ĐỌC VÀ NGẪM THEO NGUYÊN TẮC HIẾN ĐỊNH
Những tháng cuối năm 2017, dư luận chấn động, bàng hoàng khi tiếp nhận thông tin phát hiện xác một bé gái mới sinh được hơn 20 ngày tuổi tại bãi rác. Khi sự phẫn nộ, đau xót chưa kịp lắng xuống thì lại tiếp nhận thông tin vụ án giết người phân xác để phi tang đau lòng ở Bình Dương. Các thông tin trên báo là rất nhiều, chúng tôi muốn bàn đến một khía cạnh khác của những vụ án trên: Tiếp nhận và xử lý thông tin dưới góc độ người đọc am hiểu Luật pháp.
Vụ nạn nhân là bé gái hơn 20 ngày tuổi
Cuối tháng 11, dư luận dậy sóng phẫn nộ khi thông tin hung thủ sát hại cháu bé không phải ai xa lạ mà chính là bà nội của cháu. Theo thông tin ban đầu, bà Phạm Thị Xuân (65 tuổi) thừa nhận tối 25/11 đã sát hại cháu nội. Để che đậy cho hành vi phạm tội của mình, bà ta đã tự dựng lên vụ cháu bé bị bắt cóc, Bà Xuân đã tự ra nằm ngoài ngõ, sau đó bịa ra việc có đôi nam nữ vào nhà gí dao, bịt miệng uy hiếp để cướp cháu bé.
Nhiều báo đồng loạt đưa tin nguyên nhân khiến bà nội ra tay độc ác với chính cháu ruột mình là do đi xem bói và được thầy bói phán cháu nội mới sinh là “nghiệp chướng”, nếu bé sống thì bà ta sẽ phải chết và bé chết thì bà ta mới sống. Dư luận không chỉ căm phẫn trước hành vi tàn độc của bà nội cháu bé mà còn căm phẫn lời “phán” của thầy bói khiến bà nội cháu bé mù quáng tin vào để rồi cướp đi sinh mạng của cháu. Nhiều người mong muốn Cơ quan điều tra nhanh chóng bắt giam thầy bói đã gián tiếp gây ra vụ án mạng man rợ này.
Tràn ngập trên mạng xã hội Facebook, trên các báo mạng là các bài lên án, phẫn nộ bà nội cháu bé, người ta căm giận bà bao nhiêu thì căm phẫn thầy bói bấy nhiêu. Người lại đổ lỗi cho xã hội hỗn loạn khi các hành vi bói toán, mê tín dị đoan ngày càng nhiều…
Một số cư dân mạng và luật sư còn định tội danh, khung hình phạt đối với bà nội cháu bé và thầy bói như: mức hình phạt của bà Phạm Thị Xuân (65 tuổi), bà nội của cháu bé là tử hình và cần phải bắt khẩn cấp ông Phay, người đã đưa ra lời “sấm truyền” để khởi tố về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan” theo quy định tại Điều 247 Bộ luật hình sự và xét xử theo khoản 2 và khoản 3 của điều luật với khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù (gây chết người) và phạt tiền 30 triệu đồng”. Có luật sư cho rằng ngoài việc khởi tố thầy bói về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan”, còn phải bị truy tố về tội “Giết người” theo khoản 1, điều 93 BLHS…
Vụ giết người ở Bình Dương
12h30 trưa ngày 16/12/2017, khi công nhân thu gom rác đến khu vực đường Thuận Giao 9 phường Thuận Giao, thị xã Thuận An tỉnh Bình Dương thì phát hiện ba lô còn mới ở thùng rác nên mở ra xem xét. Anh công nhân này đã hốt hoảng khi phát hiện bên trong là đầu người. Trong ba lô còn túi nylon màu đen chứa nội tạng.
Nạn nhân được xác định là anh Tú. Đồng thời, đến 23h khuya 17/12, người trong khu trọ của anh Tú cảm nhận mùi hôi phát ra từ các thùng chứa rác nên báo công an. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều phần thi thể người được bọc trong các túi nylon và đang phân hủy.
2h sáng 18/12, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Hàng Thị Hồng Diễm (vợ anh Tú). Tại cơ quan điều tra, chị Diễm khai nhận hành vi sát hại chồng và phân xác phi tang.
Ngay sau đó, nhiều Facebooker, nhiều báo định tội chị Diễm tử hình về tội “Giết người” vì hành vi ra tay tàn độc, có báo thì dẫn lời luật sư cho rằng chị Diễm có thể chỉ bị xử 02 năm tù vì có thông tin cho là do nạn nhân ngoại tình và dọa giết nên người phụ nữ này sẽ chỉ bị xử tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” …
Lời bàn:
Việc phẫn nộ với hành vi tàn bạo, dã man là rất đúng, rất nên đặc biệt là khi sự việc đau lòng xảy ra với đứa bé mới hơn 20 ngày tuổi, khi hành vi giết người vô cùng dã man.Tuy nhiên, người sử dụng mạng xã hội, độc giả các báo là người làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều người công tác trong các cơ quan nhà nước, thậm chí là cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp… chúng ta cần sáng suốt không thể cứ share, cứ like, cứ comment những thông tin chưa đủ căn cứ mà cần có cái nhìn khách quan về sự việc.
Bà nội của cháu bé hay chị Diễm mới chỉ là bị can. Khi điều tra một vụ án các điều tra viên luôn phải tuân thủ nguyên tắc điều tra quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật tổ chức điều tra 2015 là : ” …Điều tra kịp thời, nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội”. Do đó, việc điều tra phải theo nhiều giả thiết. Cơ quan điều tra sẽ lập chuyên án điều tra, các Điều tra viên sẽ phải thận trọng và tỉ mỉ khai thác lời khai của những người liên quan, khám nghiệm hiện trường tìm dấu vết tội phạm, lập sơ đồ, bản ảnh hiện trượng, khám nghiệm tử thi, kết luận giám định pháp y về nguyên nhân tử vong của cháu bé, của anh Tú, thực nghiệm điều tra dựng lại hiện trường….
Điều tra một vụ án là vô cùng phức tạp, đặc biệt theo thông tin trên nhiều báo là bà nội cháu bé liên tục thay đổi lời khai, lúc thì khai do tin lời thấy bói, lúc thì khai do bế đánh rơi cháu dẫn đến cháu đã tử vong, chị Diễm cũng có nhiều lời khai khác nhau về nguyên nhân phạm tội… Do đó, nguyên nhân cháu bé 23 ngày tuổi tử vong và anh Tú bị giết vẫn chưa được xác định. Các điều tra viên với những biện pháp điều tra và công cụ kỹ thuật chuyên dụng hiện đại đang khẩn trương điều tra vụ án mà vẫn chưa có Kết luận điều tra vụ án.
Khi có Kết luận điều tra vụ án do Cơ quan điều tra sẽ chuyển sang, Viện kiểm sát sẽ tiến hành nghiên cứu, xem xét, cân nhắc và ra Quyết định truy tố ra trước Tòa. Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Cơ quan tiến hành tố tụng, theo quy định tại Điều 15 BLTTHS năm 2015: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải chứng minh việc thực hiện tội phạm và người phạm tội, xác định rõ những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, cân nhắc đến động cơ, mục đích phạm tội và qua đó tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
Ngay cả trường hợp bị can, bị cáo có lời khai nhận tội mà lời khai đó không phù hợp với thực tế khách quan thì cũng không được coi là chứng cứ để chứng minh trong vụ án hình sự bởi lẽ Điều 98 BLTTHS 2015 đã quy định: “Không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội họ” huống chi chúng ta mới chỉ tiếp nhận những thông tin ban đầu trong khi đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự bao gồm những sự kiện và tình tiết khác nhau, mà mỗi sự kiện, mỗi tình tiết nói riêng cũng như toàn bộ vụ án, đều phải được nghiên cứu, làm sáng tỏ một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện và chính xác.
Và một nguyên tắc Hiến định thay lời kết vì một cộng đồng có bản lĩnh, hiểu Luật “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.” ( Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận