Định tội danh đối với hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc để thực hiện tội phạm

Chất độc nói chung, chất độc Xyanua nói riêng là chất độc rất nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của con người, sinh vật, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh, là chất có khả năng hủy hoại môi trường sống.  Vì vậy, Nhà nước quản lý chất độc rất chặt chẽ và chỉ những cơ quan, tổ chức nào được phép mới được quyền sản xuất, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển hoặc mua bán chất độc. Luật Quản lý chất độc năm 2007 là Luật chuyên ngành quy định về hoạt động hóa chất, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất.  Nghị định 113/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất.

Xyanua có thể là một loại khí không màu, chẳng hạn như hydro Cyanide (HCN) hoặc Cyanua clorua (CNCl), hoặc một dạng tinh thể như natri xyanua (NaCN) hoặc Kali Cyanua (KCN). Trong sản xuất, Cyanua được sử dụng để sản xuất giấy, dệt may và nhựa, chế tác vàng … Khí xyanua còn được sử dụng để tiêu diệt sâu bệnh và sâu bọ… vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc mua Cyanua không quá khó khăn, do đó có đối tượng mua được chất độc nói chung, chất Cyanua làm công cụ để thực hiện hành vi phạm tội như trộm chó, giết người

1.Cơ sở pháp lý định tội danh đối với hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất độc để thực hiện tội phạm

Hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc nói chung, chất độc Xyanua nói riêng trái phép là có dấu hiệu của các tội được quy định tại Điều 311 BLHS năm 2015 – Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc; Điều 312 BLHS năm 2015 – Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc.

Hành vi chuẩn bị chất độc nói chung, hoặc chất độc Xyanua nói riêng để thực hiện “giết người” nếu được phát hiện và ngăn chặn kịp thời thì đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về việc trường hợp chuẩn bị phạm tội theo quy định tại Điều 14 BLHS.

Căn cứ vào hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất độc Xyanua có thể có dấu hiệu của các tội phạm được quy định tại Điều 311 và Điều 312 BLHS 2015.

Khoản 1 Điều 311- Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc” quy định: Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, cấu thành tội phạm tại Điều 311, BLHS năm 2015 bao gồm các hành vi: Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc. Hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

– Khoản 1, Điều 312 – “Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc” quy định: 1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc xử lý chất cháy, chất độc gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Theo đó, chủ thể của tội phạm tại Điều 312 là các chủ thể có chức năng trong việc quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc xử lý chất độc.  Hậu quả là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

So với quy định của BLHS năm 1999; BLHS năm 2015 về các tội phạm tại Điều 311, Điều 312 đã quy định các căn cứ để xác định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, vật chất gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Điều này thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

– Theo hướng dẫn tại Công văn số 233/TANDTC ngày 01/10/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về xử lý trường hợp người thực hiện một hoặc nhiều hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội thì trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Như vậy, hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc nói chung, chất độc Xyanua để thực hiện tội phạm là cấu thành thành tội phạm độc lập được quy định tại Điều 311 BLHS.

2.Thực tiễn xét xử đối với hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất độc để thực hiện tội phạm

– Một số vụ án giết người bằng Xyanua.

+ Nữ sát thủ giết 13 người bằng chất độc xyanua

Với thủ đoạn lân la làm quen, tạo tình cảm, uy tín, nhận làm con nuôi, người thân sau đó rủ rê nạn nhân đi ăn, uống rồi pha chất độc vào thức ăn, thức uống để đầu độc, Vân đã giết chết 13 người và cướp tài sản của họ.

Ngày 1-9-2004, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên án tử hình đối với bị cáo Lê Thanh Vân về ba tội: giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tàng trữ chất độc.

+ Vụ án Nguyễn Thị Thanh Thúy

Khoảng tháng 4/2017 liên tục có 2 người đàn ông bị đầu độc bởi chất kịch độc Cyanua để cướp tài sản xảy ra tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Theo đó, đối tượng được xác định là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1977 tại Tiền Giang, Thúy làm nghề bán vé số kiếm sống. Vì nợ nần không có tiền chi trả nên Thúy lên kế hoạch gạ gẫm đàn ông vui vẻ, rồi giết bằng chất độc để cướp tài sản.

Ngày 14/1, TANDCC tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo, tuyên y án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy về các tội Giết người và Cướp tài sản.

Qua tra cứu các thông tin liên quan đến vụ án này, không thấy đề cập đến việc Nguyễn Thị Thanh Thúy bị truy cứu trách nhiệm hình sự về việc tàng trữ, sử dụng chất độc Cyanua.

+ Vụ án Lại Thị Kiều Trang mua chất độc Xyanua  trên mạng Internet, bơm vào cốc trà sữa

Theo cáo trạng, bị cáo Lại Thị Kiều Trang được xác định có mối quan hệ tình cảm với chồng của chị họ là P.V.Q (sinh năm 1989, trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Do ghen tuông, bị cáo nảy sinh ý định dùng hoá chất Natri Xyanua đầu độc giết chết chị họ là Đ.T.Y (30 tuổi, cán bộ Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình) để đường hoàng qua lại với P.V.Q.

Biết chị Y thích uống trà sữa, sáng ngày 2/12/2019, Trang đặt mua 6 cốc trà sữa, mua 1 xilanh cùng kim tiêm mang về nhà. Trang dùng dao lam rạch một đường nhỏ khoảng 1cm tại phần nilon bịt miệng cốc, bơm chất Natri Xyanua vào trong các cốc trà sữa. Bơm được 4 cốc thì hết chất độc, Trang vứt dao lam, băng dính và xilanh, kim tiêm vào thùng rác của gia đình.

Sau đó, Trang mang 6 cốc trà sữa trong đó có 4 cốc đã có chất độc đến Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình, mục đích gửi cho chị Y. Do chị Y đã về nên Trang gửi túi quýt và 6 cốc trà sữa cho chị P.T.L (sinh năm 1980, Vũ Thư, Thái Bình, là cán bộ điều dưỡng cùng khoa với chị Y.). Chị L sau đó gọi cho Y, nói có người gửi cho trà sữa và chị Y nhờ để vào tủ lạnh uống sau.

Khoảng 18g30 cùng ngày, chị L. lấy 2 cốc đưa cho con trai là N.P.D.A uống 1 cốc, chị L. uống nửa cốc, số còn lại bỏ vào tủ lạnh. Khoảng 9g45 phút ngày hôm sau, chị L. uống nốt nửa cốc còn lại.

Khoảng 10g ngày 3/12, nạn nhân N.T.H (sinh năm 1990, Bồ Xuyên, TP.Thái Bình, là điều dưỡng viên khoa nội 3, Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình, đồng nghiệp của chị Y) lấy một cốc trà sữa trong 4 cốc còn lại ở tủ lạnh ra uống. Uống được khoảng 2 ngụm thì H chạy vào nhà vệ sinh rồi ngã gục. Mặc dù được cấp cứu nhưng nạn nhân đã không qua khỏi.

Ngày 17/7/2020 TAND tỉnh Thái Bình tuyên bố bị cáo Lại Thị Kiều Trang hình phạt tử hình về tội Giết người. Qua tra cứu các thông tin liên quan đến vụ án này, theo dõi diễn biến tại phiên tòa, không đề cập đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua, tàng trữ, sử dụng chất độc Cyanua của Lại Thị Kiều Trang.

