Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tình hình mới
Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân (TAND) là công việc hệ trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác của Tòa án, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của tình hình mới, bắt kịp các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Việc đổi mới, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó, tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng, do đó, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, thống nhất về tư tưởng, nhận thức, hành động trong toàn hệ thống Tòa án và sự đồng thuận của xã hội.
Sự cần thiết phải đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân
Trải qua hơn 75 năm xây dựng và phát triển, hệ thống TAND đã không ngừng đổi mới cả về tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhiệm vụ ngày càng nặng nề đặt ra trong các giai đoạn cách mạng của đất nước. Địa vị pháp lý của Tòa án được khẳng định là trung tâm của hoạt động tư pháp; tổ chức bộ máy dần được hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ được tăng cường; chất lượng, hiệu quả công tác không ngừng được nâng cao, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đề ra. Đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án dần được củng cố về số lượng và nâng cao chất lượng; cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm có bước cải thiện đáng kể. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh trong thời gian gần đây theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI và XII) đã nâng cao vị thế, uy tín của Tòa án và góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn hoạt động của Tòa án nhân dân thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, như tổ chức bộ máy ở một số Tòa án có chỗ chưa thực sự khoa học, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tiễn; biên chế thiếu nhiều so với yêu cầu, nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp còn thiếu, cơ cấu không hợp lý, chuyên gia đầu ngành còn ít; một số cán bộ hạn chế về trình độ, năng lực; công tác hành chính tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách tiền lương còn bất cập; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Tòa án chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tình hình quốc tế hiện nay có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó dự báo; đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ, nhưng cũng phải đối diện với những khó khăn, thách thức mới. Bối cảnh đó đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với hệ thống TAND.
Thứ nhất, 10 năm qua, quy mô dân số và quy mô nền kinh tế tăng nhanh (dân số tăng thêm gần 11 triệu người và GDP tăng gấp 2,4 lần); đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng đã kéo theo sự gia tăng mạnh các loại tội phạm, tranh chấp và khiếu kiện, nhất là các tội phạm phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia và các loại tranh chấp mới. Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của kinh tế số, kinh tế chia sẻ đã làm phát sinh nhiều loại tranh chấp chưa từng xảy ra trước đây, đặt ra nhiệm vụ cho Tòa án phải theo kịp xu thế và giải quyết kịp thời.
Thứ hai, quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật thời gian qua đã giao thêm cho Tòa án nhiều nhiệm vụ, thẩm quyền mới để phù hợp với vị trí, vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Trong đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Xu thế mở rộng thẩm quyền, tăng thêm nhiệm vụ cho Tòa án cũng góp phần dẫn tới thực trạng số lượng vụ, việc Tòa án phải giải quyết hằng năm tăng trung bình 8%. Thực tế cho thấy, số lượng vụ việc Tòa án giải quyết năm 2020 cao gấp hơn 3 lần so với năm 2005 và cao gấp gần 2 lần so với năm 2012.
Thứ ba, thực trạng tổ chức và hoạt động của TAND đang tồn tại mâu thuẫn lớn giữa sự gia tăng mạnh về số lượng công việc phải giải quyết với yêu cầu tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, Về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữa việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định hiện hành với việc bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, tương ứng với sự gia tăng về khối lượng và hiệu quả công tác, cũng như theo yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp.
Thứ tư, yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân đối với hoạt động của Tòa án ngày càng cao; nhiệm vụ bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 đặt ra cho hệ thống TAND trọng trách lớn, phải không ngừng nỗ lực để nâng cao uy tín trước nhân dân, thực sự là chỗ dựa của người dân trong bảo vệ công lý.
Thứ năm, xu thế hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng đã và đang đặt ra yêu cầu phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam, chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm vào các định chế pháp lý quốc tế. Do vậy, Tòa án phải rà soát, đề xuất cải cách thể chế, pháp luật cho phù hợp; đồng thời, khẩn trương đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao, đủ trình độ giải quyết các tranh chấp quốc tế, các vụ việc có yếu tố nước ngoài và các loại vụ việc mới phát sinh thuộc thẩm quyền.
Thứ sáu, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra thời cơ đối với Tòa án trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để đổi mới tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường công khai, minh bạch; tạo các điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận công lý; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của Tòa án theo thời gian thực tế.
Thứ bảy, cải cách tư pháp nói chung, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nói riêng là xu thế toàn cầu, có tính liên tục, phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới, ở nước ta, nhiệm vụ này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh nền tư pháp còn nhiều yếu kém, hạn chế trên các phương diện: thể chế pháp lý, tổ chức bộ máy, năng lực trình độ và điều kiện bảo đảm. Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và một số đạo luật về tố tụng tư pháp đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động cần sớm được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Tòa án xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin.
Thứ tám, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây là cấu phần quan trọng của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Thứ chín, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, nhưng thực tiễn thi hành cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu của thực tiễn. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 sau hơn 5 năm thi hành cũng đã phát sinh nhiều bất cập cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, để phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Từ những vấn đề đặt ra như trên, cần thiết phải đổi mới tổ chức bộ máy TAND để khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong thực tiễn và đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới.
Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân
Mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy TAND là bảo đảm tinh gọn về cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng xét xử, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp cũng như uy tín cùa TAND với vai trò là cơ quan duy nhất được Hiến pháp trao thực hiện “quyền tư pháp”. Đồng thời, xây dựng hệ thống TAND chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Để đạt được mục tiêu trên, cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau:
Một là, việc đổi mới tổ chức bộ máy TAND phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng; thực hiện được những chủ trương cốt lõi đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết về cải cách tư pháp.
Hai là, đổi mới tổ chức bộ máy phải bảo đảm cho TAND hoạt động độc lập, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; kế thừa những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua; khắc phục những hạn chế, bất hợp lý, khó khăn trong thực tiễn; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam để xây dựng nền tư pháp Việt Nam tương đồng với mức độ phát triển chung của thế giới.
Ba là, đổi mới tổ chức bộ máy phải gắn với đổi mới hoạt động, phương thức lãnh đạo, cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút và phát huy năng lực người có đức, có tài; bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người bị ảnh hưởng từ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Bốn là, các giải pháp đổi mới bộ máy phải bảo đảm khoa học, có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Việc tiến hành đổi mới phải có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đối với những vấn đề đã rõ thì thực hiện ngay; vấn đề mới cần nghiên cứu kỹ, tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan, triển khai thí điểm, tạo cơ sở đề xuất, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương để có quyết sách phù hợp trong tổng thể Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Năm là, bảo đảm sự thống nhất về nhận thức, phương châm hành động trong toàn hệ thống về đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án, trong đó làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy; tăng cường tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận trong cấp ủy, lãnh đạo Tòa án các cấp, sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức liên quan nói riêng và nhân dân nói chung.
Nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân
Thứ nhất, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao.
Đối với TAND tối cao, qua thực tiễn hoạt động bộc lộ một số bất cập, như chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị được phân công chưa hợp lý, chồng chéo, trùng lắp, cùng một nhiệm vụ nhưng được giao cho nhiều đơn vị thực hiện; tính gắn kết, liên quan giữa các chức năng, nhiệm vụ ở một số đơn vị không chặt chẽ, chưa có tính liên thông; bộ máy ở một số đơn vị còn cồng kềnh; tên gọi của một số đơn vị chưa phù hợp với thẩm quyền hoạt động theo quy định của pháp luật. Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, cần đổi mới tổ chức bộ máy TAND tối cao theo hướng: giải thể một số đơn vị cấp vụ làm công tác hành chính; sáp nhập và chuyển nhiệm vụ của một số đơn vị cho các đơn vị khác phù hợp hơn; thành lập mới Vụ Giám đốc, kiểm tra về hành chính để đáp ứng với xu hướng gia tăng mạnh về số lượng án hành chính; điều chỉnh chức năng và đổi tên một số đơn vị cấp vụ cho phù hợp với yêu cầu sắp xếp lại bộ máy; từng bước chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 27-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đối với TAND cấp cao, thực tiễn cho thấy việc chỉ có 3 TAND cấp cao được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh trong khi số lượng các loại vụ, việc phải giải quyết rất lớn, địa bàn rộng đã gây nhiều khó khăn cho các TAND cấp cao trong việc thực hiện nhiêm vụ xét xử, cũng như chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận Tòa án. Cùng với đó, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị tham mưu, giúp việc cho Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao còn chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Do vậy, cần thiết phải đổi mới tổ chức bộ máy TAND cấp cao theo hướng tổ chức các Tòa chuyên trách, phù hợp với điều kiện của từng TAND cấp cao; kiện toàn tổ chức và sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của bộ máy giúp việc.
Thứ hai, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy của TAND cấp tỉnh.
Thực tiễn hoạt động của các TAND cấp tỉnh thời gian qua cho thấy, tổ chức bộ máy, biên chế và số lượng Thẩm phán ở cấp này còn chưa hợp lý; bộ máy giúp việc chiếm nhiều biên chế so với khối đơn vị làm nghiệp vụ xét xử. Việc tổ chức các Tòa chuyên trách chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của một số Tòa án. Nhiều Tòa án chưa thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên theo yêu cầu của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 do thiếu biên chế Thẩm phán trung cấp. Khắc phục những bất cập nêu trên, tổ chức bộ máy TAND cấp tỉnh cần được đổi mới theo hướng sáp nhâp một số phòng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để đáp ứng yêu cầu tinh gọn; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị giúp việc bảo đảm tính khoa học, nâng cao hiệu quả công tác. Rà soát, tổ chức lại các Tòa chuyên trách cho phù hợp với thực tế xét xử ở từng tỉnh. Thành lập đủ Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Tòa án cấp tỉnh theo đúng quy định.
Thứ ba, kiện toàn, tinh gọn tổ chức của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Thời gian qua, nhiều bất cập liên quan đến tổ chức TAND cấp huyện cũng đã bộc lộ. Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, các TAND cấp huyện được tổ chức tương ứng với đơn vị hành chính cấp huyện (1 Tòa án/1 huyện). Tuy nhiên, mô hình tổ chức dàn đều như vậy dẫn đến tình trạng dàn trải về biên chế, cơ sở vật chất, tạo sự thừa, thiếu cục bộ. Nhiều Tòa án, luôn trong tình trạng quá tải về công việc, Thẩm phán phải giải quyết khối lượng lớn các vụ, việc, tạo áp lực rất lớn và có thể dẫn đến nguy cơ sai sót về nghiệp vụ, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn. Trong khi đó, nhiều địa phương có số lựợng án phải giải quyết ít, cá biệt có những địa phương chỉ có 4 vụ, việc/năm nhưng vẫn phải tổ chức bộ máy với đầy đủ các chức danh Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, văn phòng, kế toán, bảo vệ... để bảo đảm hoạt động theo quy định của pháp luật tố tụng. Cùng với đó, những địa phương có số lượng án ít sẽ không đủ điều kiện về biên chế để tổ chức các Tòa chuyên trách, dẫn đến thiếu tính chuyên sâu theo các lĩnh vực chuyên môn, gây khó khăn trong việc đào tạo chuyên gia đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn xét xử đặt ra.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, cần thiết phải sáp nhập các Tòa án có số lượng án ít với nhau hoặc với Tòa án có vị trí địa lý thuận lợi. Trước mắt, cần nghiên cứu thí điểm sáp nhập 75 Tòa án cấp huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí: Một là, việc sáp nhập phải bảo đảm đổi mới tổ chức của Tòa án cấp huyện tinh gọn, hoạt đông hiệu lực, hiệu quả theo các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29-7-2020, của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 27-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hai là, sáp nhập Tòa án có quy mô nhỏ (số lượng án phải giải quyết dưới 300 vụ, việc/năm và có 8 biên chế/huyện) vào Tòa án có quy mô trung bình (Tòa án loại II), có địa giới liền kề, thuận tiện về giao thông, để có điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán và thực hiện chuyên môn hóa sâu, nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm tính độc lập của Tòa án, phục vụ tốt yêu cầu của người dân. Ba là, lựa chọn đại diện của các khu vực, vùng, miền.
