Đánh giá kỹ lưỡng, rà soát khách quan đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10 và sáng 01/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Một trong những nội dung được quan tâm là vấn đề văn bản quy phạm pháp luật.

Rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên

Phát biểu về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống pháp luật mà Chính phủ, tổ công tác của Quốc hội đã thực hiện. Đại biểu cho rằng việc đánh giá phải thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, rà soát phải đảm bảo khách quan, kiến nghị sửa đổi phải thích đáng, hạn chế đề xuất một luật sửa nhiều luật.

Trên cơ sở theo dõi, giám sát các lĩnh vực phụ trách, các cơ quan của Quốc hội đã có ý kiến đánh giá về kết quả rà soát, bổ sung một số nội dung để Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi. Đại biểu bày tỏ nhất trí với việc Quốc hội tiếp tục quy định nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, trong đó cần nhấn mạnh: Hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để lấy dữ liệu đầu vào cho công tác tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có thể sử dụng hiệu quả kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật để hỗ trợ cho hoạt động rà soát thường xuyên.

Đại biểu cũng cho rằng, việc pháp điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật còn nhằm mục đích phát hiện những chồng chéo, mâu thuẫn của các quy phạm pháp luật ở các văn bản khác nhau cùng quy định về một nội dung. Đây là một nguồn tư liệu quan trọng, làm việc rà soát thường xuyên của các cơ quan, địa phương trở nên dễ dàng hơn rất nhiều trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế.

Đại biểu nhấn mạnh, cần tiếp tục củng cố lực lượng pháp chế, để thực hiện công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác rà soát thường xuyên theo quy định. Cần ban hành văn bản hướng dẫn để có giải pháp cụ thể, rõ ràng triển khai công tác này. Cùng với đó, cần có điều chỉnh về số lượng biên chế, tiêu chuẩn tuyển chọn, việc áp dụng chính sách thu hút nhân tài như sinh viên giỏi, thủ khoa về lĩnh vực này, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng hơn.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa

Về vấn đề này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho biết, kết quả rà soát đã được Chính phủ tổng hợp trong Báo cáo số 587 và 26 Phụ lục kèm theo, đã đánh giá được quá trình tổ chức thực hiện, kết quả rà soát chung và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực. Đồng thời đã chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra các kiến nghị, đề xuất rất xác đáng.

Về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo 587 và nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc hơn nữa những tồn tại, hạn chế trong công tác này, trong đó rất cần phải đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa công tác rà soát văn bản với công tác xây dựng, hoàn thiện, kiểm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. 

Đồng thời cần xác định rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Đại biểu Hà đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện một số nhiệm vụ: Tăng cường siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương và xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này; Thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định rất rõ tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên ngay khi có căn cứ rà soát, không bỏ sót văn bản rà soát và kịp thời xử lý kết quả rà soát tuân thủ đúng trình tự, thủ tục rà soát.

Mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều

Tranh với một số ý kiến cho rằng hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập, chồng chéo và khó thực hiện, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết, thực hiện ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở tại các kỳ họp trước đây, Nghị quyết 101 của Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đã có báo cáo tại kỳ họp này. 

Để bảo đảm tính chủ động, đánh giá khách quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, tổ chức điều kiện rà soát độc lập và yêu cầu 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân có báo cáo; các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách đều có ý kiến đánh giá độc lập về kết quả rà soát của Chính phủ cũng như của các địa phương. Với mục tiêu, qua rà soát cần nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và những vấn đề vướng mắc gây khó khăn, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung...

 

Đại biểu Nguyễn Trường Giang

Với nguyên tắc, việc rà soát, đánh giá, nhận định các quy định có chồng chéo, mâu thuẫn, sở vướng mắc, bất cập phải thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, tránh phiến diện. Việc rà soát phải bảo đảm khách quan, tránh cả hai thái cực; mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều quy cho thể chế pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm hoặc tuyệt đối hóa pháp luật đều tốt mà bất cập, vướng mắc là do công tác tổ chức thực hiện. Việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung phải là thực sự cần thiết và xác đáng. 

Qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều. Hầu hết các các nội dung còn lại qua rà soát được chỉ ra là có bất cập do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp. 

Bên cạnh đó, cũng có nội dung được cho là vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật. 

Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu rõ, với gần 70 % nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật và thuộc các dự án luật đã có ở trong chương trình, tại kỳ họp lần này cũng có rất nhiều nội dung đã được trình Quốc hội như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... Trong các nội dung đó, các nội dung của văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo và vướng mắc, bất cập có một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, có trường hợp chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi của các văn bản cơ quan nhà nước cấp trên.

Tuy nhiên, cũng có một số nội dung nhận định là chưa chính xác, một số nội dung vướng mắc, bất cập là do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và một số nội dung, một số nhận định là vướng mắc, bất cập nhưng thực chất là vấn đề quan điểm chính sách.

 

Đại biểu Lê Xuân Thân

Đại biểu Lê Xuân Thân  (Khánh Hòa) cho biết, tháng 6 năm 2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 101, đây là Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, trong đó có nội dung rà soát để xem xét nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng trì trệ, không dám làm của các cán bộ.

Bên cạnh việc sợ trách nhiệm không dám làm, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, còn có nguyên nhân khác là quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, trong khoảng thời gian rất ngắn (từ tháng 7- tháng 9), các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai và rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luât, chủ yếu ở lĩnh vực luật, Nghị định, Thông tư chưa có văn bản của các địa phương. Qua kết quả rà soát, tỉ lệ chồng chéo có nhưng không cao.

Đại biểu cho rằng, chưa nhìn nhận được nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ không dám làm và pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, “địa phương phải hỏi Trung ương, tỉnh phải hỏi Bộ trưởng, rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản”.  Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị cần rà soát kỹ các nội dung cụ thể.

Quyết liệt “thanh toán những món nợ” về thể chế

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa  (Tp. Hồ Chí Minh) nhận định: Tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm.

Theo đại biểu, thành tựu lớn trong thời gian qua là nước ta đã chống chịu và vượt qua đại dịch, vững vàng trước những biến động toàn cầu, để tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế. Đại biểu nhận xét, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế đang được triển khai chậm, chưa mang lại thay đổi đáng kể về cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng, tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện chậm, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển.

Đại biểu cho rằng, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần tham gia tích cực và sâu rộng vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải xây dựng xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số, vượt thoát bẫy thu nhập trung bình và bẫy nợ công, thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi mô hình chủ yếu xuất khẩu tài nguyên, lao động gia công giá rẻ. 

Đại biểu cho rằng, trong khi đang nỗ lực đồng hành với thế giới trong cuộc cách mạng số, nhiều nội dung trong thể chế, hạ tầng, nhân lực nước ta vẫn còn chưa đạt được tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật của nền công nghệ 2.0, 3.0. Chúng ta vẫn chưa có thể chế, hạ tầng nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa. Đại biểu cho rằng, cần quyết liệt “thanh toán những món nợ” về thể chế, hạ tầng, nhân lực của các giai đoạn phát triển trước mà chúng ta còn thiếu, việc này cũng quan trọng không kém các nỗ lực số hóa nền kinh tế.

 

 

BẢO THƯ