Điểm mới về quyền yêu cầu bồi thường, thời hiệu, căn cứ và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Ngày 23/4 TANDTC tổ chức Hội nghị trực uyến tập huấn, giới thiệu những nội dung mới trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị. Tapchitoaan.vn xin lần lượt giới thiệu những nội dung mới, đáng quan tâm của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

1.QUYỀN YÊU CẦU BÔI THƯỜNG

Ngoài người bị thiệt hại, Luật TNBTCNN năm 2017 bổ sung các chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường sau đây:

(1) Những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường, bao gồm:
– Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết (khoản 2 Điều 5);

– Tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại (khoản 2 Điều 5);

– Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự (khoản 3 Điều 5);

(2) Những người có quyền yêu cầu bồi thường theo ủy quyền là cá nhân, pháp nhân được những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường (khoản 4 Điều 5).

2.THỜI HIỆU BỒI THƯỜNG

Luật TNBTCNN năm 2017 sửa đổi toàn diện quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường như sau:

(1) Tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường từ 2 năm lên 3 năm (khoản 1 Điều 6). Việc Luật tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường là để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 588 BLDS năm 2015 về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường.

(2) Bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (khoản 2 Điều 6).

Việc Luật bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính là để phù hợp với quy định về các cơ chế giải quyết bồi thường tại Điều 4 của Luật, trong đó có cơ chế giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

(3) Bổ sung quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường (khoản 3 Điều 6) và nghĩa vụ chứng minh của người yêu cầu bồi thường đối với khoảng thời gian không tính vào thời hiệu (khoản 4 Điều 6).

Quy định này được bổ sung là bởi Luật TNBTCNN 2009 không có quy định về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu. Điều này là chưa phù hợp với BLDS năm 2005. Chính vì vậy, ở một số Thông tư liên tịch hướng dẫn Luật TNBTCNN đã có hướng dẫn về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Tại lần sửa đổi này, Luật đã kế thừa các quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN 2009 về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường. Quy định này cũng  phù hợp với quy định của BLDS năm 2015.

TAND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi công khai xin lỗi đối với hai người bị oan vì đã bị điều tra, truy tố xét xử kết án oan trong vụ án “Chống người thi hành công vụ” từ năm 2000. Ảnh TT

 

3.CĂN CỨ XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG

Luật TNBTCNN năm 2017 quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như sau:

(1) Bổ sung quy định rõ căn cứ “mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại” (điểm c khoản 1 Điều 7). Việc Luật bổ sung quy định này là nhằm làm rõ hơn các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

(2) Sửa đổi toàn diện quy định về căn cứ “Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này” tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2009 và căn cứ “Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này” tại điểm a khoản 2 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2009 thành “Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này” (điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Luật TNBTCNN năm 2017).

Việc Luật sửa đổi toàn diện căn cứ này là nhằm quy định rõ các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật tương ứng với các cơ chế giải quyết bồi thường đã được quy định tại Điều 4 về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước.

4.BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC 

Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung một Điều mới quy định về vấn đề nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, trong đó, quy định những vấn đề có tính chất xuyên suốt trong nội dung của Luật. Cụ thể, nguyên tắc bồi thường của Nhà nước xác định rõ các vấn đề sau đây:

(1) Về khuôn khổ pháp lý điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (khoản 1 Điều 4). Luật TNBTCNN năm 2017 quy định rõ việc bồi thường của Nhà nước chỉ được thực hiện theo quy định của Luật TNBTCNN.

Quy định này nhằm quy định rõ khuôn khổ pháp lý điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, theo đó, TNBTCNN được điều chỉnh bằng một khuôn khổ pháp lý riêng là Luật TNBTCNN mà không theo bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào khác. Quy định này cũng là phù hợp với quy định tại Điều 598 BLDS năm 2015, theo đó, quy định dẫn chiếu áp dụng Luật TNBTCNN đối với việc giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.

(2) Về yêu cầu đối với việc giải quyết bồi thường (khoản 2 Điều 4).
Dưới góc độ coi quan hệ pháp luật về TNBTCNN là một quan hệ đặc thù về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do đó, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định những yêu cầu đối với việc giải quyết bồi thường là phải bảo đảm tính “kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật”, cũng như phải bảo đảm sự thương lượng trong quá trình giải quyết bồi thường.

(3) Về các cơ chế giải quyết bồi thường (khoản 3 và khoản 4 Điều 4).
Luật TNBTCNN năm 2017 đã xác định rõ các cơ chế giải quyết bồi thường, bao gồm:

– Sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự;

– Việc giải quyết yêu cầu bồi thường có thể được thực hiện kết hợp trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính;
– Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết yêu cầu bồi thường thông qua quyền yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện giải quyết yêu cầu bồi thường, và, khi đã lựa chọn một cơ quan thì không có quyền lựa chọn cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường;
– Riêng đối với yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự, thì yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực này sẽ được giải quyết theo một cơ chế riêng, theo đó, việc giải quyết bồi thường được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại trước khi có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự.

Việc quy định đặc thù về cơ chế giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là bởi, trong quá trình thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thì có ý kiến đề nghị không quy định việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án cũng như không quy định việc khởi kiện trực tiếp ra Tòa án sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường đối với các trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự để gắn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự với sai phạm và thiệt hại do người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền quản lý của mình gây ra. Ý kiến này đã được tiếp thu trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

(4) Về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại (khoản 5 Điều 4).

Luật TNBTCNN quy định trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại. Quy định này là phù hợp với quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại của BLDS năm 2015.

Theo Cục BTNN – BTP