Cứ ước như thế, ước thế !

Nhân kỷ niệm 65 truyền thống của Tạp chí Tòa án nhân dân, ông Ngô Cường, nguyên Tổng biên tập đã chia sẻ mối quan tâm của mình với Tạp chí, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

Tháng 1-1954, tại chiến khu Việt Bắc, đã xuất bản số đầu tiên Tập san tư pháp (tiền thân của Tập san Toà án nhân dân, Tạp chí Toà án, Tạp chí Toà án nhân dân). Trong năm này, Tập san tư pháp ra hai số, số 2-1954 phản ánh Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 8 họp từ ngày 6 đến ngày 26-5-1954 . Từ năm 1955, Tập san xuất bản hai tháng một số, đến cuối những năm 1980 xuất bản một tháng một số, với số trang rất khiêm tốn là 28 rồi 32 trang. Tháng 1-2004 , Tạp chí Toà án nhân dân xuất bản một tháng hai số với 48 trang mỗi số. Và nay còn có bản điện tử .

Lúc đầu, Tập san là đơn vị cấp phòng thuộc TANDTC với tên gọi như: Phòng Tập san và xuất bản, Phòng Tuyên truyền – Tập san , Tập san Toà án nhân dân. Sau này Tạp chí Toà án nhân dân là đơn vị cấp vụ thuộc TANDTC.

Ngay từ khi mới ra đời, Tập san đã tập trung phản ánh các hoạt động của ngành TAND và hướng dẫn nghiệp vụ cho các Toà án . Ngoài các chuyên mục khác, Tập san có chuyên mục Bình luận án lệ (về sau là Bình luận án), và Trả lời bạn đọc (trả lời các thắc mắc về nghiệp vụ Toà án). Cùng với việc xuất bản Tập san theo định kỳ, Tập san còn xuất bản các cuốn sách dịch về luật pháp của Liên Xô, Trung Quốc; các tập hệ thống hoá luật lệ về tư pháp, về Hình sự, Tố tụng hình sự , về Dân sự, Tố tụng dân sự … Tập hợp các bài trả lời bạn đọc trên Tập san xuất bản các tập “ Một số vấn đề về thực tiễn công tác tư pháp “ ( tập cuối cùng được xuất bản vào năm 1985 ). Với hoạt động như vậy, Tập san được gọi là “Cơ quan chỉ đạo đường lối xét xử và hướng dẫn nghiệp vụ Toà án“ của TANDTC .

Về sau này, đối tượng phục vụ của Tạp chí Toà án nhân dân được mở rộng hơn nên nội dung của Tạp chí không chỉ phản ánh hoạt động của Toà án mà còn đi vào những vấn đề pháp luật chung. Tạp chí không còn mang tính “ nội bộ” trong cơ quan nhà nước, trong ngành Toà án nữa mà đã mang tính chất là một tờ tạp chí nghiên cứu, trong đó ngoài việc phản ánh những vấn đề thực tiễn còn nêu lên những vấn đề lý luận khoa học pháp lý về hoạt động của Toà án .

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để tăng cường sự gắn kết giữa Tạp chí với bạn đọc. Nhớ lại lần đến làm việc tại Toà án Liên bang Úc vào năm 2011, khi đến sảnh lớn của Toà, tôi thấy mấy người đang đứng nói chuyện trước một cái giá để mấy quyển tạp chí. Hỏi ra mới biết rằng mấy Thẩm phán Liên bang Úc đang trao đổi với nhau về một bài viết đăng trên số tạp chí mới ra của họ. Họ cũng cho biết, mỗi khi một số tạp chí mới ra, bộ phận thư viện sẽ tóm tắt nội dung một số bài theo họ là quan trọng (bản tóm tắt này in trên giấy A4) đính vào bìa số tạp chí đó. Thẩm phán, cán bộ toà đến sảnh dễ dàng nhìn thấy cuốn tạp chí mới trên giá, họ có thể lướt qua bản tóm tắt đó trước khi đến phòng làm việc của mình. Thấy cảnh tượng đó mà tôi cứ ao ước: Giá mà Tạp chí Toà án của ta cũng có những bài viết chất lượng gây chú ý người đọc và Thẩm phán của ta cũng chịu khó đọc Tạp chí rồi cùng nhau trao đổi, tranh luận  như các Thẩm phán liên bang Úc thì hay quá …

Cứ ước như thế, ước thế !

 

NGÔ CƯỜNG ( Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân)