Công tác phòng chống ma túy ở nước ta sẽ có những chuyển biến tích cực hơn

Dự kiến ngày 30/3, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV sẽ thông qua dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi). Nếu được thông qua, công tác phòng chống ma túy ở nước ta sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Cần sửa đổi Luật phòng, chống ma túy

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hàng năm có khoảng 75% tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ người nghiện ma túy. Những vụ án mạng nghiêm trọng gần đây cho thấy, đối với các đối tượng gây án là người nghiện ma túy thì bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân, bất cứ hành vi tàn nhẫn nào cũng có thể diễn ra.

Những năm gần đây tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng và rất phức tạp. Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 đã bỏ điều luật về tội sử dụng trái phép chất ma túy, những người sử dụng trái phép chất ma túy không được coi là tội phạm, chế tài xử lý đối với họ chỉ phạt tiền hoặc đưa vào cai nghiện. Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2008 chưa quy định rõ việc xử lý đối với những người sử dụng ma túy, hầu hết những người này không được kiểm tra, giám sát, xử lý khi sử dụng ma túy, vẫn tồn tại ngoài xã hội hiện nay, chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu... Trong khi hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy thì rất đau xót, thậm chí họ gây ra những vụ thảm án với chính người thân của mình, gây bất bình trong dư luận. Do đó, việc bổ sung quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, việc quản lý người nghiện ảnh hưởng đến vấn đề quyền con người, quyền công dân, theo quan điểm của một số đại biểu, khi gia đình có một thành viên sử dụng trái phép ma túy là một gánh nặng, khu dân cư có một công dân sử dụng trái phép chất ma túy là tiềm ẩn hậu họa. Vì vậy đặt trong lợi ích chung của cộng đồng và xã hội thì việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy giúp chính những người sử dụng trái phép ma túy hiểu và nhận thức ra tác hại; góp phần vào công tác đảm bảo ANTT, an toàn xã hội.

Vì vậy, sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy còn nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các bộ luật, luật đã được thông qua trong thời gian gần đây liên quan đến việc phòng, chống tội phạm ma túy như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… Việc sửa đổi luật dựa trên quan điểm phòng và chống nhằm ngăn chặn tận gốc hậu quả có thể phát sinh do tệ nạn ma túy gây ra.

Cai nghiện tại nhà được hỗ trợ kinh phí

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình. Có ý kiến đại biểu đề nghị duy trì biện pháp này và bổ sung quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

Theo UBTVQH, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tạo điều kiện cho tất cả những người nghiện ma túy lần đầu đều có thế được cai nghiện tự nguyện, nhất là người khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời, thể hiện trách nhiệm và huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy. Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách.

Do vậy, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 6 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất ba giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại khoản 1 Điều 29) thì được hỗ trợ kinh phí.

Bổ sung những quy định chặt chẽ

Dự thảo bổ sung quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (Điều 22); Quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm mà không phân biệt độ tuổi (khoản 2 Điều 23); Rà soát các quy định về nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (khoản 3 và khoản 4 Điều 23), các trường hợp dừng quản lý (khoản 5 Điều 23); Trách nhiệm khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 24); trách nhiệm của gia đình, cơ quan, cộng đồng (Điều 25) để bao quát đầy đủ, tránh quy định một cách tùy nghi và bảo đảm tính khả thi.

Người sử dụng trái phép chất ma túy được quản lý bởi UBND cấp xã. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế).

Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Người hoàn thành cai nghiện ma túy (tự nguyện, bắt buộc), người hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

Trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy. Nhà nước bảo đảm kinh phí xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và kinh phí xác định tình trạng nghiện.

Bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy: Xác định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy; Quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng.

Dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy. Các nội dung chỉnh lý được thể hiện tại Điều 30 của dự thảo Luật.

Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy.

Những điểm mới khác

Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, nguyên tắc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải được kiểm soát. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy.

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo quy định: “Luật này quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy”.

Về cai nghiện ma túy bắt buộc (Điều 32), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nội dung chỉnh lý được thể hiện tại Điều 32 của dự thảo Luật. Đồng thời UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định về xác định tình trạng nghiện ma túy (Điều 27 của dự thảo Luật) theo hướng bảo đảm nguyên tắc chỉ cai nghiện ma túy đối với người đã được xác định là nghiện ma túy.

Về cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 33), UBTVQH đã bổ sung điều về lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc như thể hiện tại Điều 34 của dự thảo Luật.

Về cơ sở cai nghiện ma túy (Điều 35 và 36), UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định về điều kiện, hoạt động, quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện như thể hiện tại Điều 35 và 36 của dự thảo Luật.

 

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội trong một giờ học kỹ năng sống Ảnh: Minh Ngọc/ HNM

 

NGUYỄN VĂN LIN