Một số bản án khác có liên quan đến mua bán, vận chuyển chất độc khác

+Theo bản án số 27/2019/HS-ST ngày 27/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Gia Lai

Khoảng 8 giờ ngày 21/12/2018, Ngô Văn H nảy sinh ý định đi trộm chó để bán lấy tiền tiêu xài nên đã điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Sirius, BKS 81B1-604.18 đi đến khu vực chợ Thống Nhất thuộc phường Thống Nhất, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai mua bả chó của một thanh niên bán hàng rong (không rõ nhân thân, lai lịch) đựng trong lọ dung dịch với giá 17.000 đồng. Sau đó H mang về trộn dung dịch với miếng chả giò rồi chia ra và bỏ vào các túi ni lông nhỏ.

Đến 15 g cùng ngày, H điều khiển xe đi đến khu vực chợ Hưng Bình thuộc thôn Hưng Bình, xã Ia Yok, huyện G, tỉnh Gia Lai thì thấy 2 con chó thả rông của bà Tô Thị H1, H ném hai cục bả chó đã chuẩn bị về phía con chó, khoảng 15 phút sau thì hai con chó bị chết, H đến nhặt con chó bỏ lên xe thì bị người dân phát hiện bắt quả tang. Cơ quan điều tra đã thu giữ 1 xe mô tô nhãn hiệu sirius màu đỏ đen, BKS 81B1- 604.18; 2 con chó màu đen; 1 túi ni lông màu đen bên trong chứa hai mẫu vật màu trắng được đựng trong hai bì ni lông nhỏ màu trắng và 1 bì ni lông màu đen bên trong có chứa chất nhờn.

Tại Kết luận giám định: Mẫu gửi giám định tìm thấy thành phần Natri Xyanua (NACN). Natri xyanua độc với người và gia súc.

Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Ngô Văn H phạm tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc”. Áp dụng khoản 1 Điều 311, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của BLHS, xử phạt bị cáo Ngô Văn H 12 (mười hai) tháng tù.

+ Theo bản án số 22/2018/HS-ST ngày 30/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện Phú N, tỉnh Quảng Nam

Vào lúc 4g50 ngày 11/8/2018, tại đoạn đường bê tông khu vực gần cầu Quế Phương thuộc thôn Đàn Thượng, xã Tam L, huyện Phú N, tỉnh Quảng Nam, Tổ công tác Đồn Công an Tam L thuộc Công an huyện Phú N phát hiện và bắt quả tang Lê Văn B đang có hành vi vận chuyển trái phép chất độc, kết luận giám định là Natri Cyanu (NaCN). Natri xyanu (NaCN) là chất độc mạnh đối với người và gia súc.

Quá trình điều tra, Lê Văn B khai nhận: Do làm nghề khai thác vàng trái phép nên B cần có Cyanu để phục vụ cho việc làm vàng. Khoảng 18 giờ 00 phút ngày 10/8/2018, B điều khiển xe mô tô không biển kiểm soát từ nhà đến khu vực cầu Quế Phương thuộc thôn Đàn Thượng, xã Tam L, huyện Phú N, tỉnh Quảng N để tìm mua Cyanua. Tại đây B gặp một nam Thanh niên, không rõ lai lịch, bịt khẩu trang đi xe mô tô Sirius đang đứng tại đây. B đi qua, đi lại khu vực này 02 (hai) vòng thì dừng lại. Lúc này, nam Thanh niên đến và hỏi B “đi đâu đấy”, B trả lời “đi mua đồ làm (có nghĩa là mua Cyanu để làm vàng)”, nam Thanh niên hỏi B “mua bao nhiêu”, B trả lời “mua 6 kilogam”. Nam Thanh niên nói “06 kilogam thì không có lẻ, chú mua hết 25 kilogam thì con bán, con bớt giá cho” và B đồng ý mua 25 kilogam Cyanua với giá 4.680.000 (bốn triệu, sáu trăm tám mươi nghìn) đồng. B đưa tiền cho nam Thanh niên rồi người này đi vào bụi rậm ôm bao Cyanua ra giao cho B. B vận chuyển Cyanua về nhà mình tại thôn 3, xã Tiên Lập, huyện Tiên Ph và dùng can nhựa loai 30 lít, cắt phần đáy can, bỏ bao Cyanu vào trong rồi may lại bằng thép chỉ, mục đích để tránh bị phát hiện rồi đem cất giấu tại góc sân nhà phía trước bên trái.

Đến khoảng 04 giờ 50 phút ngày 11/8/2018, B đặt can nhựa chứa 25 kilogam Cyanua baga phía trước rồi điều khiển xe mô tô đi từ nhà đến thôn Bồng Miêu, xã Tam L, huyện Phú N để làm vàng. Khi đến thôn Đàn Thượng, xã Tam L, huyện Phú N thì bị phát hiện.

Hội đồng xét xử tuyên bố: Bị C Lê Văn B phạm tội “Mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất độc. Xử phạt: Bị C Lê Văn B 18 (mười tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 (ba mươi sáu).

3.Một số vấn đề về định tội danh đối với hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc để giết người.

3.1. Xác định hậu quả đối với hành vi mua, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất độc trong các vụ án giết người bằng chất độc

Đối với các vụ án giết người bằng chất độc nói chung, chất độc Xyanua nói riêng, hậu quả giết người đã xảy ra, nên có quan điểm cho rằng hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng chất độc trái phép đã gây ra hậu quả làm chết người; vì vậy phải căn cứ vào hậu quả đã xảy ra để định khoản đối với hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng chất độc Cyanua trước đó.

Theo chúng tôi, quá trình chuẩn bị thực hiện tội phạm giết người, đối tượng đã chuẩn bị công cụ là thuốc độc Cyanua bằng cách mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hành vi phạm tội này đã hoàn thành.

Hành vi này đã cấu thành “Tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc” tại Điều 311, do đó đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Người chết là hậu quả của vụ án hình sự giết người không phải là hậu quả trực tiếp của hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng Xyanua. Giữa hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất độc không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp với hậu quả chết người do đó không thể lấy hậu quả của vụ giết người để làm căn cứ định khoản cho vụ án hình sự khác là tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc.

Đối với các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe để làm căn cứ định khoản đối với tội phạm quy định tại Điều 311 và 312, BLHS năm 2015 là các thiệt hại xảy ra trong quá trình mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất độc. Ví dụ như trường hợp đối tượng mua chất độc Cyanua về để trỗn lẫn trong đồ ăn để đi trộm chó, do bất cẩn nên để trẻ em ăn phải dẫn đến tử vong.

3.2. Xác định tội danh đối với đối tượng đã bán chất độc

Đối với trường hợp bên bán không có giấy phép kinh doanh, giấy phép hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực Công nghiệp thì hành vi bán chất độc trái phép phạm vào tội “Mua bán trái phép chất độc” tại Điều 311, BLHS năm 2015.

Đối với trường hợp bên bán có đủ giấy phép có liên quan để buôn bán quy định, tuy nhiên quá trình mua bán sai quy trình, người mua đã sử dụng chất độc đó để thực hiện hành vi giết người, hậu quả đã xảy ra. Nên có quan điểm bên bán phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về quản lý chất độc” tại Điều 312, BLHS năm 2015.

Theo chúng tôi, bên bán có giấy phép kinh doanh và buôn bán hóa chất, chất độc, tuy nhiên quá trình bán sai quy định, như không lập và lưu phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán theo quy định của Luật Hóa chất năm 2007.

Trong quá trình mua bán không xảy ra hậu quả, người chết xảy ra sau khi đã kết thúc hành vi mua bán, chết người là hậu quả của hành vi giết người của đối tượng mua Cyanua. Do đó hành vi của bên bán chưa đủ yếu tố cấu thành tội Mua bán chất độc tại Điều 312, BLHS năm 2015 mà bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị Định 71/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

3.3. Xác định tội danh đối với hành vi sử dụng chất độc

Khi đối tượng sử dụng chất độc để thực hiện hành vi giết người bằng các cách như pha vào thức ăn, nước uống…, sau đó nạn nhân sử dụng dẫn đến tử vong, có quan điềm cho rằng, đối tượng sử dụng chất độc Xyanua để giết người, hành vi sử dụng chất độc đã được truy cứu trách nhiệm hình sự trong tội “giết người”, nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong tội “sử dụng trái phép chất độc”.

Theo chúng tôi, hành vi sử dụng chất độc Xyanua để giết người là một hành vi độc lập cấu thành tội “sử dụng trái phép chất độc” theo quy định tại Điều 311, BLHS nên phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

4.Một số bất cập, vướng mắc

4.1. Về căn cứ xác định số lượng

Theo đó chưa có căn cứ để xác định: “Vật phạm pháp có số lượng lớn; Vật phạm pháp có số lượng rất lớn và vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn” quy định tại khoản 2, 3,4, Điều 311.

Theo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96, BLHS năm 1985, theo đó: Chất độc là những chất có độc tính rất cao và rất có hại đối với sức khoẻ và tính mạng của con người, nếu bị nhiễm phải một liều lượng nhất định nào đó (có thể là rất ít). Những loại thuốc độc quy định tại bảng A như: A-cô-ni-tin và các muối của nó, kẽm Phốt-pho, Ni-cô-tin và các muối của nó, các loại muối thuỷ ngân… đều là đối tượng của tội phạm quy định tại Điều 96 BLHS. Việc xác định số lượng vật phạm pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 96 BLHS phải căn cứ vào tính năng, tác dụng, giá trị sử dụng, tính nguy hiểm của từng loại chất.

Ví dụ như Cyanua: Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, xyanua là một hóa chất hoạt động nhanh mạnh, có khả năng gây chết người dưới nhiều dạng hợp chất khác nhau. Chỉ cần khoảng 50 – 200mg cyanua xâm nhập qua đường miệng cũng đủ một người khỏe mạnh tử vong. Như vậy chưa có quy định cụ thể để làm căn cứ xác định số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn.

4.2 Đối với hành vi chiếm đoạt chất độc

Điều 311 BLHS năm 2015 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi mua bán, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất độc;

Trên thực tế có đối tượng có được chất độc bằng các hình thức chiếm đoạt khác nhau để có được chất độc làm công cụ thực hiện tội phạm, như trộm cắp. Với các hình thức để chiếm đoạt được chất độc thì không xử lý được theo quy định tại Điều 311 BLHS năm 2015 gây lúng túng cho quá trình giải quyết vụ án hình sự và xử lý đối tượng có hành vi chuẩn bị công cụ (chiếm đoạt chất độc) để thực hiện tội phạm giết người.

4.3 Đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe

Căn cứ xác thiệt hại về tính mạng, sức khỏe chưa hợp lý tại các khoản 2,3,4 của Điều 311 BLHS năm 2015 đó là: Trường hợp một người bị chết, người còn lại bị thương nặng với tỷ lệ thương tích cao thì phạm vào khoản 2 Điều 311 có khung hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Trong khi đó nếu hai người bị thương với tổng thương từ 122% đến 200% thì phạm vào khoản 3, Điều 311 thì có khung hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Tương tự hậu quả 2 người chết, 1 người bị thương thì phạm vào khoản 3 Điều 311 thì có khung hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; trong khi đó nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên thì phạm vào khoản 4 với khung hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Thực tế thấy rằng hậu quả thiệt hại về tính mạng có người chết cao hơn nhiều so với hậu quả người bị thương.

Do đó, Cơ quan tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể các trường hợp vướng mắc quy định tại Điều 311 BLHS năm 2015 để tạo điều kiện thuận lợi công tác đấu tranh phòng chống đối với loại tội phạm này./.

HĐXX tuyên án đối với bị cáo Lại Thị Kiều Trang  – Ảnh: Kênh 14

 

 

 

Thiếu tá HOÀNG ĐÌNH DUYÊN (Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng)