Dấu ấn của hệ thống Tòa án năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Bài viết tập trung đánh giá những kết quả nổi bật của hệ thống Tòa án nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và định hướng những nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án trong thời gian tới nhằm tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu công tác.

Đặt vấn đề

Năm 2023, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp về thiên tai, dịch bệnh, xung đột vũ trang, kinh tế toàn cầu suy giảm. Số lượng các vụ việc mà Tòa án phải giải quyết tiếp tục gia tăng nhanh chóng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp. Bên cạnh làm tốt công tác giải quyết án, các Tòa án còn tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra; tiếp tục triển khai các đạo luật mới về tư pháp như Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến…

Ngay từ đầu năm công tác, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống Tòa án thực hiện 17 giải pháp đột phá; các Tòa án cũng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động Tòa án các cấp, hệ thống Tòa án đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023 với những kết quả đáng khích lệ.

1. Công tác xét xử đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội

Các Tòa án đã giải quyết 540.490 vụ việc các loại trên tổng số 606.209 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 89,16%; so với năm 2022, số giải quyết tăng 35.809 vụ việc. Chất lượng xét xử được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt 0,89%, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đã xét xử 94.161 vụ án hình sự với tổng số 176.040 bị cáo, đạt 98% về số vụ và 96,35% về số bị cáo, vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao. Các vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, như: vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án chuyến bay giải cứu…, theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Các phán quyết của Hội đồng xét xử được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.

Các Tòa án đã giải quyết 408.070 vụ việc dân sự trong tổng số 468.828 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 87,04%, vượt 9,04% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đã hòa giải thành 80.490 vụ việc, đạt tỷ lệ 20,7%, góp phần giải quyết nhanh các tranh chấp, củng cố khối đoàn kết trong nhân dân.

Công tác giải quyết án hành chính được tăng cường. Ngay từ đầu năm công tác, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và phân công lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo các Tòa án khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời chỉ đạo ban hành Công văn số 217/TANDTC-GĐKT III ngày 21/12/2022 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Vì vậy, mặc dù số lượng các vụ án hành chính thụ lý tăng 416 vụ so với năm 2022, nhưng các Tòa án đã giải quyết được 9.130 vụ trên tổng số 12.162 vụ thụ lý, đạt tỷ lệ 75,07%, vượt 15,07% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra và tăng 2,47% so với năm trước. Tính đến ngày 30/9/2023, không có vụ án để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan.

Việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Ngày 09/3/2023, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-CA quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đến nay, các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên. Các Hòa giải viên được tuyển chọn, bổ nhiệm là những người hiểu biết về pháp luật, phong tục tập quán, có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực công tác, có uy tín trong cộng đồng dân cư… Trong năm qua, đã giải quyết 119.058 đơn trên tổng số 129.856 đơn đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 91,68%, trong đó hòa giải, đối thoại thành 63.030 vụ việc, người khởi kiện rút đơn trong quá trình hòa giải, đối thoại 14.417 vụ việc.

Việc xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án  được tiến hành khẩn trương, kịp thời, đúng pháp luật; đã giải quyết 28.395 hồ sơ trong tổng số 28.401 hồ sơ thụ lý, đạt tỷ lệ 99,98%. Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện nghiêm túc, đã giải quyết 256/260 hồ sơ đề nghị.

Công tác thi hành án hình sự được các Tòa án thực hiện kịp thời; đã ra quyết định thi hành án đối với 107.873 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 98,34%; quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với 104.219 phạm nhân do cải tạo tốt; quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án phạt tù đối với 2.641 phạm nhân. Việc ra quyết định thi hành án hình sự cơ bản bảo đảm đúng thời hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, đúng pháp luật; đã giải quyết được 9.144 đơn/vụ trong tổng số 14.471 đơn/vụ thụ lý; đạt tỷ lệ 63,19%, vượt 3,19% chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức buổi làm việc với các đơn vị chuyên môn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tổ chức buổi làm việc rút kinh nghiệm công tác xét xử đối với Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường xây dựng và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật

Trong năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 ngày 22/12/2022 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; hoàn thiện Hồ sơ dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2023; xây dựng hồ sơ Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; tham gia, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 13 dự án Luật[1].

Đặc biệt, đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo đúng kế hoạch. Việc xây dựng Dự án Luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Dự án luật hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-TANDTC ngày 24/8/2023 hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án; công bố thêm 14 án lệ, nâng tổng số án lệ được thông qua lên 70 án lệ. Cho đến nay, đã có 1.617 bản án, quyết định của các Tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ. Như vậy, kỹ năng áp dụng án lệ trong xét xử đã dần phổ biến và nâng cao.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tăng cường tổ chức đối thoại theo hình thức trực tuyến với Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp để kịp thời giải đáp những vướng mắc trong thực tiễn xét xử, góp phần nâng cao chất lượng công tác. Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 02 văn bản thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử[2]; tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về người chưa thành niên, về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, các tội phạm ma túy, về án treo… Tổ chức tổng kết thực tiễn thi hành các bộ luật, luật tố tụng tư pháp; xây dựng kế hoạch tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014; tổng kết thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam…

3. Tích cực thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp

Ngay sau khi Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được ban hành, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết trong hệ thống Tòa án nhằm quán triệt nội dung nghị quyết, thảo luận, thông qua các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử trong thời gian tới, thống nhất các định hướng lớn để đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thông qua Đề án “Đề xuất ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên” và đang tổ chức nghiên cứu, xây dựng các Đề án như: Đề án xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, lập pháp; Đề án nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp; Đề án cơ chế thu hồi tài sản không thông qua thủ tục kết tội bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, vụ việc. Đây là các Đề án được nghiên cứu nhằm thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử làm trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

4. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng

Các Tòa án đã tăng cường tự đào tạo thông qua việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Tòa án nhân dân các cấp đã tổ chức được 17.093 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có 13.492 phiên tòa hình sự, 3.320 phiên tòa dân sự và 281 phiên tòa hành chính nhằm giúp các Thẩm phán đề cao tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị xét xử, nâng cao kinh nghiệm tổ chức phiên tòa.

Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng giải quyết các loại án, Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc; hội thảo chuyên sâu về kỹ năng xét xử các loại vụ án[3]; tổ chức biên soạn, chỉnh lý hệ thống giáo trình, xây dựng các chuyên đề, bài giảng. Các lớp đào tạo chức danh tư pháp thuộc Tòa án nhân dân được tổ chức hiệu quả, chất lượng cao[4]; các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài được duy trì thường xuyên, bảo đảm đúng đối tượng[5].

Trong công tác đào tạo đại học, Học viện Tòa án đang tổ chức đào tạo đối với 4 khóa với tổng số hơn 1.100 sinh viên. Công tác tuyển sinh đại học khóa 8 được thực hiện theo đúng quy định trên cơ sở Đề án tuyển sinh; công tác quản lý học viên luôn được bảo đảm, tạo điều kiện tốt nhất để học viên, sinh viên học tập, rèn luyện.

5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức, người lao động có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập các đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm trưởng đoàn để kiểm tra công tác chuyên môn năm 2022 của các Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân 02 cấp tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức 09 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ[6], qua đó chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức, Thẩm phán. Qua kiểm tra, các Tòa án đã kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Lãnh đạo các Tòa án, đơn vị đã tăng cường quản lý cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân; Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán và Quyết định số 120/QĐ-TANDTC về xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập trong hệ thống Tòa án bảo đảm thống nhất, đúng quy định của pháp luật; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác kê khai, công khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức thuộc Tòa án nhân dân; ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023; tổ chức 05 cuộc thanh tra, kiểm tra xác minh tài sản, thu nhập đối với một số công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tại một số Tòa án nhân dân tỉnh.

Hoạt động giám sát đối với Thẩm phán được tăng cường theo hướng thực chất, nghiên cứu nhiều bản án, quyết định của Thẩm phán bị hủy, sửa và 915 bản án hình sự cho bị cáo được hưởng án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền là hình phạt chính; nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đối với 28 Thẩm phán bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân. Việc thẩm tra hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán, hồ sơ miễn nhiệm, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chức vụ được thực hiện thận trọng, kịp thời, đúng quy định. Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn đối với Tòa án nhân dân cấp huyện theo kế hoạch để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ.

6. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử

Xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới. Trong những năm qua, hạ tầng công nghệ thông tin và các ứng dụng cho hoạt động của Tòa án không ngừng được cải tiến; nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến được đưa vào sử dụng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án.

Các Tòa án tiếp tục sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm nội bộ dùng chung[7] và cung cấp các dịch vụ tư pháp công của Tòa án nhân dân trên nền tảng số[8]. Khai thác, vận hành có hiệu quả Trung tâm giám sát điều hành hoạt động Tòa án nhân dân; tiếp tục triển khai sử dụng phần mềm Trợ lý ảo cho toàn bộ Thẩm phán trong hệ thống Tòa án nhân dân để phục vụ cho công tác xét xử. Đến nay đã có hơn 11.000 Thẩm phán, Thư ký được cung cấp tài khoản và tổng số lượt truy cập vào phần mềm Trợ lý ảo đạt hơn 3 triệu lượt. Về lâu dài, khi số lượng bản án, quyết định được công bố lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án ngày càng nhiều, số lượt tương tác, tham gia ý kiến của người dùng đối với Trợ lý ảo càng lớn thì sẽ tạo nguồn dữ liệu quan trọng cho Trợ lý ảo tìm kiếm, chỉ dẫn áp dụng, qua đó giúp cho Trợ lý ảo thông minh hơn và tiện ích mà Trợ lý ảo mang lại sẽ ngày càng lớn hơn.

Công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đúng yêu cầu;  qua đó đề cao tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử, tạo cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Tính đến nay, đã có hơn 1,2 triệu bản án, quyết định được công bố với tổng số hơn 167 triệu lượt truy cập.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trong năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực,  góp phần giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và bảo đảm các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa. Các Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 13.617 vụ án, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước và người dân hàng chục tỷ đồng.

7. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Công tác hợp tác quốc tế được triển khai có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tòa án nhân dân tối cao đã cử nhiều đoàn cán bộ tham dự các hội nghị quốc tế bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; đón, tiếp xã giao nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam[9] nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin pháp luật, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tư pháp vị thành niên, luật sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ thông tin... Việc thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế của các đối tác KOICA, JICA, UNDP… được triển khai kịp thời. Nhiều hội nghị, hội thảo về triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nâng cao kỹ năng viết bản án, kỹ năng viện dẫn và áp dụng án lệ, việc thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán… thông qua các hoạt động của dự án đã góp phần nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện hiệu quả các mục tiêu trước mắt và lâu dài của hệ thống Tòa án. Các hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần có hiệu quả trong việc tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, thu hút nguồn lực để phục vụ cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án.

Đặc biệt, từ ngày 29/6/2023 đến ngày 01/7/2023, Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án Việt Nam đã tham dự Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Trung Quốc - Việt Nam lần thứ nhất tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Trong khuôn khổ Hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hai nước đã Hội đàm và chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Tòa án nhân dân hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn của Việt Nam với Tòa án nhân dân cấp cao Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Việc ký Biên bản ghi nhớ nhằm thực hiện nhận thức chung cấp cao và Tuyên bố chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tiếp tục thúc đẩy sự giao lưu giữa ngành Tư pháp hai nước ngày càng đi vào chiều sâu. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động hợp tác giữa Tòa án nhân dân các tỉnh giáp biên giữa hai nước nói riêng, tạo tiền đề cho việc phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa Tòa án nhân dân hai nước nói chung.

Bên cạnh đó, từ ngày 10/10/2023 đến ngày 20/10/2023, Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án Việt Nam do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dẫn đầu đã có chuyến thăm, làm việc tại Ca-na-đa và Bra-xin. Chuyến thăm đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Tòa án Việt Nam với các đối tác nước ban, chia sẻ và tham khảo được nhiều kinh nghiệm quý của hai nước trong xây dựng pháp luật, giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, công tác quản trị Tòa án, độc lập tư pháp, việc thành lập và hoạt động của Tòa chuyên trách, Tòa chuyên biệt.

8. Tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”

Trong năm 2023, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiệm thu Tập III và tổ chức xuất bản cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam” gồm ba tập: Tập I “Tòa án nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc (1945-1975); Tập II “Tòa án nhân dân Việt Nam trong thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới toàn diện đất nước và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1975-2002); Tập III “Tòa án nhân dân Việt Nam trong công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế (2003-2020)”.

Cuốn sách được biên soạn công phu với nhiều hình ảnh, tư liệu quý, nhiều thông tin hữu ích. Đây là công trình khoa học có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết quá trình xây dựng và trưởng thành của nền tư pháp nước nhà; khẳng định những cống hiến, đóng góp quan trọng của hệ thống Tòa án cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc; đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của hệ thống Tòa án qua quá trình gần 80 năm xây dựng và phát triển; đúc kết bài học kinh nghiệm lịch sử qua các giai đoạn phát triển; giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ Tòa án học tập, noi gương, yêu nghề và tự hào về sứ mệnh bảo vệ công lý rất trọng trách nhưng cũng đầy vinh quang.

9. Các mặt công tác khác đạt được những kết quả quan trọng

Công tác phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành được quan tâm thực hiện. Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết Nghị quyết liên tịch về tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về cải cách tư pháp của Đảng, Hiến pháp, pháp luật nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Các Tòa án đã phối hợp tốt với cơ quan Công an, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan chức năng trong việc áp dụng thống nhất pháp luật; áp dụng biện pháp tạm giữ, xử lý tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các Chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người, phòng chống rửa tiền, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm...

Các Tòa án đã tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thiện nguyện, vì cộng đồng, chăm lo cho các đối tượng chính sách, như: thăm hỏi các gia đình chính sách và người có công nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023); thăm hỏi, tặng quà 101 cặp mẹ - con tiêu biểu của Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tại Trại hè “Hoa hướng dương” năm 2023, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữa Việt Nam phát động hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như những nguyên nhân khác; tham gia Đoàn công tác số 16 thăm và tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I, dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma...

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945-13/9/2025), trong năm 2023, Tòa án nhân dân tối cao đã phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về Tòa án nhân dân. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, giúp có thêm những tác phẩm “đi cùng năm tháng”, có sức sống dài lâu, trở thành niềm tự hào của đội ngũ Thẩm phán, Tòa án nhân dân các cấp, ca ngợi truyền thống lịch sử xây dựng và phát triển của hệ thống Tòa án; khắc họa hình ảnh và nét đẹp, ca ngợi sự hy sinh thầm lặng, những khó khăn, vất vả, hiểm nguy nhưng hết sức vinh quang của người Thẩm phán, cán bộ Tòa án “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu công tác, trong thời gian tới các Tòa án cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội. Thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng. Chú trọng tập trung làm tốt công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, đôn đốc các Tòa án xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Chủ động xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp. Tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để góp phần giảm áp lực công việc của các Tòa án. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Thứ hai, rà soát lại biên chế và khối lượng công việc của Tòa án nhân dân các cấp từ đó phân bổ, cơ cấu lại theo vị trí việc làm bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ phù hợp với đặc thù của Tòa án nhân dân như: xây dựng danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong Tòa án nhân dân; sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, người lao động trong Tòa án nhân dân; Quy chế quản lý hồ sơ cán bộ trong Tòa án nhân dân, Quy chế nghỉ phép, chế độ phụ cấp nghề trong Tòa án nhân dân.

Thứ ba, tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và các Dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo bảo đảm tiến độ, chất lượng; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ. Thường xuyên rà soát để sửa đổi, bổ sung ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Bộ luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội bảo đảm các quy định mới được thi hành kịp thời, thống nhất. Đổi mới quy trình lựa chọn và công bố án lệ theo hướng rút ngắn về thời gian và thủ tục, nâng cao chất lượng của án lệ.

Thứ tư, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với yêu cầu quy hoạch, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý. Đa dạng các hình thức tập huấn, bồi dưỡng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giải đáp vướng mắc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến; chú trọng đào tạo thông qua việc rút kinh nghiệm công tác xét xử; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và các kiến thức xã hội, công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Thực hiện nghiêm túc Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán; làm tốt công tác giám sát Thẩm phán, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu công tác kê khai tài sản trong Tòa án nhân dân. Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các Tòa án. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Thứ sáu, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng và bảo đảm kinh phí cho việc triển khai thực hiện các đề án, chương trình trọng điểm của Tòa án nhân dân. Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở của các Tòa án, trang bị phòng xét xử trực tuyến đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Thứ bảy, chủ động, tích cực hợp tác chặt chẽ với Tòa án các nước, các đối tác nhằm mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực. Thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tranh thủ nguồn tài trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Tích cực tham gia vào các thiết chế tư pháp quốc tế; thực hiện tốt các điều ước quốc tế, các hoạt động tương trợ tư pháp.

Thứ tám, tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, bảo đảm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp” để thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa.

Thứ chín, khai thác và sử dụng có hiệu quả các phần mềm nội bộ dùng chung trong hệ thống Tòa án; vận hành hiệu quả phần mềm Trợ lý ảo; hệ thống giám sát điều hành Tòa án nhân dân. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin. 

Thứ mười, tích cực triển khai phong trào thi đua “Vì Công lý”, việc triển khai các phong trào phải bảo đảm thực chất, sáng tạo. Chủ động nghiên cứu, sửa đổi các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án nhân dân. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước; tổ chức tổng kết phong trào thi đua và thực hiện bình xét, đề nghị khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm và làm việc tại Toà án nhân dân tối cao - Ảnh: TTXVN

 

[1] Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Hợp tác xã; Luật Chuyển đổi giới tính; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Đấu giá tài sản; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Tương trợ Tư pháp về dân sự; Luật Trọng tài Thương mại; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

[2] Công văn số 206/TANDTC-PC ngày 27/12/2022 và Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023.

[3] Đã tổ chức 08 Hội nghị tập huấn trực tuyến với các chuyên đề về: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Kỹ năng xét xử trực tuyến; Nâng cao kỹ năng viết bản án; Đề án Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Cơ sở chính trị quan trọng cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất; Giới thiệu về phần mềm ChatGPT và các tính năng mới của phần mềm Trợ lý ảo Tòa án; Kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên; phối hợp với UNODC tổ chức Tọa đàm “Tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của pháp luật về xét xử các tội phạm xâm hại phụ nữ, người dưới 18 tuổi; Phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm toàn quốc…

[4] Tổ chức đào tạo nghiệp vụ xét xử đối với 375 học viên; tổ chức các lớp nghiệp vụ Thẩm tra viên chính, Thư ký viên chính, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án đối với trên 700 học viên. Tổ chức lớp tập huấn đối với 29 cán bộ Tòa án nhân dân Lào; tổ chức các lớp bồi dưỡng cho 2.089 Hội thẩm nhân dân tại một số địa phương; lớp bồi dưỡng chuyên đề về án ma túy đối với 854 học viên; lớp bồi dưỡng chuyên đề về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền đối với 694 học viên; lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Tòa án đối với 235 sinh viên khóa 3; phối hợp, tổ chức lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp vụ và tương đương đối với 112 học viên; lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán cho 1.592 học viên…

[5] Cử 190 công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước; cử 67 công chức, 24 đoàn công tác tham dự tập huấn, hội thảo, hội nghị khác...

[6] Thanh tra, kiểm tra công vụ, công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp dân của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; Tòa án nhân dân tỉnh và một số đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh Lai Châu, Cà Mau, Tuyên Quang, Tây Ninh, Hòa Bình, Kon Tum và Bình Định, Cao Bằng.

[7] Phần mềm quản lý việc thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Phần mềm quản lý nghiệp vụ thụ lý, giải quyết các loại vụ, việc của Tòa án nhân dân; Phần mềm thống kê – số liệu các loại án; Phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành; Phần mềm quản lý cán bộ công chức và thi đua, khen thưởng; Hệ thống phần mềm quản lý số hóa hồ sơ vụ án; Hệ thống phần mềm quản lý tài sản nhà nước; Phần mềm thư điện tử.

[8] Dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; Dịch vụ công gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Toà án bằng phương tiện điện tử giúp người dân dễ dàng giải quyết công việc tại Tòa án mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến trực tiếp trụ sở của Tòa án.

[9] Đoàn Bộ trưởng Bộ quản lý Tòa án quốc gia, Tòa án tối cao Hàn Quốc; Đoàn cán bộ Trung tâm Tư pháp liên bang Hoa Kỳ; Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam; Đoàn Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Nga; Đoàn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao CHDCND Lào; Đoàn luật sư Seoul,  Hàn Quốc; Đoàn Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Hungary; Đoàn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hungary; Đoàn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Cộng hòa Cuba...

GS. TS. NGUYỄN HÒA BÌNH (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)