Dấu ấn nông thôn mới Duy Sơn

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính quyền và người dân trên địa bàn xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã tham gia tích cực. Nhờ đó, diện mạo vùng nông thôn Duy Sơn thay đổi từng ngày, cuộc sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện và được thụ hưởng những giá trị thiết thực, từ đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thời gian qua, UBND xã Duy Sơn luôn duy trì giữ chuẩn, nâng chuẩn các tiêu chí xã nông thôn mới, hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN xã đã tổ chức trọng thể Lễ công bố xã NTM nâng cao vào ngày 02/8/2024 với kinh phí gần 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí của xã và huy động các cơ quan, doanh nghiệp.

Tuyến đường hoa thôn Trà Kiệu Tây đã “thay áo mới”

Bên cạnh đó, xã đã triển khai thực hiện Phương án duy trì, nâng chuẩn các tiêu chí “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” 03 thôn Trà Kiệu Tây, Kiệu Châu, Chiêm Sơn được UBND huyện phê duyệt; Duy trì, giữ chuẩn, nâng chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Phú Nham, Phú Nham Tây theo Bộ tiêu chí Thôn NTM kiểu mẫu và tiếp tục xây dựng hoàn thành Thôn NTM kiểu mẫu đối với thôn Trà Châu, Phú Nham Đông, Chánh Lộc.

Ngoài ra, xã đã duy trì chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sản xuất lúa giống của HTX Duy Sơn và triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn xã Duy Sơn.

Xác định thu nhập đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, UBND, Mặt trận, Đoàn thể xã Duy Sơn vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học tập mô hình kinh tế hiệu quả, tư vấn và giải quyết việc làm cho 150 - 200 lao động mỗi năm.

Đặc biệt, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá. Trung bình mỗi vụ, người dân thu về khoảng 70 - 100 triệu đồng/ha, chủ yếu là từ bán hạt sen tươi.

Đồng thời, người dân Duy Sơn tạo dựng sản phẩm đặc trưng như sen sấy khô, trà lá sen, trà tim sen… Nhờ vậy, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 64,5 triệu đồng, tăng 22 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 1,26%, giảm 1,54% so với cách đây 4 năm.

Theo lãnh đạo UBND xã Duy Sơn, song hành cùng phát triển kinh tế, 5 năm qua đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn.

Theo đó, người dân địa phương đã tự nguyện đóng góp 15 tỷ đồng, hiến 50.000m2 đất vườn và đất sản xuất, tháo dỡ hàng trăm công trình, vật kiến trúc trên đất để tiến hành đổ bê tông 15km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa 12km kênh mương cùng với các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Người dân tự nguyện hiến đất, di dời kiến trúc trên đất để thuận tiện cho việc thi công đổ bê tông 15km

UBND xã Duy Sơn cho biết, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tạo sức lan tỏa sâu rộng. Qua kết quả bình xét, năm 2024 xã Duy Sơn có gần 95% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, hơn 75% số thôn được công nhận thôn văn hóa. Tất cả khu dân cư đều có nhà văn hóa khang trang, được lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao...

Ngoài ra, xã Duy Sơn tích cực vận động các tổ chức tôn giáo, tộc họ, làng xóm và nhân dân phát huy hiệu quả mô hình “Hạn chế đốt vàng mã và không rãi vật phẩm trong các nghi thức thờ cúng”, “Không rải vàng mã trên đường đưa tang”... Đồng thời, tổ chức nhiều đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường, xây dựng và chăm sóc tuyến đường hoa thay cỏ dại gắn với chỉnh trang nhà vườn sạch đẹp...

Diện mạo và cơ sỏ hạ tầng làng quê đã được thay đổi ngày càng khang trang

Từ những đổi thay của thôn trên địa bàn xã Duy Sơn, có thể thấy thành quả nhân văn nhất của quá trình xây dựng nông thôn mới là an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân được cải thiện, tính gắn kết cộng đồng ở khu vực nông thôn ngày càng bền chặt, từ đó khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho xã Duy Sơn phát triển nhanh và bền vững hơn.

LƯƠNG NGHIỆP