ còn 5 năm sẽ gây tốn kém, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề nếu như hành nghề tham gia đủ các khóa đào tạo liên tục, đạt đủ điểm số theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Theo đại biểu đây là thông lệ của thế giới và nên ủng hộ, tuy nhiên cần tổ chức thực hiện cho đúng.
Tranh luận với nhiều ý kiến đại biểu về Hội đồng y khoa quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đại biểu, trong giai đoạn đầu tiên nên quy định Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành, Hội đồng Y khoa hoạt động độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa.
Về hợp tác công tư, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng các hình thức cho vay, cho thuê, mua trả chậm, tài trợ liên kết với tổ chức nước ngoài… đã được ban soạn thảo tiếp thu rõ ràng, tuy nhiên cần quy định thêm về hợp tác phi lợi nhuận. Theo đó, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền để xây dựng và các cơ sở công lập sẽ sử dụng tiền lãi tiếp tục tái đầu tư cho phục vụ hoạt động nhân đạo.
Thời điểm thông qua
Đại biểu Nàng Xô Vi cũng đề cập, gần đây các vụ việc người nhà bệnh nhân bạo hành nhân viên y tế, cá biệt hơn là cả bệnh nhân đang khám và điều trị cũng có hành vi bạo lực nhân viên y tế tại các bệnh viện có chiều hướng gia tăng và có những vụ việc gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải có bổ sung thêm vào dự thảo Luật này các biện pháp phù hợp hơn, quyết liệt hơn để xử lý, chấn chỉnh hiện trạng này.
Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ nỗi băn khoăn về thời gian thông qua Dự án Luật. Đại biểu đặt vấn đề, có nên thông qua Dự án Luật tại Kỳ họp này không, hay nên tiếp tục thảo luận tại một Kỳ họp nữa để bổ sung thêm các nội dung đối với một Dư án Luật lớn, quan trọng; nhiều chính sách lớn cần đánh giá tác động như Dự luật này.
Đại biểu cho rằng các quy định về trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp chưa rõ ràng, chưa hợp lý, còn bất cập. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp được huy động nguồn lực để trực tiếp hành nghề, trong khi chưa quy định rõ về việc đảm bảo điều kiện hành nghề, các quy định trong Dự án Luật về nội dung này còn mâu thuẫn. Đại biểu đề nghị cần rà soát, nghiên cứu kỹ để đảm bảo Dự án Luật đạt được hiệu quả khi được chính thức ban hành.
Đại biểu Nàng Xô Vi phát biểu ý kiến - Ảnh: Qh.vn
Bài liên quan
-
Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định và Bệnh viện đa khoa Kiến An
-
TP HCM có thêm Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hiện đại tại Quận 8
-
Phó Chủ tịch nước dự kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển Bệnh viện Trung ương Huế
-
Pharmacity phối hợp cùng bệnh viện Đại học Y dược tổ chức tư vấn sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Bình luận