Công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Quảng Nam đạt kết quả tích cực
Trên cơ sở Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 về Quy định mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2020, cùng với đó là Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 24/01/2019 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 46 và Quyết định số 2958/QĐ-UBND ngày17/09/2019 về việc điều chỉnh nội dung, mức chi hỗ trợ tại Quyết định số 266/QĐ-UBND về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy bằng việc thành lập, chuyển giao các Ban quản lý rừng
Theo Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 01/8/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về Ban hành Đề án tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm và các Ban Quản lý rừng, thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn lại các BQL rừng, đến nay, 07 đơn vị đã bàn giao từ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm về trực thuộc UBND các huyện, thành lập mới các BQL rừng trực thuộc huyện, gồm: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, BQL Khu bảo tồn loài sinh cảnh Voi; 03 đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT: BQL Khu bảo tồn loài Sao La, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, BQL rừng phòng hộ Phú Ninh và Ven biển Quảng Nam; 01 đơn vị Vườn Quốc gia Bạch Mã có diện tích chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh và 09 UBND các xã được giao trách nhiệm quản lý rừng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Việc bàn giao các Ban quản lý rừng từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh về các địa phương quản lý nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng của UBND cấp huyện. Các Ban quản lý rừng sau khi tổ chức lại và giao về cấp huyện quản lý đã phát huy vai trò, trách nhiệm là chủ rừng trong việc phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 quy định hỗ trợ đơn giá trực tiếp cho lực lượng bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên chưa triển khai các chương trình, dự án, hiện do UBND cấp xã trực tiếp quản lý và diện tích đang triển khai các chương trình, dự án nhưng có đơn giá bảo vệ rừng thấp hơn 400.000 đồng/ha/năm để đạt mức bình quân chung trên địa bàn tỉnh là 400.000 đồng/ha/năm (chi 80% để hợp đồng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, 20% để hợp đồng với cộng đồng dân cư thôn). Nghị quyết cũng quy định mức hỗ trợ công tác quản lý của chủ rừng: mức chi bằng 7%/tổng mức chi trực tiếp cho bảo vệ rừng, để thực hiện các nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, nghiệm thu hàng năm, hỗ trợ cho Tổ trưởng tuần tra bảo vệ rừng của cộng đồng, riêng đối với diện tích chi trả (DVMTR) kinh phí quản lý chủ rừng thực hiện theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, quy định mức hỗ trợ đối với một lần kinh phí khảo sát, lập hồ sơ ban đầu đối với diện tích rừng chưa triển khai các chương trình, dự án, hiện do UBND cấp xã trực tiếp quản lý với mức 50.000 đồng/ha. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị bố trí kinh phí triển khai Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND là 41.339.937.998 đồng, trong đó kinh phí phân bổ về cho 07 huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Đại Lộc, Quế Sơn, Bắc Trà My, Hiệp Đức là 28.080.975.611 đồng, kinh phí phân bổ về cho 04 Ban quản lý rừng trực thuộc Sở là 13.258.962.386 đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ 33.842.000.000 đồng, còn lại 7.497.937.998 đồng chưa phân bổ.
Hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng từ mô hình lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách
Đến nay, các đơn vị chủ rừng, UBDN các xã có thực hiện khoán bảo vệ rừng đã lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án triển khai kế hoạch số 2219/KH-UBND ngày 24/4/2019 của UBND tỉnh, để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Trên cơ sở tiêu chí lựa chọn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là những người có đủ sức khỏe, có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, chưa vi phạm pháp luật. Ưu tiên là những người đang hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách tại Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và người địa phương có đào tạo chuyên môn về lâm nghiệp, bộ đội, công an hoàn thành nghĩa vụ, dân quân tự vệ, thanh niên có trình độ học vấn từ lớp 9 trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt và có tâm huyết tham gia bảo vệ rừng. Các Ban quản lý rừng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư thôn trong việc tuyển chọn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Hiện nay, các BQL rừng đã ký hợp đồng với 671 người/2.917 người, đạt 23% so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND.
Với tổng diện tích rừng tự nhiên quản lý bảo vệ rừng theo các chương trình, dự án là 443.608 ha, trong đó diện tích rừng chuyển sang hợp đồng với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là 226.467,83 ha (chiếm 51,05%) thì bình quân diện tích bảo vệ rừng tại các đơn vị là 337 ha/người, cao hơn so với Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND là 180 ha/người.
Mức chi lương cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các đơn vị có sự khác nhau nhưng đảm bảo không thấp hơn mức tối thiểu là 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài chi lương, hợp đồng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn được trích nộp BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn, hỗ trợ xăng xe, hỗ trợ bảo hộ lao động và hỗ trợ tiền ăn, uống trong thời gian đi tuần tra.
Hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được tổ chức theo các hình thức khác nhau như Tổ cơ động, Trạm bảo vệ rừng, Tổ tuần tra bảo vệ rừng, phân công đứng điểm phụ trách từng xã. Lực lượng này được sự quản lý, hướng dẫn trực tiếp và thực hiện tuần tra bảo vệ rừng theo kế hoạch của Ban quản lý rừng, thường xuyên thay phiên nhau trực cơ sở và bám địa bàn để nắm thông tin quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Bước đầu, lực lượng này đã phát huy được tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao, công tác tuần tra, kiểm tra rừng được thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm Kế hoạch của đơn vị, các thông tin về tình hình bảo vệ rừng trong lâm phận được cập nhật nên công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Quản lý có nhiều thuận lợi hơn, tình hình vi phạm các quy định trong lĩnh vực bảo vệ rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm rừng được hạn chế. Các điểm nóng về phá rừng tại các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang cơ bản được chốt chặn, kiểm soát và giảm tối đa diện tích phá rừng, lấn chiếm rừng.
Tuy nhiên, đây là mô hình mới nên chưa được người dân tại một số địa phương tích cực hưởng ứng tham gia. Mặt khác, rừng là của chung nhưng lại được giao khoán cho một bộ phận hưởng lợi nên có sự phân bì trong cộng đồng. Lực lượng này được tuyển dụng đa số là người địa phương với trình độ phổ thông, trung học cơ sở, chi có một số ít đã được đào tạo về chuyên môn nên phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được giao. Một số xã diện tích chỉ đủ thuê 1 người để hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách nhưng với 1 người thì không thể bảo đảm công tác bảo vệ rừng, hoặc có những xã diện tích không đủ hợp đồng 1 lực lượng bảo vệ rừng, phải gộp lại khu vực ở các xã khác, do đó việc bảo vệ rừng trên những diện tích này rất khó khăn.
Mô hình lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo ông A Lăng Ngọc – Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Phước Sơn, sau khi thực hiện Nghị quyết 46 của HĐND tỉnh và cụ thể hóa bằng Quyết định 266 của UBND tỉnh, đã thống nhất được đầu mối quản lý rừng trên địa bàn huyện, phát huy được vai trò của các cấp chính quyền (huyện, xã) trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Việc đơn giá giao khoán quản lý bảo vệ rừng tăng lên (400.000 đồng/ha/năm) giúp cho chủ rừng có thêm nguồn lực để chi cho công tác bảo vệ rừng. Nhìn chung, từ khi có Nghị quyết 46, công tác bảo vệ rừng dần đi vào nề nếp, tổ chức tốt hơn, tình trạng khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái phép đã giảm đáng kế, giữ ổn định tình hình, không để xảy ra điểm nóng về phá rừng.
Năm 2020, BQL rừng phòng hộ huyện Phước Sơn đã chuyển hoàn toàn diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ, cộng đồng sang hình thức tự bảo vệ rừng (hợp đồng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách) theo Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND, với tổng diện tích là 30.799, 96 ha, đã hợp đồng 113 người, phần lớn là người dân địa phương. Từ đầu năm đến nay, BQL đã tổ chức được 2 lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ như: Sử dụng bản đồ, la bàn, máy định vị, kỹ năng xây dựng kế hoạch, ghi chép, sử dụng các biểu mẫu trong tuần tra bảo vệ rừng… nhằm nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Cuối năm, BQL sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ nhằm có cơ sở để xem xét việc duy trì hợp đồng, xét tăng lương hoặc kỷ luật đối với lực lượng này.
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được chia làm 7 tổ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với 23 chốt bảo vệ rừng, trực 24/24 tại các chốt (trung bình 4-5 người/chốt). Chủ động nắm bắt thông tin, tiến hành nhiều đợt tuần tra, truy quét dài ngày trong rừng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm lâm luật, đồng thời là lực lượng quan trọng tham gia công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ vậy mà đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, tình hình địa bàn cơ bản được kiểm soát chặt chẽ, sự tác động, xâm hại đến tài nguyên rừng trong lâm phận giảm mạnh.
Ông A Lăng Ngọc cho biết: “Mô hình bảo vệ rừng bằng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách hoạt động hiệu quả vì đã gắn trách nhiệm trực tiếp đến từng cán bộ bảo vệ rừng, hoạt động theo quy định của pháp luật, được tổ chức, quản lý chặt chẽ bởi chủ rừng, có tính chuyên nghiệp cao hơn so với mô hình giao khoán cho cộng đồng, phần lớn lực lượng này là người đã tốt nghiệp phổ thông trung học nên nắm bắt được công việc nhanh, tiếp cận được kiến thức chuyên môn kỹ thuật lâm sinh cơ bản.”
Bên cạnh đó vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn như diện tích rừng lớn, địa hình đi lại khó khăn ảnh hưởng đến công tác tuần tra, kiểm soát rừng; phương tiện làm việc, thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng… chưa được trang bị đầy đủ. Bên cạnh đó, mức chi cho hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách còn thấp (hiện tại 80%) chưa tương xứng với trách nhiệm, công việc được giao; mức chi trả cho cộng đồng thôn (hiện tại 20%) là quá cao. Đề nghị Hội đồng nhân tỉnh xem xét giảm tỷ lệ chi trả cho cộng đồng thôn, để tăng chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn việc sử dụng, thanh quyết toán số tiền chi 20% cho các cộng đồng thôn. Ông A Lăng Ngọc chia sẽ thêm.
Ảnh 1: Tổ bảo vệ rừng chuyên trách tuần tra rừng tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi thuộc xã Quế Lâm (Nông Sơn). Ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận