Điều kiện để chủ nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành và một số vướng mắc

(TCTA) - Việc xác định điều kiện để chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được quy định tại Luật Phá sản và các văn bản hướng dân thi hành. Tuy nhiên hiện nay việc áp dụng pháp luật và xác định có mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hay không còn nhiều vướng mắc, chưa thống nhất.

1. Quy định của pháp luật hiện hành

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau: “Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

Tại mục 1 Công văn số 199/TANDTC-PC ngày 18/12/2020 của Toà án nhân dân tối cao về việc thông báo thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản đã giải thích “tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán” quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản thì Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Căn cứ vào quy định trên thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

Có khoản nợ cụ thể, rõ ràng do các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại, hoặc được xác định trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các bên không có tranh chấp về khoản nợ này.

Khoản nợ đến hạn thanh toán.

Khoản nợ đến hạn thanh toán là khoản nợ đã được xác định rõ thời hạn thanh toán, mà đến thời hạn đó doanh nghiệp, hợp tác xã phải có nghĩa vụ trả nợ. Thời hạn thanh toán này được các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại hoặc trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán bao gồm 02 trường hợp:

+  Doanh nghiệp, hợp tác xã không có tài sản để thanh toán các khoản nợ;

+  Doanh nghiệp, hợp tác xã có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

Theo đó, “mất khả năng thanh toán” không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản để trả nợ; mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ thì vẫn coi là doanh nghiệp, hợp tác xã "mất khả năng thanh toán".

Cần lưu ý: Pháp luật hiện hành không quy định một mức khoản nợ cụ thể nào để xác định là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà chỉ cần có đủ các điều kiện nêu trên.

Tại khoản 2 Điều 42 Luật Phá sản quy định: “Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán”.

2. Thực trạng áp dụng pháp luật

Tình huống pháp lý như sau:

Theo quyết định tại Bản án số 03/2023/KDTM-PT ngày 08/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh G (có hiệu lực ngày 08/02/2023) có nội dung như sau: “Buộc Công ty Cổ phần tập đoàn D phải thanh toán cho Công ty Cổ phần L tổng số tiền là: 17.127.349.692đ (Mười bảy tỷ, một trăm hai bảy triệu, ba trăm bốn mươi chín nghìn, sáu trăm chín mươi hai đồng)); trong đó: Tiền nợ gốc: 14.764.848.038đ, Tiền lãi chậm thanh toán: 2.362.501.654đ.”

Đã đến hạn thanh toán nhưng Công ty Cổ phần tập đoàn D vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán toàn bộ khoản nợ nêu trên cho Công ty Cổ phần L, mà thực hiện thanh toán từng lần, không theo yêu cầu thanh toán của Công ty Cổ phần L và quyết định bản án đang có hiệu lực pháp luật.

Công ty Cổ phần L gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần tập đoàn D đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Trên cở sở vận dụng giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao và quy định của Luật Phá sản thì hiện nay có hai quan điểm giải quyết như sau:

Quan điểm 1: Xét quá trình hoạt động của công ty thông qua các báo cáo tài chính công ty nộp, công ty vẫn hoạt động có lợi nhuận và vẫn tiến hành trả nợ theo một lộ trình do bản thân công ty đưa ra, tuy không trả một lần toàn bộ số tiền theo Quyết định của bản án đang có hiệu lực pháp luật nhưng không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật phá sản, bởi Công ty cổ phần tập đoàn D tuy có các khoản nợ cụ thể đến hạn thanh toán nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong vòng 03 tháng. Tòa án đã ban hành Quyết định không mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần tập đoàn D.

Quan điểm 2 và cũng là quan điểm của tác giả: Công ty Cổ phần L đã không đồng ý cho Công ty cổ phần tập đoàn D thanh toán khoản nợ thành nhiều lần, để tránh trường hợp chiếm dụng vốn kinh doanh nên mặc dù Công ty cổ phần tập đoàn D có thanh toán thành nhiều lần nhưng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phải thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và để Bản án được thực thi theo quy định, thì Tòa án có thẩm quyền vẫn phải ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần tập đoàn D.

3. Kiến nghị đề xuất

Để áp dụng thống nhất pháp luật thì Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng khoản 1 Điều 4, khoản 2 Điều 42 Luật phá sản.

Kiến nghị sửa khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản theo hướng “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi từ phía bạn đọc.

NGUYỄN THỊ KIM LIÊN (Thư ký Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai)

Luật Phá sản (ảnh Khải Hoàn).