Đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Quốc hội họp phiên toàn thể chiều ngày 19/11 đã nghe Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Sau đó, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật này.

Phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế của thời đại

Trình bày Tờ trình, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Quá trình phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hòa giải, đối thoại có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hòa giải, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử và kết quả này phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, vụ việc cũng không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Với Tòa án, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp như hiện nay, thì việc đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giảm tải khối lượng công việc nặng nề.

Tại phiên họp ngày 15/12/2017, Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương đã giao cho TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; Đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện đảm bảo triền khai thực hiện phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và yêu cầu của thực tiễn.

Thực hiện Nghị quyết của UBTVQH, Chánh án TANDTC đã thành lập Ban soạn thảo; Ban hành Kế hoạch soạn thảo và trình dự án Luật, Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo dự án Luật; Tổ chức nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật này, TANDTC đã tổ chức thí điểm về tăng cường, đổi mới hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo kết luận của BCĐ CCTP Trung ương; Tổng kết thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy định của pháp luật hiện hành; Tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm trong nước và quốc tế về những nội dung có liên quan; Tổ chức các phiên họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật; đánh giá tác động và xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật; Tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành hữu quan, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các Tòa án trên toàn quốc…

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ – Ảnh: QH.VN

Cùng với đó, TANDTC đã tham khảo luật về hòa giải của 6 quốc gia gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức; tiếp cận và tham khảo luật về hòa giải của hơn 60 quốc gia khác, gồm: Indonexia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Canada, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Luxembourg, Hà Lan, Pháp…

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành hai nhóm: Hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Thực tiễn cho thấy, các phương thức hòa giải, đối thoại hiện có đã phát huy tác dụng tốt trong giải quyết các tranh chấp phát sinh trong xã hội.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra 3 vấn đề cần giải quyết, đó là pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại với những vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng. Bên cạnh những ưu điểm được thừa nhận, các phương thức hòa giải, đối thoại hiện hành cũng còn có những hạn chế. Đặc biệt, hiện nay số lượng các vụ việc Tòa án các cấp phải thụ lý tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Trong những năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được Tòa án thụ lý tăng trung bình hàng năm là 9% năm so với cùng kỳ, trong khi đó biên chế không thay đổi. Có những địa bàn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng… mỗi Thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ.

Qua thí điểm cũng cho thấy, hòa giải, đối thoại được tiến hành tại Tòa án tạo sự tin tưởng cho các chủ thể, đồng thời là thiết chế quan trọng để hỗ trợ cho các thỏa thuận được thực thi; Kết quả giải quyết của phương thức này được pháp luật thừa nhận, và qua quá trình thương lượng, có sự thỏa thuận, nhất trí của các bên nên khả thi và được các bên tôn trọng, tuân theo.

Đặc biệt, khi hòa giải, đối thoại thành công sẽ không cần phải thông qua con đường tố tụng tại Tòa án, giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử của Tòa án; hạn chế khiếu kiện kéo dài qua nhiều cấp; tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, đối thoại sẽ ngăn ngừa được những tiêu cực, tình trạng “chạy án” có thể phát sinh; góp phần xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ Thẩm phán thanh liêm.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại là một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế của thời đại, thúc đẩy giao lưu dân sự, kinh tế phát triển; nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Đối với các khiếu kiện hành chính, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ được ủy quyền cho cấp phó tham gia đối thoại.

Bảo đảm sự thống nhất của pháp luật

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chánh án TANDTC và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng, nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên. Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật, như: phạm vi sửa đổi dự án Luật; kinh phí, lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho hòa giải viên; trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án; thời hạn hòa giải, đối thoại; người đại diện hợp pháp của các bên hòa giải, đối thoại; về việc hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành …


Các đại biểu thảo luận tại tổ – Ảnh: QH.VN

Thảo luận tại Tổ số 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lai Châu, Quảng Nam, Trà Vinh, Bình Định, dưới sự điều hành của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng việc ban hành luật sẽ có thêm cơ chế để giải quyết tranh chấp đồng thời góp phần giảm tải cho Tòa án.

Đại biểu Trần Thị Huyền Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho biết, trong 3 năm gần đây số vụ án mà Tòa phải thụ lý tăng 9% so với cùng kỳ và mỗi thẩm phán giải quyết số vụ án gấp 4 lần so với quy định. Thực tế này cho thấy ngành Toà án đang chịu áp lực lớn. Mặt khác, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự chưa giải quyết kịp thời. Do đó, để giảm tải sức ép cho Toà án thì việc ban hành Luật là cần thiết. Song, đại biểu Trần Thị Huyền Trân cũng lưu ý do đây là cơ chế mới nên cần rà soát quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật tố tụng dân sự.

Về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Huyền Trân cho rằng, phạm vi hoà giải đối thoại tại Toà án chỉ nên giới hạn ở các tranh chấp dân sự. Đại biểu cũng cho rằng cần quy định kinh phí hòa giải do các bên đương sự chi trả, đây là phần lợi ích mà các bên được hưởng từ hoạt động hòa giải tại Tòa án mà họ tự nguyện lựa chọn. Quy định này cũng nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị rà soát, quy định một cách cụ thể về khen thưởng kỷ luật đối với hòa giải viên áp dụng theo quy định nào, bổ sung quy định về thời hạn các bên đương sự phải thông báo ý kiến cho Tòa án, bổ sung quy định về thời hạn kéo dài tối đa để bảo đảm thời gian giải quyết vụ án.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Cán bộ, công chức.

Đại biểu cho rằng, nếu hòa giải viên mà thực hiện bổ nhiệm miễn nhiệm như công chức là không phù hợp và đề nghị nên áp dụng tương tự quy trình bầu và công nhận như đối với hội thẩm nhân dân. Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo có thêm giải trình về việc thu lao cho hòa giải viên chi tra từ ngân sách nhà nước.

THÁI VŨ