Các Tòa án sau khi sáp nhập sẽ được tổ chức và hoạt động như sau: Để bảo đảm tính ổn định và theo quy định hiện hành, Tòa án sau khi sáp nhập sẽ lấy tên của Tòa án cấp huyện nơi có trụ sở chính. Về nhiệm vụ, thẩm quyền: Tòa án cấp huyện mới có thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm các loại vụ, việc thuộc thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa án được sáp nhập; các cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án) vẫn tiếp tục thực hiện thẩm quyền theo địa hạt pháp lý hiện hành, về biên chế, Thẩm phán, Hội thẩm: Tòa án mới về cơ bản sẽ tiếp nhận số lượng biên chế, Thẩm phán, Hội Thẩm của các Tòa án được sáp nhập và sẽ được cơ cấu lại trên cơ sở số lượng các loại vụ việc phải giải quyết cùng các điều kiện khác, về cơ sở vật chất: Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận với Tòa án, một phần trụ sở của Tòa án bị sáp nhập cần được giữ lại để phục vụ cho các hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tiếp nhận đơn, thư của công dân; xét xử một số vụ việc.
Thứ tư, bảo đảm số lượng biên chế đế TAND đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ.
Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, biên chế của TAND thiếu rất nhiều so với yêu cầu, nhiêm vụ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác. Tính từ năm 2012 đến ngày 30-9-2020, số lượng các loại vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tăng gần gấp đôi (từ 303.484 vụ, việc được thụ lý năm 2012, tăng lên hơn 602.000 vụ, việc vào năm 2020), đặc biệt là các vụ án hành chính. Trước xu thế hội nhập và sự phát triển kinh tế - xã hội, tính chất các loại vụ, việc ngày càng phức tạp, phát sinh nhiều loại tội phạm mới; tranh chấp xuyên biên giới, hôn nhân đa quốc tịch, tranh chấp, khiếu kiện có yếu tố nước ngoài tăng mạnh. Thẩm quyền của Tòa án mở rộng và được giao bổ sung nhiều nhiệm vụ mới theo các luật về tư pháp ban hành thời gian qua. Cơ cấu chức danh tư pháp hiện có của Tòa án các cấp không hợp lý (nhiều Thẩm phán, ít Thư ký Tòa án) cũng gây áp lực cho đội ngũ Thư ký Tòa án, đồng thời thiếu nguồn để đào tạo, bổ nhiệm Thẩm phán.
Để khẩn trương khắc phục những bất cập, khó khăn nêu trên, Ban cản sự đảng TAND tối cao đã triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm, Đề án đổi mới tổ chức bộ máy TAND và một số đề án khác để trình cấp có thẩm quyền. Các đề án đều xác định nguyên tắc phân bổ biên chế trong hệ thống TAND phải căn cứ vào: Vị trí việc làm; quy mô dân số, diện tích tự nhiên; quy mô phát triển kinh tế - xã hội; tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm; số lượng. tính chất phức tạp của các loại vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết; chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật giao thêm cho Tòa án.
Để tháo gỡ một bước những khó khăn đặt ra, căn cứ nguyên tắc xác định biên chế nêu trên, trước mắt, từ nay đến năm 2022, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép Tòa án có tổng biên chế như Nghị quyết số 473/2012/NQ-UBTVQH13, ngày 28-3-2012, của ủy ban Thường vụ Quốc hội (15.237 người). Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết số 161/2021/QH14, ngày 8-4-2021, trong đó nêu rõ “bảo đảm số lượng biên chế để Tòa án nhân dân đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ"
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của TAND.
Tổng kết thực tiễn hoạt động cho thấy, chưa có sự thống nhất về hệ thống tổ chức Đảng giữa các cấp Tòa án, trong đó tổ chức đảng của các Tòa án cấp huyện và cấp tỉnh gắn với đơn vị hành chính, nhưng Tòa án nhân dân cấp cao lại trực thuộc Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao. Nhân sự của Tòa án tham gia cấp ủy không được cơ cấu cứng; có nơi tham gia cấp ủy cùng cấp, có nơi không tham gia cấp ủy, đã làm ảnh hưởng nhất định đến sự lãnh đạo kịp thời, nhanh chóng của Đảng đối với hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó, việc nhân sự lãnh đạo TAND tham gia cấp ủy địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện luân chuyển, điều động nhân sự giữa các địa phương để thực hiện chủ trương Chánh án Tòa án không phải là người địa phương. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án, đồng thời khắc phục nhũng vấn đề nêu trên, cần nghiên cứu sâu hơn về khả năng xây dựng các tổ chức đảng và cơ chế giám sát theo hướng:
- Đối với TAND tối cao và TAND cấp cao: Tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử như hiện nay.
