Dự kiến kéo dài tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm đối với viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao trong đơn vị sự nghiệp công lập

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 9311/VPCP-TCCV ngày 21/12/2021 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Bài viết sau đây giới thiệu những nội dung chính của dự thảo Nghị định.[1

1. Sự cần thiết ban hành Nghị định

Việc ban hành Nghị định của Chính phủ để quy định thống nhất việc kéo dài thời gian công tác đối với người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao làm việc trong tất cả các lĩnh vực sự nghiệp nếu có nhu cầu là cần thiết vì những lý do sau đây:

- Khoản 4 Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Luật Viên chức không quy định về việc kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu để làm chuyên môn đối với viên chức. Tại khoản 3 Điều 46 Luật Viên chức quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập có thể ký hợp đồng vụ, việc với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng; trong thời gian hợp đồng, ngoài khoản thù lao theo hợp đồng, người đó được hưởng một số chế độ, chính sách cụ thể về cơ chế quản lý bảo đảm điều kiện cho hoạt động chuyên môn do Chính phủ quy định”.

- Luật Giáo dục đại học năm 2012 (ban hành sau Luật Viên chức) quy định: Giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, đồng thời cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu” (Khoản 4 Điều 56).

- Tại Điều 9 Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định: Giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài  thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm. Trong thời gian làm việc kéo dài được xác định là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác theo quy định đối với giảng viên.

- Tại Điều 9 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ quy định: Cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xem xét kéo dài thời gian công tác để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và không giữ chức vụ quản lý. Thời gian công tác kéo dài không quá 10 năm đối với giáo sư, người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I là tiến sĩ khoa học; không quá 7 năm đối với phó giáo sư, người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I; không quá 5 năm đối với người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng II là tiến sĩ. Trong thời gian công tác kéo dài, các đối tượng này được hưởng lương, các chế độ, chính sách theo quy định và có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì hiện nay mới chỉ có quy định về việc kéo dài thời gian công tác để làm chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, trong khi đó đối với lĩnh vực sự nghiệp khác chưa được thực hiện (y tế, văn hóa thể thao, nông nghiệp và phát triển nông thôn...). Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định “Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao” có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác và giao Chính phủ quy định cụ thể.

2. Kết cấu dự thảo Nghị định

Nghị định gồm 3 chương, 08 điều, cụ thể như sau:

- Chương I: Quy định chung, bao gồm 2 điều (Điều 1 và Điều 2), quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

- Chương II: Quy định cụ thể, bao gồm 3 điều (từ Điều 3 đến Điều 5), quy định về nguyên tắc; điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xem xét, quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn; chế độ, chính sách đối với viên chức được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

- Chương III: Điều khoản thi hành, bao gồm 3 điều (từ Điều 6 đến Điều 10), quy định về điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

3. Nội chính của dự thảo Nghị định

3.1. Về đối tượng áp dụng

Theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Giáo dục đại học 2012 thì giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, đồng thời cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.

Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 không quy định cụ thể về đối tượng được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP thì các trường hợp kéo dài thời gian làm việc gồm có: Giáo sư, người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I là tiến sĩ khoa học; Phó giáo sư, người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I; Người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng II là tiến sĩ.

Để bảo đảm tính thống nhất về đối tượng thực hiện kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, kế thừa quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị quy định các trường hợp kéo dài tại dự thảo Nghị định là viên chức có trình độ Tiến sĩ, viên chức có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư.

Ngoài các nhóm đối tượng nêu trên, hiện nay, trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần do đặc thù trong công tác chuyên môn (thời gian đào tạo dài, phải có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực) và tính chất công việc phức tạp, độc hại, nguy hiểm, ... nên nguồn nhân lực công tác trong lĩnh vực này rất ít và khó khăn trong tuyển dụng. Do vậy, việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức được bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần cũng cần thiết. Theo đó, dự thảo Nghị định có quy định thêm đối với đối tượng này.

3.2. Về thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn

Theo quy định tại khoản 4 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định: "Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ".

Thực hiện quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu, theo đó tại Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP đưa ra bảng lộ trình thực hiện tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện bình thường.

Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng không quy định cụ thể thời gian kéo dài.

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 không quy định kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Tại Nghị định số 141/2013/NĐ-CP (thực hiện Luật Giáo dục đại học) và Nghị định số 40/2014/NĐ-CP (thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ) đều quy định cụ thể về thời gian kéo dài (10 năm đối với Giáo sư, 07 năm đối với Phó giáo sư và 05 năm đối với Tiến sĩ).

Như vậy, việc kéo dài đối với viên chức lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ có thời gian dài hơn so với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kéo dài thời gian công tác, cũng như bảo đảm tương quan trong việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong tất cả các ngành, lĩnh vực, dự thảo Nghị định quy định thống nhất: Việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính ổn định của đội ngũ, cũng như việc thực hiện các quy định của pháp luật về kéo dài thời gian công tác tại các Nghị định của Chính phủ trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, dự thảo Nghị định có quy định về điều khoản chuyển tiếp: Viên chức giữ chức danh giảng viên của cơ sở giáo dục đại học công lập hoặc viên chức giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập đã được cấp có thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian làm việc theo quy định của pháp luật từ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức theo từng năm thì tiếp tục thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm thời gian kéo dài không quá 05 năm tính theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.

3.3. Về chế độ, chính sách đối với viên chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn

Dự thảo Nghị định quy định thống nhất viên chức khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ. Việc quy định như trên bảo đảm nguyên tắc theo quy định của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP (không hưởng phụ cấp chức vụ khi không còn giữ chức vụ quản lý).

Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định trong thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu viên chức có nguyện vọng nghỉ làm việc hoặc nghỉ hưu thì được giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật, để bảo đảm quyền của viên chức về nghỉ việc, nghỉ hưu.

3.4. Về trình tự, thủ tục xem xét, nghỉ hưu ở tuổi cao hơn

Để thực hiện việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn cần thực hiện thống nhất theo trình tự:

- Thứ nhất, đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ định hướng phát triển và tình hình nhân lực của tổ chức, thông báo chủ trương và nhu cầu kéo dài thời gian công tác.

- Thứ hai, viên chức đáp ứng các điều kiện quy định, có đơn đề nghị kéo dài thời gian công tác, gửi cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý quyết định kéo dài trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 06 tháng.

- Thứ ba, cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý quyết định kéo dài xem xét, đánh giá các điều kiện của viên chức có nguyện vọng được kéo dài thời gian công tác và quyết định.

- Thứ tư, quyết định kéo dài thời gian công tác được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 03 tháng.

Dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương; đã được Bộ Tư pháp thẩm định ngày 16/02/2022 và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ./.

 

Lĩnh vực y tế, văn hóa thể thao, nông nghiệp và phát triển nông thôn... hiện chưa có quy định kéo dài thời gian công tác (Hướng dẫn sinh viên thực tập lâm sàng - Ảnh: Trường Đại học Phan Châu Trinh (PCTU) 

 

[1] Bài viết được tổng hợp từ nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Thẩm định dự thảo Nghị định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3401, truy cập ngày 11/02/2022.

ĐÔ THÀNH