Đề xuất hoàn thiện quy định của Điều 117 BLHS năm 2015

Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, đe doạ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, chế độ và Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Vì vậy, việc hoàn thiện quy định của BLHS về điều luật này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

Từ khoá: Hoàn thiện quy định; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong phạm vi bài viết này tác giả tập trung làm rõ những dấu hiệu pháp lý của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (Điều 117 BLHS hiện hành) qua đó chỉ ra các vấn đề bất cập, mâu thuẫn dưới góc độ lý luận cần phải hoàn thiện, bổ sung góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong gian đoạn hiện nay.

Theo thống kê của Toà án nhân dân tối cao từ năm 2010 đến năm 2019 tội phạm làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là loại tội phạm chiếm tỉ lệ cao nhất trong chương các tội xâm phạm ANQG với khoảng (36,8%) trong tổng số các vụ án xâm phạm ANQG [1]. Với tinh chất phức tạp, nguy hiểm và thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh xử lý của cơ quan chức năng. Vì vậy, việc không ngừng nghiên cứu và hoàn thiện các dấu hiệu pháp lý của điều luật này là vấn đề hết sức quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm bảo vệ vững chắc ANQG và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Đối chiếu với quy định của BLHS hiện hành với Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam có thể rút ra một số điểm mới sau đây:

– Thứ nhất là sửa đổi tên điều luật:

Từ “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” quy định tại Điều 88 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được sửa đổi thành “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” quy định tại Điều 117 BLHS hiện hành. Như vậy, ở BLHS năm 2015 các nhà làm luật đã sửa đổi tên gọi của điều luật bằng việc mô tả một cách cụ thể hành vi khách quan của tội phạm ngay trong tên gọi của điều luật. Sự thay đổi này bảo đảm tính khoa học và chặt chẽ của điều luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật hình sự một cách thống nhất trong xử lý tội phạm, tránh bỏ sót hành vi phạm tội hoặc người thực hiện tội phạm.

– Thứ hai là mở rộng hành vi khách quan của cấu thành tội phạm:

Theo quy định tại Điều 88 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) hành vi khách quan của tội phạm này chỉ bao gồm các hành vi: tuyên truyền, làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thì ở BLHS năm 2015 các nhà làm luật đã mô tả một cách cụ thể các dạng hành vi khách quan của loại tội phạm này trong điểm a, b, c khoản 1 Điều 117 với ba nhóm hành vi đều là: làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm với các nội dung khác nhau. Cụ thể là: nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; nội dung bịa đặt, gây hoang trong quần chúng nhân dân; nội dung gây chiến tranh tâm lí [2]. Như vậy, so với BLHS năm 1999 thì ở BLHS hiện hành các nhà làm luật đã mô tả một cách đẩy đủ và rõ ràng các dạng hành vi khách quan của loại tội phạm này, phù hợp với thực tế diễn biến của tội phạm và bảo đảm tính minh bạch, khách quan của điều luật trong áp dụng pháp luật hình sự trong đấu tranh, xử lý tội phạm.

– Thứ ba là bổ sung quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội:

Khoản 3 Điều 117 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Quy định trách nhiệm hình sự đối với người chuẩn bị phạm tội là một trong những điểm mới đáng chú ý trong chương các tội xâm phạm ANQG nói chung và tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam nói riêng. Sự bổ sung này thể hiện rõ đường lối xử lý, phân hoá trách nhiệm hình sự một cách rõ ràng giữa trường hợp chuẩn bị phạm tội với tội phạm hoàn thành đối với người thực hiện hành vi phạm tội [3]. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu lí luận và cán bộ thực tiễn áp dụng pháp luật quan tâm, tranh luận và cần phải tiến hành làm rõ để phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật Hình sự.

Đối chiếu với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam so với BLHS trước đây cho thấy một bước tiến mạnh mẽ trong tư duy kỹ thuật lập pháp hình sự, phát huy tối đa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh, trấn áp tội phạm. Đồng thời, thể hiện tính bao quát, thống nhất và phù hợp hơn với thực tiễn phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật, thì những quy định pháp lý về tội phạm này vẫn còn những vấn đề bất cập, cần được trao đổi và hoàn thiện, cụ thể là:

– Về xác định khách thể trực tiếp của tội phạm:

Nghiên cứu quá trình thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng phạm tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam như: Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Chí Vững … cho thấy ngoài việc thực hiện các hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây chiến tranh tâm lý nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thì các đối tượng này còn thực hiện các hành vi trên nhằm chống Đảng Cộng sản Việt Nam. Để thực hiện được ý đồ trên các đối tượng đã tiến hành tuyên truyền, phát tán các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, “bóp méo”, “pha loãng” thông tin hướng lái quần chúng xem xét lại lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước với mong muốn tác động xấu đến tư tưởng làm giảm sút ý chí, niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Chính vì vậy, việc cấu thành tội phạm này không mô tả Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp được bảo vệ của điều luật này đã tạo nên khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm trong thực tiễn.

Vì vậy, BLHS hiện hành cần quy định Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là một điều hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được quy định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 2013. Đồng thời đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của điều luật nhằm không bỏ lọt tội phạm, không tạo sơ hở cho các thế lực thù địch và bọn phản động ở nước ngoài có cơ hội lợi dụng thực hiện các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước góp phần bảo vệ ANQG và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

– Về hành vi khách quan của tội phạm:

Mặc dù BLHS năm 2015 đã quy định một cách đầy đủ, thống nhất hành vi khách quan của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 117 là: hành vi làm, hành vi tàng trữ, hành vi phát tán hoặc hành vi tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm với các nội dung: xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân; gây chiến tranh tâm lí. Tuy nhiên, việc tách biệt quá rõ ràng điểm b và điểm c khoản 1 của điều luật về nội dung thông tin, tài liệu, vật phẩm là có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân và nội dung gây chiến tranh tâm lí là rất khó phân biệt trên thực tế và trong nhiều trường hợp có sự đan xen, kế tiếp nhau.

Bởi lẽ gây chiến tranh tâm lí là tổng thể những hoạt động tác động vào tâm lí và tinh thần nhằm gây hoài nghi, dao động, làm giảm sút ý chí và lòng tin, sự thống nhất về tư tưởng [4]. Và gây hoang mang trong quần chúng nhân dân là tạo nên các tâm lý hoài nghi, lo lắng và bất an trong quần chúng nhân dân [5]. Tuy nhiên, trên thực tế các thế lực thù địch và các đối tượng phạm tội thường kết hợp thực hiện các hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền các thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung gây chiến tranh tâm lí và gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Như trong vụ án Trần Thị Nga bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam xét xử về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 2017, đối tượng này đã lưu hành, tàng trữ và phát tán các video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền các luận điệu chiến tranh tâm lý, truyền bá các tư tưởng phản động, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn với chế độ và Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam [6]. Như vậy, rõ ràng trong thực tế các thông tin, tài liệu, vật phẩm được các đối tượng làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước thường chứa đựng và đan xen các nội dung vừa gây chiến tranh tâm lý vừa gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, việc mô tả một cách tách biệt hai nội dung thông tin, tài liệu, vật phẩm trên sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật hình sự trong việc xác định căn cứ khởi tố của điều luật này.

Chính vì vậy, để đảm bảo tính chặt chẽ trong mô tả cấu thành tội phạm cũng như áp dụng pháp luật một cách thống nhất trong thực tiễn, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam các nhà làm luật nên hợp nhất hai hành vi được mô tả tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 117 thành một điều khoản là hành vi: làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền các thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây chiến tranh tâm lý.

– Về quy định cấu thành tội phạm tăng nặng của tội phạm:

Tại khoản 2 Điều 117 BLHS hiện hành quy định “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”. Về mặt lý luận, khoản 2 của điều luật này được xác định là cấu thành tội phạm tăng nặng với các hành vi phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế lại chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết về việc áp dụng xử lý tội phạm “trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” đối với tội phạm này. Tuy nhiên, trong một số tội phạm xâm phạm ANQG các nhà làm luật đã có những kĩ thuật lập pháp để mô tả một cách cụ thể các cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ của tội phạm. Chẳng hạn trong một số tội như: Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108), Tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116)… các nhà làm luật không quy định là “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” mà quy định là “phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ” hoặc “phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng”. Như vậy, tình tiết giảm nhẹ hay tình tiết tăng nặng ở đây có thể dẫn chiếu theo quy định của BLHS hiện hành tại Điều 51 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tội phạm và Điều 52 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội phạm và rõ ràng đây là căn cứ quan trọng để áp dụng giải quyết trong các trường hợp cụ thể. Hoặc trong một số tội phạm khác như: Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 108), Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111), Tội bạo loạn (Điều 112) thì khung hình phạt tăng nặng của các điều luật được xác định dựa vào các dấu hiệu như: người tổ chức, người hoạt động đắc lực, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy, trong thời gian tới các nhà làm luật nên quy định một cách rõ ràng, chi tiết về cấu thành tội phạm tăng nặng của điều luật này theo hướng là dẫn chiếu quy định của Điều 52 BLHS về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội phạm hoặc quy định cụ thể về các trường hợp áp dụng khung hình phạt tăng nặng hoặc có văn bản hướng thi hành cụ thể để xác định thế nào là “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”. Việc quy định rõ ràng dấu hiệu pháp lý trong khung hình phạt tăng nặng sẽ góp phần hoàn thiện quy định pháp lý của điều luật, bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất giữa các cơ quan hành pháp như cơ quan an ninh điều tra, viện kiểm sát và toà án nhân dân. Đồng thời, thể hiện rõ nguyên tắc xử lý và phân hoá trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong đấu tranh, xử lý tội phạm của pháp luật hình sự Việt Nam.

– Về giai đoạn chuẩn bị phạm tội:

Tại khoản 3 điều 117 quy định “người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Theo các dấu hiệu pháp lý quy định tại Điều 14 BLHS năm 2015 về chuẩn bị phạm tội thì giai đoạn chuẩn bị phạm tội là quá trình tìm kiếm, sửa soạn, công cụ phương tiện hoặc tạo ra các điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm. Giai đoạn chuẩn bị phạm tội bao gồm ba nhóm hành vi: hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội phạm; hành vi tạo ra các điều kiện khác (điều kiện vật chất và tinh thần) cho việc thực hiện tội phạm; hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm cấu trúc mặt khách quan của cấu thành tội phạm các tội xâm phạm ANQG trong đó có tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thì các điều luật này được xây dựng là cấu thành tội phạm hình thức. Vì vậy, thời điểm tội phạm hoàn thành được xác định từ khi người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Như vậy, rõ ràng giữa lý luận và thực tiễn áp dụng đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội trong điều luật này có mâu thuẫn và vấn đề đặt ra là việc áp dụng áp luật đối với các cơ quan hành pháp được xác định như thế nào nếu không muốn nói là không khả thi. Vì vậy, các nhà làm luật cần xem xét có nên quy định giai đoạn chuẩn bị phạm tội đối với một số tội xâm phạm An ninh quốc gia và tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam hay không. Và nếu có quy định thì các cơ quan áp dụng pháp luật nên có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng xử lí giai đoạn chuẩn bị phạm tội đối với người phạm tội trong trường hợp này.

Từ những nội dung được phân tích ở trên, để góp phần hoàn thiện pháp luật hình sự nói chung và quy định nội dung pháp lý của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam nói riêng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý tội phạm trong giai đoạn hiện nay, tác giả đề xuất nên sửa đổi, bổ sung một số nội dung cấu thành tội phạm này như sau:

Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Đảng cộng sản Việt nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân hoặc gây chiến tranh tâm lý;

2. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Vụ thống kê tổng hợp – Toà án nhân dân tối cao, thống kê xét xử hình sự sơ thẩm (từ năm 2010 đến 2019)

[2]. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (quyển 1), Nhà xuất bản Tư pháp Hà Nội, 2018.

[3]. Lê Thị Sơn, Những điểm mới trong quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các giai đoạn thực hiện tội phạm, Tạp chí Luật học, số 3/2017.

[4]. Bộ Công an, Từ điển Bách Khoa Công an nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2005.

[5]. Học viện An ninh nhân dân, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (phần các tội phạm), 2018.

[6]. Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam (2017), cáo trạng xét xử bị cáo Trần Thị Nga phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Ảnh: Vietnamnet

TRẦN VĂN HẬU (Giảng viên khoa Luật - Học viện An ninh)