Đánh giá cao hồ sơ dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, được chuẩn bị công phu

Sáng 17/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tham dự phiên họp.

Dự phiên họp có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; đại diện các Bộ Tư pháp, Bộ Công an…

Đòi hỏi bức thiết của cuộc sống

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC  Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”; thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

 

Phó Chánh án TANDTC  Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình 

Bên cạnh đó, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành: hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa NCTN và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn nghiêm khắc; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia, cũng như vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm NCTN; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên… 

Mục đích xây dựng dự án Luật tư pháp NCTN nhằm: Hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ NCTN phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm bằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho NCTN; Bảo đảm các quyền cơ bản của NCTN trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục NCTN; Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của NCTN; Tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, đơn giản, phù hợp với NCTN… 

 

Các thành viên UBTVQH dự phiên họp

Dự thảo Luật gồm 166 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng;  nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ NCTN trong tư pháp hình sự, như:  Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; Quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; Ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; Xử lý chuyên biệt; Bảo đảm giữ bí mật cá nhân;....

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng. Đồng thời, quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được chấm dứt trước thời hạn việc thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng Đổi mới trình tự, thủ tục xử lý chuyển hướng theo hướng kịp thời, hiệu quả….

Dự án luật có nội dung chuyên biệt

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định đây là dự án luật mới, lần đầu được Quốc hội khóa XV đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng định hướng xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ. Dự án luật có nội dung chuyên biệt.

Sau khi luật được đưa vào chương trình, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội theo đúng tiến độ đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo từ công tác nghiên cứu, tổ chức khảo sát trực tiếp tại 2 tỉnh, thành phố, làm việc với 2 Trường Giáo dưỡng thuộc Bộ Công an, yêu cầu các cơ quan có liên quan của nhiều tỉnh, thành phố…

 

Toàn cảnh phiên họp

Ủy ban Tư pháp cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo quốc tế để tham vấn kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế về định hướng xây dựng luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, hình phạt đối với NCTN, thủ tục tố tụng… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Thẩm tra dự án Luật Tư pháp NCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người NCTN và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của TANDTC. Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. 

Tuy nhiên, dự thảo Luật với tính chất là một đạo luật chuyên biệt, quy định khá nhiều chính sách đổi mới về tư pháp NCTN sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi, bổ sung một số luật như Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Luật Thi hành án hình sự… Do đó, đề nghị TANDTC tiếp tục rà soát đầy đủ, đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo quy định tại Điều 1 dự thảo Luật, phạm vi điều chỉnh chỉ trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: (1) quy định về xử lý chuyển hướng (XLCH), hình phạt và thủ tục tố tụng đối với NCTN phạm tội; (2) thủ tục tố tụng đối với NCTN là bị hại, người làm chứng; (3) thi hành án; (4) tái hòa nhập cộng đồng; (5) nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN.

Ủy ban Tư pháp có 02 loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất, tán thành dự thảo Luật quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN.

- Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN trong dự thảo Luật.

Về các biện pháp XLCH (Điều 34), Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành 12 biện pháp XLCH và việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp dự thảo Luật, tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng NCTN, bởi vì mỗi NCTN có hoàn cảnh gia đình, nhân thân, nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội khác nhau. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các biện pháp XLCH để bảo đảm phù hợp. 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu ý kiến

Liên quan đến đối tượng được áp dụng biện pháp XLCH (Điều 35) và đối tượng không được áp dụng biện pháp XLCH (Điều 36), Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chuẩn, chế độ đối với NCTN tại Trường giáo dưỡng để bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của NCTN và thực hiện tốt mục tiêu giáo dục, bảo đảm thân thiện. Đồng thời, đề nghị TANDTC cung cấp thông tin, làm rõ căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2  Điều 36 của dự thảo Luật về việc không áp dụng XLCH đối với 05 tội danh do NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện và 06 tội danh do NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện.

Vấn đề hình phạt được quan tâm

Về hình phạt đối với NCTN, Ủy ban Tư pháp tán thành Điều 101 dự thảo Luật quy định 04 hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội trên cơ sở kế thừa Điều 98 của BLHS hiện hành (không phát sinh thêm loại hình phạt mới), bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn.

Tuy nhiên, đối với hình phạt cảnh cáo, có ý kiến đề nghị mở rộng việc áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

 

Các cán bộ thuộc cơ quan soạn thảo

Về thủ tục tố tụng (từ Điều 114 đến Điều 148), Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và nhận thấy, so với quy định hiện hành, dự thảo Luật đã tách bạch 02 thủ tục tố tụng cho 02 nhóm đối tượng là: (1) Thủ tục tố tụng đối với NCTN bị buộc tội; (2) Thủ tục tố tụng đối với NCTN là người bị hại, người làm chứng. Việc tách bạch 02 quy trình này là tiến bộ và cần thiết, phù hợp với 02 nhóm đối tượng có tư cách tố tụng, quyền và nghĩa vụ khác nhau.

Về thi hành án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng (từ Điều 149 đến Điều 164), tại Điều 149, dự thảo Luật quy định NCTN được giam giữ tại trại giam riêng để tạo điều kiện giáo dục, phục hồi. Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của NCTN, đặc biệt là bảo đảm tối đa quyền được học tập của NCTN, hạn chế các tác động tiêu cực của việc giam giữ chung trại giam với phạm nhân là người trưởng thành. Đồng thời, quy định này cũng bảo đảm phù hợp với Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ NCTN bị tước quyền tự do.

Cơ bản đồng tình với nội dung Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu sự cần thiết ban hành luật. Thực tế cho thấy việc xử lý NCTN trong hệ thống tư pháp hình sự được quy định rải rác ở các điều, các chương riêng biệt của BLHS, BLTTHS, Luật Thi hành án hình sự và một số văn bản khác. Tuy nhiên, việc quy định rải rác trong các luật dẫn đến bất cập là các chính sách tư pháp cho người chưa thành niên không có nhiều khác biệt so với NCTN.

Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với sự cần thiết ban hành luật để thể chế hóa chủ trương nghị quyết của Đảng về phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em, cũng như luật hoá công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên. 

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao những nỗ lực của TANDTC trong nghiên cứu xây dựng dự án luật, đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Tư pháp NCTN. 

Nhấn mạnh nội hàm của dự án luật là về tư pháp hình sự đối với NCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo sự đồng bộ với Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự. Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thống nhất với phạm vi điều chỉnh như Tòa án nhân dân tối cao đã trình, chỉ điều chỉnh lĩnh vực hình sự, không điều chỉnh lĩnh vực dân sự, hành chính.

Theo đó, dự án luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng là NCTN; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự án luật cần điều chỉnh đồng bộ cả các biện pháp xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên, thiết kế các chính sách xử lý theo cách tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, đầy đủ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu bảo đảm lợi ích tốt nhất cho NCTN.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, để xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bên cạnh chế tài hình sự thì có chế tài hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định đầy đủ các hình thức, biện pháp, quy trình xử lý hình sự và hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên để đảm bảo thuận lợi và tăng cường tính khả thi trong quá trình thực hiện....

Về nguyên tắc cơ bản đối với tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ nhất trí với 16 nguyên tắc quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm và tôn trọng quyền học tập của người chưa thành niên phù hợp với quy định của Luật Trẻ em và Luật Giáo dục. 

Phát biểu tại Phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với dự án Luật mới này có tính chất nhân văn cao đối với đối tượng NCTN, đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng của Cơ quan soạn thảo xây dựng dự án Luật này. Đồng thời đánh giá cao Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra rất chi tiết dù đây là dự án Luật lần đầu cho ý kiến.

Về phạm vi điều chỉnh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình với loại ý kiến thứ nhất trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, tức là phạm vi điều chỉnh quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần điều chỉnh 2 nội dung này trong Luật để tạo cơ sở thiết kế các hình phạt và thủ tục tố tụng phù hợp với đặc điểm của NCTN, khắc phục những bất cập của Bộ luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự hiện hành. 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình  phát biểu tiếp thu

Phát biểu tiếp thu giải trình tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn các ý kiến phát biểu trong đó cơ bản đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật, thống nhất với sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, đánh giá cao chất lượng nội dung luật, tuân thủ các quy trình xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp cũng đồng hành với cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng luật, từ việc lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, khảo sát thực tế tại các địa phương. Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đã gợi mở nhiều nội dung, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý.

Về một số nội dung đại biểu quan tâm về tách vụ án hình sự, Chánh án  Nguyễn Hòa Bình cho biết, các ý kiến cơ bản thống nhất với phương án 1 nhưng có một số ý kiến băn khoăn. Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nếu không tách vụ án hình sự, các cháu sẽ phải xét xử trong phòng xét xử không thân thiện và phải tiếp cận với toàn bộ nội dung vụ án. Nếu phải tiếp cận phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là người lớn phạm tội sẽ có tác động ngược chiều, ấn tượng tham gia phiên tòa như vậy sẽ nặng nề cho việc tổ chức phiên tòa thân thiện; hơn nữa những phiên tòa như vậy sẽ là những thẩm phán không hiểu nhiều về tâm lý trẻ em.

Về thẩm quyền quyết định xử lý chuyển hướng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, có những vụ án không cần thiết phải mở phiên tòa, có thể xử lý ngay từ giai đoạn điều tra. 

Đối với phạm vi điều chỉnh, Chánh án ghi nhận các ý kiến phát biểu, có sức thuyết phục cao, về cơ bản các ý kiến đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật. Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nếu không có hình phạt và tố tụng thân thiện, sẽ không hình thành được luật Tư pháp người chưa thành niên. 

Đối với băn khoăn về các quy định đã có trong các luật hiện hành, Chánh án  Nguyễn Hòa Bình cho biết, đối với các quy định đã có nhưng chưa đủ và còn tản mạn, do vậy cần được quy định đầy đủ trong dự án Luật Tư pháp NCTN.

 

THÁI VŨ