- Đối với TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện: Cần tiếp tục thực hiện Kết luận số 79-KL/TW, ngày 28-7-2010, của Bộ Chính trị, “về đổi mới tổ chức hoạt động của Tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra theo Nghị quyết số49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, theo đó: Thành lập đảng bộ TAND cấp tỉnh (gồm các tổ chức đảng của TAND cấp tỉnh và các TAND cấp huyện); đảng bộ TAND cấp tỉnh trực thuộc đảng bộ cấp tỉnh; TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Chánh án TAND cấp tỉnh là Ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, Bí thư đảng ủy TAND cấp tỉnh; Chánh án TAND cấp huyện là ủy viên Ban Chấp hành Đáng bộ TAND cấp tỉnh, Bí thư chi bộ TAND cấp huyện.
- Đối với TAND cấp huyện được thí điểm sáp nhập: Trường hợp việc sáp nhập một số Tòa án cấp huyện diễn ra truớc khi thực hiện mô hình tổ chức đảng như Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị được triển khai, các tổ chức cơ sở đảng của TAND cấp huyện sau sáp nhập sẽ trực thuộc đảng bộ TAND cấp tỉnh, đây là cơ sở thực tiễn và là tiền đề để đề xuất mô hình tổ chức đảng của TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện theo kết luận số 79-KL/TW.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là các chức danh tư pháp.
Xét cho cùng, chất lượng hoạt động xét xử và uy tín của Tòa án là do cán bộ Tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán quyết định. Thẩm phán vinh dự được giao nhiệm vụ bảo vệ, thực thi công lý, nhưng cũng phải chịu rất nhiều áp lực, khó khăn, vất vả trên con đường đi tìm sự thật mà trong nhiều trường hợp được che giấu rất tinh vi và chuyên nghiệp. Quá trình mang lại công lý, công bằng cho xã hội, Thẩm phán phải đối mặt với cả rủi ro, nguy hiểm, thậm chí là những cám dỗ vật chất. Vì vậy, đổi mới tổ chức bộ máy phải gắn với việc không ngừng nâng cao chất lượng và bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, Thẩm phán để họ vượt qua được khó khăn, thách thức và hoàn thành tốt sứ mệnh được giao.
Thời gian tới, hệ thống TAND phải tiếp tục tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng; thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII), gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ”. Đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; tổ chức thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán một cách thực chất, đồng thời áp dụng nghiêm các quy định về xử lý các chức danh tư pháp trong TAND. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp; tổ chức nghiêm các kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cán bộ (từ việc bố trí, đánh giá, quy hoạch đến việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm...), công tác thi đua, khen thưởng và có chính sách đãi ngộ phù hợp.
Thứ bảy, đối mới thủ tục hành chính tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận Tòa án.
Việc kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy TAND các cấp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động nhưng phải bảo đảm không tạo thêm khó khăn cho người dân khi tiếp cận Tòa án trên con đường đi tìm công lý. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt được đặt ra là phục vụ nhân dân, tạo thuận lợi cho người dân, còn khó khăn TAND phải đảm nhận. Do đó, cần đẩy mạnh các giái pháp đổi mới thủ tục hành chính tư pháp đang thực hiện; tổ chức bộ phận hành chính tư pháp tại tất cả các Tòa án; thực hiện quy chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận hồ sơ, thông tin, tài liệu; công khai trên In-tơ-nét các thủ tục hành chính tư pháp, hệ thống pháp luật, các biểu mẫu tư pháp, lịch tiếp công dân và giải quyết các yêu cầu của đương sự về tố tụng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phương pháp thực hiện hòa giải, đối thoại và xét xử một số loại án tại các địa bàn dân cư; thí điểm xét xử trực tuyến một số loại án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng và quản lý Tòa án để tiến tới xây dựng Tòa án điện tử.
