Đổi mới căn bản nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội

Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 18 lượt ý kiến phát biểu, trong đó có 3 lượt ý kiến tranh luận.

Trước khi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ngày 20/10/2022, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về nội dung này vào chiều ngày 24/12/2022.

Qua tổng hợp có 135 đại biểu phát biểu ý kiến. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và có báo cáo tổng hợp số 1657 gửi đến các đại biểu Quốc hội. Cơ quan soạn thảo đã phối hợp cùng các cơ quan hữu quan để ra Báo cáo số 2672/BC-VPQH của Văn phòng Quốc hội dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến tại Tổ đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). 

Phản ánh tiếng nói trung thực

Nhấn mạnh việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp vào thời điểm này là kịp thời, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh, nếu Kỳ họp là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, thì thảo luận là trung tâm trong hoạt động của Kỳ họp. Cho rằng hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay còn phần nhiều là tham luận, đại biểu cho rằng, đổi mới căn bản nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu đề nghị cần định nghĩa rõ hai hình thức thảo luận, là thảo luận ở Tổ, ở Đoàn, để làm rõ, đây là bước để sàng lọc vấn đề, để khi thảo luận tại Hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau. Đại biểu cho rằng, khi làm được điều này, sẽ giúp tăng tính minh bạch, rạch ròi cho những vấn đề đã thống nhất khi thảo luận ở Đoàn, ở Tổ, khi thảo luận tại Hội trường sẽ hướng đến phân tích những vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn.

 

Đại biểu Lê Thanh Vân

Đại biểu cũng cho rằng, việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp, cụ thể, cần có thay đổi trong thủ tục tiến hành thảo luận tại tổ, thủ tục thảo luận tại các phiên họp toàn thể, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tọa phiên họp, đảm bảo phiên họp diễn ra với hiệu quả cao, đạt được kết quả thực chất.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, với những phiên họp có quá nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, cần rút ngắn thời lượng phát biểu của các đại biểu ngay từ đầu phiên họp, tránh tình huống rút ngắn thời gian của các đại biểu phát biểu sau, không đảm bảo tính bình đẳng trong tổ chức phiên họp.

Tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đồng tình với ý kiến của đại biểu về nâng cao chất lượng của Kỳ họp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng Kỳ họp Quốc hội thì cần một lộ trình phát triển. Đại biểu Lê Thanh Vân có nêu yêu cầu về hùng biện, tuy vấn đề này rất tốt nhưng đại biểu Nguyễn Quang Huân nhận thấy, các đại biểu đại diện cho các vùng miền khác nhau, trình độ khác nhau, văn hóa khác nhau và nghề nghiệp khác nhau.

Do vậy, có những đại biểu tham gia Quốc hội nhiều, có kỹ năng nói tốt hoặc đã được đào tạo kỹ năng thuyết trình trước công chúng. Nhưng có những đại biểu lần đầu tham gia nên có khi đến đây, có khi chỉ phản ánh tiếng nói trung thực với cử tri để lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội biết. Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhận thấy, yêu cầu không dùng giấy và không được đọc thì khó. Vì nếu không quy định rõ vấn đề này thì có những đại biểu lần đầu tham gia sẽ e ngại trong quá trình phát biểu.

Quy định rõ về việc lấy ý kiến các nội dung còn khác nhau

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, tại các phiên thảo toàn thể tại hội trường, nhất là các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, cách thảo luận như hiện nay sẽ có nhiều đại biểu Quốc hội được thảo luận và được lắng nghe ý kiến ở tất cả các Đoàn, đề cập được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhưng lại quá dàn trải. 

 

Đại biểu  Hà Sỹ Đồng

Đại biểu đề nghị nên có quy định đổi mới theo hướng sau khi thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chọn một số vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và còn nhiều quan điểm khác nhau để thảo luận ở hội trường, dành thời gian bàn thảo, tranh luận cho sáng tỏ. Từ đó có thể đưa ra các quyết sách đúng tầm, và thông báo trước cho đại biểu Quốc hội vài ngày để các đại biểu cái thời gian nghiên cứu và chuẩn bị và tiến hành thảo luận theo cái thứ tự ưu tiên. Theo đại biểu, với cách thức này, những ai nắm chắc, nắm sâu vấn đề gì thì sẽ bấm nút để đăng ký tham gia, không cần nhường nhau để mỗi Đoàn đều có đại diện được phát biểu như hiện nay, nhưng quan trọng hơn là sẽ tránh được những thông tin trùng lắp, dàn trải...

Việc chọn những vấn đề trọng tâm để thảo luận cũng giúp cho các đại biểu dù không tham gia tranh luận cũng sẽ yên tâm hơn khi đưa ra các quyết định của mình vì đã được nghe các ý kiến trao đi, đổi lại, nghe phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau…

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) góp ý về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến, được quyết định tại Điều 10 Dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng đây là nội dung quan trọng, thể hiện tính dân chủ khi xem xét, quyết định theo đa số. Thực tiễn những năm qua, nhiều nội dung cụ thể lấy ý kiến đã mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trước khi thông qua toàn văn dự thảo, thể hiện tính công khai, dân chủ. Đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy phương thức này ở các nội dung còn có ý kiến khác nhau. Việc học tập công tác lập pháp của nước ngoài, của các nước tiên tiến là cần thiết, nhưng trong áp dụng thì cần có chọn lọc, để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của đất nước.

Đồng tình là các đại biểu Quốc hội đang nặng về tham luận hơn tranh luận, đại biểu cho rằng, để hướng đến những thay đổi tích cực, cần có lộ trình, các văn bản quy định của pháp luật phải có hướng dẫn cụ thể, để đảm bảo làm tốt được việc tổ chức thảo luận.

 

Đại biểu Dương Văn Phước

Đại biểu cho rằng, cần có thay đổi trong khâu tổ chức, theo đó, để hướng tới Quốc hội tranh luận, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác nhân sự, chuẩn bị kỹ từ khâu ứng cử đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đào tạo, tổ chức, để hoạt động của Quốc hội đạt được những kỳ vọng lớn đã đặt ra.

Về vấn đề phát biểu trùng lặp nội dung, hoặc nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau, đại biểu đề nghị Nội quy Kỳ họp cần quy định cụ thể, chi tiết, khả thi hơn, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, khi một vấn đề cụ thể có nhiều đại biểu phát biểu với nhiều quan điểm hoặc  ý kiến, cần tiến hành xin ý kiến Quốc hội để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Nếu có ít nhất 20% tổng số đại biểu đồng ý thì tiến hành lấy phiếu xin ý kiến về vấn đề đó.

Đại biểu cũng cho rằng, khi đại biểu Quốc hội vắng mặt, quy trình đăng ký vắng mặt cần được thực hiện thông qua app Quốc hội, việc thông báo thông tin đến Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, việc cho ý kiến chấp thuận cũng nên được thực hiện thông qua app để đảm bảo tiết kiệm, nhanh chóng.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, lĩnh vực kinh tế - xã hội rất rộng và quan trọng. Nếu bây giờ chúng ta lựa chọn chỉ một, hai vấn đề để đưa ra tranh luận với nhau, đại biểu cho rằng, như vậy thì chỉ có một, hai chủ đề cần tập trung. Còn Quốc hội chúng ta hiện vừa thảo luận vừa tranh luận. Nếu khống chế thì các cử tri sẽ không được nêu lên tiếng nói của mình.

 

Đại biểu Nguyễn Quang Huân

“Vấn đề kinh tế - xã hội phải dành tới 2 ngày thảo luận, vì quan trọng cho nên Quốc hội mới cho truyền hình trực tiếp để đồng bào cả nước cùng theo dõi, một số đại biểu phát biểu vô tình trùng nhau chứ không phải người ta thích lên tivi”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu rõ.

Công dân được dự thính

Góp ý về một số vấn đề chung, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho biết, qua đối chiếu với các văn bản có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước... đại biểu nhận thấy có nhiều nội dung trong nội quy này quy định lại những nội dung đã có trong văn bản luật nêu trên. Vì vậy, đại biểu kiến nghị rà sát loại bỏ những nội dung này trong nội quy, nếu có chỉ quy định cụ thể, chi tiết hơn những nội dung chưa rõ để triển khai thực hiện.

