Diện mạo Thủ đô Hà Nội sau 70 năm giải phóng: Hành trình phát triển, tầm nhìn tương lai
Hà Nội, sau 70 năm Ngày giải phóng (10-10-1954 - 10-10-2024) đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới, vừa bảo tồn những giá trị truyền thống, vừa mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên hiện đại hóa và phát triển
Đường phố Hà Nội trong những ngày chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Nhìn lại chặng đường dài, từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh, Hà Nội ngày nay đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị hàng đầu của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Một diện mạo hoàn toàn mới: Hiện đại, xanh, sạch, đẹp
Sau ngày giải phóng năm 1954, Hà Nội là một thành phố chịu nhiều thiệt hại từ chiến tranh và các cuộc không kích của địch. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, các công trình bị hư hại nghiêm trọng. Đa số người dân sống trong các ngôi nhà cấp bốn hay các khu nhà tập thể nhỏ hẹp, thiếu điện và nước sạch.
Giao thông thời đó chủ yếu là xe đạp, xe lam và rất ít phương tiện công cộng. Những con đường như Nguyễn Thái Học, Tràng Thi… còn rất nhỏ hẹp, nhiều nơi chỉ là đường đất hoặc lát gạch. Cầu Long Biên là cây cầu duy nhất bắc qua sông Hồng kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, lúc này cũng bị hư hại nghiêm trọng do đã phải hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù. Việc đi lại chủ yếu dựa vào xe đạp, xe lam và các chuyến tàu chở hàng chạy chậm do cơ sở hạ tầng đường sắt chưa phát triển.
Hệ thống chợ truyền thống như chợ Đồng Xuân, Long Biên là trung tâm giao thương chính. Tuy nhiên, các chợ này khi đó vẫn còn rất sơ sài, đơn giản, không khang trang như ngày nay. Người dân chủ yếu buôn bán nông sản và hàng hóa nhỏ lẻ, dịch vụ thương mại hầu như không phát triển.
Sau 70 năm, Thủ đô Hà Nội không chỉ phát triển về quy mô mà còn lột xác về hạ tầng đô thị. Hà Nội đã trở thành một đô thị hiện đại với dân số tính đến đầu năm 2024 là 8,5 triệu người (theo Tổng Cục thống kê). Nhiều khu đô thị mới, khu kinh tế mở đã ra đời, như khu đô thị Ciputra, Times City, Royal City, Vinhomes Riverside… hay khu vực phía Tây Hà Nội (Từ Liêm, Cầu Giấy). Những tòa nhà chọc trời như Keangnam, Lotte Center đã thay thế những ngôi nhà nhỏ bé xưa kia, tạo nên diện mạo hoàn toàn mới cho Thủ đô. Bên cạnh khu vực trung tâm như Hồ Gươm, Ba Đình vẫn giữ được nét cổ kính, là các quận mới như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đông Anh đang phát triển thành những đô thị hiện đại, đồng bộ.
Giao thông hiện đại đã làm thay đổi bộ mặt thành phố. Các công trình, như: cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, Đường Vành đai 2, Đường Vành đai 3 và các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, Sân bay quốc tế Nội Bài mở rộng đã được hoàn thành và đưa vào khai thác. Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện, giao thương thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội cũng tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; 510/579 số xã, phường thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, THPT; 27/27 các khu, cụm công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị; 23/24 làng nghề; 23/25 khu di tích lịch sử, văn hóa, khu du lịch; kết nối với nhiều tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).
Hà Nội ngày càng phát triển, các tòa cao ốc, nhà cao tầng mọc lên san sát. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin Tức |
Về nhà ở, trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch, đề án về việc phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, gần đây có: Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội năm 2023, Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn… Bên cạnh nhà ở, các bệnh viện, trường học cũng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, giúp nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân.
Cấp nước và chiếu sáng đô thị tại Thủ đô đã có những bước tiến quan trọng. Tính đến năm 2023, mạng lưới cấp nước của thành phố đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% dân cư khu vực đô thị và khoảng 90% dân cư nông thôn. Thành phố phấn đấu nâng tỷ lệ cấp nước cho người dân nông thôn lên 100% vào năm 2025. Với mục tiêu hướng đến là thành phố thông minh, Hà Nội đã quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư cho chiếu sáng công cộng, từng bước đầu tư, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hiện đại. Hiện nay, Hà Nội là đô thị có quy mô hệ thống chiếu sáng công cộng lớn thứ hai cả nước, với tuyến đường chiếu sáng dài hơn 5.300 km trên địa bàn 30 quận, huyện.
Cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ Thủ đô cũng phát triển mạnh mẽ. Các trung tâm thương mại hiện đại như Vincom, Aeon Mall, Lotte, cùng với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở khắp các quận/huyện đã dần bổ sung và thay thế cho những khu chợ truyền thống. Hà Nội hiện có khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, hàng trăm máy bán hàng tự động. Ngoài ra, có hàng chục nghìn hộ bán lẻ với hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 776,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%.
Hạ tầng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh. Hà Nội là một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Thành phố đã đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phát triển các khu công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo. Với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, các trường đại học danh tiếng và những nhân tài trẻ đầy sáng tạo, Hà Nội là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, Hà Nội đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận tiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích
Trong bối cảnh tác động ngày càng lớn của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa là vấn đề được các nhà quản lý, chính quyền các cấp và người dân quan tâm.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản, thành phố đã triển khai nhiều chính sách và chương trình cụ thể. Theo đó, thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tu bổ các di tích lớn như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…; tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm và khuyến khích xã hội hóa để bảo vệ di sản, di tích; hợp tác với UNESCO và các tổ chức quốc tế trong bảo tồn và quảng bá di tích; tích hợp quy hoạch đô thị với bảo tồn di sản, đặc biệt ở khu phố cổ...
Nhờ đó, dù đã phát triển theo hướng hiện đại, diện mạo Thủ đô đã có sự thay đổi lớn, Hà Nội vẫn giữ được những nét đặc trưng văn hóa sâu sắc, thông qua hệ thống phố cổ, làng nghề truyền thống và các di sản văn hóa vật thể.
Khu phố cổ Hà Nội, vốn là trái tim của đời sống văn hóa và thương mại Thủ đô vẫn duy trì được những giá trị cổ xưa. Những con phố như Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Gai vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ, với những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm. Tuy vậy, Hà Nội đã nâng cấp hệ thống điện, nước và cơ sở hạ tầng giao thông để phù hợp với nhu cầu phát triển, đồng thời để đẩy mạnh phát triển du lịch. Mỗi năm, khu phố cổ thu hút hàng chục triệu lượt du khách, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của thành phố.
Các di sản văn hóa lớn như Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Trước đây, các di tích này từng đứng trước nguy cơ xuống cấp, nhưng hiện tại đang được bảo tồn và trở thành điểm đến du lịch thu hút đông đảo khách du lịch. Tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024, Hoàng thành Thăng Long đã đón trên 3,3 vạn du khách, trong khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút trên 2 triệu lượt khách năm 2023. Hà Nội cũng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, giáo dục ngay tại các di tích này nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản cho thế hệ tương lai.
Các làng nghề truyền thống như như làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc từ những làng nghề nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu địa phương, nay đã trở thành những điểm du lịch. Mỗi năm, các làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Các làng nghề này không chỉ phát triển về mặt kỹ thuật sản xuất, mà còn duy trì được giá trị truyền thống, tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt cho du khách trong nước và quốc tế.
Sau 70 năm giải phóng, Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một đô thị hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Với tầm nhìn chiến lược và những mục tiêu đầy tham vọng, Thủ đô đang hướng tới tương lai với vai trò là trung tâm sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững, không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực và thế giới.
Nguồn: TTXVN
Bài liên quan
-
Sắp xếp đơn vị hành chính thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025
-
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền tình hình biển, đảo tới Cựu chiến binh Hải Quân khu vực Hà Nội
-
Hà Nội xem xét đề án giao thông thông minh khoảng 392 tỷ cho giai đoạn 1
-
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận