Công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 12/12, tại sự kiện Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, UBND tỉnh tổ chức Công bố Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chủ đề: “Đổi mới - Đột phá - Quyết tâm – Khát vọng”

Quang cảnh tại buổi Công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Căn cứ Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã tập trung quyết liệt, dồn sức cho công tác lập quy hoạch tỉnh; đến ngày 08/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc Công bố Quyết định Quy hoạch tỉnh, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050: Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển: “(1) Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh; (2) Phát triển 2 hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh; (3) Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; (4)Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng; (5) Hoàn thiện thể chế; chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.

“Quy hoạch tỉnh Hậu Giang cũng đã xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược từ đó đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững trong quá trình thực hiện Quy hoạch”. Chủ tịch chia sẻ thêm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, tỉnh cần xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch đã được công bố. Cùng với phát triển kinh tế, Hậu Giang cần phát huy thế mạnh, tiềm năng để yếu tố văn hóa làm động lực phát triển. Hậu Giang sẽ có bước đột phá trong thời gian tới. Hậu Giang có cơ hội phát triển như hiện nay với cơ sở hạ tầng có 2 tuyến cao tốc qua địa bàn và có đội ngũ cán bộ tiếp nối, đột phá truyền thống của tỉnh. 

Trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư tại tỉnh Hậu Giang.

Tại sự kiện lần này, cũng diễn ra Hội nghị phát động triển khai đề án “Phát triển bền vững 01 triệu hét-ta chuyên canh lúa chất lượng cao vá phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Ông Cao Đức Phát - Nguyên Bộ trưởng NN&PTNT cho biết: Việt Nam đã khởi động triển khai dự án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL tới năm 2030”. Đây là dự án đầu tiên trên thế giới có quy mô lớn theo hướng này. Dự án hết sức cần thiết, cho phép giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam nói riêng. Đó là tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. 

Trên thế giới, gạo là lương thực chính của trên 3 tỷ người. Sản xuất lúa gạo là việc làm và thu nhập chính của Khỏang 140 triệu hộ nông dân nhỏ, sử dụng 11% đất canh tác toàn cầu. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhiều nước vẫn thiếu gạo. Thế giới vẫn phải nỗ lực gia tăng sản lượng. Đồng thời, phải bằng nhiều cách nâng cao nhanh hơn thu nhập của nông dân để khuyến khích họ gia tăng sản xuất. Mặt khác, sản xuất lúa gạo là ngành dễ tổn thương trước BĐKH nhưng lai lại cũng là ngành gây phát thải KNK lớn, đóng góp khoảng 10% phát thải KNK trong nông nghiệp, 1,3-1,8% phát thải KNK toàn cầu. Ở Việt Nam, các tỷ lệ này lớn hơn nhiều. Do vậy, cần sớm có giải pháp thích ứng với BĐKH và giảm phát thải KNK. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và bà Carolin Turk, khách mời tham dự buổi trình diễn máy móc Nông nghiệp.

Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đã có quá trình hợp tác nhiều thập kỷ với Việt Nam. IRRI luôn tự hào đã có đóng góp vào quá trình phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam. Trong giai đoạn 1980-2009, trong số 226 giống lúa được trồng ở Việt Nam,  25% giống do IRRI chọn tạo, 52% giống do các nhà khoa học VN chọn tạo có sử dụng bố mẹ, tổ tiên có ngồn gốc từ IRRI. IRRI cũng đã phối hợp với các tổ chức khoa học của Việt Nam nghiên cứu cải tiến các quy trình canh tác, cải tiến công cụ phụ vụ canh tác lúa, đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Gần đây nhất đã phối hợp nghiên cứu các quy trình canh tác lúa, xử lý rơm rạ giảm phát thải khí nhà kính, các kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải KNK từ ruộng lúa để tạo điều kiện thương mại hóa các sản phẩm lúa gạo và tín chỉ các bon được tạo ra. 

IRRI rất cảm ơn Chính phủ VN và WB đã lựa chọn Viện là tư vấn kỹ thuật quốc tế cho Dự án quan trọng này. Viện sẽ huy động tối đa lực lượng khoa học với các kỹ năng mới nhất để tham gia thực hiện dự án. Trước hết, bằng việc cung cấp và phối hợp chọn tạo các giống lúa phù hợp, chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện các quy trình canh tác lúa giảm phát thải KNK; kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải KNK; đề xuất hoàn thiện chính sách có liên quan cũng như đào tạo cán bộ và nông dân.

Tại Festival này, Viện sẽ ký kết với Bộ NN và PTNT VN một bản ghi nhớ về hợp tác dài hạn nghiên cứu và chuyển giao KHKT trong lĩnh vực lúa gạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang.

TRẦN TÚ