 

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng

Về một số vấn đề cụ thể, tại khoản 2, Điều 3 dự thảo quy định về việc đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo trong trường hợp không thể tham dự phiên họp tại kỳ họp, đại biểu cho rằng với quy định trên sẽ không linh hoạt. Bên cạnh đó, đại biểu có thể phát sinh những công việc đột xuất nên đại biểu cũng không thể biết trước sẽ vắng mặt tổng số buổi là bao nhiêu. Do đó, để đảm bảo sự linh hoạt, thuận lợi trong điều hành của Chủ tịch Quốc hội, cần chỉnh sửa lại quy định trên theo hướng chỉ trong trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt hai ngày liên tục trở lên tại kỳ họp mới do Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về thời hạn đại biểu gửi văn bản đến Trưởng đoàn và Tổng Thư ký Quốc hội để Chủ tịch Quốc hội có thời gian quyết định cho phép hoặc không cho phép vắng mặt trong thời hạn nhằm đảm bảo đại biểu có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp.

Đối với quy định về người được mời tham dự kỳ họp dự tính tại phiên họp Quốc hội tại Điều 5, đại biểu đề nghị quy định rõ về những phiên họp mà công dân được dự thính, số lượng và thành phần được mời. Đây cũng là dịp để Nhân dân giám sát trực tiếp hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội; đồng thời đề nghị giao Tổng Thư ký Quốc hội quy định về việc khách đến tham quan Nhà Quốc hội trong thời gian Quốc hội đang họp để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn kỳ họp Quốc hội.

Về tài liệu phục vụ kỳ họp tại Điều 7, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn. Trừ các trường hợp đặc biệt, cấp bách, kiên quyết không tiến hành thẩm dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn; không bố trí vào chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp Quốc hội với những dự án, dự thảo được đề nghị bổ sung sát phiên họp, kỳ họp. Đồng thời đề nghị các tài liệu về dự án luật, tờ trình và dự thảo luật gần cần gửi tới đại biểu Quốc hội bản giấy theo đúng quy định của văn bản của Luật ban hành văn bản. Đối với tài liệu mật, cần tách nội dung mật để thuận lợi cho việc phát biểu của đại biểu được công khai. 

Tránh xung đột với các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa đồng tình với nhiều quy định chi tiết, tuy nhiên sử dụng tên gọi dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) là chưa phù hợp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, về ngữ nghĩa, nội quy là quy định nội bộ sẽ ràng buộc đại biểu Quốc hội và những người tham gia các kỳ họp Quốc hội. Nhưng nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết không thuộc nội quy mà là trình tự, thủ tục, thể thức để Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiến hành các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và bầu cử các chức danh quan trọng nhất của Nhà nước.

Nhiều quy định trong dự thảo Nghị quyết chính là chi tiết hóa Luật Tổ chức Quốc hội. Trong đó, nội quy kỳ họp chỉ có một chương, nhưng nhiều quy định trong dự thảo đề cập đến các nội dung khác. Ví dụ quy định Đoàn đại biểu Quốc hội, thủ tục chất vấn, người trả lời chất vấn… 

Đại biểu cho rằng, nếu thiết kế không khéo sẽ xung đột với các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Đại biểu đề nghị nên thiết kế những nội dung này thành một nghị quyết hoặc pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết thi hành Luật Tổ chức Quốc hội. Như vậy nghị quyết này sẽ trở thành văn bản quy phạm pháp luật và không vướng cụm “nội quy”.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) thảo luận về việc kéo dài thời gian phiên họp để đảm bảo tất cả các đại biểu Quốc hội đều được phát biểu, cho biết, bên cạnh việc phát biểu trực tiếp tại Hội trường còn một kênh góp ý khác, mà các đại biểu Quốc hội còn ít sử dụng, đó là gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp. Phương pháp này đã được quy định rõ trong Nội quy Kỳ họp hiện hành, ý kiến bằng văn bản của các đại biểu cũng có tầm quan trọng tương đương, và cũng được nghiên cứu để tiếp thu, giải trình như ý kiến phát biểu hội trường. 

Đại biểu cho rằng, đây là giải pháp tốt, không cần kéo dài thời gian kỳ họp, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội quy định trình tự, thủ tục để xác nhận ý kiến bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, và thủ tục để đại biểu Quốc hội gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp.

 

 

BẢO THƯ