Dòng chảy liên tục của những con chữ

Nhân kỷ niệm 70 năm Tạp chí Tòa án nhân dân xây dựng và phát triển (1954 – 2024), Tạp chí TAND điện tử xin giới thiệu loạt bài về sự kiện đặc biệt này.

Trong tủ sách của Tạp chí Tòa án nhân dân hiện còn lưu trữ Nội san Tư pháp từ những năm đầu cho đến Tạp chí Tòa án nhân dân ngày nay, như một dòng chảy liên tục của những con chữ chứa đựng các kiến thức pháp lý, hướng dẫn trao đổi nghiệp vụ, nghiên cứu và hoạt động xét xử của Tòa án suốt 70 năm qua. Những cuốn Tạp chí đượm màu thời gian ấy giữ trong đó sự đóng góp của hàng hàng lớp lớp các tác giả và cả những biên tập viên, nhân viên thầm lặng "vô danh"... nên mỗi lần lần giở chúng tôi được trò chuyện với quá khứ, với các thế hệ người viết, có nhiều vị đã về cõi người hiền từ lâu, có người nổi tiếng, có người không nổi tiếng, có người từng được gặp gỡ thậm chí thân thiết, có người chỉ quen tên mà chưa một lần gặp mặt.

Nội san Tư pháp ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Việt Bắc, điều kiện khó khăn, thiếu thốn nên xuất bản bằng phương pháp in thủ công – in rô nê ô, tập san như bản đánh máy với khổ chữ khá lớn. Trong mỗi Nội san có “Lời dặn” rằng: “Nội san Tư pháp chỉ lưu hành trong nội bộ, giữa những Anh Em phụ trách các Tòa án”. Mấy năm sau, Tập san mới được in bằng phương pháp in ty pô hiện đại.

 Số 2 năm 1955, Nội san mở đầu bằng đăng toàn văn Sắc lệnh số 233/SL ngày 14/6/1955 về thành lập Tòa án nhân dân đặc biệt tỉnh, trong cải cách ruộng đất lúc bấy giờ. Đặc biệt số 3/1955 có mục Án lệ về hình sự, nêu vụ ca nô bị đắm trên sông Hồng thuộc địa phận xã Bộ Lĩnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 28/5/1955 “làm chết 56 người, gây thiệt hại 80 triệu đồng hàng hóa, gây căm phẫn rất lớn trong nhân dân”. Ngày 6/7/1955, Tòa án nhân dân Liên khu Việt Bắc đã tuyên phạt ba anh em Nguyễn Văn Dích, chủ ca nô; Nguyễn Văn Kính, thuyền trưởng mức án tù chung thân và Nguyễn Văn Khói, cũng là chủ ca nô 10 năm tù… Bài báo đăng nội dung vụ án, bản luận tội cũng như thảo luận của Hội nghị Tư pháp liên khu để “các đồng chí nhận xét, rút kinh nghiệm, xây dựng quan niệm chính xác về trách nhiệm hình sự và dân sự của chủ và người làm công trong các tai nạn vận tải”. Bản án lệ này thực chất là bản án án rút kinh nghiệm chung, không có “nội dung án lệ” như ngày nay.

Lần giở các trang Nội san chúng thấy các tác giả: Vũ Khiêm, Phùng Văn Tửu, Trần Công Tường, Nguyễn Quý Thái, Nguyễn Trác, Tạ Như Khuê…  Trong đó chúng ta biết rằng Luật gia Phùng Văn Tửu (1923-1997), sau này giữ cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, ông cũng là em trai của Thẩm phán Phùng Lê Trân nổi tiếng mà chúng tôi đã từng giới thiệu.

Ông Phùng Văn Tửu (1923-1997) từng làm Thẩm phán từ tháng  9/1946, sau đó được cử phụ trách Tòa án nhân dân huyện Hạc Trì (tỉnh Phú Thọ). Năm 1954, ông là Phó văn phòng Bộ Tư pháp, sau đó là Phó Hiệu trưởng trường cán bộ Tư pháp, Bí thư Đảng ủy nhà trường.

Ông là Trưởng đoàn chuyên gia pháp lý tại Campuchia (1980) sau đó là Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Pháp lý (nay là Đại học Luật Hà Nội). Tháng 6/1987 đến 1997  ông là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, khóa IX. Ông cũng là Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. 

Luật sư Trần Công Tường (1915 – 1990), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quyền Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đầu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Bộ trưởng. Ông là một trí thức có sự nghiệp đáng nể. Ông sinh tại Gò Công, Tiền Giang, những năm 1937-1940, ông học đại học văn học và chính trị tại Paris. Trong những năm 1940-1945, luật sư Trần Công Tường đã tích cực bênh vực quyền lợi của các chiến sĩ cách mạng và quần chúng yêu nước tại các tòa án ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Đà Lạt, Vĩnh Long, Đà Nẵng… Năm 1945, luật sư Trần Công Tường tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong ở Nam bộ, làm Chủ tịch Hội Trí thức và Công chức cứu quốc Nam bộ.

Ông Nguyễn Trác (1904-1986), quê xã Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam. Tháng 6/1927, ông tham gia hoạt động trong tổ chức Công hội đỏ ở hãng Grands Magasins Charner. Tháng 5/1933 ông bị Pháp kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ như: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao…

Cho đến 1959, Tập san Tư pháp do Tòa án nhân dân tối cao quản lý, “một đồng chí Phó Chánh án  được phân công phụ trách kiêm chủ nhiệm Tập san, có cán bộ chuyên trách tổ chức và chỉ đạo việc biên soạn”.

**

Tập san Tư pháp được đổi tên thành Tập san Tòa án từ tháng 1/1972. Trên số đầu tiên tháng 1 và 2 năm 1972 có Thông báo “Được sự đồng ý của Phủ Thủ tướng, từ tháng 1 năm 1972, Tập san Tư pháp đổi tên thành Tập san Tòa án. Việc này nhằm gắn chặt tên của tờ báo với tên và chức năng, nhiệm vụ của ngành Tòa án nhân dân. Tập san Tòa án được “Lưu hành trong các cơ quan nhà nước”.

Thông báo cho biết, ngoài những thể tài như cũ, Tập san mở thêm các chuyên mục như “Trao đổi kinh nghiệm”, “Gương tốt và “Tin vắn trong ngành”. Thông báo cũng đề nghị mỗi đơn vị Tòa án cấp khu, tỉnh, thành phố cử một cộng tác viên và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của các cộng tác viên.

Bài đầu tiên của Tập san năm 1972 là “Thư của đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Văn Bạch gửi cán bộ, nhân viên ngành Tòa án nhân dịp Tết Nhâm Tý (1972). Thư chừng 2500 chữ, như một bài báo hoàn chỉnh.  Sau khi điểm lại những sự kiện và thành tích năm 1971, Chánh án nhắc nhở về những thiếu sót, khuyết điểm chưa được khắc phục, đó là “lúng túng, sai sót hoặc chậm trễ, thiếu dân chủ, kém hiệu lực trong công tác”; rồi “trình độ của cán bộ còn hạn chế” dẫn đến “có những phiên tòa luộm thuộm, thiếu chính quy; có những việc xét xử chưa được chặt chẽ và sắc bén”… Có thể nói, thư chúc tết nhưng nội dung rất thiết thực, vừa bao quát vừa cụ thể.

Chánh án Phạm Văn Bạch, kiêm Viện trưởng Viện Luật học cũng là một tác giả, với các bài nghiên cứu về luật hình sự, luật tố tụng hình sự rất có giá trị. Những vấn đề lý luận được đặt ra và giải quyết trong các công trình này được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong công tác xét xử của ngành Tòa án lúc đó. Thậm chí, có quan điểm về đường lối xét xử, giải thích pháp luật hình sự vẫn có giá trị áp dụng trong hoạt động xét xử hiện nay.

Cho đến lúc đó, Tập san cũng chưa thấy ghi người phụ trách hay các biên tập viên. Tập san có những tác giả viết rất nhiều bài như: Vũ Kim, Kiều Xuân Lân, Nguyễn  Thế Giai, Nguyễn Xuân Dương, Lê Kim Quế, Phạm Liêm Sơn, Phạm Thái, Trịnh Khánh Phong…

Ông Trịnh Khánh Phong, là một Cử nhân Luật của Trường Luật Đông Dương, giáo viên Trường Toà án, ông được coi là nhà lý luận của Toà án lúc bấy giờ.  Ông viết nhiều bài cho Tập san, soạn giáo trình về Dân luật, ông cũng soạn Tố tụng dân sự sơ thẩm thực hành, một cuốn như sổ tay cho cán bộ Toà án. Ông là con người có nhiệt huyết… để lại ấn tượng tốt đẹp với đồng nghiệp.

**

Tháng 4/1984 Tập san Tòa án đổi tên thành Tập san Tòa án nhân dân - đến nay, vừa chẵn 40 năm. Đây là một giai đoạn Tạp chí phát triển về mọi mặt.

 

Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương chụp ảnh lưu niệm với Tập thể Tạp chí nhân Ngày BCVN 21/6 năm 1998

Bắt đầu từ số 1 năm 1990, sau 36 năm hoạt động, Tập san Tòa án nhân dân được nâng lên thành Tạp chí Tòa án nhân dân. Bìa 2 của Tạp chí Tòa án nhân dân số đầu tiên in hình Huân chương Lao động và nội dung: “Tạp chí Tòa án nhân dân – Cơ quan chỉ đạo việc vận dụng đường lối xét xử và hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao. Năm thứ 37. Tổng biên tập: Trịnh Hồng Dương. Trụ sở Ban biên tập: 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Dây nói: 64314”. Kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Trịnh Hồng Dương, Tạp chí Tòa án nhân dân bước vào một giai đoạn mới, đưa Tạp chí trở thành diễn đàn khoa học pháp lý, khoa học xét xử hàng đầu của hệ thống Tạp chí khối pháp luật, với chất lượng cao.

Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Tòa án nhân dân Trịnh Hồng Dương (1938-2008) sinh  tại thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; quê quán xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông có bằng Tiến sĩ luật hình sự, ông bảo vệ luận án (Phó) Tiến sĩ năm 1979 tại Liên Xô, với đề tài “Việc bảo vệ pháp lý hình sự về tài sản xã hội chủ nghĩa ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ông học trường Cán bộ Tòa án, sau đó trải qua các công tác: giáo viên Trường cán bộ Tòa án, cán bộ nghiên cứu của Tòa Hình sự, cán bộ Vụ tổng hợp, rồi trở thành Thẩm phán, lên đến Phó Chánh án (1983), rồi Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội… Phó Chánh án, rồi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (1997 – 2002).

Ông là người say mê nghiên cứu khoa học, từng được đánh giá là chuyên gia hàng đầu về nhiều lĩnh vực pháp luật, nhất là pháp luật hình sự. Với 7 năm (1990-1997) giữ cương vị Tổng Biên tập, ông cũng là người có thực tiễn áp dụng pháp luật đa dạng, phong phú hàng đầu của đất nước, nên những kiến thức và kinh nghiệm của ông khiến cho Tạp chí Tòa án nhân dân thật sự là “Cơ quan chỉ đạo việc vận dụng đường lối xét xử và hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao” – uy tín đặc biệt đối với một tạp chí chuyên ngành, đặt nền móng cho Tạp chí Tòa án nhân dân có được vị thế và cơ hội phát triển như ngày nay.

Ngay số đầu tiên, ngoài các tác giả kỳ cựu, tạp chí xuất hiện những tác giả trẻ, những Tiến sĩ Luật tài năng như Lê Cảm, Võ Khánh Vinh, Phạm Hồng Hải và các số sau đó có Đặng Quang Phương, Trần Văn Độ, Nguyễn Văn Hiện, Từ Văn Nhũ, Trần Văn Tú, Phạm Quý Tỵ, Trần Ngọc Đường, Phan Hữu Thư… tham gia viết bài. Tác giả Trà Linh, tức Tiến sĩ Trịnh Hồng Dương phụ trách dịch phần “Chuyện pháp luật nước ngoài” cho đến mãi sau này, khi có thêm bán nguyệt san Người bảo vệ công lý.

Các tác giả Đỗ Văn Chỉnh, Đinh Văn Quế, Tưởng Duy Lượng, Nguyễn Như Bích, Khuất Duy Hiệp,  Nguyễn Trọng Tỵ, Thái Công Khanh, Nguyễn Quang Lộc, Ngô Cường, Nguyễn Hùng Cường, Vũ Tiến Trí, Chu Minh, Nguyễn Sơn, Phạm Thanh Bình, Quách Thành Vinh, Mai Bộ, Nguyễn Đức Mai, Nguyễn Trí Tuệ, Phạm Minh Tuyên, Đỗ Đức Hồng Hà, Lê Văn Sua… là những tác giả thường xuyên có bài đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân.

Hiện nay, Tạp chí Tòa án nhân dân có đội ngũ cộng tác viên đông đảo, trong đó  nhiều tên tuổi được bạn đọc ghi nhớ như Nguyễn Hải An, Dương Tuyết Miên, Trịnh Tiến Việt, Đinh Thế Hưng…

Ngày 6 tháng 2 năm 2018, Tạp chí có thêm Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, là một kênh phát hành mới đáp ứng xu thế chuyển đổi số và nhu cầu của bạn đọc. Ngoài các tác giả đã cộng tác nhiều năm với Tạp chí bản in viết bài cho Tạp chí điện tử, Tạp chí điện tử có thêm nhiều cộng tác viên mới, khá trẻ. Có nhiều tác giả là giảng viên các cơ sở đào tạo Luật học như: Huỳnh Thị Nam Hải, Đặng Thanh Hoa, Hoàng Thị Loan, Lê Thị Mơ,  Lê Tường Vy, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trần Chí Thành, Liên Đăng Phước Hải, Nguyễn Hoàng Bá Huy… Các tác giả công tác trong khối tư pháp như Đoàn Thị Ngọc Hải, Nguyễn Quang Quý, Trần Thị Thu Hằng… Và nhiều tác giả công tác trong Tòa án các cấp như: Hoàng Quảng Lực, Lê Mạnh Hùng, Chu Thơm, Hà Viết Toàn, Dương Tấn Thanh, Phan Thành Nhân, Trần Văn Hùng, Võ Văn Bình, Nguyễn Xuân Bình, Nguyễn Hải Phong, Đinh Thị Thùy, Nguyễn Hồng Thắm, Nguyễn Thị Hồng Ngọc… Các cộng tác viên viết bài mục Trao đổi ý kiến cũng rất đông đảo.

**

Cùng với thời gian, nhiều tác giả đã giành những thành tựu cao trong nghiên cứu khoa học và công tác, mà Tạp chí Tòa án nhân dân còn in dấu quá trình trưởng thành đó của mỗi tác giả qua các bài viết trải nhiều năm tháng. Tác giả Nguyễn Văn Hiện sau này làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các tác giả Đặng Quang Phương, Trần Văn Độ, Nguyễn Như Bích, Từ Văn Nhũ, Trần Văn Tú, Tưởng Duy Lượng, Nguyễn Sơn, Nguyễn Trí Tuệ giữ cương vị Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Tác giả Đinh Văn Quế trở thành chuyên gia có danh tiếng về hình sự, có nhiều công trình xuất bản được bạn đọc đánh giá cao… GS.TSKH Lê Cảm là chuyên gia hàng đầu về  pháp luật hình sự, ông đã công bố 310 công trình khoa học, gồm 45 sách và các bài báo khoa học. Công trình mới nhất của ông là “Pháp luật hình sự Việt Nam từ thế kỷ X đến nay – Lịch sử và thực tại” được giới nghiên cứu luật học quan tâm.

Và những người thuyền trưởng cầm lái con tàu Tạp chí Tòa án nhân dân, tiếp sau Tổng biên tập Trịnh Hồng Dương là các Tổng Biên tập: Nguyễn Gia Cương, Ngô Cường, Lê Hồng Quang,  Lê Phúc Hỷ (phụ trách), Nguyễn Thị Thanh Thủy và nay là Trần Quốc Việt đã kế tiếp nhau đưa Tạp chí phát triển theo đòi hỏi của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.

Và còn rất nhiều anh chị em từ biên tập viên, phóng viên đến nhân viên đã âm thầm đóng góp cho Tạp chí Tòa án nhân dân, cho Người bảo vệ công lý… nhưng tên của họ không được ghi trên xuất bản phẩm. Lớp trước có lớp sau kết tiếp, cứ như thế Tạp chí đã viết nên lịch sử 70 năm và đang tiến về phía trước với những đòi hỏi ngày càng cao.

NGUYỄN PHAN KHIÊM