Thứ tám, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong TAND và định hướng sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban cán sự đảng TAND tối cao đang triển khai nghiên cứu Chiến lược cải cách tư pháp trong TAND. Đây là một phần của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Nội dung Chiến lược cải cách tư pháp trong TAND bao gồm đổi mới cả về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, thủ tục tố tụng.
Trên cơ sở kết quả thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị, “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và tổng kết thực tiễn, thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ xây dựng đề án đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, tập trung vào các định hướng lớn như: Khẳng định những kết quả cải cách tư pháp đã thực hiện theo các nghị quyết, kết luận của Đảng; tiếp tục thể chế hóa, thực hiện những nội dung cải cách tư pháp đã được nêu trong các nghị quyết, kết luận của Đảng nhưng chưa thực hiện được; tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án; nghiên cứu có chọn lọc thành tựu khoa học pháp lý và kinh nghiệm cải cách tư pháp của thế giới để vận dụng phù hợp trong điều kiện của Việt Nam.
Tác động của việc đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân
Việc đổi mới tổ chức bộ máy TAND các cấp và sáp nhập TAND cấp huyện như đề xuất ở trên sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực. Tổ chức bộ máy được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, khoa học do giảm được nhiều đầu mối, đơn vị giúp việc và khâu trung gian, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, việc sáp nhập các TAND cấp huyện sẽ khắc phục được tình trạng thừa - thiếu cục bộ, dàn trải, lãng phí về biên chế và nguồn lực, tạo cơ sở để tập trung cho chuyên sâu về nghiệp vụ cho cấp này. Đội ngũ cán bộ sẽ giảm nhiều chức danh lãnh đạo và biên chế phục vụ, từ đó tăng phân bổ biên chế cho hoạt động nghiệp vụ; khắc phục một bước tình trạng thiếu hụt biên chế và mất cần đối về cơ cấu chức danh tư pháp, bảo đảm sử dụng hiệu quả biên chế được giao. Chất lượng công tác sẽ được nâng cao hơn, nhất là trong bối cảnh Tòa án cấp huyện tập trung giải quyết, xét xử trên 80% số lượng vụ, việc theo thủ tục sơ thẩm. Sau đổi mới, Tòa án cấp huyện sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tổ chức được các Tòa chuyên trách với đội ngũ Thẩm phán có trình độ chuyên sâu và ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Đồng thời, việc tổ chức Tòa án cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính sẽ bảo đảm thực hiện tốt hơn nguyên tắc độc lập xét xử, bảo đảm Tòa án ban hành được các phán quyết công minh, công bằng, không bị can thiệp bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào, nhất là trong các vụ án hành chính.
Các cơ quan tư pháp cấp huyện (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án) tiếp tục tổ chức, thực hiện thẩm quyền như hiện nay và không bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi tổ chức của Tòa án. Do các TAND cấp huyện sau khi sáp nhập vẫn thực hiện thẩm quyền giải quyết vụ việc theo lãnh thổ phù hợp với pháp luật tố tụng hiện hành nên không làm xáo trộn, phát sinh, thay đổi tổ chức và thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trên địa bàn cấp huyện.
Đối với người dân, việc sáp nhập TAND cấp huyện sẽ giúp người dân được phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả hơn bởi đội ngũ Thẩm phán có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm hơn; Từ đó, chất lượng xét xử được bảo đảm tốt hơn. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người dân, trụ sở của các Tòa án bị sáp nhập sẽ được giữ lại một phần để duy trì các hoạt động tố tụng nhằm khắc phục việc người dân đi lại khó khăn khi tiếp cận Tòa án. Đồng thời, hệ thống Tòa án đã và đang áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp về công nghệ để giảm bớt chi phí, hạn chế việc người dân phải đi lại nhiều lần khi có công việc yêu cầu Tòa án giải quyết. □
Nguồn: Tạp chí Cộng sản số 969 (7-2021), tr.7.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn tại Quốc hội - Ảnh: Qh.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận