Đánh giá chứng cứ trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tiền là một dạng của hợp đồng vay tài sản nhưng hầu hết những bản hợp đồng được lập rất sơ sài hoặc chỉ bằng lời nói giữa hai bên, khi tranh chấp xảy ra gây khó khăn cho Tòa án trong việc thụ lý, giải quyết vụ án. Quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền vẫn còn một số bất cập, vướng mắc cần có hướng dẫn cụ thể.

BLDS năm 2015, BLTTDS năm 2015 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành đã có những quy định tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp hợp đồng vay tài sản nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

1. Quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng

Điều 463 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Hợp đồng vay tiền là hợp đồng dân sự thông dụng hình thành dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản là tiền cho bên vay. Khi đến hạn trả nợ bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay đủ số tiền và phải trả lãi vay tương ứng với thời hạn vay theo thỏa thuận.

Theo quy định tại Điều 186 BLTTDS 2015 thì cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp khi cho rằng một bên vi phạm nghĩa vụ về hợp đồng vay tài sản, cụ thể tài sản ở đây là tiền. Trong thực tiễn giải quyết đối với tranh chấp hợp đồng vay tiền còn nhiều khó khăn trong việc thu thập, xác định và đánh giá chứng cứ; điển hình vụ án như sau:

Năm 2020, Tòa án thành phố NT thụ lý một vụ “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Ngày 05/02/2015, nguyên đơn bà Nguyễn Thị L cho bà Trần Thị H vay số tiền 550.000.000 đồng, mục đích vay là để mua bán chi tiêu cho gia đình. Khi vay bà H có ký giấy vay tiền, trong giấy vay không ghi thời hạn trả nợ và mức lãi suất. Từ khi vay đến nay, bà H không trả tiền cho bà L mặc dù bà L nhiều lần yêu cầu bà H trả số tiền đã vay. Nay bà L khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà H phải trả số tiền 550.000.000 đồng, bà L không yêu cầu bà H trả lãi.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà H được triệu tập hợp lệ nhưng không đến Tòa án để tham gia tố tụng. Hội đồng xét xử nhận định:

Nguyên đơn và bị đơn có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu khởi kiện và ý kiến của mình. Nguyên đơn đã cung cấp chứng cứ là giấy vay tiền do bị đơn ký. Căn cứ Điều 91, 93, 94, 95 BLTTDS năm 2015 về nghĩa vụ chứng minh, chứng cứ, nguồn chứng cứ, xác định chứng cứ thì nguyên đơn không cần biết và không buộc phải biết bị đơn ký đúng chữ ký của mình như trong các văn bản cần chữ ký của bị đơn hay không? Vậy nghĩa vụ chứng minh của bị đơn đã hoàn thành, tức nguyên đơn đã cung cấp giấy vay tiền bản gốc có chữ ký xác nhận của bị đơn. Bị đơn vắng mặt không đến tham gia tố tụng (dù có lý do hay không có lý do) và cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ phản đối lại yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên coi như từ bỏ quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả lại số tiền đã vay trên cho nguyên đơn. Trường hợp sau khi có quyết định giải quyết của Tòa án, bị đơn thấy quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng có thể làm đơn kháng cáo hoặc đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lại bản án theo quy định pháp luật đồng thời thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình theo quy định.

Tuy nhiên sau khi bản án sơ thẩm được ban hành, bị đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Bị đơn trình bày: Trong suốt quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, bà H phải đi chữa bệnh ở Hà Nội nên không có mặt ở địa phương để tham gia tố tụng tại Tòa án. Bà H thừa nhận là có vay bà L số tiền 550.000.000 đồng. Ngày 20/7/2017, bà H có trả 50.000.000 đồng cho bà L, số tiền này do ông Q lái xe của bà H đưa cho bà L.

Ngày 10/3/2020, bà H cho bà L mượn 600.000.000 đồng để bà L trả tiền vay của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh NH – Phòng giao dịch NT. Số tiền 600.000.000 đồng bà H cho bà L mượn là rút ra từ Ngân hàng công thương Việt Nam – chi nhánh NNT. Bù trừ nợ thì bà L còn nợ bà H 100.000.000 đồng. Nay bà H không còn nợ tiền của bà L như bà L trình bày. Bà H yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà L phải trả cho bà H số tiền 100.000.000 đồng.

Quá trình giải quyết, ông Q khai rằng bà H có đưa tiền và số điện thoại người nhận cho ông bảo ông chạy ra thị xã NH gọi số điện thoại thì có người ra nhận. Ông Q làm theo lời bà H dặn nhưng số tiền bà H đưa cho ông được đóng gói trong tờ giấy có dán băng keo nên ông không biết bao nhiêu tiền và số điện thoại ông cũng không nhớ.

Tại phiên xét xử lại, Hội đồng xét xử xác định bà H có vay của bà L số tiền 550.000.000 đồng. Đối với khoản tiền 50.000.000 đồng, bà H trả cho bà L là không có cơ sở chấp nhận. Đối với số tiền 600.000.000 đồng, bà H khai cho bà L mượn, việc này bà L không thừa nhận. Qua xem xét và thu thập chứng cứ: Chi nhánh Ngân hàng công thương Việt Nam – chi nhánh NNT xác nhận bà H có phát sinh rút số tiền 600.000.000 đồng tại Ngân hàng vào lúc 14 giờ 20 phút ngày 10/3/2021. Ngân hàng  nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh NH – Phòng giao dịch NT xác nhận bà L có trả số tiền 600.000.000 đồng cho Phòng giao dịch vào lúc 15 giờ 40 phút cùng ngày. Mặt khác, một số nhân viên làm việc tại Ngân hàng xác nhận việc tranh cãi của bà L và bà H về nội dung bà H yêu cầu bà L trả 600.000.000 đồng, bà L không trả và nói là trừ nợ của bà H. Qua đó có đủ cơ sở xác nhận khoản tiền bà H cho bà L mượn 600.000.000 đồng ngày 10/3/2020 là có thật.

2. Các quan điểm giải quyết vụ án và vướng mắc của từng quan điểm giải quyết 

Quan điểm thứ nhất: Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như kết quả xét xử đầu tiên theo ví dụ trên. Việc nguyên đơn cung cấp giấy vay tiền bản gốc có chữ ký xác nhận của bên vay thì nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn đã hoàn thành. Tuy nhiên, nhận định này gây bất lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của bị đơn vì sẽ bỏ lọt các tài liệu, chứng cứ chưa được làm sáng tỏ, dễ hủy án. Trên thực tiễn giải quyết, một số vụ án rơi vào trường hợp này.

Quan điểm thứ hai: Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Vì nguyên đơn chỉ cung cấp chứng cứ là giấy vay tiền thì không đủ cơ sở khẳng định có hay không việc vay mượn tiền giữa các bên. Đồng thời, Tòa án cũng không thu thập được chữ ký, chữ viết để làm cơ sở trưng cầu giám định chữ ký do cơ quan chức năng địa phương không lưu trữ dẫn đến việc không có kết luận giám định. Tuy nhiên, nhận định này lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền khởi kiện của nguyên đơn vì nếu bị đơn có thật sự ký giấy vay tiền của nguyên đơn rồi bỏ trốn thì nguyên đơn mất đi quyền khởi kiện đòi nợ của mình.

Quan điểm thứ ba: Tùy vào từng sự việc để chia thành hai trường hợp:

Trường hợp 1: Nếu bị đơn đã được tống đạt trực tiếp thông báo thụ lý theo quy định tại khoản 1 Điều 174, Điều 177 BLTTDS, tức là bị đơn đã được nhận và biết được thông báo thụ lý thì dù bị đơn không đến Tòa án và nguyên đơn không cung cấp được chữ ký, chữ viết để làm cơ sở trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết thì Tòa án vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bởi lẽ, bị đơn đã biết nội dung khởi kiện của nguyên đơn nhưng không đến Tòa án trình bày ý kiến, cũng không đưa ra ý kiến phản đối nào thì được hiểu rằng bị đơn thừa nhận chứng cứ mà nguyên đơn đưa ra và nguyên đơn không phải chứng minh thêm cho yêu cầu khởi kiện của mình. Việc Tòa án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là hoàn toàn có cơ sở.

Trường hợp 2: Nếu bị đơn được tống đạt thông báo thụ lý dưới hình thức niêm yết hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại khoản 3,4 Điều 174, Điều 179, Điều 180 BLRRDS năm 2015, tức là không thể tống đạt trực tiếp được cho bị đơn do bị đơn không có mặt tại địa phương. Như vậy, Tòa án không xác định được bị đơn không đến Tòa án là không phản đối, thừa nhận yêu cầu của nguyên đơn. Nguyên đơn cũng không chứng minh được chữ ký trong giấy vay tiền là của bị đơn hay không, thì chưa đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm này vì khi xét theo từng trường hợp thì mới đảm bảo tốt quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, tránh được việc người khởi kiện lợi dụng sự vắng mặt của đương sự để tạo chứng cứ giả làm tài liệu để khởi kiện ra Tòa án.

Như vậy, khó khăn chung trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền chính là pháp luật hiện hành tuy đã quy định và hướng dẫn thi hành nhiều vấn đề nhưng qua thực tiễn áp dụng, các quy định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa phù hợp, không quy định cụ thể nên phần lớn giải quyết phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của thẩm phán.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, TANDTC cần ban hành các quy định cụ thể, văn bản hướng dẫn riêng đối với vấn đề thu thập, xác định và đánh giá chứng cứ  trong “giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền”, hoàn thiện các văn bản quy định hướng dẫn thi hành pháp luật tố tụng dân sự để việc áp dụng được thống nhất, đảm bảo chất lượng và tiến độ giải quyết vụ án, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng xét xử các vụ việc liên quan tới tranh chấp hợp đồng vay tiền bằng việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ xét xử, bồi dưỡng lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống để các thẩm phán trao đổi kinh nghiệm, học tập nâng cao kỹ năng xét xử.

Thứ ba, tăng cường công tác hướng dẫn pháp luật, tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn.

Kết luận. Trên đây là một số ý kiến trao đổi cá nhân về vấn đề thu thập, xác định và đánh giá chứng cứ trong vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tiền” mà thực tế hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

 

TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản - Ảnh: Lê Kiều Mị

NGUYỄN THỊ HỒNG NGỌC  (Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)