Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vấn đề chống tham nhũng

Trước khi đi xa, về với các bậc tiền bối cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) để lại bản Di chúc lịch sử, là những lời căn dặn cuối cùng về nhiều nội dung, trong đó một trong những nội dung quan trọng là xây dựng, củng cố Đảng, chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng.

Ngay phần mở đầu bản Di chúc ( ngày 10/9/1969) nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:

“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Như vậy, Bác đã xác định việc chỉnh đốn Đảng là nhu cầu sống còn. Đồng thời với việc dự báo những khó khăn nảy sinh khi cách mạng chuyển giai đoạn, Người cảnh báo bệnh “kiêu ngạo cộng sản” và khẳng định sự cần thiết phải tạo môi trường lành mạnh để mỗi đảng viên hoàn thiện nhân cách con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ hai nguyên tắc trong chỉnh đốn Đảng. Đó là “đoàn kết” và “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Trong 10 trang Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tám lần nhắc tới “đoàn kết” và nhấn mạnh rằng, phải coi giữ đoàn kết trong nội bộ Đảng quan trọng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Mỗi đảng viên đều biết, trong năm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam, tự phê bình và phê bình được xếp thứ hai sau tập trung dân chủ (ba nguyên tắc còn lại là: Đoàn kết, thống nhất; Gắn bó mật thiết với nhân dân; Hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật).

Năm 1969, trong bài viết cuối cùng về xây dựng Đảng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.

Trong Di chúc, sau khi nói về những nguyên tắc chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu yêu cầu cụ thể với mỗi cán bộ, đảng viên. Đó là … “phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạọ, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, bao gồm nhiều việc và phải được tiến hành trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền xây dựng đất nước, cán bộ, đảng viên rất dễ bị sa ngã trước sự quyến rũ của quyền lực và tiền bạc, rất dễ đánh mất mình, dễ bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, làm mất thanh danh của Đảng, bôi nhọ danh hiệu người đảng viên cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Trong những diễn biến phức tạp của cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, những lời căn dặn, cảnh báo nghiêm khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa thời sự sâu sắc. Đã không ít cán bộ, đảng viên xa dời tiêu chí cần kiệm, mà phô bày sự giàu sang, phú quý với “biệt phủ”, “xe sang”… khiến người dân phẫn nộ. Không ít người có chức, có quyền đã quên đi phẩm chất “liêm chính” chạy theo lợi ích nhóm, để lợi ích vật chất làm nghiêng ngả tiêu chí “chí công vô tư” lẽ ra buộc phải giữ vững. Không ít cán bộ, đảng viên, nhiều người từng là cán bộ cao cấp bị kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí ra tòa lĩnh án… là một thực tế hiện nay. Những cá nhân đó chính là những người như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận diện ngày 24/3/1961 : “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”.

Trong cuộc họp Bộ Chính trị tháng 3/2019 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sau khi ghi nhận những thành tích đã lưu ý: “ Một số cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị còn hình thức; một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn thiếu gương mẫu trong sinh hoạt và công tác, còn hiện tượng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống; công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội còn hạn chế, chưa phát huy tốt vai trò của nhân dân trong đấu tranh chống suy thoái “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa.”

Một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn lúng túng trong nhận diện và xử lý liên quan đến các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Có nơi, cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình chưa sâu, khắc phục khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm chưa kịp thời, chuyển biến chưa rõ rệt. Việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên một số nơi chưa sát thực tế, còn biểu hiện “bệnh thành tích”…

Chống tham nhũng phải gắn với xây dựng Đảng và lành mạnh hoá bộ máy nhà nước. Đọc lại Di chúc và các phát biểu, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa Đảng với cán bộ, đảng viên; đạo đức cách mạng với pháp luật nhà nước. Từ đó, có thể suy nghĩ và xem xét lại đầy đủ hơn cách chống tham nhũng đã và đang tiến hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” (Tư cách của Đảng chân chính cách mạng). Như vậy, cần xác định tham nhũng là một nguy cơ lớn, để có thái độ xử lý thực sự quyết liệt, triệt để. Phải dựa vào dân chủ trong Đảng, dân chủ trong xã hội, dựa vào dân và thực hành nhiều biện pháp kỹ thuật và hệ thống pháp luật như công khai hoá tài sản, quy chế trách nhiệm người đứng đầu, minh bạch trong các quy trình… để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa.

Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thước đo là lòng dân, không dung dưỡng tiêu cực hư hỏng, mà khuyến khích những người tốt, những việc tốt. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là không dừng không nghỉ, người ta đang lo sắp tới có tiếp tục duy trì đà này không, lò có nguội hay vẫn nóng đều?” .

KIM DUNG