Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước

Sáng 5/4, với 468/468 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước và bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trưởng Ban Kiểm phiếu Nguyễn Thanh Hải công bố kết quả kiểm phiếu và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

 

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ

Đúng 9 giờ sáng, Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi thức tuyên thệ. "Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra sức công tác để hoàn thoành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán tại Quảng Nam. Trình độ lý luận chính trị Cao cấp, trình độ chuyên môn Cử nhân kinh tế. Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã từng trải qua nhiều vị trí công tác tại Quảng Nam - Đà Nẵng.  

Từ năm 2001 - 2004, ông Nguyễn Xuân Phúc là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa VIII; Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam khóa VI; đại biểu Quốc hội khóa XI; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI; kiêm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam.

Từ năm 2004 - 2006, ông Nguyễn Xuân Phúc là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa IX; Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam khóa VII; đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VII; đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khóa XI.

Từ tháng 3/2006 - 5/2006, ông Nguyễn Xuân Phúc là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.  

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từ tháng 6/2006 - 8/2007, ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X; Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Văn phòng Chính phủ; Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Ngân sách của Quốc hội khóa XI.

Từ tháng 8/2007 - 1/2011, ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X; Bí thư Đảng ủy Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Từ tháng 1/2011 - 7/2011, ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI; Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Từ tháng 8/2011 - 4/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt - Lào; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ; Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương…

Từ tháng 4/2016 - 7/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông - Hải đảo, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực…

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trong phiên họp ngày 2/4, Quốc hội đã tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả miễn nhiệm Thủ tướng có 475 đại biểu có mặt trên tổng số 480 đại biểu, có 475 phiếu phát ra, 475 phiếu thu về; trong đó có 475 phiếu hợp lệ, 435 phiếu đồng ý (bằng 90,62% tổng số đại biểu Quốc hội), 40 phiếu không đồng ý (bằng 8,33% tổng số đại biểu Quốc hội).  

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.

PVC