.jpg)
Đặng Văn P và Huỳnh Ngọc A phạm tội “Cố ý gây thương tích”
Sau khi nghiên cứu bài viết “Đặng Văn P và Huỳnh Ngọc A phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Thị Thùy Giang đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử ngày 21/5/2025. Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai: Đặng Văn P và Huỳnh Ngọc A phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 4 Điều 134 BLHS 2015.
Theo nội dung vụ án: Khoảng 00 giờ 30 phút ngày 24/3/2020, sau khi bị ném gậy gỗ vào xe, Đặng Văn P điều khiển xe mô tô chở Huỳnh Ngọc A (cầm theo cây sắt dài khoảng 70–80 cm) đuổi theo nhóm của B. Khi đuổi gần đến xe của M (chở N), A hô “ĐM đứng lại”, còn P quát “Ê tụi bay đứng lại”. Do hoảng sợ, M quay lại nhìn, mất kiểm soát tay lái và té xe, làm N tử vong. Mặc dù P và A không trực tiếp dùng vũ lực tấn công M hay N, song hành vi truy đuổi bằng hung khí, trong đêm khuya, kèm theo những lời hô hoán đe dọa, đã tạo ra tình huống nguy hiểm dẫn đến tai nạn chết người. Đây là hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác, mang tính chủ động, có tổ chức và có chuẩn bị hung khí.
P và A đều nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm, mang theo hung khí và truy đuổi nhóm thanh niên từng xung đột trước đó. Việc P nói “đuổi theo đánh chết mẹ tụi nó” và việc A cầm hung khí, hô hoán trong khi truy đuổi, thể hiện ý chí thực hiện hành vi bạo lực để trả đũa. Tuy nhiên, mục đích chính không phải là tước đoạt mạng sống mà là đánh trả, gây thương tích, thể hiện qua các hành vi như: Không có hành vi tấn công trực tiếp bằng cây sắt vào M hay N. Không nhắm đến vùng trọng yếu hay thực hiện hành vi có thể tiên liệu chắc chắn gây chết người. Hậu quả chết người xảy ra ngoài ý muốn (M tự té ngã khi hoảng sợ, dẫn đến N tử vong).
Do đó, P và A có lỗi cố ý trực tiếp trong việc gây thương tích, nhưng không có lỗi cố ý trong hậu quả chết người, mà là lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả về hậu quả. Điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS 2015 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm: a) Làm chết người...”. Yếu tố làm chết người ở đây không đòi hỏi hành vi trực tiếp gây ra cái chết, mà chỉ cần có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và có hậu quả xảy ra. Trong vụ án, hành vi truy đuổi bằng hung khí, kèm theo đe dọa, rõ ràng đã khiến M mất kiểm soát, gây tai nạn làm chết người. Do đó, hậu quả chết người nằm trong chuỗi nguyên nhân do hành vi của P và A khởi phát.
Như vậy, hành vi của Đặng Văn P và Huỳnh Ngọc A thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích theo khoản 4 Điều 134 BLHS 2015 vì có hành vi dùng hung khí nguy hiểm truy đuổi nhằm gây thương tích, có lỗi cố ý trực tiếp trong hành vi gây nguy hiểm, có hậu quả chết người xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Việc định tội P và A theo khoản 4 Điều 134 BLHS 2015 là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, phù hợp với quy định của pháp luật.
Quan điểm thứ ba cho rằng P và A phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” nếu xét về địa điểm, thời gian và mức độ nguy hiểm, hành vi của P và A cũng có những lập luận phù hợp với dấu hiệu của tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS 2015 nhưng không phản ánh đầy đủ bản chất hành vi và hậu quả xảy ra. Cụ thể:
Thứ nhất, hành vi xảy ra ở nơi công cộng: Hành vi của P và A xảy ra tại đường phố vào đêm khuya, nơi được xác định là địa điểm công cộng. Việc truy đuổi bằng xe máy, cầm theo hung khí, hô hoán lớn tiếng, đặc biệt xảy ra vào thời điểm ban đêm, có dấu hiệu ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây hoang mang cho người dân xung quanh. Xét về yếu tố địa điểm và thời gian phạm tội, hành vi phù hợp với dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng.
Thứ hai, có sử dụng hung khí, đe dọa và gây hoảng loạn: P và A mang theo hung khí nguy hiểm (cây sắt), đuổi theo người khác với những lời đe dọa rõ ràng như “đuổi theo đánh chết mẹ tụi nó” hành vi thể hiện tính chất côn đồ, xem thường pháp luật, gây tâm lý bất an và lo sợ cho người dân. Đây là một trong những dấu hiệu thể hiện hành vi xâm phạm đến sự yên ổn của cộng đồng, không chỉ giới hạn trong mâu thuẫn cá nhân.
Thứ ba, có hậu quả nghiêm trọng là làm chết người: Hậu quả xảy ra là một người tử vong, một người khác bị thương.
Tuy nhiên, việc định tội P và A theo Điều 318 BLHS năm 2015 tồn tại nhiều bất cập và không phù hợp về bản chất pháp lý, bởi lẽ:
Bản chất hành vi mang tính chất cá nhân, không nhằm mục đích gây rối trật tự chung: Mục tiêu của P và A là nhắm đến nhóm thanh niên cụ thể (nhóm B, V, M, N) để trả đũa sau khi bị tấn công, không nhằm phá hoại trật tự công cộng hay gây náo loạn xã hội một cách vô cớ. Các yếu tố cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng” thường đòi hỏi hành vi không có đối tượng bị xâm hại cụ thể, hoặc có động cơ chống đối xã hội chung, như tụ tập đông người, chặn đường, đập phá tài sản công, gây rối loạn nơi công cộng. Trong khi đó, hành vi của P và A hướng đến một nhóm người cụ thể, có nguyên nhân cá nhân và mục đích rõ ràng (trả thù), không có dấu hiệu của một hành vi xâm phạm an ninh, trật tự công cộng có chủ đích. Hành vi của P và A có chủ đích, có chuẩn bị hung khí, nhằm mục tiêu cá nhân cụ thể, gây ra cái chết cho người khác, nên không thể định tội danh là hành vi “gây rối chung”, mà cần xử lý dưới tội danh xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác. Do đó, quan điểm thứ ba là không hợp lý, không đầy đủ về mặt cấu thành tội phạm.
Từ phân tích trên, có thể khẳng định rằng: Hành vi của Đặng Văn P và Huỳnh Ngọc A phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 4 Điều 134 BLHS 2015.
TAND huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” - Ảnh: Hữu Nam.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Pháp luật hình sự Việt Nam: 80 năm xây dựng, phát triển và định hướng hoàn thiện trong Kỷ nguyên mới
-
Định tội danh “tham ô tài sản” trong khu vực kinh tế tư nhân: Những vướng mắc từ thực tiễn xét xử và đề xuất hoàn thiện
-
Đặng Văn P và Huỳnh Ngọc A phạm tội “Vô ý làm chết người”
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào và Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ khánh thành Bến số 3, Cảng quốc tế Lào – Việt
Bình luận