Đào Xuân S không bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung ‘‘tái phạm nguy hiểm’’ là đúng pháp luật

Sau khi nghiên cứu bài viết “Đào Xuân S có bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung ‘‘tái phạm nguy hiểm’’ hay không?” ; bài của Ths Lê Đình Nghĩa, đăng ngày 2/12 /2020, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

Tôi đồng tình với nhận định và quan điểm của tác giả ở quan điểm thứ hai đó là: Hành vi phạm tội ngày 18/5/2020 của Đào Xuân S không bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung tái phạm nguy hiểm  theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS. Theo tôi quan điểm này là đúng quy định của pháp luật với những phân tích mà lập luận mà tác giả đã đưa ra.

Tôi chỉ xin phản biện đối với nhận định và quan điểm thứ nhất, khi cho rằngLần phạm tội ngày 18/5/2020 Đào Xuân S phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản với tình tiết tăng nặng định khung Tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS là không có cơ sở pháp luật. Bởi các lý do sau:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 thì: 2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.. Và, cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS năm 2015 thì: “2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.”.

Trở lại dữ kiện nội dung vụ án cho ta thấy: Mặc dù, Đào Xuân S có tới 05 tiền án, cụ thể: Trước khi thực hiện hành vi trộm cắp ngày 18/5/2020, S có hành vi trộm cắp chiếc điện thoại di động Samsung trị giá 1.800.000 đồng; thì S đã bị kết án với 3 bản án về tội: Trộm cắp tài sản, 1 bản án về tội Cố ý gây thương tích, 1 bản án về tội Cướp tài sản, chưa được xóa án tích, lại tiếp tục phạm tội. Theo dữ kiện, thì Bản án số 04/2007/HSST, ngày 3/4/2007, S đã đương nhiên được xóa án tích. Đối với các Bản án số 25/2009/HSST ngày 7/8/2009, Bản án số 41/2011/HSST ngày 8/11/2011, Bản án số 44/2012/HSST ngày 6/4/2012, Bản án số 20/2017/HSST ngày 20/9/2017 Đào Xuân S đã chấp hành xong hình phạt tù và các nghĩa vụ phải thi hành. Trong đó có 3 bản án xác định S đã phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”. Và bản án số 20/2017/HSST tuyên phạt: S 36 tháng tù về tội cướp tài sản’’ theo khoản 1 Điều 168 BLHS 2015 đến ngày 05/01/2020 S chấp hành xong hình phạt tù. Ngày 18/5/2020 S tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp chi thoại diếc điện thoại động Samsung trị giá 1.800.000 đồng. Đối với lần thực hiện hành vi trộm cắp này thì theo quy định của pháp luật thuộc trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi dưới mức tối thiểu của cấu thành tội. Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì: “1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”.

Như vậy, Đào Xuân S đã phạm vào quy định theo điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS tức là thuộc trường hợp: Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;”; tức là trước đó S đã bị kết án 36 tháng tù về tội: “Cướp tài sản” theo quy định khoản 1 Điều 168 BLHS 2015; tuy đã chấp hành xong hình phạt nhưng chưa được xóa án tích nên hành vi trộm cắp tài sản ngày 18/5/2020 mặc dù dưới mức định lượng 2.000.000 đồng (cụ thể theo định giá tài sản chiếc điện thoại giá trị là 1.800.000 đồng) thỏa mãn cấu thành cơ bản theo khoản 1 Điều 173 BLHS do trước đó S đã từng bị kết án về các tội như trên đã phân tích. Chính vì, S do đã xác định thuộc trường hợp “đã tái phạm, chưa được xóa án mà lại phạm tội mới do cố ý”  nhưng do dấu hiệu này đã được tính vào định tội thì về nguyên tắc sẽ không được tính là tình tiết định khung hay tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Vì, thực tế hành vi ngày 18/5/2020 trộm cắp chiếc điện thoại trị giá 1.800.000 đồng, nếu trước đó S bị kết án nhưng đã được xóa án tích thì hành vi của S sẽ không cấu thành tội phạm mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính nhưng do S đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích thì lại tiếp tục thực hiện hành vi do cố ý mặc dù hành vi này giá trị tài sản dưới mức tối thiểu thì vẫn thỏa mãn của cấu thành tội phạm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên như trên đã phân tích tình tiết tái phạm nguy hiểm đã được đưa, được xác định vào định tội thì sẽ không áp dụng là định khung hay là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo  khoản 2 Điều 52 BLHS năm 2015: “2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.”.

Thứ hai, nhận định ở quan điểm thứ nhất khi cho rằng: Đào Xuân S mặc dù trộm cắp tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng, nhưng trước đó S đã bị kết án với 3 bản án về tội: Trộm cắp tài sản, 1 bản án về tội Cố ý gây thương tích, 1 bản án về tội Cướp tài sản, chưa được xóa án tích, lại tiếp tục phạm tội, nên hành vi của S đã phạm vào điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS. Năm 2017, S bị Tòa án tuyên phạt 36 tháng tù về tội Cướp tài sản, với tình tiết tăng nặng định khung Tái phạm nguy hiểm, ra tù ngày 5/1/2020, tính đến thời điểm phạm tội (ngày 18/5/2020) chưa được xóa án tích. S có nhân thân xấu (5 tiền án), chấp hành án tại trại giam nhưng không thể hiện sự ăn năn, hối lỗi, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, ý thức chấp hành pháp luật kém; thể hiện sự coi thường, bất chấp pháp luật, vì vậy ở lần phạm tội này Đào Xuân S phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản với tình tiết tăng nặng định khung Tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS.

Theo tôi nhận định này là không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì, như trên tôi đã phân tích ở lần trộm cắp tài sản này 18/5/2020 nếu trước đó S đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích thì lần này S không phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi đó không cấu thành tội phạm (do dưới mức định lượng của cấu thành cơ bản tội trộm cắp tài sản). Chính vì, S đã bị kết án và mặc dù đã xác định S phạm tội 3 lần trước đó đều đã xác định thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” và các bản án đó S đã chấp hành xong mặc dù theo quy định S chưa được xóa án tích nhưng lần thực hiện hành vi ngày 18/5/2020 do đã được tính vào định tội trường hợp “tái phạm, tái phạm nguy hiểm” mà đã đưa vào định tội thì sẽ không được thêm là tình tiết định khung.

Do vậy, chỉ có thể truy tố, xét xử Đào Xuân S về tội: “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 , chứ không thể truy tố, xét xử Đào Xuân S về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 được.

Trên  đây là quan điểm cá nhân của tôi  đối với bài viết“Đào Xuân S có bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung ‘‘tái phạm nguy hiểm’’ hay không?”, xin được trao đổi với tác giả bài viết cùng quý bạn đọc và đồng nghiệp./.

 

TAQS Quân khu 1 xét xử vụ trộm cắp tài sản - Ảnh: Báo QK1

 

 

 

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)