Dẫn độ tội phạm và thực thi việc dẫn độ tội phạm theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007

Luật Tương trợ tư pháp 2007 là một trong hai đạo luật, cùng với Bộ luật Tố tụng hình sự mang tính chất “xương sống” cho hoạt động dẫn độ. Trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích một số nội dung chính của quy định pháp luật Việt Nam về dẫn độ, cũng như những bất cập, hạn chế trong việc thực thi các quy định này.

Dẫn nhập

Trong xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách như ô nhiễm môi trường sinh thái, cạn kiệt tài nguyên, sự phân hóa giàu, nghèo, tệ nạn xã hội, và đặc biệt là sự gia tăng của tình hình tội phạm có tính chất xuyên quốc gia. Tội phạm công nghệ cao; mua bán, vận chuyển ma túy; mua bán người, ngày càng gia tăng ở nhiều nước và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Phát biểu tại kỳ họp lần thứ 88, Đại hội đồng Interpol - năm 2019, tại Chile, Chủ tịch Interpol Kim Jong Yang cho biết, mỗi năm thế giới thiệt hại khoảng 10 tỷ USD do hoạt động của các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính - ngân hàng. Ngoài ra, tình trạng đối tượng phạm tội bỏ trốn sang nước khác đã dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực trạng này đã khiến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm không chỉ đơn thuần là công việc nội bộ của mỗi quốc gia, mà đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Nó đòi hỏi các quốc gia phải có sự hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau một cách chặt chẽ và có hiệu quả nhất. Một trong những hình thức hợp tác quốc tế điển hình trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là hợp tác quốc tế về dẫn độ tội phạm nhằm giúp các quốc gia truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với đối tượng phạm tội.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, tính đến tháng 5/2019, 317 đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào nội địa. Trong khi đó, trên 1.200 đối tượng người Việt Nam phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ và nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Căn cứ vào các quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007, các điều ước quốc tế và các văn bản pháp luật liên quan, theo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 23 yêu cầu dẫn độ của nước ngoài, cũng như lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Điều này góp phần giải quyết nhiều vụ án phức tạp, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội trong và ngoài nước quan tâm; đảm bảo các yêu cầu chính trị, đối ngoại; từng bước nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Hoạt động dẫn độ được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản pháp lý trong nước và các điều ước quốc tế khác nhau. Trong đó, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 là một trong hai đạo luật, cùng với Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) mang tính chất “xương sống” cho hoạt động dẫn độ. Các đạo luật khác mang tính chất bổ trợ, các điều ước quốc tế bảo đảm phạm vi hợp tác của hoạt động dẫn độ, là cơ sở pháp lý nhằm ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Tuy vậy, hiện nay, lý luận và thực tiễn hoạt động dẫn độ ở Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại xung đột với điều ước quốc tế hoặc xung đột trong chính các quy định của văn bản pháp luật trong nước, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, hoặc có quy định nhưng không thực tế… Điều này sẽ được phân tích thông qua bài viết này sau khi tác giả đề cập đến những quy định chính của pháp luật Việt Nam về dẫn độ tội phạm.

1. Quy định về dẫn độ tội phạm

Như đã trình bày ở trên, các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục dẫn độ theo pháp luật Việt Nam được quy định cụ thể tại BLTTHS năm 2015 và Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Tuy nhiên, hoạt động dẫn độ còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác như BLTTHS năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Cư trú năm 2020… và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Theo Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, dẫn độ được hiểu là “việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc ngoài bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”. Khái niệm này được đánh giá là sự kế thừa khái niệm dẫn độ được quy định trong Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998. Theo đó, dẫn độ có thể được chia thành hai hình thức: dẫn độ chủ động và dẫn độ bị động. Trong dẫn độ chủ động, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc đã bị kết án hình sự; trong khi dẫn độ bị động là việc thực hiện dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc đã bị kết án hình sự.

Điều 492 BLTTHS 2015 quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự theo đó “hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế”. Nguyên tắc này được áp dụng chung cho các hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, bao gồm hình thức dẫn độ tội phạm. Bên cạnh đó, liên quan đến chủ thể thực hiện, tại Điều 493 BLTTHS quy định “Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Viện kiểm sát nhân dân tối cao là Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự và những hoạt động hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật”.

Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đã có hẳn một chương (Chương IV), với 17 điều (từ Điều 32 đến 48) quy định cụ thể về dẫn độ, từ phạm vi, các trường hợp bị dẫn độ, các trường hợp từ chối dẫn độ, trình tự, thủ tục và thực hiện yêu cầu dẫn độ, hoãn thi hành dẫn độ và dẫn độ tạm thời, dẫn độ lại, chuyển giao đồ vật, vật chứng liên quan đến vụ án… Luật này đã quy định chi tiết, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ tại Việt Nam cũng như phân công trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan nhằm bảo đảm hiệu quả, chất lượng công tác. Điều 33 quy định người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ 1 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất 6 tháng; hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu; trường hợp hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ có thể được thực hiện nếu theo quy định của BLTTHS, hành vi đó là hành vi phạm tội.

Theo Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam sẽ từ chối dẫn độ trong các trường hợp sau đây: người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam; đã hết thời hiệu hoặc vì lý do khác người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hành phạt; người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Toà án Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam; có lý do cho rằng người bị yêu cầu dẫn độ có thể bị truy bức ở quốc gia yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ thực hiện không bị coi là tội phạm theo pháp luật Việt Nam hoặc người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi được nêu trong yêu cầu dẫn độ. Quy định này thể hiện tính mềm dẻo, linh hoạt trong hợp tác quốc tế về dẫn độ, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án có thẩm quyền xem xét quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ trong từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều điều ước quốc tế đa phương, song phương. Theo thống kê của tác giả, các hiệp định dẫn độ Việt Nam đã ký kết bao gồm:

 

STT

Tên Hiệp định

Ngày ký

Ngày có hiệu lực

1

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại hàn dân quốc

15/9/2003

19/4/2005

2

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ và nhân dân An-giê-ri

14/4/2010

28/3/2014

3

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ

12/10/2011

12/8/2013

4

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ốt-xtơ-rây-li-a

10/4/2012

07/4/2014

5

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a

27/6/2013

26/4/2015

6

Hiệp định về dẫn độ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia

23/12/2013

9/10/2014

7

Hiệp định về dẫn độ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha

01/10/2014

01/5/2017

8

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri

16/9/2013

30/6/2017

9

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ Xri-lan-ca

07/4/2014

01/12/2017

10

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

07/4/2015

12/12/2019

11

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp

06/9/2016

01/5/2020

12

Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan về dẫn độ

15/6/2017

15/11/2019

13

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mông Cổ

10/7/2019

28/5/2021

14

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Mô-dăm-bích

9/12/2019

12/5/2021

 

2. Một số bất cập trong việc dẫn độ tội phạm và hạn chế của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007

Nhìn chung, quy định về dẫn độ tội phạm trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia trên thế giới đã có những quy định cụ thể tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện dẫn độ tội phạm. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tác giả, vẫn có những quy định về dẫn độ không thống nhất trong từng hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, có thể nêu ra sau đây: Hầu hết các hiệp định đều quy định chỉ dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người có hành vi phạm tội theo pháp luật của hai quốc gia có thể bị áp dụng hình phạt ít nhất là một năm tù giam, hoặc để thi hành án hình phạt tù từ một năm trở lên. Tuy nhiên trong một số hiệp định thì quy định này là 6 tháng, cụ thể là hiệp định giữa Việt Nam và Ba Lan, Việt Nam và Mông Cổ, Việt Nam và Liên Xô cũ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự với Trung Quốc, tuy nhiên hiệp định không đề cập đến dẫn độ tội phạm. Sự không thống nhất trong quy định nêu trên tạo một phần khó khăn trong việc thực hiện dẫn độ. Do đó, cần nghiên cứu để có sự thống nhất về quy định này trong các hiệp định. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề từ chối dẫn độ tội phạm, có quy định có thể từ chối dẫn độ vì lý do đặc biệt; tuy nhiên trong hiệp ước không quy định lý do đặc biệt cụ thể là gì dẫn đến việc áp dụng các lý do từ chối dẫn độ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Vì vậy, cần bổ sung những lý do được coi là đặc biệt trong quy định từ chối dẫn đội tội phạm vào các hiệp định tương trợ tư pháp.

Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đã quy định một chương về dẫn độ, nhưng trên thực tế, nhiều quy định của luật vẫn còn bất cập, hạn chế. Điều này cũng đã được nêu cụ thể trong Dự thảo Báo cáo năm 2019 của Bộ Công an về tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ. Trước hết, một số quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể bao gồm các quy định xoay quanh cơ quan trung ương Việt Nam được giao nhiệm vụ đầu mối về dẫn độ, hay các quy định về bắt khẩn cấp, quy định về thủ tục dẫn độ đơn giản, giải quyết trường hợp nước ngoài xin quá cảnh người bị dẫn độ, hay vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình.

Ngoài ra, Luật cũng có những quy định được đánh giá là chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế tại Việt Nam, như các quy định về ngôn ngữ và thời hạn xử lý hồ sơ, về trách nhiệm của Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Luật còn chưa dự báo điều chỉnh được hết các trường hợp thực tế phát sinh. Những trường hợp này có thể bao gồm các tình huống mà nhiều nước cùng gửi yêu cầu dẫn độ đối với một người mà yêu cầu dẫn độ sau được gửi đến khi Tòa án Việt Nam đã thụ lý yêu cầu dẫn độ trước; hay trường hợp người bị dẫn độ là công dân Việt Nam bị nước ngoài yêu cầu dẫn độ để thi hành án; kết hợp thủ tục dẫn độ và thủ tục yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hơn thế nữa, có độ “vênh” nhất định giữa một số quy định về dẫn độ của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 với các quy định trong BLTTHS năm 2015. Ví dụ như quy định tại Điều 499 BLTTHS năm 2015 về trình tự, thủ tục xử lý vụ việc và thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp bị Tòa án Việt Nam từ chối dẫn độ vì lý do người được yêu cầu là công dân Việt Nam được đánh giá là khó thực hiện, có xung đột nhất định với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, cũng như các hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ về hình sự. Hay các quy định tại Điều 500, 501 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ. Hiện nay, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 mới chỉ có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam, nhưng lại chưa có quy định cụ thể về việc cho thi hành án tại Việt Nam đối với người có bản án hình sự của Tòa án nước ngoài.

Kết luận

Trên đây là một số phân tích chính của tác giả liên quan đến hoạt động dẫn độ tội phạm và việc thực thi việc dẫn độ tội phạm theo Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ có chiều hướng gia tăng. Do vậy, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét cụ thể hóa hơn nữa các quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Đặc biệt, dựa trên cơ sở tách các quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, một đạo luật chuyên biệt về dẫn độ nên được ban hành sớm, để tạo đầy đủ hành lang pháp lý trong hoạt động hợp tác quốc tế về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước khác./.

 

Văn phòng INTERPOL Việt Nam và tổ chức INTERPOL quốc tế đã dẫn độ thành công một đối tượng từ Cộng hòa Cu-ba về Việt Nam - Ảnh: TTQS

NGUYỄN THÀNH TRUNG (Vụ Tổ chức - Cán bộ TANDTC)